Thắp nén hương cho Huế
Mậu Thân – 1968, Thảm sát ở Huế, Tổng tiến công-Tổng nổi dậy, Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa, tiêu đề của rất nhiều nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau từ 1968 đến nay. Đã có rất nhiều trang giấy viết về Tết Mậu Thân. Bốn mươi năm sau, giới truyền thông có thông tin gì mới hay đã không còn quan tâm? Và các nhà nghiên cứu, các học giả, có nhận định phân tích nào khác, đáng chú ý? Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay nhận định thế nào về sự kiện Tết Mậu Thân 1968 và cuộc thảm sát ở Huế?
Đại đa số tài liệu, nhận định thường có một số ghi nhận chung: cuộc tổng công kích Mậu Thân là cú đánh bất ngờ; phe cộng sản thiệt hại nặng, nhưng thắng về mặt tuyên truyền dù không đạt được mục đích toàn chiếm miền Nam bằng tổng nổi dậy của quần chúng; hình ảnh thảm khốc của chiến tranh vào tận phòng khách của dân chúng Hoa Kỳ; Mỹ và miền Nam Việt Nam chưa thua nhưng tổn thất nặng nề; tài liệu về biến cố Mậu Thân của phía Cộng sản Việt Nam (Việt Cộng) vẫn còn nằm trong tủ hồ sơ kín.
Trong đa số các thư mục về cuộc tổng tấn công cách đây đúng 40 năm, hay về chiến tranh Việt Nam nói chung, thường liệt kê rất nhiều những tài liệu, bài viết, nhận định phân tích đã nổi tiếng và đã là những “sound bite” những hình ảnh được giới truyền thông chuyển đi như những hình ảnh tiêu biểu của về chiến tranh Việt Nam.
Cả thế giới đều đã biết đến những “thông tin” đó. Một là tấm hình của Eddie Adams chụp ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu cán binh Việt Cộng Nguyễn Văn Lém ở Chợ Lớn vào ngày mồng 4 Tết Mậu Thân (01/02/1968), hai là lời phát biểu cho là của một sĩ quan Mỹ ở Bến Tre, “We had to destroy the town in order to save it”, ba là tấm ảnh một em bé gái trần truồng khóc thét chạy trốn Mỹ đánh bom napalm vào thường dân ở Trảng Bàng.
Bốn mươi năm đã qua, sự thật về biến cố lịch sử năm Mậu Thân đã được lần lượt đưa ra ánh sáng; Tuy thế, những ảnh hưởng tiêu cực vì thất bại của giới truyền thông thế giới nói chung và Mỹ nói riêng về cuộc tổng công kích Mậu Thân (và cuộc chiến Việt Nam nói chung) vẫn còn vương vất, tồn đọng qua một số bài viết nhân dịp đảng cộng sản Việt Nam tổ chức kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa.
Giới truyền thông – những hình ảnh, thông tin không trung thực
Bé gái trần truồng, quân Mỹ thô bạo – Trong chiến tranh Việt Nam, Tấm hình chụp Kim Phúc bị phỏng, trần truồng chạy tránh bom napalm do nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972, khi quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam gần hết. Chính Nick Út cho hay cuộc đánh bom ở Trảng Bàng do Không quân Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của đơn vị tại mặt trận. Những nhân chứng khác là phóng viên đài truyền hình UPI, Christoper Wain, và ký giả của Associated Press, Peter Arnett (1).
Sau chiến tranh, Hà Nội muốn dùng Kim Phúc để tiếp tục tuyên truyền với thế giới. Kim Phúc khước từ, sau đó thoát ly sang khối tự do và hiện sống tại Toronto, Canada.
Tội phạm chiến tranh – Tấm hình chiếm giải Pulitzer Ảnh về Tin ngắn và giải Nhiếp ảnh Báo chí Thế giới năm 1969, nhiếp ảnh gia Eddie Adams đã nói nhiều lần trong cuộc phỏng vấn với National Public Radio (NPR), trong điếu văn Tướng Loan trên Tạp chí Time, và ở cả cuộc phỏng vấn (2) với David Culbert, một sử gia tại Louisiana State Univerity.
“Ông Tướng giết Việt Cộng. Tôi giết ông Tướng bằng máy ảnh của tôi… Ảnh là vũ khí mạnh nhất thế giới. Người đọc tin vào ảnh, nhưng ảnh cũng gian dối, ngay cả khi không bị cạo sửa.”
(Eddie Adams, Time Magazine, 24/06/2001).
“Ảnh, chỉ là nửa sự thật, chỉ thấy một chiều”
(Eddie Adams, NPR)
“Tướng Loan qua đời vào tháng 7, 1998, cũng như tấm hình đã hại đời ông, đa số những sơ lược tiểu sử người chết cũng chỉ là những tấm ảnh phiến diện, không khoan dung.”
(Jonah Goldberg, There Are Tears in My Eyes, 26/08/1999)
Ediie Adams tại Việt Nam. I’m sorry. There are tears in my eyes (Eddie Adams gởi tướng Loan). Nguồn: nppa.orgTrả lời David Culbert, Eddie Adams cho biết 3 người cùng Eddie vào Chợ Lớn săn tin ngày 1 tháng 2, 1968 là ký giả (Howard Tuckner), người quay phim (Võ Sửu) và người thu thanh; cả ba là nhân viên của hãng truyền hình NBC.
Trên đường trở lại khách sạn sau khi chụp ảnh quay phim cuộc giao tranh nhỏ ở một ngôi chùa trong Chợ Lớn, đoàn ký giả, nhiếp ảnh viên chợt thấy Nguyễn Văn Lém (Trung uý Việt Cộng bí danh Bảy Lốp) bị bắt dẫn đi; Như thói quen của một nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp, Eddie Adams chụp hình tù binh Bảy Lốp.
Khi xe của nhóm phóng viên sắp rẽ sang đường khác, bất chợt xuất hiện trên bên trái khung ảnh của Eddie Adams là Đại Tá Loan (trong bài phỏng vấn, Eddie Adams nhớ lầm Chuẩn tướng Loan là Đại tá – TGT) bước đến trước mặt Bảy Lốp rút súng bắn vào đầu cán binh Nguyễn Văn Lém. Vài ngày sau đó Eddie Adams mới biết thêm Bảy Lốp bị bắt trên lầu 2 của toà nhà cao tầng tại mặt trận ở Chợ Lớn sau khi vừa giết chết một cảnh sát. Thật ra cả gia đình của viên sĩ quan thân tín của Tướng Loan đã bị Bảy Lốp giết (3).
Khi bấm máy ảnh chụp hình Bảy Lốp và Tướng Loan, Eddie Adams vẫn ngỡ rằng cũng nhiều lần khác, đây chỉ là một cách doạ – kê súng vào đầu khi hỏi cung tù binh – thường xảy ra.
Tướng Loan quay sang nói với Eddie “Họ giết nhiều người Mỹ các anh và nhiều lính của tôi rồi.”
Cảm tưởng của Eddie hôm mồng hai Tết Mậu Thân: một người bị bắn − Chuyện thường ngày ở chiến trường Việt Nam thời đó. Mỗi ngày nhìn thấy hàng hàng lớp lớp những bao xác người chồng chất lên nhau, mãi rồi ai cũng xem thường và chấp nhận mình có thể chết bất kỳ lúc nào tại Việt Nam.
Hình của Eddie Adams chụp được AP chuyển đi; AFP đưa tin 8 cột báo và cả thế giới đồng loạt ca bản “chiến tranh tàn nhẫn”, “vi phạm công ước Geneva về tù binh”, “Tội phạm chiến tranh”, v.v… Khúc phim của NBC do cameraman Võ Sửu thu hình cũng ngập tràn phòng khách của người Mỹ.
Chợ Bến Tre (circa 1967-68). Nguồn: © PapaSharky“It became necessary to destroy the town in order to save it” – Nguồn gốc của câu tuyên bố “nổi tiếng” này là bài tường trình từ Bến Tre của Peter Arnett (AP) ngày 7 tháng 2, 1968. Theo Mona Charen, đầu đuôi câu chuyện như sau (4).
Trong một trận đánh ở thị xã Bến Tre năm 1968, một đơn vị 12 lính Mỹ chỉ với vũ khí cá nhân phải chống cự với hoả lực của cộng sản Việt Nam trong suốt hai ngày hai đêm. Hoả lực của Việt Cộng đã giết nhiều thường dân và huỷ hoại một phần của thủ phủ tỉnh Kiến Hoà. Sau đó, các binh sĩ Mỹ đã được giang thuyền giải thoát khỏi vòng vây. Vài ngày sau khi an ninh đã trở lại, Peter Arnett được phi cơ quân sự đưa vào thị xã.
Tại Bến Tre, Arnett đã phỏng vấn hai sĩ quan hiện diện là Thiếu tá lục quân Phil Cannela – sĩ quan cố vấn, trách nhiệm tại hiện trường – và Thiếu tá Không quân Chester L. Brown. Cannela tin rằng chính ông là sĩ quan mà Arnett đã trích lời trong bản tin (5) về mặt trận Bến Tre. Tuy nhiên Thiếu tá Cannela tin rằng phát biểu của ông đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh. Cannela nhớ đã nói với Arnett rằng Việt Cộng đã phá huỷ thị xã và đó là điều đáng tiếc (“Vietcong had destroyed the town and that was a shame”). Nhưng phóng sự của Peter Arnett cho người đọc hiểu rằng Mỹ đã pháo nát Bến Tre (6) và chỉ ghi người tuyên bố câu “It became necessary to destroy the town in order to save it” là một Thiếu tá “không tên tuổi” (unidentified).
Năng nổ đưa những loại “tin” như quân lính Mỹ thô bạo đánh bom, rót pháo đốt làng giết dân, tướng VNCH là tội phạm chiến tranh, nhưng cả làng truyền thông Hoa Kỳ và thế giới không có đến một tấm ảnh, không một lời bình luận, không một thước phim về hàng trăm người miền Nam Việt Nam bị cán binh cộng sản bắn, giết ngay những ngày Tết ở Sài Gòn hay về những mồ chôn người tập thể ở Phú Cam, Gia Hội, …
Cân bằng, trung thực của báo giới truyền thanh và truyền hình về cuộc chiến và Mậu Thân 1968 là như thế.
Không phải giới truyền thông chỉ mù và điếc trong giai đoạn “Tổng tiến công, tổng nổi dậy” hay thời gian sau đó; Cả thế giới dường như đều không muốn biết đến Thảm sát Mậu Thân vì biết mà không lên tiếng lên án thủ phạm thì thẹn với lương tâm. Và nếu phải nói sự thật thì còn gì là “thời thượng” nữa. Đó là thời đại của “flower child” cởi truồng nghe nhạc ngoài trời, thời của phản chiến, của “make love, not war”, v.v…
The Big Story
Chín năm sau Tết Mậu Thân, hai năm sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, “The Big Story” ra mắt độc giả Hoa Kỳ. Cuốn sách mang tựa đề “The Big Story: How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet 1968 in Vietnam and Washington” do Westview Press xuất bản lần đầu năm 1977, và Yale University Press tái bản lần thứ 2, và thứ 3 năm 1983 và 1986. Ấn bản sau cùng, 632 trang, do Presidio Press phát hành năm 1994.
The big story. Nguồn: bibl.u-szeged.hu & loc.gov
The Big Story góp một phần không nhỏ làm sáng tỏ trang lịch sử Mậu Thân lấy dữ kiện thay cho ấn tượng, thay lời phỏng đoán bằng những phân tích không thiên vị. Cuốn sách là một nghiên cứu đồ sộ về vai trò của giới truyền thông trong sự kiện quân sử quan trọng của Việt Nam.
Công việc sau cùng của Peter Braestrup (1929-1997) (7), tác giả “The Big Story”, là Biên tập viên thâm niên và Giám đốc Truyền thông của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trước đó Braestrup là sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ tại Korea, là phóng viên kinh nghiệm ở chiến trường Algeria và Việt Nam.
Trong tập sử liệu truyền khẩu “Oral Histories – Peter Braestrup” (8), tại thư viện và viện bảo tàng Lyndon Baines Johnson, tác giả The Big Story trả lời phỏng vấn (67 trang) với Ted Gittinger đã nói về kinh nghiệm của mình khi là phóng viên chiến trường tại Việt Nam. Sau đây là một vài điểm liên quan đến cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào dịp Tết Mậu Thân, 1968.
Tại Việt Nam, Peter Braestrup là trưởng phòng thông tấn ở Sài Gòn của tờ Washington Post từ 15 tháng Giêng, 1968, hai tuần truớc khi Việt Cộng mở chiến dịch Tổng Tiến Công Tổng Nổi Dậy. Trước khi Braestrup sang làm trưởng phòng, tại Sài Gòn, Washington Post chỉ có một nhân viên Việt Nam và một phóng viên trẻ nguời Mỹ, 29 tuổi lần đầu đi công tác hải ngoại, vừa sang Việt Nam khoảng 6 tháng trước đó là Lee Lescaze (9). Lý do Executive Editor, Benjamin Bradlee, của Washington Post tăng cường thêm nhân viên tại Sài Gòn, theo Braestrup, vì phàn nàn của Joe Alsop (10), một columnist có ảnh hưởng lớn tại Washington, D.C. – bài cuả Joe Alsop đăng tải trên hơn 300 tờ báo ở Mỹ. Braestrup được Joe Alsop “phỏng vấn” tại Bangkok trước khi gặp Bradlee. Trách nhiệm của Braestrup tại Sài Gòn với tờ Washington Post rất đơn giản, Bradlee chỉ thị: “Tôi chỉ muốn một phóng viên viết thẳng và anh viết những gì anh thấy.”
Một trong những “vấn đề” của giới truyền thông Mỹ tại Việt Nam khi cộng sản mở cuộc tổng tấn công Mậu Thân là nhân lực. Số ký giả tại chiến trường quá ít, nhân sự không được như cuộc tấn công mùa hè 1972, do đó thông tin, phân tích, nhận định không phong phú như tin tức chiến trường hè 1972. Về biến cố Mậu Thân, tạp chí Time là cơ sở truyền thông có cố gắng lớn nhất, thực hiện những phân tích dựa theo thông tin từ chiến trường khắp miền Nam Việt Nam. Cả tháng trời sau ngày Việt Cộng mở cuộc tổng tấn công, ký giả Hoa Kỳ vẫn không có đủ dữ liệu về kết quả thực sự của chiến trường để xác định “Tổng tiến công, tổng nổi dậy” là thất bại lớn của quân cộng sản Việt Nam về mặt quân sự. Trong thời gian đó, người duy nhất cho rằng Việt Cộng đã thất bại quân sự là Đại sứ Bunker; ngay cả Tướng Westmoreland cũng chỉ xác định quân cộng sản thua lớn (như Đức thua ở mặt trận Ardennes, năm 1944) trong một cuộc trả lời phỏng vấn với AP vào 22 tháng 2, 1968. Cùng lúc, đa số ký giả Mỹ, dù không đủ thông tin, đã đưa tin và nhận định về tình hình chiến sự Mậu Thân rất bi quan và bất lợi cho Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) và đồng minh.
Một “vấn đề” khác của truyền thông Mỹ tại Sài Gòn, theo Braestrup, là giới truyền hình. Braestrup cho rằng trong nhóm truyền hình Mỹ tại Việt Nam chỉ có vài người đáng được gọi là ký giả. Giới truyền hình Mỹ, nói chung, chỉ muốn làm “phim chiến tranh” với giọng thuyết minh đầy kịch tính. Cuộc chiến Việt Nam trên màn hình TV Mỹ là sản phẩm như của Holywood; Đồng lương to, studio mới, ngoại hình bắt mắt quan trọng hơn sự thực ở chiến trường.
Giới truyền thông Mỹ thất bại trong trách nhiệm thông tin về cuộc “Tổng tiến công, Tổng nổi dậy” vì cách sử dụng thông tin đã có, do thiếu thông tin cần phải có lúc đó, và do không có thông tin nhưng vẫn làm như đã có, v.v…
Báo cáo “Đưa tin sai gây bất hạnh cho hàng triệu người” của tổ chức Chính xác trong Truyền thông (11) cũng nhắc lại trong cuốn “The Big Story”, Braestrup đã cho thấy tại sao sự thất bại lớn của Việt Cộng ở chiến trường và thất bại của giới truyền thông Mỹ đã trở thành thất bại của Hoa Kỳ tại chính trường và mặt trận chiến tranh tâm lý với quần chúng Mỹ. Theo Braestrup, trong lịch sử chiến tranh Việt Nam câu “phải tiêu huỷ Bến Tre” là một “tuyên bố” bị lạm dụng, nhào nặn, bóp méo, vo tròn nhiều nhất trong các cuộc tranh cãi ở Hoa Kỳ và vẫn được dùng như câu thần chú mỗi khi nói đến chiến tranh Việt Nam…
“Thượng nghị sĩ Albert Gore dùng lại (“câu tuyên bố Bến Tre”) như sau, ‘Một chiến thắng quân sự chỉ có thể có được sau khi tiêu huỷ những gì chúng ta muốn cứu vơt’. TNS Gore nói về Huế, ‘Các sĩ quan Thủy quân lục chiến đã thú nhận, có thể chúng ta sẽ phải phá huỷ cổ thành để cứu Huế’. Drew Pearson, một ký giả truyền thanh nổi tiếng ở Washingon, đã nói (lại) như sau, “Một cách khác, để cứu Việt Nam, chúng ta phải gần như huỷ diệt nó.’ Tờ tuần báo The New Republic (sau tháng 3, 2007 đã trở thành bán nguyệt san) – một cơ quan truyền thông ủng hộ cánh trung tả – đã “nhuận sắc” câu tuyên bố Bến Tre thành câu tuyên bố của Thiếu tá Chester L. Brown of Erie, Pennsylvania với AP là ‘it became necessary to destroy the town in order to save it’ và ‘đáng thương thay cho dân chúng (Bến Tre – TGT).’
Sự thật Bến Tre có bị thiêu huỷ không? Sáu tuần sau bài của Peter Arnett, William Touchy của tờ Los Angeles Times viết:
“Chỉ có 25% chứ không phải 80% thị xã bị tiêu huỷ, như tin đã đưa trước đây, vì cuộc tấn công của Việt Cộng, vì pháo của quân lực VNCH và bom của không lực Mỹ sau đó. Và toán cố vấn Mỹ đã nghi ngờ câu tường thuật (của Peter Arnet) được viết tại Bến Tre. ‘Nó quá súc tích và khéo léo để có thể là câu viết ngay tại chỗ,’ một cố vấn Mỹ nói, ‘Nghe nó sai làm sao đó.’”
Peter Arnett. Nguồn: pbs.org
Peter Arnett đã từ chối không cho Braestrup biết viên Thiếu tá ở Bến Tre là ai viện cớ ông ta còn tại ngũ. Đến nay câu chuyện Bến Tre vẫn là như thế. Braestrup qua đời từ năm 1997. Đã 73 tuổi, Arnett sẽ tiếp tục giữ im lặng đến khi nào? Vì ngày nay ông không thể viện cớ “Thiếu tá Bến Tre” vẫn còn phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ nữa. Hy vọng ký giả nổi tiếng của AP, người lãnh giải Pulitzer 1966, người phỏng vấn Bin Laden 1997 sẽ không để trường báo chí của Viện Kỹ thuật miền Nam New Zealand mang tên một người quỵt nợ lịch sử.
Còn rất nhiều những sai lầm và thiếu sót của giới truyền thông về Tết Mậu Thân và cuộc chiến Việt Nam mà câu chuyện “tiêu huỷ Bến Tre” chỉ là một.
Sự thật Mậu Thân là quân đội VNCH và đồng minh đã thành công bảo vệ miền Nam Việt Nam, tiêu diệt lực lượng cán binh cộng sản nằm vùng – không thể gượng dậy là một lực lượng quân sự tham chiến như trước – sau đó quân đội chính quy Bắc Việt phải trực tiếp thay thế ở chiến trường và họ cũng đã phải đợi 4 năm sau mới mở được một cuộc tấn công lớn khác vào mùa hè 1972.
Dù đã không thành công trên chính trường và trong cuộc vận động với thế giới, dù bị báo chí, truyền hình Mỹ đã thông tin thiếu sót, thiên vị và bất lợi nhưng quân đội VNCH và đồng minh chắc chắn đã thắng ở chiến trường Mậu Thân. Đây là điều đã được minh xác trong các tài liệu quân sử của nhiều học giả nước ngoài nhưng cũng cần được xác định trong lịch sử Việt Nam, đối với nhân dân Việt Nam hôm nay và mai sau.
Những bất cập trong cách thông tin của giới truyền thông Mỹ năm 1968 không chỉ gây ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam trong biến cố Mậu Thân mà đã góp phần không ít vào kết quả cuộc chiến, tình hình chính trị, xu hướng phản đối Mỹ tham chiến tại Việt Nam dẫn đến sự sụp đổ của vào tháng 4, 1975.
____________________Chú thích :
(1) The Myth Of The Girl In The Photo, Ronald N. Timberlake, November 1997.
(2) Transcript, Eddie Adams Interview, by David Culbert (theo Ed Moïse). Virtual Vietnam Archive, of the Vietnam Project, at Texas Tech University. Online: http://snipurl.com/20tha [star_vietnam_ttu_edu], February 15, 2008.
(3) Tấm ảnh đó “kết tinh sự tàn nhẫn của chiến tranh nhưng không hề cho biết hoàn cảnh để hiểu rõ sự kiện.” Bùi Diễm, In the Jaws of History. Bloomington IN: Indiana University Press, 1999.
(4) Useful Idiots, How liberals get it wrong in the cold war and still blame America first, Mona Charen, Regnery Publishing, February 2003, p33.
(5) Trích đoạn New York Times, February 8, 1968: “The Vietcong had people all over this town,” said majoy Phillip Cannela. … “Christ, they were everywhere…. They had apparently infiltrated most of the town; they were probably living with the people. It was Tet and there were plenty of strangers in town.”
(6) Trích đoạn New York Times, February 8, 1968: “Bến Tre was pulverized by U.S. firepowere. “It became necessary to destroy the town in order to save it,” an unidentified U.S. Major explained…”
(7) Peter Braestrup (1929-1997) – Journalist; Time magazine 1953-1957; New York Herald-Tribune, 1957-1959; Nieman Fellow at Harvard University 1959-1960; New York Times, 1960-1968; Saigon bureau chief, Washington Post, 1968-1973; Woodrow Wilson International Center for Scholars, 1973-1989; founded the Wilson Quarterly, 1976; Senior Editor and Director of Communications, Library of Congress, 1989-1997. Online: http://snipurl.com/20tgl [www_lbjlib_utexas_edu], February 15, 2008.
(8) Transcript, Peter Braestrup Interview, March 1, 1982, by Ted Gittingerr, 64 pages, LBJ Library. Online: http://snipurl.com/20tgn [www_lbjlib_utexas_edu], February 15, 2008.
(Last Updated November 26, 2007).
(9) Lee Lescaze, Editor And a Reporter, 57. Online: http://snipurl.com/20the [query_nytimes_com] February 15, 2008.
(10) Joseph Alsop. Online: http://snipurl.com/21g61 [en_wikipedia_org] , February 15, 2008. Chính Joe Alsop là ký gỉa đầu tiên phát hiện và đưa tin về việc quân đội cộng sản chính quy miền Bắc đã phải thay thế nhiều đơn vị Việt Cộng miền Nam sau Tết Mậu Thân. Joe Alsop sang Việt Nam trong khoảng 1966-68, mỗi năm hai lần, mỗi lần khoảng 1 tháng. Joe Alsop thường ở nhà của Đại sứ Bunker hay khách sạn Majestic; Nhưng thay vì chỉ ngồi nhậu và tán phét ở Sài Gòn, Joe Alsop thực sự là một ký gỉa xông xáo ở hiện trường, đi lấy thông tin từ sát mặt trận, đến nhiều nơi, phỏng vấn dân chúng sau Tết Mậu Thân, đi trực thăng ra Khe Sanh trước khi có cuộc tấn công, uống thuốc ngủ ở chiến truờng để khỏi phải nghe pháo đêm của quân CSVN ở đây. (Transcript, Peter Braestrup Interview)
(11) Misreporting that doomed millions, Red Irvine – Editor, Aust B, 1977, Accuracy in Media. Onlien: http://snipurl.com/21h4x [www_aim_org], February 15, 2008.