Báo chí thế giới 40 năm sau “Tet Offensive”
Viết về Mậu Thân 40 năm sau dường như không phải là đề tài nóng hổi, giựt gân, thu hút bạn đọc nên các bài viết về Mậu Thân 1968 ở báo chí thế giới năm 2008 là điều hiếm có. The Lies of Tet (34) của Arthur Herman, đăng ngày February 6, 2008 trên Wall Street Journal Online là một thí dụ.
“Vietnam Syndrome” (Hội chứng Việt Nam) (35) của David Warren, một columnist của tờ Ottawa Citizen – Ottawa, Ontario, Canada – viết ngày 3 tháng 2, 2008 là một bài khác. Trong bài Hội chứng Việt Nam, Warren đã nhắc lại cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng:
Cộng sản tuyên bố Tổng khởi nghĩa, nhưng việc đó đã không xẩy ra. Chỉ vài ngày sau quân và đồng minh đã chuyển sang phản công. Khi tái chiếm lại các thị xã, và thành phố họ phát hiện những cuộc thảm sát do quân cộng sản thực hiện. Mục tiêu chính của cuộc tổng công kích của địch là tiêu diệt cả xã hội (nguyên văn “decapitate a whole society”)
Uwe Siemon-Netto. Nguồn: concordia.typepad.com
http://www.dcvonline.net/images/102008/uwephoto.jpg
Warren viết tiếp, thuật lại lời một người bạn là ký giả, mục sư Lút-ti người Đức Uwe Siemon-Netto:
Tôi đi vào khu ký túc xá đại học (Huế) để thăm hỏi tin tức bạn bè, những giáo sư người Đức của trường Y khoa. Tôi được cho biết tên của những người bạn tôi cùng nằm trong danh sách 1.800 người sống tại Huế được chọn để thủ tiêu.
Sáu tuần sau, người ta tìm thấy xác của các bác sĩ Alois Altekoester, Raimund Discher, Horst-Guenther Krainick, và Elisabeth, vợ của Krainick, trong một mồ chôn chung mà Việt Cộng đã bắt họ tự đào lấy.
Sau đó người ta tiếp tục tìm được những mồ chôn tập thể đây xác phụ nữ và trẻ em. Đa số đã bị đập chết, một số khác bị chôn sống. Người ta có thể biết được thế qua những bàn tay phụ nữ cố cào đất thoát khỏi mồ chôn họ.
Tại một mồ chôn tập thể, ký giả Peter Braestrup của tờ Washington Post quay sang hỏi một người quay phim của hãng truyền hình Mỹ, ‘Sao anh không quay phim cảnh này đi?’ Người quay phim trả lời, ‘Tôi đến đây không phải để phát tán tuyên truyền chống cộng.’
Warren viết tiếp:
Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân chấm dứt không những chỉ bằng một chiến thắng vĩ đại ở chiến trường – khoảng 45.000 Việt Cộng chết ở mặt trận, hạ tầng cơ sở của cộng sản ở miền Nam bị tiêu huỷ toàn bộ. Mà, sau sự kiện, đây còn là một chiến thắng để cho những người miền Nam Việt nam còn ngờ vực – và đáng lý phải cho cả thế giới – thấy rõ bản chất của đối phương mà quân đồng minh phải chống trả.
…
David Warren cũng nhắc đến nhận định chủ hoà của nhà báo được tin cậy nhất nước Mỹ, Walter Cronkite, kêu gọi hoà đàm với cộng sản chỉ sau một chuyến viếng thăm rất ngắn tại Sài Gòn sau Mậu Thân. Waren viết:
“Giới truyền thông đã chuyển một chiến thắng vĩ đại thành một chiến bại khổng lồ.”
Nguyễn T. Liên-Hằng. Nguồn: cisac.stanford.eduMột phân tích mới về quyết định “Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”
Trong một khảo cứu tương đối mới, “The War Politburo: North Vietnam’s Diplomatic and Political Road to the Têt Offensive” (36), tác giả Nguyễn Thị Liên-Hằng cho biết, theo tài liệu chính thức của Đảng cộng sản Việt Nam thì những nguyên nhân chính đưa đến quyết định “Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa” là: một, thấy rằng Mỹ không đủ khả năng kết thúc cuộc chiến (thắng trận) nhanh chóng, hai là Mỹ đã thất bại trong chiến dịch thả bom miền Bắc (Operation Rolling Thunder, bắt đầu từ 2 tháng 3, 1965), và ba là phong trào phản chiến đang lan rộng và ảnh hưởng lớn trong quần chúng tại Mỹ (37). Tiến trình đi đến quyết định Tổng công kích năm Mậu Thân, thực sự phức tạp hơn nhiều.
Cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Lao Động (Cộng sản) Việt Nam đã kéo dài cả 10 năm giữa hai phe, sau đó thành ba, trong ban lãnh đạo Việt Cộng. Phe ôn hoà chủ trương phát triển miền Bắc, tiến lên xã hội chủ nghĩa bằng viện trợ của các nước cộng sản anh em trước khi hỗ trợ cho cuộc chiến tranh quy ước ở miền Nam. Nhóm này đa số chịu ảnh hưởng của Liên Xô, tin tưởng vào chủ trương “sống chung hoà bình” và thống nhất đất nước bằng đường lối chính trị. Đứng đầu nhóm ôn hoà này có Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, và ban đầu có cả Trường Chinh Đặng Xuân Khu, lý thuyết gia của Đảng. Phía chủ chiến, ảnh hưởng đường lối ngoại giao của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (Cộng sản Trung Hoa, Trung Cộng), chủ trương tự lực kinh tế và nhất trí vận động việc thống nhất Việt Nam bằng chiến tranh vũ trang, nhất quyết không chấp nhận hoàn đàm với Mỹ. Đứng đầu phe diều hâu cộng sản này là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Từ đầu đến giữa thập niên 60 nhóm diều hâu thực sự quyết định hướng đi của cuộc chiến tranh ở miền Nam (38).
Tướng Nguyễn Chí Thanh, Chính Uỷ Trung ương Cục, Tổng Tư lệnh lực lượng Việt Cộng miền Nam, một thành viên nặng ký của nhóm diều hâu chủ chiến, là người đề xuất chiến dịch Tổng công kích, Tổng khởi Nghĩa (39). Năm 1963, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng đi B trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tại Miền Nam theo ý của Đảng ở miền Bắc.
Dù ảnh hưởng Trung Cộng nhưng phe diều hâu đã không dùng chiến tranh du kích như Mao. Thư Lê Duẩn gởi Nguyễn Chí Thanh đã xác định cả đã hai đồng ý dùng chiến tranh quy ước để đối đầu với Mỹ (40).
Tới khoảng 1966-67, phe đồng minh đã gây thiệt hại khổng lồ cho quân Việt Cộng bằng chiến dịch lùng-và-diệt ở miền Nam và phá huỷ cơ sở kinh tế miền Bắc bằng Operation Rolling Thunder. Đó cũng là thời cơ để phe chủ hoà vận động hoà đàm với Mỹ và xét lại chiến lược đấu tranh, chuyển sang du kích chiến, tại miền Nam. Nhóm cộng sản này chủ trương “vừa đánh vừa đàm” mới có cơ hội làm Mỹ mệt mỏi và bỏ cuộc.
Cũng trong giai đoạn này, nhóm thứ ba trong tập đoàn lãnh đạo cộng sản thành hình với Hồ Chí Minh, Lê Đức Thọ (Trưởng ban Tổ chức Đảng), và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Nhóm thứ ba này vận động chấm dứt chiến tranh bằng hoà đàm.
Từ tháng 10, 1966 đến tháng 4, 1967, đáng kể tới là cuộc tranh cãi lớn trên báo đài ở Hà Nội giữa hai phe diều hâu và chủ hoà mà đại diện là Nguyễn Chí Thanh và Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Đông Xuân 1965-66. Giáp lên án Thanh đã phung phí làm hao tổn lực lượng chính quy trong những trận đụng độ lớn với quân đồng minh. Thanh khẳng định, chỉ trực diện đánh Mỹ bằng chiến tranh quy ước mới đi đến thành công, và phê bình phe Giáp là xa rời thực tế, chỉ bàn về cuộc chiến ở hậu cứ bình yên ở Hà Nội. Tới 1967, tình hình đã quá xấu, Lê Duẩn ra lệnh cho Nguyễn Chí Thanh đưa chiến tranh du kích trở lại mặt trận (41).
Mùa hè 1967 cuộc tranh cãi im bặt, không phải vì Nguyễn Chí Thanh đã thay đổi khuynh hướng, đã thua trong cuộc tranh cãi với phe Võ Nguyên Giáp, hay quân đội cộng sản đã nhất thống và hoà hợp. Một nguồn tin nội bộ của đảng cộng sản cho rằng sự bế tắc ở chiến trường miền Nam đã đưa các phe phái trong hàng ngũ quân đội cộng sản lại gần nhau hơn.
Tình hình phức tạp hơn như thế. Hai đàn anh của cộng sản Việt Nam đang trong cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết định cuộc chiến Việt Nam. Liên Xô là nguồn vũ khí nặng và pháo phòng không chống máy bay Mỹ ở mặt trận (42) trong khi Trung Cộng kiểm soát mặt vận chuyển hậu cần với 320.000 binh sĩ đóng quân ở miền Bắc, chủ yếu là công binh và phòng không. Liên Xô thúc dục Việt Nam tiến đến hoà đàm cùng lúc viện trợ những vũ khí (hạng nặng) cho một cuộc chiến tranh quy ước; Cùng lúc, Trung Cộng thúc đẩy Việt Nam kéo dài cuộc chiến tranh du kích kiểu Mao Trạch Đông và không chấp nhận nói chuyện với Washington (43).
Trước sức ép từ ngoài của Liên Xô và sức ép bên trong của nhóm chủ hoà, Lê Duẩn tiến công. Bắt đầu từ ngày 27 tháng 7, 1967 hàng trăm đảng viên, sĩ quan quân đội, trí thức theo khuynh hướng “sống chung hoà bình” của Liên Xô đồng loạt bị bắt giam vào nhà tù Hoả Lò trong vụ án (không xử) có tên là “Xét lại chống đảng” (44). Hoàng Minh Chính bị bắt giam trong đợt đầu tiên này. Loạt bắt giam kế tiếp vào ngày 18 tháng 10, 1967 có cả nhân viên của Võ Nguyên Giáp là Đặng Kim Giang và Lê Liêm, cựu thư ký của Hồ Chí Minh là Vũ Đình Huỳnh và Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương. Loạt tấn công thứ 3 của phe Lê Duẩn vào nhóm chủ hoà là cuộc bắt giam hàng loạt và nhiều nhất nhắm vào đảng viên cũng như những chuyên viên không đảng tịch như Vũ Thư Hiên, tác giả Đêm Giữa Ban Ngày – cuốn sách kể lại kinh nghiệm của tác giả trong vụ “Xét lại chống đảng”.
Phe cộng sản diều hâu lý luận nếu dẹp được phe chủ hoà và cưỡng lại sức ép hoà đàm từ Liên Xô đồng thời tổng tấn công miền Nam vào năm Mỹ đang có bầu cử Tổng thống, Hà nội có khả năng sẽ đạt được một chiến thắng quân sự quyết định và cuộc tổng khởi nghĩa sẽ lật đổ chính quyền Sài Gòn. Nếu không được thế thì ít nhất cuộc tổng công kích cũng giúp Việt Cộng ngồi vào bàn hoà đàm ở vị trí thuận lợi hơn.
Cuối năm 1967, nhóm chỉ trích Nguyễn Chí Thanh và cả Trung Cộng đều bất ngờ ngã ngửa vì Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam quyết định chọn sách lược chiến tranh quy ước, dùng quân đội chính quy và quân của MTDTGPMN đè bẹp quân đội VNCH cùng lúc kích động dân chúng nổi dậy lật đổ chính phủ VNCH. Đầu năm 1968 Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam thông qua Nghị quyết 14, bí số cho quyết định “Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”
Bốn mươi năm sau – Tuổi trẻ Việt Nam
Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, dù đang sống trong nước dưới sự cai trị độc tài, độc đảng hay đang ở nước ngoài, có nhiều cơ hội, phương tiện kỹ thuật và nhất là không nặng gánh gồng, hệ luỵ với quá khứ để tự đi tìm và hiểu rõ hơn về lịch sử cận đại về cuộc nội chiến mà thế hệ cha anh đã trải qua.
Trong một loạt bài mang tiêu đề Đánh giá ‘Tổng tiến công, Tổng nổi dậy’ (45), Thảm sát Tết Mậu Thân Tại Huế, Trần Trung Thực, sinh viên khoa Sử và nhóm T&X (Thảo & Xuân) đã có những cố gắng nhất định thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để tìm hiểu và tự đánh giá những sự kiện lịch sử chung quanh biến cố Tết Mậu Thân, 1968.
Đây là những thanh niên Việt Nam rất trẻ, Trần Trung thực viết: “Khi nổ ra cuộc tổng tấn công Mậu Thân (1968) thì thế hệ cha mẹ chúng tôi đang mang khăn quàng đỏ ngồi ở các lớp tiểu học.”
Không chỉ thế hệ cha mẹ của tác giả, là những người sinh sống ở miền Bắc, hẳn không biết gì về Tết Mậu Thân, mà ngay cả thế hệ ông bà của Trần Trung Thực cũng chưa khi nào nghe đến cuộc “Thảm sát Mậu Thân” ở Huế. Tác giả viết: “Cho đến tận hôm nay (2008) cha mẹ (và cả ông bà chúng tôi) không ai biết gì về vụ ‘Thảm sát Mậu Thân ở Huế’. Nếu vụ này là có thật, thì quả là nó bị che dấu rất cố ý từ 40 năm nay.”
Tuy thế nhưng thế hệ ông cha của Thực lại nhớ rất rõ, “cái tin: khi Mặt trận Giải phóng chiếm được Huế thì các vị như GS Lê Văn Hảo, hoà thượng Thích Đôn Hậu… vốn từ lâu là người của Mặt trận Giải phóng, hoạt động bí mật ở Huế rồi được đưa ra công khai để đứng đầu một tổ chức gọi “Liên Minh dân tộc” và kêu gọi dân chúng khởi nghĩa.” (46)
Về con số nạn nhân bị thảm sát ở Huế, Trần Trung Thực viết:
Tóm lại, thế hệ chúng tôi nếu tò mò muốn biết những điều còn bị che giấu hoặc bịa đặt, cần tốn công tìm hiểu nhiều hơn nữa. Dễ nhất là hỏi các thế hệ trước và tự gạn lọc; đồng thời tìm những tài liệu tin cậy, khách quan.
Ví dụ, trong tổng số 30 bài có cụm từ “thảm sát” “mậu thân” lấy được trên internet thì có 3 tài liệu của người nước ngoài; nhưng chúng tôi chưa hoàn toàn tin vào những con số của ông Pike (viên chức của cơ quan Thông Tin Mỹ) vì – qua văn phong – rõ ràng ông chỉ một chiều lên án với các số liệu có vẻ bị “đội” lên. Còn bài phản bác của ông Porter (tiến sĩ, nhà nghiên cứu) nhằm “lật tẩy” sự tuyên truyền quá mức, nhưng ông đã quá đà; đọc xong, chúng tôi thấy dường như ông dám chối bỏ cả những bức ảnh mà không ai giả tạo chúng được. Chúng tôi cho rằng bài của bác sĩ Vennema một người đã đến tận nơi, tự quan sát và hỏi chuyện nhiều người dân… là sát với sự thật hơn.
Một đoạn trích trong The Vietcong Massacre at Hue (47), Alje Vennema, Vintage Press, New York, 1976:
Mồ tập thể được khám phá đầu tiên ở trường trung học quận Gia Hội, nằm bên cạnh khu dân cư. Sở dĩ cư dân gần đó biết được là vì họ nghe tiếng súng và biết ở đó có mở tòa án nhân dân. Một số người sau khi tham dự phiên tòa đầu tiên đã liều trốn và may mắn thoát. Một số khác nhờ bơi qua sông. Trước ngôi trường có tất cả 14 hố gồm 101 tử thi. Sau ba ngày tìm kiếm, người ta khám phá thêm một số hố rải rác trước, sau và bên hông trường, nâng tổng số tử thi lên 203, gồm xác thanh niên, người già và phụ nữ.
Trong một bài viết khác tựa đề “Thanh niên năm 2008 với Mậu Thân 1968” (48) của hai sinh viên khoa sư phạm, Đào Thắng và Lê Vĩnh Nghiêm. Hai tác giả mở đầu:
Thanh niên chúng ta nói riêng và thế hệ U40 nói chung hiện nay chiếm tới 2/3 dân số nhưng không biết tý gì về cuộc “tổng tấn công và tổng khởi nghĩa – Mậu Thân 1968” (còn có tên là “tổng công kích và tổng nổi dậy – Mậu thân 1968”). Nhưng tất thảy chúng ta đều được học ở trường về sự kiện này. Dù học nhiều hay học ít, thì kết luận cuối cùng vẫn là đại thắng lợi của “chiến tranh nhân dân” dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của “đảng ta” (dĩ nhiên là “đảng tây” thì không dính dáng).
Đào Thắng và Lê Vĩnh Nghiêm viết tiếp:
Dù sao, chúng tôi cũng tỏ lòng biết ơn bạn Trần Trung Thực đã bỏ công đọc nhiều bài rồi viết ra một “thu hoạch” và so sánh thảm sát Mậu thân với vụ thảm sát Katyn mà đảng CS Liên Xô là thủ phạm, nay những người kế thừa đảng này đã phải nhận tội. (TGT viết nghiêng)
Sau khi đọc các bài từ cả hai phía, chúng tôi có thêm những hiểu biết mới mẻ (nay còn bị che dấu) trong đó ít nhiều có sự đóng góp của bạn Trần Trung Thực.
Hai tác giả đã thẳng thắn đưa ra nhận định trên dữ kiện thu lượm được:
Trước hết, đó là thất bại rất lớn về quân sự của “đảng ta”
Sau “tổng công kích” (3 đợt) là “tổng tháo chạy” – Hàng trăm ngàn sinh mạng của thanh niên (chủ yếu là ở miền bắc) đã bị nướng vào cuộc chiến chỉ trong vòng một tháng. Chúng tôi đã tự kiểm tra bằng cách xem mộ chí trong một số nghĩa trang liệt sĩ: số người chết vào thời điểm “tổng tấn công và tổng khởi nghĩa – Mậu Thân 1968” quả là rất nhiều so với số chết trước đó và sau đó.
Và gần đây nhất, là bài trả lời phỏng vấn của cụ Lê Khả Phiêu (49) đối với báo Nông thôn ngày nay. Năm 1968 chính cụ Phiêu là trung đoàn trưởng một trung đoàn tấn công vào Huế. Do tổn thất quá nặng nề, cụ muốn… tháo chạy để bảo toàn tính mạng còn sót lại của đám tàn quân, nhưng cấp trên của cụ cứ bắt cụ “cố thủ”. Rốt cuộc, cụ cứ bỏ chạy. Ấy thế mà cụ đã không bị bắt tội thì chớ; ngược lại, cụ cứ leo lên tận cấp Thượng tướng, rồi cấp Tổng bí thư.
Tóm lại, cấp cao nhất trong đảng phải công nhận cuộc tháo chạy của cụ Phiêu là “đúng”, để khỏi bị tiêu diệt toàn bộ.
Có thể kết luận rằng sau khi “tổng công kích” (3 đợt) là cuộc “tổng tháo chạy”. Thất bại về quân sự là hết sức to lớn.
…
Thứ hai, đó là không có chuyện “khởi nghĩa” hay “nổi dậy” của quần chúng, nhân dân.
Mục tiêu “phát động dân nổi dậy” là mục tiêu rất lớn, nhưng mục tiêu này hoàn toàn thất bại. Không có chuyện đông đảo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa.
….
Thứ ba, chuyện thảm sát ở Huế. Đối với chúng tôi hôm nay thì đã rõ “như ban ngày. Vấn đề là đảng ta (đang mê mải xây dựng CNXH) liệu sẽ đến lúc buộc phải công nhận hay không mà thôi. Có lẽ các bước công nhận cũng giống như đảng CS và chính quyền Nga công nhận “từng bước” vụ Katyn chăng?
…
Thứ tư, một thắng lợi bất ngờ, chưa dự kiến trước: phong trào phản chiến ở Mỹ dâng cao.
Đọc lại các nghị quyết về “tổng tấn công và tổng khởi nghĩa” tuyệt nhiên không thấy đảng ta đặt ra mục tiêu về phong trào phản chiến ở Mỹ.
Cuối cùng, một câu hỏi chưa được trả lời dứt khoát:
Đảng ta có vi phạm thoả thuận tạm ngừng bắn trong ngày tết hay không? Nếu vi phạm, thì đừng hòng chúng tôi “tuyệt đối tin tưởng” vào sự lãnh đạo “anh minh và thiên tài”.
Hỏi han nhưng vị cao tuổi, các vị cho biết: trước 1968 (Mậu Thân) năm nào cũng có sự tạm ngừng bắn giữa hai bên. Dân miền bắc yên ổn ăn tết (không lo máy bay Mỹ ném bom). Còn năm tết Mậu Thân 1968, các vị không biết có thoả thuận ngừng bắn hay không; nếu có thoả thuận thì “có lẽ” đảng ta vi phạm. Năm 1968 sự tuyên truyền quá rùm beng, cho nên dân miền bắc quên hẳn câu hỏi “ai vi phạm thoả thuận ngừng bắn”.
Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã dám tự đặt cho mình những câu hỏi về Tết Mậu Thân và từ đó đi tìm câu trả lời.
Nhìn về tương lai
Tổng công kích Mậu Thân đã chấm dứt từ 40 năm trước; Chiến tranh Việt Nam cũng kết thúc từ gần 33 năm qua. Dù lần lượt nhiều sự kiện về cuộc tổng tấn công kích này đã được trình bày dưới dưới ánh sáng sự thật, việc nghiên cứu thâm sâu để đánh giá đúng đắn về Thảm sát Mậu Thân vẫn là điều cần thiết và cũng là trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam và nhất là những nhà nghiên cứu sử.
Sự thật về Thảm sát Mậu Thân ở Huế phải được đưa vào lịch sử thế giới; Hiện nay ở các tổ chức đòi công lý cho nạn nhân chiến tranh, người ta liệt kê tội ác ở năm châu, từ Rwanda ở châu Phi, Colombia ở Nam Mỹ, vùng Balkans ở châu Âu, ở Nga, ở Mỹ, nhưng ở Á châu, không ai kể, không biết đến Thảm sát Mậu Thân là một tội ác chiến tranh cần phải đưa ra ánh sáng công lý. Đây cũng là một trách nhiệm của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Công lý cho nạn nhân của vụ thảm sát ở Huế không có nghĩa là “xử lý nội bộ”, không thể chỉ là “Tướng Trần Văn Quang, Tư lệnh Mặt trận Trị Thiên – Huế bị phê bình” (50) hay Đảng khiển trách các ông Lê Minh, Lê Chưởng các sĩ quan trực tiếp chỉ huy và lãnh đạo mặt trận Huế là đủ. Ai trực tiếp ngồi xử tử đồng bào ở các toà án “nhân dân”, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Đọc? Ai bắn, ai đạp, ai đập, ai giết đồng bào Huế – Việt cộng nằm vùng hay Việt cộng chính quy? Tất cả chỉ là chi tiết. Tranh cãi những điểm này chỉ là nguỵ biện, chỉ là bao che cho tội ác.
Trong một Việt Nam dân chủ mai sau, những chính phạm có chủ trương, có tính toán trước việc thảm sát đồng bào Huế một cách hệ thống, dù còn sống hay đã chết, đều phải trả lời trước toà án dân tộc. Lịch sử Việt nam sẽ ghi rõ trang Mậu Thân đẫm máu một cách công minh, sòng phẳng.
Nói cho cả thế giới biết rõ về cuộc Tổng công kích Xuân Mậu Thân 1968; Đem công lý xét xử phạm nhân gây tội ác ở Huế, ghi rõ sự kiện vào lịch sử Việt Nam, tất cả không phải để trả thù. Đó chỉ là một phần đền bù nhỏ, rất nhỏ, cho những thiệt hại, mất mát, đau thương của hàng ngàn nạn nhân và gia đình liên hệ.
Những di sản xã hội bi đát từ cuộc Thảm sát Mậu Thân làm vẩn đục dòng phát triển văn minh nước Việt là những thiệt hại, những đổ vỡ không thế hệ nào có thể hàn gắn hay đền bù được.
Những bài học về cuộc Tổng-công-kích-không-có-tổng-khởi-nghĩa đã biến thành cuộc Thảm sát Mậu Thân không những là cơ hội để thế hệ trẻ hôm nay bắt đầu những bức phá mới về tư duy lịch sử và ý thức dân chủ mà còn là điểm bắt đầu để nhận trách nhiệm góp phần xây dựng và phát triển một xã hội dân sự Việt Nam văn minh và bền vững.
Montréal, tháng 2, 2008
____________________
Chú thích :
(34) The Lies of Tet, By Arthur Herman, February 6, 2008; Page A19. Online: http://snipurl.com/20ti3 [online_wsj_com], February 15, 2008.
(35) The ‘Vietnam Syndrome’, David Warren, Ottawa Citizen, Sunday, February 03, 2008. Online: http://snipurl.com/20ti4 [www_canada_com], February 15, 2008.
(36) The War Politburo: North Vietnam’s Diplomatic and Political Road to the Têt Offensive, Nguyen T. Lien-Hang, Journal of Vietnamese Studies, February/August 2006, Vol. 1, No. 1-2, Pages 4–58. Online: http://snipurl.com/20ti9 [caliber_ucpress_net], February 15, 2008.
(37) The War Politburo, Nguyen T. Lien-Hang, p4
(38) The War Politburo, Nguyen T. Lien-Hang, p14-15
(39) Bùi Tín, Phỏng vấn do Nguyễn Hùng, BBC Tiếng Việt Ngữ, thực hiện ngày 24 tháng 1, 2008. Online: http://snipurl.com/20thm [www_bbc_co_uk], February 15, 2008.
(40) The War Politburo, Nguyen T. Lien-Hang, p20
(41) The War Politburo, Nguyen T. Lien-Hang, p22
(42) USSR ‘secret’ Vietnam soldiers speak out, Russia Today (RT), February 16, 2008: 3000 cựu chiến binh Liên Xô tham chiến tại Việt Nam họp mặt tại Moscow kỷ niệm 35 năm ngày quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Đây là các binh sĩ Nga tham dự chiến trận tại Việt Nam nhưng không nào được chính phủ (cả Liên Xô và Việt Nam) thừa nhận. Với cộng sản Việt Nam, những chiến binh Liên Xô này chỉ là các “chuyên viên” (expert). Online: http://snipurl.com/20tie [www_russiatoday_ru], February 20, 2008.
(43) The War Politburo, Nguyen T. Lien-Hang, p22
(44) The War Politburo, Nguyen T. Lien-Hang, p25-26
(45) Online: http://snipurl.com/20tig [mangykien_wordpress_com], February 15, 2008.
(46) Tên của tổ chức có Lê Văn Hảo và sư ông Đôn Hậu là “Liên Minh Dân Chủ Dân Tộc Hoà Bình tại Huế”. Trong bản dịch tiếng Anh tài liệu ‘Tuyệt Mật’ mang tựa đề “Thông tin về chiến thắng của quân ta tại Huế từ 31 tháng 1 đến 23 tháng 2 1968” ghi “Ngày 18 tháng Hai, “Mặt trận Liên Hiệp cho Hoà bình” ra đời với các thành viên sau đây: Giáo sư Lê Văn Hảo, 34; Bà Luân Chi, 60; Thượng toạ Thích Đôn Hậu và hai đồng chí đảng viên cộng sản. (trang 6 của nguyên bản). Theo “Thảm sát Mậu Thân”, Lữ Giang, DCVOnline, 08/02/2008, bà Luân Chi là bà Tuần Chi, tên thật là Đào Thị Xuân Yến, hiệu trưởng nữ Trung học Đồng Khánh, Huế.
(47) Online: http://snipurl.com/20tix [tiengnoitudodanchu_org], February 15, 2008.
(48) Online: http://snipurl.com/20s4u [mangykien_wordpress_com], February 15, 2008.
(49) Rút khỏi Huế là quyết định khó khăn nhất trong đời binh nghiệp của tôi, Lê Khả Phiêu, Phỏng vấn của Việt báo.vn, Thứ năm, 31 Tháng một 2008. Online: http://snipurl.com/20tj6 [vietbao_vn], February 15, 2008.
(50) Mậu Thân 68: Chuyển bại thành thắng, BBC Tiếng Việt, 24/01/2008. Online: http://snipurl.com/20tj7 [www_bbc_co_uk], February 15, 2008.