Giọt máu chung tình (Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà)


Bìa cuốn tiểu thuyết Giọt máu chung tình xuất bản năm 1926
“Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến truờng thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu… Hà.”

Dân Nam bộ, đặc biệt là giới mộ điệu cải lương, không ai không biết thiên tình sử của đôi trai tài gái sắc Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà qua bản tân cổ nổi tiếng của cố soạn giả Viễn Châu. Nhưng có lẽ ít người biết rõ thân thế của hai nhân vật này cũng như nhiều người lầm tưởng câu chuyện này có xuất xứ từ Trung Quốc. Thực ra đây là hai nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Giọt máu chung tình của nhà văn gốc Nam bộ Tân Dân Tử (1875 – 1955), xuất bản lần đầu tiên vào năm 1926. 

Trong quá trình tra cứu tìm tòi trên mạng, tôi may mắn kiếm được bản in gốc của tiểu thuyết “Giọt máu chung tình – Tòng đình thảm kịch” xuất bản năm 1926 trong bộ sưu tập Sách Đông Dương của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Tôi mạn phép chia sẻ qua liên kết dưới đây để các bạn thưởng thức. 

http://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=kCnyo1928 

Đọc xong cuốn tiểu thuyết này, tôi thấy có nhiều điều lý thú nên tóm tắt lại để ai lười đọc thì cũng có thể tỏ tường nội dung. Vả lại truyện này viết theo lối xưa nên có dùng nhiều từ ngữ khác với bây giờ, cộng thêm chất lượng in ấn hồi đó không được tốt lắm và còn nhiều lỗi chánh tả nên hơi khó đọc. Đầu đuôi như sau. 

Đầu truyện tác giả Tân Dân Tử giới thiệu Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc Công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du, chị cùng cha khác mẹ của vua Gia Long. Trên thực tế, ngoài tiểu thuyết này ra không có sử liệu chính thống nào chứng nhận Võ Tánh có con tên là Võ Đông Sơ cả. Theo nhiều tài liệu, Võ Tánh và Ngọc Du có với nhau hai con gái và một người con trai tên là Võ Khánh, làm tới chức Khinh xa đô úy. Trong truyện nhân vật Võ Đông Sơ sau này cũng được nhà vua ban chức Khinh xa đô úy. Có lẽ Tân Dân Tử đã xây dựng nhân vật Võ Đông Sơ dựa trên hình mẫu ngoài đời của Võ Khánh. Ngoài ra, trong truyện còn có tình tiết hư cấu không đúng với lịch sử là Võ Đông Sơ tuân lệnh vua đi đánh giặc Mãn Thanh sang xâm lược rồi chết trên sa trường. Thực tế quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nhà Thanh bên Trung Quốc thời bấy giờ tương đối êm đẹp. 

Trở lại câu chuyện, sau khi song thân mất Võ Đông Sơ được chú ruột nuôi dưỡng dạy dỗ. Trên đường lên kinh đô luyện thi chờ ngày ứng thí tranh cử Võ khoa Tiến sĩ, Võ Đông Sơ tình cờ gặp Triệu Dõng và giúp đỡ tiền bạc để Triệu Dõng làm đám tang cho mẹ. Cảm kích trước tấm lòng hào hiệp của Đông Sơ Triệu Dõng xin kết nghĩa huynh đệ với chàng. Võ Đông Sơ lớn tuổi hơn nên được tôn làm anh. 

Một hôm nhân dịp dạo chơi Quan Âm các Võ Đông Sơ tình cờ gặp và cứu mạng tiểu thơ Bạch Thu Hà khỏi tay côn đồ cướp giựt. Mô típ anh hùng cứu mỹ nhân này nghe rất quen cũng giống như những truyện xuất hiện trước đó như Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Thấy Thu Hà sắc nước hương trời đối đáp lễ nghĩa nên Đông Sơ đem lòng yêu mến, lấy danh thiếp ra trao làm quen. Thu Hà khi từ biệt Đông Sơ cũng giả bộ đánh rơi cái khăn lụa có thêu tên mình để Đông Sơ nhặt lấy. 

Thu Hà có anh trai tên Bạch Xuân Phương, tướng người dềnh dàng, tính tình kiêu ngạo. Sau kỳ thi văn Bạch Xuân Phương thấy Đông Sơ tướng mạo hơn người nên sinh lòng đố kỵ cho người ám sát. Tình cờ Thu Hà nghe lỏm được âm mưu của anh trai. Để đền ơn cứu mạng bữa trước Thu Hà cho người báo cho Đông Sơ đề phòng nên chàng thoát nạn. Bước vào kỳ thi võ Đông Sơ đối đầu trực tiếp Bạch Xuân Phương. Đông Sơ dùng chiêu “Đại bàng phi thạch động, sư tử thượng lầu đài” đánh bại Xuân Phương. Xuân Phương bực bội về nhà. Thu Hà ra hỏi chuyện thì Xuân Phương, mặc dù vẫn rất căm hận Đông Sơ nhưng phải công nhận Đông Sơ “chẳng những võ nghệ cao cường mà thôi, mà văn trường nó cũng xuất chúng”. Thu Hà nghe anh nói càng thêm lòng ái mộ Đông Sơ. 

Sau khi thắng Bạch Xuân Phương trong cuộc tỉ thí ở diễn trường, Võ Đông Sơ đạt ngôi vị võ khoa tiến sĩ. Một đêm trăng thanh gió mát Võ Đông Sơ tới gặp Bạch Thu Hà ở tư gia, tại lương đình, hai người tỏ rõ lòng nhau và buông lời thệ ước, trao vật đính ước và hẹn cùng nhau trăm năm tơ tóc. 

Sau đó Võ Đông Sơ được triều đình phong chức trung úy và làm việc dưới quyền tổng trấn Lê Văn Duyệt. Nghe tin hải khấu Trung Quốc quấy nhiễu ở vùng biển Hoàng Sa, Lê Văn Duyệt lệnh cho Võ Đông Sơ thống lãnh thủy quân ra đánh dẹp, đồng thời lập bản đồ địa thế các cửa biển ở Quảng Đông. Đông Sơ hẹn gặp Thu Hà ở lương đình rồi từ biệt lên đường. 

Trong thời gian Đông Sơ đi tuần dương, cha Thu Hà là binh bộ thượng thư Bạch Công lâm trọng bệnh và được đưa về nhà. Trong phút lâm chung ông trăn trối nhờ Bạch Xuân Phương lo chuyện hôn nhân cho em gái nhưng cũng nhắc nhở Xuân Phương không nên cưỡng ép nếu Thu Hà không ưng thuận. Sau khi cha chết, Xuân Phương cậy quyền huynh thế phụ ép buộc Thu Hà lấy Vương Bích là một công tử nhà giàu ăn chơi trác táng. Bạch Thu Hà cãi không lại nên giả bộ ưng thuận nhưng đến ngày cưới nàng cùng tì nữ bỏ nhà trốn đi. Sợ Xuân Phương cho người đuổi theo nàng để lại bức thư nói là đã quyên sinh để đoàn tụ cùng cha mẹ. 

Trải qua nhiều biến cố, nhiều lúc hiểm nguy đến tính mạng, cuối cùng Bạch Thu Hà cũng được trùng phùng cùng Võ Đông Sơ. Niềm vui đoàn tụ ngắn chẳng tày gang, Đông Sơ nhận được thánh chỉ của hoàng thượng đem quân chống giặc Tàu xâm lược. Đông Sơ làm Ngự tiền hộ giá Khinh xa đô úy tháp tùng hoàng thượng đi đánh giặc. Quân giặc đông thế mạnh, quân ta ít thế yếu. Võ Đông Sơ cùng Triệu Dõng tình nguyện xung phong đem quân giải vây. Triệu Dõng hy sinh trong đám loạn binh. Khi quân cứu viện vừa tới thì Võ Đông Sơ bị trọng thương vừa kịp cưỡi ngựa về phục mạng với hoàng thượng thì ngã lăn ra chết. Quân đem linh cữu Đông Sơ về báo tin cho Thu Hà. Thu Hà ôm xác Đông Sơ khóc rồi rút dao đâm cổ chết theo, quyết giữ một lòng trinh liệt cho trọn chữ ân tình. 

Về sau, dựa trên câu chuyện tình bi thương này, soạn giả Viễn Châu đã sáng tác hai bài tân cổ là “Võ Đông Sơ” và “Bạch Thu Hà”. Trong đó bài Võ Đông Sơ được nhiều người thuộc và phổ biến rộng rãi hơn. Ở Gò Công, mỗi năm vào ngày giỗ Hoài Quốc Công Võ Tánh, bao giờ cũng có chương trình đờn ca tài tử ở miếu thờ của ông kéo dài đến tận khuya. Và dĩ nhiên hai bài tân cổ này là không thể thiếu trong chương trình. 

Đọc xong cuốn tiểu thuyết tôi rất tâm đắc với ý nguyện của tác giả Tân Dân Tử được ghi trong lời tựa ở đầu cuốn sách. Ông muốn lồng ghép lịch sử vào những tác phẩm tiểu thuyết để đưa những kiến thức lịch sử đến với đông đảo người đọc qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước cũng như giáo dục lối sống có đạo lý và nhiều điều tốt đẹp khác. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi, Tân Dân Tử có phần hư cấu hơi quá đà, dẫn đến những ngộ nhận không đáng có. Lẽ ra ông nên thêm phần phụ lục giải thích những sự kiện lịch sử liên quan hoặc chú thích ghi rõ những nhân vật trong truyện là hư cấu để cho độc giả tỏ tường. Ngoài hạn chế này, tiểu thuyết Giọt máu chung tình của ông có thể xem là một trong những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 và trở thành một phần trong kho tàng văn hóa dân tộc.