Nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa - người mở đầu kỷ nguyên Vọng cổ

Trần Phước Thuận
Tháng 3/1999 tác giả Trần Phước Thuận viết bài “Bản vọng cổ nhịp 8 đầu tiên ở Nam bộ” đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 61B nội dung giống như bài viết dưới đây, tuy nhiên, ký giả lão thành Thiện Mộc Lan đã viết một bài phản biện cũng trên Xưa & Nay số 154 vào tháng 12-2003 với nhan đề Xung quanh về “Bản vọng cổ nhịp 8 đầu tiên ở Nam bộ” (https://www.namkyluctinh.org/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/thien-moc-lan/xung-quanh-ve-ban-vong-co-nhip-8-dau-tien-o-nam-bo.html).

NKLT xin mạn phép đăng lại bài của tác giả Trần Phước Thuận trên trang mạng Phật Giáo Bạc Liêu để quý độc giả rộng đường tham khảo.

Năm Nghĩa

Bản Dạ cổ hoài lang ra đời hơn một năm mới được sử dụng trên sân khấu cải lương lúc bấy giờ và nó dần dần chiếm chỗ của hai bản Tứ đại oánHành vân, nhưng trong hơn 10 năm đầu nó vẫn chưa lấn áp được các bản này, mặc dù lúc đó nó đã được cải tiến thành nhịp 4. Mãi đến năm 1934, bản Dạ cổ hoài lang mới thực sự lột xác – chính thức biến thành bản Vọng cổ nhịp 8; chữ đờn nhiều hơn, sức thu hút mạnh mẽ hơn, đó là nhờ công sáng tạo và gịong ca truyền cảm nhẹ nhàng của chính tác giả bài Vọng co nhịp 8 đầu tiên Văng vẳng tiếng chuông chùa – Nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa.

Ông ra đời vào năm Tân Hợi (1911) tại Xóm Mới – Bạc Liêu (hiện nay thuộc phường 3, thị xã Bạc Liêu) trong một gia đình khá giả; cha là Lư Văn Bửu có tên riêng là Thành, nguyên là một thầy giáo ở trường làng Vĩnh Lợi và mẹ là Nguyễn Thị Nghiệp, đều là những người có dòng họ ở Bạc Liêu từ lâu đời, anh em của ông rất đông tính ca trai lẫn gái đến 13 người. Theo thứ tự anh em ông đứng vào hàng thứ ba tên thật của ông là Hiển tên chữ là Hòa Nghĩa, nhưng đến khi ông có vợ là cô Năm Đặng thì có một số người gọi theo thứ của vợ thành Năm Nghĩa, sau đó ông lại dùng cái tên này làm nghệ danh của mình, nên từ đó mọi người đều gọi ông là Năm Nghĩa.

Ngay từ buổi thiếu thời Lư Hòa Nghĩa đã sớm có năng khiếu về cổ nhạc, ông vốn được thiên phú một giọng ca rất mùi, rất trầm ấm, lại may mắn được sư Nguyệt Chiếu – một danh sư cổ nhạc ở Bạc Liêu thời đó nhận dạy đờn ca tài tử; ông rất siêng năng học hành nên tiến bộ rất nhanh, chỉ mới năm năm theo thầy ông đã ca thật hay mà đờn cũng giỏi. Năm Nghĩa có rất nhiều bạn bè nhưng thân thiết nhất với nhac sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), hai người tuy tuổi tác chênh lệch nhưng xem nhau như bạn đồng môn, nên thường lui tới lẫn nhau để dợt đờn ca. Năm Nghĩa thường tâm sự với bè bạn, ông rất tâm đắc bản Dạ cổ hoài lang, thể điệu của bài này rất hợp với ông nhưng mỗi câu lại ngắn qúa, ông muốn chuyển sang nhịp 8 (dài gấp đôi bản hiện hành lúc đó), chữ đờn nên thay đổi để cho mùi hơn và ông đã tốn nhiều công sức lẫn thời gian cho việc làm này; cuối cùng ông đã thành công – đã hoàn thành bản đờn Dạ cổ mới với mỗi câu 8 nhịp, nhưng chưa có lời ca nào tương xứng, vì lúc đó các lời ca cũ điều ngắn không phù hợp với chữ đờn mới.

Thế rồi vào một đêm tối trời của năm Giáp Tuất (1934) Năm Nghĩa đến hàn huyên và hòa tấu với ông Sáu Lầu, hai người mãi say sưa trong cung đờn tiếng nhạc nên trời đã khuya mà vẫn không hay, đêm đó trời mưa to, gió lớn Năm Nghĩa không về được phải ngủ lại nhà một người bạn cạnh nhà ông Sáu Lầu (vì nhà ông Sáu quá chật). Năm Nghĩa cứ mãi trằn trọc không ngủ được, ngoài trời mưa cứ rơi; lúc trời gần sáng bổng dưng tiếng chuông chùa Vĩnh Phước An gần đó vang lên từng hồi như gợi ý, như thúc giục cho ông làm một việc gì đó, rồi trong những phút giây xuất thần Năm Nghĩa đã sáng tác 20 câu ca cho bản Dạ cổ nhịp 8 và cũng do nguyên cớ này nên sau đó Năm Nghĩa đã đặt tên bài ca là Văng vẳng tiếng chuông chùa[1], Chính nhạc sĩ Cao Văn Lầu lúc sinh tiền đã xác nhận: “Nhạc phẩm căn bản nhịp đôi của tôi đã được chư nhạc sĩ tứ phương lần lần mở lơi ra nhịp 8, bắt đầu bằng lời ca Văng vẳng tiếng chuông chùa của nghệ sĩ Năm Nghiã”[2].

Với bài ca đó ông đã được sự hoan nghênh và cổ vũ của các nhạc sĩ Sáu Lầu, Ba Chột… và nhất là sư phụ Nguyệt Chiếu, các vị này đã đờn và dợt ca cho ông nhiều lần và tạo nhiều dịp để ông trình diễn trước công chúng, nhất là trong lần đờn ca tài tử ở Tu Muối (nay thuộc phường 2 thị xã Bạc liêu) vào cuối năm 1934, hôm ấy có mặt một số lớn nghệ sĩ gạo cội ở Bạc Liêu như: Sáu Lầu, Ba Chột, Mười Khói, Trịnh Thiên Tư, Sanh Xía, Ba Khuê, Ban Bù, Chín Khánh, Giáo Chiêu, Sáu Hoành…; sau khi nghe Năm Nghĩa ca xong mọi người đều hoan nghênh nhiệt liệt, thậm chí có người còn yêu cầu ông ca lại lần nữa; giọng ca của ông vốn đã mùi, bây giờ lại thêm các tiếng “hơ, hơ…” ở cuối câu làm cho bài Văng vẳng tiếng chuông chùa càng lúc càng thấm sâu vào ký ức của những người mộ điệu. Trong lễ giỗ Tổ cổ nhạc Bạc Liêu năm 1935, soạn giả Trịnh Thiên Tư đề nghị gọi bản Dạ cổ hoài lang nhịp 8 Vọng cổ và dân mộ điệu khắp nơi nhân thấy bài ca có xuất xứ ở Bạc Liêu nên gọi là Vọng cổ Bạc Liêu.

Về việc Năm Nghĩa sáng tác ra bài Văng vẳng tiếng chuông chùa và tự trình diễn bằng giọng ca mùi mẫn của mình chẳng mấy lúc đã vang đến tận Sài Gòn, đến năm 1938 được thu vào dĩa Asia lại được đổi tên thành Vì tiền lỗi đạo (không rõ do ông Ngô Văn Mạnh chủ hảng dĩa đặt tên hay do ai đặt ra), chỉ vài tháng sau khi dĩa phát hành thính giả khắp nơi hoan nghênh nhiệt liệt, tiếng tăm của ông vang dội khắp nơi.

Danh tiếng của Năm Nghĩa càng cao, vị trí của bài Văng vẳng tiếng chuông chùa càng lớn, điẹu Vọng cổ Bạc Liêu được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt và dần dần nó được xem như đại diện của các bài ca cổ ở Miền Nam. Vọng cổ đã trở thành món ăn tinh thần của người dân, nên từ đó người ta đua nhau sáng tác, rồi cứ theo đà đó bản Vọng co được kéo dài ra thành nhịp 16, 32, 64 như hiện nay. Kể như bài Văng vẳng tiếng chuông chùa đã mở đầu cho kỷ nguyên Vọng cổ Nam bộ, nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa là người tiên phong mở ra cho Vọng cổ một hướng đi đúng đắn, hướng đi đó đã làm cho bản Vọng cổ có địa vị to lớn trong cổ nhạc Nam bộ hiện nay.

Theo ông Vương Hồng Sển, bài Văng vẳng tiếng chuông chùa ra đời không bao lâu thì có một ông mê hát ở xóm Thiềng Đức (Vĩnh Long) đã bỏ vốn lập gánh để hằng ngày nghe Năm Nghĩa ca hát. Nhưng ông “bầu” này không quen làm bầu nên chỉ dien được vài nơi thì rã gánh. Năm Nghĩa lại được ông bầu Nguyễn Ngọc Cương mời về đoàn Phước Cương ở Mỹ Tho, vở hát đầu tiên ông cộng tác cho đoàn Phước Cương là vở Gươm vàng máu đỏ năm 1938. Kể từ đó, cuộc đời Năm Nghĩa đã gắn liền vào sân khấu và nghệ thuật.

Ông ở đoàn Phước Cương khoảng hai năm lại sang đoàn Hề Lập của ông bầu Nguyễn Trung Lập, suốt trong thời gian từ 1940 đến 1942 ông đóng các vai chính trong các vở: Lửa lòng thiếu phụ, Hồng Long quái khách, Con tôi đâu… đầu năm 1943, ông lại sang đoàn Nhạn Trắng, nhưng cuối năm đó ông được mời về cộng tác cho đoàn Hậu Tấn của ông bầu Phạm Minh Tấn (chủ rạp hát Thành Xương ở đường Bác sĩ Yersin). Vài năm sau, đoàn Hậu Tấn lại tách làm hai đoàn: Hậu Tấn Bảy Cao và Hậu Tấn Năm Nghĩa, hai đoàn này lực lượng tương đương với nhau cùng tranh tài thi thố để phục vụ khán thính giả. Lúc bấy giờ các đoàn hát rộ lên phong trào diễn tuồng kiếm hiệp của soạn giả Mộng Vân; các đào kép chánh phụ đấu võ, đấu kiếm, đấu dao găm thật rùng rợn, nhưng về sau các ông thầy tuồng nhận thấy đào kép quá mất sức sau các trận đấu nên ca hụt hơi kém mùi, vì vậy các đào kép chánh nếu có đấu võ đấu kiếm thì chỉ đấu tượng trưng để sau đó nhường lại cho “quân sĩ” đau những màn hào hứng như song đấu, quần đấu, nhào lộn, đấu vật, múa gươm…

Nhưng rủi thay, vào đầu năm 1946, khi đoàn Hậu Tấn Năm Nghĩa dời về một rạp hát ở Phú Nhuận, tại đây rạp hát bị cháy, toàn bộ đồ đạc của đoàn hát bị thiêu rụi; Năm Nghĩa đành phải chịu rã gánh tại đây. Năm đó cũng là năm hai vợ chồng ông chia tay với nhau, theo lời một số nghệ sĩ lớn tuổi kể lại thì cô Năm Đặng lúc trước là đào hát của đoàn Hề Lập, tính rất hiền lành, người mảnh mai, ca dien cũng khá, nhưng không con; không hiểu có phải vì lý do này hai người đã chia tay với nhau hay không? Chỉ biết sau đó Năm Nghĩa bỏ đi lang thang ở Sài Gòn không có cộng tác với đoàn hát nào khác. Khoảng một năm sau ông mới cùng nghệ sĩ Ba Xây đến gặp ông Năm Mạnh chủ hãng dĩa Asia để thương lượng việc thu dĩa, đôi bên đã thỏa thuận với nhau nên ít lâu sau đó bộ dĩa Vọng cổ Đêm Đông ra đời, tên tuổi của Năm Nghĩa một lần nữa lại vang dội từ Nam chí Bắc.

Đến năm 1948, Năm Nghĩa đã “bước thêm một bước nữa” với bà Nguyễn Thị Thơ; bà Thơ nguyên là một phụ nữ giàu có ở đất Tây Ninh và đã có một đời chồng ở đó, nhưng khi về với Năm Nghĩa thì hai người rất tâm đầu ý hợp cùng xây dựng hạnh phúc trọn đời với nhau. Hai người sau đó đã có năm con, gồm ba trai hai gái là: Bảo Quốc, Chí Bình, Ánh Đào, Ánh Mai và Chí Tiên; còn Thanh Nga là con riêng của bà Thơ (lúc bà về ở với Năm Nghĩa thì Thanh Nga đã sáu tuổi), nhưng Năm Nghĩa vẫn xem cô như con ruột của mình.

Đến năm 1951 Năm Nghĩa lại dựng đoàn hát Thanh Minh Năm Nghĩa. Người ta nói không biết hai tiếng “thanh minh” có nghĩa gì, không biết nó chỉ có nghĩa “trong sáng” hay là chính Năm Nghĩa muốn thanh minh với ông Phạm Minh Tấn (người đã giúp vôn cho Năm Nghĩa dựng đoàn Hậu Tấn Năm Nghĩa) về việc rã đoàn Hậu Tấn là do số trời chứ không phải do ông bất tài. Thật vậy đoàn Thanh Minh của ông lên như diều gặp gió, chẳng mấy lúc đã trở thành một đoàn hát lớn, gồm những diễn viên tên tuổi như: Út Trà Ôn, Út Hiền, Hữu Phước, Hoàng Giang, Út Hậu, Út Nhị, Thanh Sơn, Văn Ngà, Ngọc Ẩn, Út Bạch Lan, Kim Chưởng, Thu Ba… và vài năm sau lại có một cặp thần đồng là Thanh Nga và Bảo Quốc.

Ngay từ khi Thanh Nga và Bảo Quốc mới tập hát, năm Nghĩa đã nhận ra đây là hai ngôi sao sáng của sân khấu cải lương trong tương lai, nên ông đã sớm chuẩn bị kế hoạch để đào tạo cho hai người. Đối với Thanh Nga[3] tuy là con riêng của vợ nhưng ông vẫn hết lòng hướng dẫn nghệ thuật cho cô, ông còn nhờ nhạc sĩ Út Trong kèm cặp bài bản cho cô trong buổi đầu để có đủ căn bản ứng dụng trên sân khấu; phần Thanh Nga cũng thực sự xem ông như cha ruột của mình lúc nào cũng tuân phục những điều chỉ dạy của ông nên tiến bộ rất nhanh, chỉ đến năm mười sáu tuổi – sau khi thủ vai sơn nữ Phà Ca (vở Người vợ không bao giờ cưới) cô đã trở thành một diễn viên xuất sắc nổi tiếng khắp nơi. Riêng Bảo Quốc[4] ngay từ thuở nhỏ đã say mê nghệ thuật, anh đã được cha mẹ tạo mọi điều kiện để sớm trở thành một tài danh trẻ; theo lời chỉ dẫn của cha, Bảo Quốc đã cố gắng tập luyện để trau dồi nghề nghiệp nhưng có lẽ anh chỉ có duyên với các vai hài, nên qua mấy lần đóng vai “kép con” đều không được xuất sắc. Năm Nghĩa sớm phát giác ra điều đó và đã chuẩn bị các vai phù hợp với anh là vai hài để chọc cười thiên hạ. Chính nhờ sự sắp xếp và hướng dẫn đúng đắn này của ông đã tạo điều kiện cho Bảo Quốc sau này trở thành một đại danh hài ở Việt Nam.

Trước năm 1954, vấn đề bảo vệ bản quyền kịch bản cải lương của các soạn giả chưa đươc xác định một cách cụ thể, nên đã gây ra nhiều trường hợp rắc rối đôi khi còn làm mất quyền lợi của soạn giả. Năm Nghĩa cảm thấy vấn đề nầy cần phải được giải quyết nên đã đề nghị với Hội Nghệ sĩ thành lập Tiểu ban soạn giả, trước là để nâng cao chất lượng về việc sáng tác kịch bản, tìm hướng đi đúng đắn cho sân khấu cải lương; sau là để đấu tranh cho vấn đề bảo vệ bản quyền kịch bản. Lời đề nghị của Năm Nghĩa rất phù hợp với tình hình hoạt động của các đoàn cải lương lúc bấy giơ, nên Hội Nghệ sĩ đã thống nhất thành lập một Tiểu ban soạn giả, gồm (Cố vấn: Lư Hòa Nghiã, Lê Long Vân, Lê Thọ Xuân, Thuần Phong, Huỳnh Năng Nhiêu. Trưởng ban: Nguyễn Thành Châu. Phó trưởng ban: Bùi Đức Tịnh, Vân Trình. Thư ký: Viễn Châu. Thủ quỹ: Hoàng Kinh) để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên.

Từ ngày dựng đoàn Thanh Minh Năm Nghĩa, nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa và bà Nguyễn Thị Thơ – hai người người đồng vợ đồng chồng đã dần dần biến đoàn hát này thành một đại bang số một vào thời đó. Đoàn hát lưu diễn khắp nơi, đi đến đâu cũng được sự ái mộ của mọi người, càng ngày càng có uy tín, đào kép càng nhiều, doanh thu càng cao, danh tiếng càng lớn… Nhưng tiếc thay những quyền lợi vật chất và tinh thần đó không đến lâu với người nghệ sĩ tài hoa này, vì vào đêm mùng 6 tháng 11 năm Kỷ Hợi (nhằm ngày 05 -12 – 1959) khi đoàn Thanh Minh đang diễn vở Người vợ không bao giờ cưới của soạn giả Kiên Giang thì Năm Nghĩa đã từ trần tại Sài Gòn sau một cơn bạo bệnh. Cái chết của ông không chỉ là nỗi đau thương tê tái của bà bầu Thơ, của Thanh Nga, Bảo Quốc và bốn người con nhỏ; mà còn là sự mất mát lớn lao của sân khấu cải lương miền Nam.

Nghệ sĩ Năm Nghĩa không chỉ là một diễn viên ưu tú, một đạo diễn nhiều kinh nghiệm, ông còn là một soạn giả có tài, ông đã biên soạn nhiều vở tuồng hay như: Chén cơm đô thành (1953), Thầy cai tổng Bồi (1954), Tiếng trống hoà bình (1954), Anh hùng trên thiết ma (1956) và nhất là bài Vọng cổ nhịp 8 Văng vẳng tiếng chuông chùa (1934) của ông đã mở ra bước phát triển mới cho Vọng cổ.

Như vậy trong lịch sử hình thành và phát triển bản Vọng cổ; nếu nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người khai sáng ra tiền thân của nó là bản Dạ cổ hoài lang – một kỳ tích trong cổ nhạc Nam bộ; thì nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa chính là người mở đường cho bản Dạ cổ hoài lang biến đổi thành Vọng cổ và phát huy đúng hướng để bản Vọng cổ có vị trí như ngày nay.

______________

Chú thích:

[1] Bài Vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa sau khi thu đĩa năm 1938 không biết gì lý do nào lại được đổi tên là Vì tiền lỗi đạo, nhưng đa số người mộ điệu đều gọi theo tên đặt lúc đầu là Văng vẳng tiếng chuông chùa. Chính ông Cao Văn Lầu trong lời giới thiệu sách Ca nhạc cổ điển xuất bản năm 1962 cũng gọi tên như thế.

[2] Tạp chí Tin Văn, số đặc biệt Kỷ niệm nửa thế kỷ Sân khấu Cải lương – 1966, trang 128.

[3] Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga sinh năm 1942 tại Thái Hiệp Thạnh (Tây Ninh), xuất thân từ một gia đình giàu có; cha cô bị ảnh hưởng bởi văn hóa Pháp nên đã đặt cho cô thêm cái tên Juliette Nga. Năm cô lên năm tuổi cha mẹ cô bất hòa nên đã li dị nhau và cô đã theo mẹ. Đến khi bà Thơ về sống chung với nghệ sĩ Năm Nghĩa đã dẫn cô theo; từ đó cô đã bắt đầu cuộc sống mới. Năm Nghĩa vừa là kế phụ cũng vừa là người thầy hướng dẫn nghệ thuật cho cô, ông đã đặt cái tên Thanh Nga và cô đã dùng cái tên này làm nghệ danh đến trọn đời. Năm 1958, Thanh Nga đã đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm; năm 1960 được trao bằng danh dự giải Thanh Tâm 2; năm 1966 lại đoạt giải diễn viên xuất sắc nhất. Ngoài các hoạt động sân khấu cải lương, Thanh Nga còn tham gia hoạt động điện ảnh, cô đã đóng các phim: Đôi mắt người xưa, Loan mắt nhung, Lan và Điệp, Sau giờ giới nghiêm. Đến năm 1978, Thanh Nga bị ám sát tại Sài Gòn khi còn đang diễn trong vai Dương Vân Nga (vở Thái hậu Dương Vân Nga) trên sân khấu đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

Thanh Nga tuy không phải là người được sinh ra từ Bạc Liêu, nhưng cô là người thừa kế sự nghiệp nghệ thuật của nghệ sĩ Năm Nghĩa, Thanh Nga đã cống hiến gần như trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật và cho quê hương Bạc Liêu.

[4] Lư Bảo Quốc là em cùng mẹ khác cha với Thanh Nga, con trai đầu lòng của nghệ sĩ Năm Nghĩa, anh đã dùng tên thật của mình làm nghệ danh. Bảo Quốc sinh năm 1949, trong lúc đoàn hát của cha anh đang lưu diễn ở Tây Ninh. Anh đã bước chân lên sân khấu từ những năm chưa được 10 tuổi, đã theo cha mẹ và gia đình đi lưu diễn khắp nơi. Đến khi Năm Nghĩa qua đời, Bảo Quốc tuy còn nhỏ, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của người chị là Thanh Nga nên anh đã liên tiếp bước được những bước dài trên đường nghệ thuật, Thanh Nga căn cứ theo hướng đào tạo của người kế phụ đã dìu dắt em mình tập hát những vai hài trên sân khấu cải lương, đến năm 1972 Bảo Quốc đã chính thức thủ diễn các vai hài (hề) chính và cũng từ năm đó anh mới được nhiều người biết đến. Anh tiếp tục trau dồi nghề nghiệp và phụ trách các vai diễn đều đặn, đến năm 1967 lại đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm, rồi sau đó trở thành đệ nhất danh hài của sân khấu cải lương. Suốt thời gian dài phục vụ nghệ thuật một cách tích cực cộng với khả năng trình diễn có nhiều ưu điểm, đến năm 1991 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, một danh hiệu rất xứng đáng đối với anh. Ngoài sân khấu cải lương, Bảo Quốc còn tham gia nhiều lãnh vực nghệ thuật khác như kịch nói và điện ảnh, mỗi lĩnh vực nghệ thuật anh đều đạt được những thành quả nhất định. Trong hơn bốn mươi năm phục vụ sân khấu Bảo Quốc đã để lại những ấn tượng rất sâu đậm trong lòng khán thính gỉa; có thể nói anh đã thừa kế được sự nghiệp nghệ thuật của người cha và người chị quá cố, nhưng trên một bình diện rộng hơn.