Tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, nửa phía Bắc dưới sự cai trị của những người Cộng sản. Cuối tháng 8 năm ấy, cùng với gia đình (gồm mẹ, vợ) và gia đình thi sĩ Đinh Hùng (em vợ, đồng thời cũng là bạn thân), nhà thơ Vũ Hoàng Chương lánh vào miền Nam. Ông giải thích lý do ra đi trong bài “Gấm hoa” làm ở Sài gòn năm 1967, được in ra trong tập Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai (Sàigòn: Lửa Thiêng, 1970):
Anh ra đi, cánh phiêu-hồng trốn tuyết
Hay cánh thiên-nga trốn vạc dầu sôi?
Sông núi đã chia rồi
Em ở lại sầu gương tủi lược
Bồ-hòn kết đắng hoa môi.
Tiếng kêu ném ngược đường kinh tuyến
Chỉ thấy vòng quanh trở lại thôi.
Đặt bút cùng ngâm khúc bể dâu
Nổi trôi từ đấy xót cho nhau.
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi Sáng
Hai ngả lòng thu dựng tháp Sầu.
Tỉnh cũng hoài thôi, say chẳng nỡ
Xuân sang đó nhỉ, mộng về đâu?
Rằng hư, rằng thực lời tâm huyết
Non vẫn cao hề, nước vẫn sâu!
Tập thơ với bài “Nổi trôi,” thi sĩ Vũ Hoàng Chương làm để gửi nữ sĩ Ngân Giang đầu năm 1955.
Ý thơ quá kín đáo. Khi in bài ấy trong tập Trời Một Phương, thi sĩ Vũ Hoàng Chương không cho biết ông muốn nói điều gì hoặc đã nghĩ đến ai. Mãi 12 năm sau, 1974, trong tập bút ký Ta Đã Làm Chi Đời Ta (Sàigòn: CSXB Trương Vĩnh Ký, 1974), Vũ Hoàng Chương mới giải thích ông làm bài ấy cuối năm Giáp Ngọ 1954 và để gửi nữ sĩ Ngân Giang.
Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải trong bài “Gặp bà Thục Oanh – nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương,” sau ngày 30.4.1975 ông bà Vũ Hoàng Chương rất nghèo. Tuy thế khi ông Vũ Hoàng Địch (em ruột nhà thơ) từ Bắc vào thăm, ông bà vẫn cố gom góp tiền mua mười thước gấm nhờ ông Địch đem về biếu nữ sĩ Ngân Giang, tuy ông bà Chương cùng biết trong cảnh sống cơ cực của nữ sĩ lúc ấy, áo gấm không phải loại y phục thích hợp:
Mười năm quét lá bên sông
Hình hài để lại cái còng trên lưng.
Một quán bên sông cuối phố nghèo
Miếng trầu bát nước có bao nhiêu.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét, “Trong mối giao tình của các bậc văn thi sĩ mà ta quen gọi là ‘lớp tiền chiến’, quả thật có nhiều điều muốn nói. Trước hết là về văn tài của họ. Sau đó là tấm lòng của họ đối với bạn bè và thời thế.” Ông cũng bình luận thêm, “Cái tình nghệ sĩ thương nhau nặng sâu là vậy đó”[1].
Tuyển tập tản văn của nhà biên khảo Hoàng Quốc Hải, với 1 bài về thi sĩ Vũ Hoàng Chương và 4 bài về nữ sĩ Ngân Giang.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét không sai về giao tình giữa các văn thi sĩ Việt Nam lớp trước. Nhưng tình thân giữa thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nữ sĩ Ngân Giang quả có một số điểm đặc biệt hơn mức bình thường. Trong ít trang phía sau, xin được giới thiệu và giải thích một số bài xướng họa, liên ngâm của hai vị, cùng những thơ hai vị làm để đưa tay hoặc gửi cho nhau.
Tuy hai người trạc tuổi (Vũ Hoàng Chương: 14.5.1915, Ngân Giang: 20.3.1916), nữ sĩ Ngân Giang được giới văn chương, báo chí biết đến trước thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Mãi đến năm 1940, ở tuổi 25, Vũ Hoàng Chương mới có tập thơ đầu tiên (Thơ Say) trong khi Ngân Giang được coi là một “thần đồng.” Hai câu thơ đầu đời xuất hiện năm lên 6 (1922), bài thơ “Vịnh Kiều” được đăng báo năm lên 8 (1924), tuyển tập thơ văn Giọt Lệ Xuân được in năm 16 tuổi (1932). “Trưng nữ vương,” một trong những bài thơ vịnh Bà Trưng hay nhất của nền văn học Việt Nam, xuất hiện năm 1939 khi tác giả mới 23 tuổi. Thơ của Ngân Giang dưới nhiều bút hiệu khác nhau (tên thật Đỗ Thị Quế; bút hiệu chính: Hạnh Liên, Nguyệt Quyên, Đỗ Quế Anh; bút hiệu phụ: Lữ Vân, Nàng Lém, Chị Mến, Nàng Không Tên…) xuất hiện trên nhiều báo và tạp chí ở Sàigòn cũng như ở Hà Nội. Từ đầu thập niên 1930, nữ sĩ đã được ca ngợi là một trang nữ lưu “tài sắc vẹn toàn.”
Nữ sĩ Ngân Giang thời trẻ
(Hình do Ts. Nguyễn Phan Cảnh cung cấp).
Theo bà Thục Oanh trong một bức thư gửi đi từ Sài gòn ngày 15.9.1999, bà được bà Vũ Cẩm Liên (chị ruột thi sĩ Vũ Hoàng Chương) cho biết thi nhân họ Vũ bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi nhưng gia đình không để ý cho lắm. Một bài thơ làm khi cùng thân phụ đi thăm lăng một vị Quận công đã được một vị Cử nhân Hán học nhiệt liệt khen ngợi, nhưng những thơ ấy chỉ được biết đến giữa những người thân. Sau khi tập thơ thứ hai của Vũ Hoàng Chương (Mây) được nhà Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn xuất bản (1943) rồi tập Tiếng Gọi Sông Ngân của Ngân Giang được dư luận xôn xao nhắc tới (1944), thì hai nhà thơ… cùng nổi danh.
Theo thi sĩ Ngân Giang, trong thời gian bà duy trì một “salon littéraire” (phòng khách văn chương) ở Hà Nội trước 1945, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã đến dự ít nhất một lần. Bà kể lại với nhà văn Hoàng Quốc Hải, “Nhớ cuộc tranh luận ầm ĩ về Thơ Cũ, Thơ Mới. Các nhà thơ mới lớn tiếng mạt sát thơ luật Đường. Nào ‘gò bó,’ nào ‘trói voi bỏ rọ,’ nào ‘cổ hủ.’ Vũ Hoàng Chương cũng thuộc phái thơ mới nhưng anh giữ thái độ im lặng. Bữa nọ nhân ngồi uống trà trong phòng thơ của tôi, tôi hỏi nhỏ Vũ Hoàng, ‘Ý anh về Thơ Cũ thế nào?’ Anh nheo mắt cười rất hóm rồi bảo, ‘Ngân Giang cứ viết cho thật hay, đừng câu nệ hình thức, nhất là đừng để ý đến chuyện cãi cọ vặt ấy làm gì. Họ không làm được ‘Đường,’ họ chỉ nấu ‘Kẹo’ thôi nên nói nhảm.” Theo sự góp ý của Vũ Hoàng Chương, Ngân Giang tiếp tục dùng thể Đường luật để sáng tác. Bà thành công một cách xuất sắc, rồi dần dà được tôn là “Nữ hoàng thơ Đường luật.”
Mấy chục năm sau, 1992, Ngân Giang nhớ đến Vũ Hoàng Chương qua những kỷ niệm và hình ảnh thật đẹp, “Những lúc buồn, tôi và Vũ Hoàng Chương hay đi dạo qua đường Ô Quan Chưởng ra phía bờ sông, để đón bắt cái bâng khuâng, để đi tìm thi tứ, tựa như mấy kẻ lang thang trên nẻo đường vô định. Vũ Hoàng Chương đầu ngẩng cao nhìn trời, tư thế hiên ngang như một tráng sĩ. Anh say sưa nói về Thơ, đôi khi nói về thế sự. Anh là người có trí thức sâu rộng, sống độ lượng với mọi người và có nhãn quan thấu thị. Tôi rất phục tài anh, nhất là mảng Thơ Say. Và anh cũng nể tôi vì nhiều lẽ”[2].
Bài thơ của Ngân Giang được Vũ Hoàng Chương đồng cảm và họa lại đầu tiên có lẽ là bài “Khi gió heo may về” (thường được gọi một cách vắn tắt là bài “Mây trắng”):
Mây trắng lang thang mãi cuối trời
Gió chiều heo hút khắp nơi nơi
Cung đàn biết mấy dây chùng hẳn
Mái tóc bao nhiêu sợi lạnh rồi.
Chốn ấy tờ hoa đành lẻ ý
Mùa này chim nhạn có chung đôi?
Thương thay trên quãng đường chia ngả
Thì ngả nào không có lá rơi!
Lửa khóa mây then bốn vách trời,
Về đâu mộng cũng chẳng đành nơi.
Vẫn chưa ý gửi vào thơ được
Mà đã dâu toan hóa biển rồi.
Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng
Vầng trăng ai nỡ xẻ làm đôi?
Tin thu lạnh lắm… rồng ao cạn,
Há chỉ phòng thu lệ nến rơi![3]
Cơ nghiệp buông trôi ở Vị thành
Ném theo đời loạn kiếp lênh đênh
Lửa dâng bốn mặt khô xương trắng
Cúc nở hai lần ướt áo xanh…
Mưa vây tám nẻo tù chân bướm
Mà gió xoay chiều loạn núi sông.
Văn đạo Trường An tự dịch kỳ
Bách niên thế sự bất thăng bi
Vương hầu đệ trạch giai tân chủ
Văn vũ y quan dị tích thì…
Trường An nghe nói rối quân cờ
Thế sự trăm năm những ngẩn ngơ
Nhà cửa vương hầu thay chủ mới
Áo xiêm văn vũ khác thời xưa…
…Lạnh lẽo sông thu rồng cá vắng.
Ngân Giang cũng có những tâm tư muốn chia sẻ với Vũ Hoàng Chương. Theo nhà thơ họ Vũ, trong một lần đến thăm ít lâu sau, Ngân Giang đem theo hai tấm hình được phóng lớn. Phía sau một tấm chép bài thơ “Mây trắng” với lời đề tặng. Phía sau tấm kia là bốn câu thất ngôn:
Ngày muộn nắng soi vàng nhạt nhạt
Chợ tàn quán đổ bóng xiêu xiêu
Có con chim én bay trong gió
Cánh đập bơ vơ bạt mấy chiều.
Từ khi trở lại kinh thành
Chiều nay mới thấy rằng mình bơ vơ.
Đôi bờ thăm thẳm giấc Tiêu Tương
Chợt bóng hoa mai động cách tường.
Tâm sự đã nhầu trong khói lửa
Thiên duyên còn ngát ở văn chương.
Giả say, ta biết sầu kia thực
Gỡ mộng, người e nghiệp sẵn vương.
Đừng nói “bơ vơ từ trở lại,”
Tháp ngà ai khép với đài gương!
Tình đã trần gian mấy thuở rồi.
Ông cho biết Ngân Giang có vẻ tư lự: “Nối cũng sẵn vần, nhưng chỉ sợ ý không liền.” Nữ sĩ đề nghị ông làm luôn bốn câu đầu, bà sẽ lãnh phần bốn câu cuối. Vũ Hoàng Chương đồng ý và đọc:Tình đã trần gian mấy thuở rồi
Hồn thơ chung một hướng về ngôi
Bước chân Bắc đẩu vàng toan dạo
Khóe mắt Thiên hà bạc muốn trôi.
Trở lại với việc liên ngâm, Ngân Giang đọc hai câu kế tiếp:
Thuyền buộc quê xưa, lòng họ Đỗ
Hoa cười năm ngoái, hận chàng Thôi.
Bẵng đi mấy tháng Ngân Giang không lui tới, rồi Vũ Hoàng Chương được tin Ngân Giang lại bước lên xe hoa. Ông không ngạc nhiên vì biết nữ sĩ đã không được như ý với cuộc hôn nhân trước đó. Ít hôm sau ông tới sở làm, trao tặng một bài thơ khác. Bài này cũng chỉ có 6 câu, trong đó câu nào cũng giữ lại mấy chữ của bài thơ bị bỏ dở bữa trước:
Tình lại trần gian nữa đó sao?
Hồn thơ lẻ hướng xót ngôi cao!
Bước chân Bắc đẩu vàng chưa động
Khóe mắt Thiên hà bạc sớm trao.
Thuyền buộc quê xưa, dòng lệ cũ
Mày in trăng mới, giấc mơ nào?[4]
Hơn hai năm sau, cuối Hè năm 1953, Vũ Hoàng Chương cho biết lại nhận được thư của Ngân Giang, mời họp bạn ngâm vịnh tại một địa chỉ mới, đường Phủ Doãn. Lúc chia tay, nữ sĩ có vẻ cởi mở, “Bây giờ Ngân Giang ngâm vịnh được rồi. Tương đối tự do hơn năm ngoái.” Tuy nhiên khi Vũ Hoàng Chương hỏi, “Dạo này Ngân Giang có sáng tác gì đắc ý không?” bà đã trả lời, “Chuyện đời phiền lắm, có giản dị như Hoàng tưởng đâu! Ngân Giang mỗi ngày một thấy buồn hơn trước. Và một quãng nào đó trong dĩ vãng cứ ám ảnh Ngân Giang, lôi kéo trở về.” Theo Vũ Hoàng Chương, khi ông hỏi, “Quãng nào trong dĩ vãng?” Ngân Giang không trả lời thẳng vào câu hỏi, chỉ cất giọng ngâm:
Sau trước nghìn thu một Quế Anh
Hòa Phiên từng đã xót phân tranh
Ngựa Hồ tiếng thét mười phương gió
Cung Hán màu trăng vạn dặm thành.
Có đúng với tâm sự Minh phi đời nay không?”
Chí dẫu côn bằng, e hẹp biển
Lòng còn sương khói, ngại tan canh.
Làm mây ải Nhạn chiều heo hút.
Ông cũng nói thêm rằng ông đã dùng lại những chữ “mây” và “heo hút,” vốn là chữ Ngân Giang đã dùng trong bài “Mây trắng”:Mây trắng lang thang mãi cuối trời
Gió chiều heo hút khắp nơi nơi.
Rồi cũng lang thang kiếp độc hành.
Nhà thơ họ Vũ nhận xét: Lần đầu tiên hai người làm xong một bài liên ngâm trọn vẹn với đủ 8 câu. Chỉ tiếc hai chữ cuối là “độc hành,” buồn quá! Ta cũng nhận thấy tuy do hai người làm, ý tưởng toàn bài rất chặt chẽ, liền mạch.Xin chép lại bài liên ngâm do Ngân Giang và Vũ Hoàng Chương cùng làm ở Hà Nội cuối Hè năm 1953 để nói lên tâm sự của Ngân Giang lúc đó. Vì bài thơ nói về mình, nữ sĩ giữ vai tác giả chính. Bà làm 3 câu đầu, hai câu 5-6, và câu kết. Vũ Hoàng Chương chỉ đóng góp câu 4 (đối lại) và câu 7 (chuyển mạch). Thơ của Ngân Giang được chép theo kiểu chữ nghiêng, thơ Vũ Hoàng Chương, kiểu chữ đứng:
Sau trước nghìn thu một Quế Anh
Hòa Phiên từng đã xót phân tranh
Ngựa Hồ tiếng thét mười phương gió
Cung Hán màu trăng vạn dặm thành.
Chí dẫu côn bằng e hẹp biển
Lòng còn sương khói ngại tan canh.
Làm mây ải Nhạn chiều heo hút
Rồi cũng lang thang kiếp độc hành.[5]
Một số hành động mang ý nghĩa “chính trị, cách mạng” của Ngân Giang hồi trẻ tuổi, căn bản là những giai thoại truyền miệng, có những chỗ không phù hợp với nhau, xin tạm chưa nói đến. Theo một nhà biên khảo nghiêm túc, có tình thân với nữ sĩ là nhà văn Hoàng Quốc Hải, thì Ngân Giang tham gia liên lạc cho Đoàn Thanh niên Cộng sản từ đầu năm 1944. Đầu năm 1945, bà bị Hiến binh Nhật bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò. Khi Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội tháng 8 năm 1945, bà hoạt động trong Đội Phụ nữ thành Hoàng Diệu (thành phố Hà Nội). Sau khi họ nắm được chính quyền, bà chuyển sang công tác lễ tân tại phòng khách sảnh của chính phủ lâm thời. Một số việc làm công khai, được nhiều người biết: Tháng 9 năm 1945, bà đóng góp rất đáng kể cho Tuần lễ Vàng. Đầu năm 1946, bà làm bài thơ “Kính dâng các bậc anh hùng dân tộc,” mở đầu bằng hai câu:
Ta say uy vũ Trần Hưng Đạo
Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh…
Mấy lời cảm tạ Ngân Giang
Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.
Khi chiến tranh nổ ra ở Hà Nội tháng 12 năm 1946, Ngân Giang theo cơ quan lên chiến khu Việt Bắc. Đầu năm 1949, do rừng thiêng nước độc và cuộc sống thiếu thốn, các con bà bị đau yếu không có đủ thuốc men, trong lúc bà có thai người con thứ ba. Chính phủ VM đồng ý để bà đưa các con hồi cư về Hà Nội.
Về tới nơi, bà bị hết cảnh sát tới hiến binh bắt khai báo về tình hình Việt Minh ở khu vực kháng chiến. Quan trọng nhất là câu hỏi, “Bà được họ giao nhiệm vụ gì khi về thành?” Trong hoàn cảnh bị nghi ngờ một cách hữu lý và nguy hiểm như thế, bà được cho biết, “Ông Đổng lý Văn phòng phủ Thủ hiến Bắc Việt của chính phủ Quốc gia thông cảm hoàn cảnh mẹ con bà, có thể bảo lãnh để bà và các con sống tự do, với điều kiện bà nhận lời làm vợ ông.” Mấy hôm sau, khi ông Đổng lý xuất hiện với những cận vệ y phục sang trọng, ăn nói lễ độ, cử chỉ lịch sự, bà thấy ông ta có dáng vẻ trí thức, ngôn từ nhã nhặn, lịch thiệp. Nhất là sau khi ông ta hứa sẽ coi các con bà như con của ông, nữ sĩ đành “nhắm mắt đưa chân.” Thay cho lựa chọn ấy là các con bà phải đưa vào trại mồ côi, bản thân bà vào nhà giam. Không ai có thể phủ nhận sự việc bà đã từng “tích cực hoạt động giúp CS.”
Vài tháng sau, tổ chức bí mật của VM ở Hà Nội tìm cách liên lạc với Ngân Giang. Qua năm 1950, họ giao cho bà công tác ám sát một viên tướng trong quân đội viễn chinh Pháp nhân dịp Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7. Bà được đưa ra ngoại thành, thực tập bắn một loại súng hãm thanh. Bà được huấn luyện để có thể bắn bằng cả hai tay. Việc đó về sau không thi hành nữa, do quyết định của “cấp trên.” Trong thời gian ở Hà Nội, tuy làm việc cho sở Thông tin của chính phủ Quốc gia, Ngân Giang vẫn “hướng về chiến khu”[6]:
Chan hòa nước mắt bước vào thành
Ngoảnh lại xa mờ dãy núi xanh
Xót phận đau buồn qua một kiếp
Nhớ rừng thao thức suốt năm canh.
Gác hẹp mơ màng tin quốc sự,
Ngày về mãi mãi nhớ lời nhau.
Sau trước nghìn thu một Quế Anh
Hòa Phiên từng đã xót phân tranh.
Với Ngân Giang lúc đó, trước hiện cảnh chỉ được nghe tiếng ngựa Hồ hí, thét gió mười phương, còn “màu trăng cung Hán” đã bị cách ngăn rất xa bởi một bức thành vạn dặm:
Ngựa Hồ tiếng thét mười phương gió
Cung Hán màu trăng vạn dặm thành.
Chí dẫu côn bằng e hẹp biển.
Lý do của việc ngần ngại có vẻ là Ngân Giang cũng cảm thấy nếu làm như thế, không biết tương lai, nhất là tương lai của các con, sẽ ra sao:Lòng còn sương khói ngại tan canh.
Chính vì thế, bà buồn và cô đơn:Làm mây ải Nhạn chiều heo hút
Rồi cũng rồi cũng lang thang kiếp độc hành.
Những người vào Nam vẫn theo dõi tin tức về thân nhân còn ở quê nhà. Hàng ngày trên nhật báo Tự Do ở Sàigòn, với nhà thơ Đinh Hùng là một trong năm sáng lập viên, vẫn có mục “Tin miền Bắc.” Qua Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương được biết sau khi những người CS tiếp thu Hà Nội, nữ sĩ Ngân Giang bị họ coi là “có vấn đề.” Bà bị phê phán là sau khi về thành, đã “lấy con của viên Tuần phủ Hà Đông,” không “kiên định lập trường giai cấp.” Với vốn hiểu biết và chút kinh nghiệm sống dưới chính thể CS, Vũ Hoàng Chương rất lo cho Ngân Giang. Đó là lý do đầu năm 1955, ông nhờ người đem về Hà Nội bài thơ đã nói đến ở trên:
NỔI TRÔI
Đặt bút cùng ngâm khúc bể dâu
Nổi trôi từ đấy xót cho nhau.
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi Sáng
Hai ngả lòng thu dựng tháp Sầu.
Tỉnh cũng hoài thôi, say chẳng nỡ
Xuân sang đó nhỉ, mộng về đâu?
Rằng hư, rằng thực, lời tâm huyết
Non vẫn cao hề, nước vẫn sâu!
Trông nhau sẽ ngỏ lời tâm huyết
Đặt bút cùng ngâm khúc nổi trôi.
Mà đã dâu toan hóa biển rồi.
Hai chữ “nổi trôi” của Ngân Giang được ông đưa lên làm nhan đề cho toàn bài thơ. Ông cũng dùng chúng làm chữ đứng đầu cho câu 2 trong bài thơ của ông:Nổi trôi từ đấy xót cho nhau.
Ông linh cảm trước những gian nan sẽ xảy đến cho Ngân Giang, nhưng cũng tự biết mình không làm được điều gì, và rất buồn trước hoàn cảnh bất lực ấy.Những chữ kín đáo và cô đọng nhất trong bài thơ là “nhật nguyệt tranh ngôi Sáng.” Chúng ta cùng hiểu mặt trời và mặt trăng là những thiên thể lớn, ở rất xa, ngoài phạm vi địa cầu, nhưng có thể chi phối đời sống của con người trên trái đất. Vũ Hoàng Chương dùng lối nói tượng trưng. Trong hoàn cảnh Việt Nam năm 1954-55, ông mượn “nhật” và “nguyệt” để chỉ hai thế lực mạnh nhất trên thế giới lúc đó (hai khối Tư bản và Cộng sản) đang tranh nhau ảnh hưởng trên đất nước Việt Nam, chi phối nếp suy nghĩ cùng hành động của rất nhiều người Việt, gây tình trạng sông ngăn núi cắt và đưa đến những hậu quả đáng buồn:
Một phen nhật nguyệt tranh ngôi Sáng
Hai ngả lòng thu dựng tháp Sầu.
Nhân Ngân Giang giỏi chữ Hán, Vũ Hoàng Chương đã đưa chữ Hán vào bài thơ: Trong câu trên, chữ Nhật 日 để cạnh chữ Nguyệt 月 thành chữ Minh 明, là sáng. Trong câu dưới, chữ Thu 秋 để trên chữ Tâm 心 thành chữ Sầu 愁 , là buồn.
Câu 5 nói tâm trạng của Vũ Hoàng Chương: Tỉnh cũng vô ích, không làm được gì cả, nhưng Say (không biết, không quan tâm gì nữa) thì không đành lòng:
Tỉnh cũng hoài thôi, say chẳng nỡ
Trong câu 6, ông băn khoăn nghĩ đến Ngân Giang:Xuân sang đó nhỉ, mộng về đâu?
Trong hai câu kết, Vũ Hoàng Chương muốn nói: Tin Ngân Giang sắp bị khó khăn với những người cầm quyền, không rõ có đúng hay không, nhưng những lời ông gửi nữ sĩ là lời tâm huyết. Khi người ta quan tâm đến nhau thì sông ngăn, núi cách không đáng kể gì nữa (tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng vượt qua). Nhưng ở trường hợp Ngân Giang và ông năm 1955 thì “non” quả là cao, “sông” quả là sâu. Vũ Hoàng Chương đau lòng vì không thể làm gì:Rằng hư, rằng thực, lời tâm huyết
Non vẫn cao hề, nước vẫn sâu!
Ở ngoài Bắc, Ngân Giang cũng chưa đến nỗi cực khổ ngay. Sau khi chính thể mới tiếp thu Hà Nội cuối năm 1954, nữ sĩ vẫn được “lưu dụng,” làm ở Sở Thông tin, đổi thành sở Văn hóa Thông tin, trong những năm 1955, 1956. Qua 1957, Ngân Giang mới bị đuổi việc, nói một cách hoa mỹ là “đặt ra ngoài biên chế.” Lúc ấy nữ sĩ đã 41 tuổi, phải nuôi 9 người con với 3 đời chồng khác nhau. Hai người trước không còn sống chung, người thứ ba ly dị năm 1959.
Theo một bài viết của nhà báo Lê Thọ Bình trên báo Dân Trí, nữ sĩ nhớ lại: “Ra khỏi biên chế nhà nước thời bấy giờ là chuyện kinh khủng. Đi đâu, làm gì để nuôi sống bản thân và gần chục đứa con đây?” Tuyệt vọng đến cùng cực, “chết không được đành phải sống.” Ngày ngày nữ sĩ ra bãi sông Hồng quét lá khô để bán, tối về đi rửa bát, chai lọ thuê. Làm quần quật cũng chỉ đủ tiền mua gạo nấu cháo cho 10 mẹ con. Tiến sĩ Nguyễn Phan Cảnh, người nghĩa đệ thân thiết của nữ sĩ, hé cho chúng ta đọc những câu thơ như:
Còn một củ khoai lại bị hà
Gạo thời không có, cháo đâu ra?[7]
Hình hài để lại cái còng trên lưng.
Khi không còn đủ sức quét lá, rửa bát và chai lọ thuê nữa, nữ sĩ cố gắng mở được một quán bán nước nghèo nàn:Còm cõi bên sông tóc úa dần
Tay nâng chén nước lệ đầy khăn.
Tôi người quê ở Sông Ngân
Xuống trần chịu lấy phong trần đấy thôi!
Rằng ngày xưa ấy Ngân Giang
Một dòng sông lạnh muôn vàn sao rơi!
Bìa tập Thơ Ngân Giang do nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 1994 trình bày những ngôi sao rớt xuống từ trời cao, biến dạng thành những giọt nước mắt.
Ở trong Nam, hình như thi sĩ Vũ Hoàng Chương linh cảm được những điều ấy từ cuối năm Giáp Ngọ 1954 khi ông hạ bút viết câu:
Nổi trôi từ đấy xót cho nhau.
Có một chuyện nghịch lý là trong khi Ngân Giang bị đối xử một cách tàn nhẫn như thế ở ngoài Bắc thì thơ của Ngân Giang vẫn được phổ biến ở trong Nam, cũng như thơ của Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, cùng thơ từ 1945 trở về trước của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, và các nhà thơ tiền chiến khác. Không ai ngạc nhiên khi được biết thi sĩ Đông Hồ đem thơ Ngân Giang ra bình giảng ở Đại học Văn khoa Sàigòn. Mọi người chỉ xúc động sau khi được tin nhà thơ lão thành đột tử. Trong tuyển tập Thi Ca Việt Nam Hiện Đại do Trần Tuấn Kiệt sưu tập (Sàigòn, 1965), 8 đề thơ với 19 bài Đường luật bát cú của Ngân Giang được giới thiệu một cách rất trang trọng trong 10 trang, từ trang 293 đến hết trang 302.
Tuyển tập thơ Việt Nam với 19 bài Đường luật của Ngân Giang được in ở Sàigòn năm 1965.
Cuối năm 1976, khi tin thi sĩ Vũ Hoàng Chương tạ thế đưa về đến Hà Nội, nữ sĩ Ngân Giang cực kỳ xúc động. Trong chiều hướng viết về tình bạn của hai nhà thơ tri kỷ cùng có chân tài, xin được giới thiệu bài thơ Ngân Giang khóc Vũ Hoàng Chương. Các bản trên Net có vài chỗ khác nhau. Người viết may mắn nhận được một bản in từ một nhà biên khảo có thẩm quyền, vị nghĩa đệ thân thiết của nữ sĩ, là Tiến sĩ Nguyễn Phan Cảnh. Bản này được in ở trang 350 trong tập Thơ Ngân Giang do Ts. Cảnh thực hiện năm 1996 để mừng thọ nhân nữ sĩ 80 tuổi. Lời thơ trong bản ấy cũng giống lời thơ trong bản do NXB Phụ Nữ in năm 1994:
Ớ Vũ Hoàng ơi! Ớ Vũ Hoàng
Mười hai tháng sáu lạnh màu tang!
Mây không lãng đãng theo chân ngựa
Say để bâng khuâng ngã giữa đường!
Một áng bạch vân dài nẻo nhớ,
Bài ca dị hỏa khóc người thương.
Mà dòng Dịch thủy trôi trôi mãi
Rẽ lối hoa lê trắng dặm trường.[9]
Trừ những chữ in đậm là tên hoặc chữ dùng quan trọng trong các tác phẩm của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, ý tưởng trong bài này giản dị, rõ ràng, thiết nghĩ việc giải thích không cần thiết.
________________
Ghi chú:
[1] Hoàng Quốc Hải, “Gặp bà Thục Oanh – nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương,” trong Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc (Hà Nội: NXB Phụ Nữ, 2014). Cũng có thể đọc trên Net tại các đường dẫn:
- http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c191/n4128/Gap-ba-Thuc-Oanh-nho-thi-tai-Vu-Hoang-Chuong.html
- https://dutule.com/a7339/hoang-quoc-hai-gap-ba-thuc-oanh-nho-thi-tai-vu-hoang-chuong
[3] Vũ Hoàng Chương, Ta Đã Làm Chi Đời Ta (Sàigòn: NXB Trương Vĩnh Ký, 1974), trang 146-47).
[4] Vũ Hoàng Chương, Sách đã dẫn, trang 148-151.
[5] Vũ Hoàng Chương, Sách đã dẫn, trang 157-158.
[6] Hoàng Quốc Hải, “Trăm năm nữ sĩ Ngân Giang” (Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nữ sĩ Ngân Giang), Láng Thượng, 14.4.2016:
- http://tapchisonghuong.com.vn/hue/p0/c107/n20654/13-nam-ngay-mat-cua-nu-si-Ngan-Giang-17-8-2002-17-8-2015-Tai-tinh-chi-lam-cho-troi-dat-ghen.html
- http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tram-nam-nu-si-ngan-giang.html
[8] Hoàng Quốc Hải, Tài liệu đã dẫn. Chi tiết về chuyện thi sĩ Đông Hồ đột tử trưa ngày 25 tháng 3 năm 1969 tại giảng đường trường Đại học Văn khoa Sàigòn sau khi ngâm xong câu áp chót bài “Trưng Nữ vương” của nữ sĩ Ngân Giang, đã được một sinh viên có mặt trong lớp thuật lại khá tường tận. Xin xem: Lê Trung Hoa, “Những ngày cuối cùng của thi sĩ Đông Hồ,” tạp chí Bách Khoa số 296 (ngày 1 tháng 5 năm 1969), trang 27-32.
[9] Nguyễn Phan Cảnh, Sách đã dẫn, trang 364. Thơ Ngân Giang (Hà Nội: NXB Phụ Nữ, 1994), trang 52.