Trần Văn Chánh
Những ngày gần đây chiến sự ác liệt Nga-Ucraina thu hút sự chú ý của toàn thế giới được các phương tiện truyền thông Việt Nam liên tục đưa tin đã có phần nào làm mờ nhạt những vụ án tày đình như vụ nhập thuốc ung thư giả, vụ test kit Việt Á, vụ Cục Lãnh sự giải cứu người Việt ở nước ngoài…, mà tất cả đều có tính hệ thống làm lũng đoạn nhà nước dẫn đến nguy cơ làm sụp đổ cả chế độ. Trước đó, trong nước còn có vụ bà Phương Hằng chửi lung tung, vụ Thiền am bên bờ vũ trụ… cũng có tác dụng chính trị tương tự.
Khi chiến sự Nga-Ucraina tăng mạnh cường độ thì bà Hằng và cụ Tùng Vân đương nhiên phải bớt nổi tiếng. Không biết có đúng 100% hay không, nhưng một số người có tính đa nghi cho rằng, việc xới lên mạnh mẽ những thông tin trong nước ngoài nước như vậy là có sự cố ý ít nhất cũng của hai ngành có chức năng tuyên truyền, đó là Ban Tuyên giáo Trung ương (BTGTW) và Bộ Thông tin truyền thông (Bộ 4T), dưới sự chỉ đạo của tổ chức lãnh đạo đứng đầu đất nước, nhằm đánh lạc hướng dư luận, để người dân VN tạm quên đi một số vụ phạm tội đại ác tham nhũng, cũng như những cuộc thư hùng đấu đá tranh chấp quyền lực giữa những người CSVN đã và đang diễn ra rất quyết liệt.
Trên đây là nhắc đến những việc lớn hoặc tương đối lớn có ảnh hưởng đến sự an nguy của người dân trong nước. Liên quan đến trách nhiệm của BTGTW và Bộ 4T còn có những việc xem chừng chẳng có an nguy gì cả, lại ít ai để ý, nhất là đối với thành phần lao động nghèo khổ phải cày cuốc hàng ngày để kiếm sống, như việc công nhận di tích cấp quốc gia, việc cắt băng khánh thành một số cổng chào, tượng đài ở các địa phương tốn tiền tỉ của ngân sách quốc gia. Tuy nhiên hai cơ quan chức năng kể trên lâu lâu cũng có xen vào những việc hệ trọng gây hại cho dân, như mấy tháng trước, họ tích cực ủng hộ công ty Việt Á trong việc tuyên truyền bán test kit để Bộ Y tế thực hiện kế hoạch xét nghiệm Covid-19 thần tốc trên diện rộng…
Tôi thuộc phái chủ trương không dẹp bỏ những cái loa phường như nhiều người đề nghị, vì lo cho vài nhân viên trong phường bị thất nghiệp, và tuy nó có gây ồn ào nhưng cũng còn chút bổ ích trong việc thông báo, nhắc nhở người dân việc này việc nọ, nhất là đối với những người dân không có điều kiện đọc báo, chỉ biết nghe loa phường. Tuy nhiên tôi lại không mấy gì ưa cái gọi là BTGTW và Bộ 4T, là hai cơ quan chủ yếu làm hại đất nước bằng sự thành công tương đối khá của họ trong chính sách ngu dân. Kể ra, họ chỉ bóp nghẹt nền dân chủ trong nước mà chẳng giáo dục hay nâng cao trình độ văn hóa cho ai hết. Hiệu quả tuyên truyền của họ luôn tỉ lệ thuận với mức độ dân khí ngày trở nên hèn kém vì những thứ lý luận giáo điều đã trở nên vô cùng lạc hậu trước hiện thực sinh động của cuộc sống cũng như trước yêu cầu phát triển của kinh tế-xã hội đất nước.
Hai cơ quan có trách nhiệm “giáo dân” kể trên, hễ phát ra điều gì thì người thường dân rất ít khi chú ý hoặc không còn tin nữa. Hệ thống báo chí chính thống trong quy hoạch và dưới quyền lãnh đạo của hai cơ quan này chỉ còn lợi ích ở chỗ đưa ra được một số bài viết nâng cao kiến thức khoa học tự nhiên, các bài tin về người tốt việc tốt hoặc tệ nạn/ hành vi tội ác trong xã hội; phổ biến thông tin liên quan các quy định của chính phủ về bảo hiểm, y tế, giáo dục, văn hóa đọc, giao thông, điện nước, du lịch, tuyển dụng lao động, các loại thủ tục giấy tờ này khác. Kỳ dư là những bài viết theo quan điểm chính thống hoặc tuyên truyền một chiều để người dân và cán bộ cấp thấp lầm tưởng mình đang được sống dưới một thể chế chính trị ưu việt, nên người ta quen gọi là báo chí hay truyền thông “lề phải”. Thảng hoặc cũng có đôi ba bài viết phê bình góp ý khá thẳng thắn cho một vấn đề quốc kế dân sinh gì đó của giới trí thức, nhưng thẳng thắn phải có giới hạn, không được chạm vào những “vùng cấm” hoặc “vùng nhạy cảm” vô hình và không có quy định gì cụ thể. Một vài tờ báo như Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Cộng Sản … không có độc giả, chỉ bán theo quy định đăng ký hoặc để phát không xuống các cơ quan ban ngành đoàn thể, đọc xong dùng để gói đồ, nhưng đôi khi chúng cũng có lợi ích cho một số đối tượng đặc biệt như giảng viên của Học viện Chính trị hay thành viên của Hội đồng Lý luận Trung ương chẳng hạn, dùng làm bửu bối để rao giảng hoặc để chống bọn tư sản phản động thuộc “các thế lực thù địch”. Ngoài ra, để hiểu xu hướng, đường lối chính thống trong nước đang có những biến chuyển tốt xấu ra sao, những người quan tâm theo dõi thời cuộc cũng rất cần đọc tham khảo loại báo chí này chứ chẳng nên coi thường mà quăng chúng vào sọt rác.
Hiện nay, tất cả báo chí “lề phải” trong nước đều khủng hoảng nặng, mất độc giả, số lượng in giảm thấp, thu nhập giảm, một số nhà báo chuyên nghiệp đâm ra chán nản; một số khác chuyển sang dạng báo lá cải, dưới hình thức phụ trang (cho một tờ báo chính), thu hút độc giả trong giới bình dân để kiếm sống. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu do sự trói tay trói chân của BTGTW và Bộ 4T làm cho báo chí trở nên xơ cứng kém hấp dẫn, trong khi các trang mạng xã hội ngày càng phát triển, lấn áp, dù không ít trang mạng cũng rất tào lao, đưa tin giả. Một số nhà báo muốn giữ đúng lương tâm chức nghiệp bắt buộc phải chuyển dần từ “lề phải” qua “lề trái”, lựa những trang Web đúng đắn để cộng tác (phần nhiều viết miễn phí, không có nhuận bút). Đây rõ ràng là tình trạng đại bại, chứng tỏ sự bất tài vô dụng của BTGTW và Bộ 4T, chỉ còn sống lây lất, nếu cứ tiếp tục “ngu trung” theo mô hình hoạt động cũ, chẳng những họ không giúp tuyên truyền cho chế độ được bền vững, mà còn tạo nên hiệu ứng ngược, giúp đào mồ chôn nó một cách nhanh hơn, trong điều kiện công nghệ 4.0 và thế giới đã phẳng dần ra.
Đối với cán bộ hàng quan chức CS các cấp, họ cũng chẳng nghe theo lời giáo huấn đạo đức của BTGTW và Bộ 4T một tí xíu nào cả. Bằng cớ rõ rệt là số quan chức tham nhũng vào tù ngày càng đông, kết thành hệ thống, chưa kể những vụ chưa bị lộ hoặc chưa khởi tố vì còn có hiện tượng nể nang, bao che, đến độ mất kiểm soát, khiến ông trùm đảng phải buông lời thở dài đặt câu hỏi: Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”.
Chỉ qua một vài điểm phân tích sơ sơ như trên, đủ thấy BTGTW không chỉ vô ích mà còn có hại. Nó chỉ có ích cho việc tuyên truyền mị dân bằng những lý luận sặc mùi giáo điều để duy trì chế độ độc tài toàn trị hiện hữu, nhưng hiện còn rất ít người tin. Theo tôi vì thế có lẽ nên gộp chung Ban BTGTW vào Bộ 4T để giảm bớt chi tiêu ngân sách, nhưng để tránh cho nhiều cán bộ chuyên nghề nói dóc bị thất nghiệp, chính phủ nên tìm cách chuyển nghề cho họ, hoặc tái chỉnh huấn, cho họ học thêm một số môn học để thiết thực phục vụ nhân dân trên một số lĩnh vực nào đó.
Phải khách quan nhìn nhận rằng, không phải không có một số cán bộ tuyên giáo có lương tri, biết rõ bản chất số phận nghề nghiệp của mình là không ổn, nhưng nếu nhảy ra ngoài thì không còn nghề nghiệp gì khác để kiếm sống, ngoài việc đuổi gà cho vợ. Chính phủ nên tìm cách giúp đỡ những người này.
Trong quá trình hoạt động dật dờ “khô lý luận”, gần đây, vào ngày 5.1.2022 BTGTW cho ra một văn bản mà theo tôi rất đáng buồn cười, nếu không muốn nói tào lao, chống lại ý chí hầu như của toàn thể nhân dân xứ Việt, và ý kiến của hầu hết các vị nhân sĩ trí thức, học giả, đặc biệt của giới nghiên cứu sử học tiến bộ trên cả nước. Tên của văn bản này, mang số 2274 CV/BTGTW, gọi là “Về việc đặt tên đường phố, công trình công cộng liên quan một số nhân vật lịch sử còn những ý kiến trái chiều”, kính gởi đến các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Theo đó BTGTW căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ ngày 11.7.2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng. Cụ thể không xem xét lấy tên hai nhân vật Phan Thanh Giản (PTG) và Trương Vĩnh Ký (TVK) đặt tên cho đường, phố, công trình công cộng; chỉ đặt tên “Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận”, “Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì xem xét chưa đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng”.
Tôi nói “tào lao” là có lý do. Trước nhất cái Nghị định số 91/2005/NĐ vừa nêu trên không hề nêu rõ cụ thể phải tránh dùng tên hai cụ PTG và TVK đặt tên đường, mà cái sự tránh này là do BTGTW tự “vận dụng sáng tạo” nghĩ ra.
Tại đây, tôi thấy cũng không cần rườm rà nhắc lại tiểu sử của hai cụ, cũng như một số luận điểm đánh giá lại nhân vật lịch sử của rất nhiều nhân sĩ trí thức và học giả tiến bộ. Đã có nhiều cuộc hội thảo lớn liên quan đến sự nghiệp tốt đẹp của PTG và TVK, được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt gợi ý tổ chức, Hội Nghiên cứu Lịch sử Việt Nam đứng ra chủ trì, với sự tham gia của hàng chục nhà sử học, nhà nghiên cứu và học giả trên toàn quốc. Kết quả của những cuộc hội thảo này đều được in thành kỷ yếu, chứa đựng nhiều bài tham luận nghiên cứu lịch sử nghiêm túc, có giá trị tham khảo cao.
Sách viết về PTG và TVK của cả người Pháp lẫn người Việt từ trước tới nay tính ra đã có đến hàng chục, lần lượt có thể kể của những tác giả Nam Xuân Thọ, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Văn Trung, Bằng Giang, Hoàng Lại Giang, Nguyễn Đình Đầu (viết về TVK), Nam Xuân Thọ, Nguyễn Duy Oanh, Hoàng Lại Giang, Huệ Khải, Phan Thị Minh Lễ (viết về PTG),… Trước năm 1975, Tập san Sử Địa còn có một chuyên đề đặc khảo về PTG. Ngoài ra, không có cuốn từ điển danh nhân Việt Nam nào mà lại không có hai mục từ PTG, TVK.
Hiện nay nhiều người còn giữ được cuốn Phan Thanh Giảng truyện xuất bản năm 1927 của Thái Hữu Vỏ (“Giảng” viết có G, Vỏ viết dấu HỎI) in tại Nhà in XƯA-NAY, Nguyễn Háo Vĩnh, nội dung ca ngợi hết lời lối sống đạo đức và tấm lòng trung trinh ái quốc của cụ Phan. Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược cũng đánh giá nhân vật PTG một cách rất công bằng, khách quan, theo hướng tích cực, của một nhà sử học công tâm được nhiều người thừa nhận.
Hiện nay, trên hầu hết các tỉnh thành của miền Nam nước Việt, đều có tên hai con đường PTG và TVK (như ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An…). Riêng tại TP. HCM, ngoài đường TVK (ở quận Tân Phú) còn có trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông mang tên TVK (thành lập năm 1997; trụ sở chính ở 21 Trịnh Đình Trọng, Quận 11; Chi nhánh 110 Bành Văn Trân, Quận Tân Bình).
Khi hay tin BTGTW ra văn bản đề nghị không đặt tên đường PTG và TVK, thì ngay cả Ban Tuyên giáo và Sở 4T ở một số tỉnh cũng tỏ ra vừa kinh ngạc, vừa bất bình. Họ muốn đưa vấn đề này ra thảo luận công khai trên báo chí, vì trước đó họ đã từng dự nhiều cuộc hội thảo liên quan, thậm chí còn có viết bài tham luận về hai nhân vật lịch sử rất tiêu biểu này của đất nước.
Nhưng có những nhóm người chuyên môn phá đám, tìm cách moi móc bằng những luận điểm giáo điều để hạ bệ cho bằng được hai nhân vật lịch sử vốn đã được cả nước nói chung và miền Nam Việt Nam nói riêng kính trọng, tôn thờ. Tôi không phải họ Phan cũng không phải họ Trương, nhưng xem những luận điệu giáo điều thành tật của họ thì vừa buồn cười vừa cảm thấy lợm giọng như thể bị họ xúc phạm đến tổ tiên ông bà ruột thịt của mình.
Tất nhiên, chúng ta đã chống chủ nghĩa giáo điều thì cũng đồng nghĩa phải chấp nhận văn hóa tranh luận và những “ý kiến khác” để tìm câu giải đáp khách quan cho những vấn đề lịch sử cũng như cho những nhân vật lịch sử cụ thể.
Nhưng bởi vì nhóm người nói trên chỉ chuyên luận giải vấn đề theo hướng một chiều. Thuộc về chiều nghịch này, tiêu biểu có hai tờ báo khá nổi tiếng, đó là Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM và Nguyệt san Hồn Việt, có thể gọi là cặp đôi song sinh, hễ ai có bài viết khen PTG, TVK là họ xúm lại chửi, dưới danh nghĩa “nghiên cứu – trao đổi”. Gần đây họ còn tích cực chủ trương cho xuất bản tập sách dày cộm nhiều tác giả, lấy tên Trao đổi sử học , nội dung có thể nói: một phần ba phê phán PTG, TVK là những phần tử đầu hàng làm tôi mọi cho thực dân Pháp; một phần ba phê phán triều Nguyễn hèn nhát bán nước; số một phần ba còn lại dùng để công kích GS Phan Huy Lê, Hội Sử học, cùng một số người khác có quan điểm “xét lại” đối với một số vấn đề lịch sử.
Quan điểm cơ bản của nhóm người này là một chiều “lịch sử phải có máu mới ăn tiền”. Điều này có nghĩa họ chỉ chấp nhận ca tụng những nhân vật anh hùng lịch sử có thành tích quật khởi chiến đấu, cho dù chiến đấu thất bại, như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc… Chúng ta hoàn toàn đồng ý mấy nhân vật vừa kể là anh hùng dân tộc đáng được nhân dân mãi mãi tôn thờ. Nhưng quan niệm yêu nước của nhóm “Trao đổi sử học” này chỉ nhất nhất một chiều hạn hẹp, theo đó phải là: vào sinh ra tử, quyết chiến với kẻ thù, “còn cái lai quần cũng đánh”…. Còn hễ có ai hoạt động yêu nước giúp dân bằng đường lối khác phi bạo động/ không đổ máu chết dân theo kiểu trung dung thỏa hiệp Pháp Việt đề huề, như nhóm Phạm Quỳnh, nhóm Bùi Quang Chiêu, nhóm Tự Lực Văn Đoàn, các phong trào quốc gia Việt Nam…, thì họ đều quy chung cho cái mũ phản dân hại nước tất tần tật. Yêu nước theo họ còn có nghĩa cụ thể là không được làm việc hợp tác với người Pháp, không được theo đạo Công giáo… PTG thức thời vụ đầu hàng giao thành cho giặc để tránh tai ương cho dân lành vô tội thì bị họ cho hèn nhát; TVK theo đạo Công giáo làm việc cho Pháp thì quy tội làm tay sai cho thực dân; hễ ai thuộc phe Tây Sơn thì đều tốt cả, thuộc phe Nguyễn Ánh thì đều xấu cả; triều Nguyễn (nhất là vuaTự Đức) chống giặc Pháp tới bến ngay từ khi cửa biển Đà Nẵng bị nã súng (1858) cho đến phút cuối (1884) thì họ không chịu đọc sử kỹ để thấy, chỉ thấy toàn một đám vua quan hèn nhát chạy làng, rồi ra sức chỉ trích… Tôi tưởng tượng nhóm phê phán “Trao đổi sử học” này mà ở vào bối cảnh chiến tranh Việt-Pháp lúc nước nhà nguy biến, nếu làm quan chức cho triều Nguyễn, họ chắc chắn sẽ là những kẻ hèn nhát chạy làng trước hơn tất cả những người khác!
Cuộc đời con người là một bộ tiểu thuyết, vậy mà họ toan nhốt cả lịch sử sinh động của đời người vào trong một vài câu chữ nghe ngóng hay sưu tầm được ở đâu đó (như “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”…). Cách nhìn lịch sử như thế này không chỉ bất cận nhân tình, xa rời hiện thực, mà còn trái hẳn với phép suy luận biện chứng, không biết vận dụng xem xét vấn đề vào trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Chúng tôi cho rằng trong một thế giới bản chất đa nguyên, lịch sử phải khách quan được hình thành bởi các yếu tố con người đa dạng chứ không chỉ chuyên về một phái, một màu, một loại thành phần người tốt, hay chỉ toàn những nhân vật chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Lịch sử là do toàn thể nhân dân làm nên, trong số đó cũng có cả những anh hùng không tên tuổi, những người lao động chẳng có tham gia chiến trận gì cả. Lịch sử lại càng không phải chỉ có nghĩa là lịch sử của những cuộc nông dân nổi dậy hoặc chống ngoại xâm, trái lại nó là bức tranh toàn thể và sinh động của một dân tộc, một giống nòi, mà sự nghiên cứu, đánh giá chính xác tỉ mỉ lịch sử chính là để rút tỉa kinh nghiệm nhằm vận dụng một cách hữu ích vào đời sống hiện tại và trong tương lai của dân tộc.
Trở lại chuyện đặt tên đường nêu trong văn bản của BTGTW, thì đây nhất thiết phải có liên quan đến mấy vấn đề nghiên cứu lịch sử và đánh giá nhân vật lịch sử.
Nói riêng thêm về nhân vật TVK. Một lần nọ cố thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ khai giảng tại trường trung học Trương Vĩnh Ký (TP. HCM), khi phát biểu ý kiến, ông đại khái nói rằng rất lấy làm tiếc về việc trước đây anh em trong ủy ban đặt tên đường phố TP. HCM đã có lúc bãi bỏ đường TVK. Cố GS Trần Văn Giàu (một người tôi cho thuộc phái cực đoan giáo điều hạng nặng) kể cho mấy người thân cận: Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ông ra lệnh triệt bỏ hết các tượng đài trong thành phố Sài Gòn quẳng xuống sông, nhưng yêu cầu chỉ giữ lại duy nhất bức tượng TVK, vì TVK là một danh nhân văn hóa làm rạng danh nước Việt…
Từ những năm 40 của thế kỷ trước, khi viết bộ Nhà văn hiện đại (4 tập), học giả-nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan (1902-1987) đã đưa tên TVK vào tập I, trong Chương “Những nhà văn đi tiên phong” trong thời kỳ đầu phát triển của chữ và báo chí Quốc ngữ. Như vậy, có thể nói TVK là nhân vật khai sáng có tính toàn quốc, chứ không chỉ riêng của Nam bộ. Truyện Kiều chữ Nôm chuyển sang Quốc ngữ, đầu tiên cũng là TVK, chứ còn ai trồng khoai đất này? Ngoài ra ông còn là soạn giả, dịch giả của trên 100 tác phẩm đủ loại đủ cỡ bằng các ngôn ngữ Việt, Nôm (Việt cổ), Pháp, Hán…, và cả người Tây lẫn người Việt, ai ai cũng công nhận ông là một nhà bác học thuộc tầm cỡ thế giới của thế kỷ XIX.
Bản thân tôi cũng đã có viết vài bài đăng báo trong nước nhận định mấy khía cạnh tốt về Gia Long, PTG, TVK, tuy còn rất sơ lược. Nhiều bài của các nhà nghiên cứu sử học còn hay và đầy đủ hơn nhiều, phần lớn đã được in trong tập sáchThế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, do Tạp chí Xưa & Nay hợp tác với NXB Hồng Đức ấn hành năm 2013. Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến bài viết “Góp phần tìm hiểu Trương Vĩnh Ký” của tác giả Trần Thanh Ái (đã đăng trên Xưa & Nay, trên vài trang mạng, và gần đây được Tuyển tập CHỌN số 1 của Công ty Huynh Đệ và NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh cho đăng lại), với những tài liệu và cách luận giải/ đánh giá nhân vật lịch sử TVK rất xác thực, khách quan và đầy sức thuyết phục.
Liên quan đến việc đặt tên đường phố, có một sự khác biệt khá xa giữa chế độ VNCH trước 1975 và chế độ CHXHCNVN sau 1975.
Theo chỗ tôi được biết, năm 1956, dưới chế độ Đệ nhất Cộng hòa của miền Nam cũ, việc đặt tên đường phố ở Sài Gòn được giao cho chỉ một người là cụ Ngô Văn Phát (1910-1983), bấy giờ là Trưởng phòng Họa đồ thuộc Tòa Đô chánh Sài Gòn. Cách đặt tên không dựa trên lý lịch, phe phái: có Nguyễn Huệ thì cũng có Nguyễn Ánh (hai kẻ tranh bá đồ vương), có Tôn Thất Thuyết (chủ chiến) thì cũng có Tôn Thọ Tường (chủ hòa), có Phan Đình Phùng (chống Pháp) thì cũng có Hoàng Cao Khải (thân Pháp), có Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân (tướng của Tây Sơn) thì cũng có Võ Tánh, Ngô Tùng Chu (tướng của Gia Long)… Cũng không phân biệt quốc gia, cộng sản: những người thuộc bên kia chiến tuyến nếu là danh nhân vẫn được lấy tên đặt tên đường phố. Thông thường, các nhân vật lịch sử có liên quan nhau thì đặt tên cho những con đường gần nhau, như Hai Bà Trưng gần Thi Sách; Lê Lợi gần Lê Lai, gần Nguyễn Trãi…
Cách đặt tên đường ở Sài Gòn sau 1975 trái lại không có tính cách phóng khoáng, cởi mở, mà lệ thuộc nhiều vào lý lịch, ý thức hệ, quan điểm giai cấp, nhưng tựu trung cũng theo kiểu “có máu mới ăn tiền” của BTGTW, không khác gì cách nghiên cứu lịch sử và nhìn nhận nhân vật lịch sử, như đã nói trên. Đường phố phần nhiều lấy tên anh hùng dân tộc cổ trung đại và các liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ cận hiện đại. Về sau có nhiều tiến bộ, lấy một số tên danh nhân văn hóa (nhà khoa học, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên sân khấu…) đặt tên đường, kể cả danh nhân làm việc trong chế độ cũ (như Nguyễn Hiến Lê ở quận Tân Bình…). Việc chọn tên liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ không có gì sai trái, nhưng khuynh hướng vẫn có phần thiên trọng về quá khứ chiến tranh, một cuộc chiến tranh tàn sát sinh linh chẳng đáng tự hào mà niềm vui thắng lợi của một bên là nỗi đau buồn của phía bên kia, như câu nói rất nổi tiếng mang ý nghĩa hòa giải hòa hợp dân tộc của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nói “có máu mới ăn tiền”, có thể nêu thí dụ điển hình về trường hợp Tôn Thất Thuyết (1839-1913). Ông này là một quyền thần (nếu không muốn nói gian thần) triều Nguyễn, tính độc ác, phế lập cả ba vua cuối Nguyễn để thu tóm quyền lực. Dẫn dắt vua Hàm Nghi ra lập khu kháng chiến bí mật ở Tân Sở, rồi phát động cuộc binh biến 1885 bắn vào đồn tướng Pháp, bị địch phản công, gây ra cái chết của phe ta có đến cả chục ngàn người, thây chất đầy đường, phải dọn dẹp đến cả tháng mà mùi hôi tanh vẫn còn phảng phất. Rồi ông chạy sang Tàu cầu viện nhưng không kết quả, người Tàu chỉ cấp tiền ăn cho đến ngày bỏ thây xứ người. Xét về một mặt nào thì Tôn Thất Thuyết cũng có thể coi là người yêu nước, nhưng yêu nước theo cách điên rồ, cực đoan và bất trí, khác xa với sự khôn ngoan khiêm tốn và đức hi sinh cao quý của PTG.
Sau năm 1975, tất cả tên đường mang tên các vua quan triều Nguyễn đều bị xóa sạch. Tôn Thất Thuyết cũng là thần tử triều Nguyên, nhưng tên đường vẫn để (bên Quận 4), phải chăng vì ông này đã “có công” anh hùng chống Pháp nhưng thất bại thảm hại, gây nên cảnh núi xương sông máu cho hàng chục ngàn dân, quân vô tội?
Con trai Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp (1870-1888) nhờ có công bảo vệ vua Hàm Nghi trên đường bôn tẩu, nên cũng còn được chừa lại cái tên đường (Quận 1, TP. HCM; còn có ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng), giống cha. Trong khi PTG bị xóa tên ở TP. HCM thì hai người con ông là Phan Tôn (1837-1893), Phan Liêm (1833-1896) lại được giữ tên đường (ở Phường Đa Kao, Quận 1), vì hai người có tham gia chống Pháp sau khi cha giao thành cho giặc uống thuốc độc tự tử.
Vậy nên nói chung, nhân vật lịch sử chính diện theo các nhà nghiên cứu phái chính thống dưới sự lãnh đạo chỉ đạo tư tưởng giáo điều của BTGTW đều là những nhân vật có gắn với máu và nước mắt qua những cuộc nổi dậy, chống phá, bạo động mà người ta gọi là cách mạng có tính giai cấp, trong trường kỳ lịch sử vừa vinh quang vừa rất đau buồn của dân tộc.
Nếu đứng trên quan điểm hòa bình hòa giải hòa hợp dân tộc, coi việc bảo vệ sinh mạng con người và nâng cao mức sống cũng như hạnh phúc người dân là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của lòng yêu nước chân chính, biết trọng tương lai hơn quá khứ, coi đoàn kết dân tộc là sức mạnh, thì tôi tin BTGTW sẽ không đường đột vội vã cho ra cái văn bản thất nhân tâm cấm đặt tên đường như trên tôi đã dẫn.