Nhận định tác phẩm bất hủ Chú Tư Cầu của Lê Xuyên tiêu biểu văn phong của giới cầm bút ‘Nam Kỳ’

Chú Tư Cầu – một trường thiên tiểu thuyết tình cảm xã hội của nhà văn Lê Xuyên, áng văn chương tuyệt tác, phản ảnh trung thực tình cảm của người dân quê nặng tình với đất nước quê hương trong thời kháng chiến chống Pháp và tình cảm trai gái ở nông thôn qua những lời nói chân tình, mộc mạc. Nhà văn Lê Xuyên, có thể nói là tiêu biểu của những người cầm bút sanh trưởng ở miền Nam Việt Nam, nghĩ sao nói vậy và viết lại y chang.

Tác phẩm Chú Tư Cầu có bề dày hơn nửa thế kỷ, trải theo qua bao thăng trầm của đất nước nổi trôi. Dù xa xưa, nhưng ngày nay, ai có đọc qua tác phẩm vĩ đại này cũng đều tấm tắc khen một truyện dài vẽ lên một bức tranh chân quê tuyệt vời trên cả tuyệt vời của một nhà văn lớn Việt Nam – Lê Xuyên.

Thật hạnh phúc cho một nhà văn khi có một tác phẩm để đời. Chiều dài của một đời người hữu hạn, nhưng tác phẩm thì trường tồn và nhà văn sẽ tồn tại mãi, không phải trong cuộc nhân sinh ngắn ngủi mà là trong tác phẩm của mình.

Nhà văn Lê Xuyên đã có được niềm hạnh phúc đó. Ông được nhớ, được nhắc đến mãi trong lòng độc giả Việt Nam qua các tác phẩm của mình, đặc biệt là Chú Tư Cầu.


Trên đây là nhận định của một nhà văn nữ trẻ ở trong nước, Hàm Anh, hậu duệ, hàng con cháu của thế hệ nhà văn Lê Xuyên.

Nhà văn Hàm Anh còn có nhận xét về tác phẩm độc đáo, trường thiên tiểu thuyết tình cảm, xã hội Chú Tư Cầu, tác phẩm đầu tay của nhà văn nổi tiếng Lê Xuyên mà nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt phong ông là một trong Tứ Đại Văn Hào Nam Bộ: Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Sơn Nam, Hồ Hữu Tường.

Hàm Anh viết tiếp:

Chú Tư Cầu đã đạt đến một giá trị cao rộng vì biểu hiện của từng thời kỳ và nơi chốn tuy có khác, nhưng thân phận con người trong chiến tranh vẫn là những nổi đau giống nhau, vẫn ám ảnh không nguôi trong tâm hồn, mãi mãi là một đề tài không bao giờ nói cạn. Một đề tài mà khi nhắc tới đã xóa nhòa ranh giới thời gian vì lôi kéo độc giả cùng bước vào những vấn đề chung lớn lao của con người, của thế giới, của thời đại, của chính đất nước mà mỗi người chúng ta quằn quại trong đó.

Một nhà văn nữ khác cũng đang ở trong nứớc, Lê Thị Hải Âu, đã có viết một bài đăng trên tạp chí Tiếng Vang – Sacramento (California) sau khi nhà văn Lê Xuyên qua đời ngày 2.3.2004: Từ Một Chỗ Ngồi Đằng Sau Tủ Thuốc Lá. Hải Âu đã lột tả được sư kham khổ, lo toan chạy từng bửa cho cái ăn thiếu thốn hàng ngày vào thập niên 80 sau khi ở tù cải tạo ra vì tội danh nhà văn nhà báo phản động của chế độ cũ Việt Nam Cộng Hòa. Nhà văn Lê Xuyên cũng phải bươn chải tìm cách làm ra tiền để nuôi sống gia đình, thức dậy thật sớm để đi đến tận lò lấy bánh mì, bánh ngọt để đi bỏ lẻ khắp nơi cho các xe đẩy. Sau đó, nhà văn Lê Xuyên có tủ thuốc lá vỉa hè, ngã tư đường Bà Hạt-Ngô Quyền, khiến ông đỡ phải đạp xe rong ruổi và đó cũng là một cách tạo lợi tức chính cho cuộc sống gia đình.

Nhà văn Lê Xuyên cũng không ngờ chiếc ghế đằng sau tủ thuốc lá, mỗi ngày, ông lê lết ở đây mười tám tiếng đồng hồ, là chỗ ngồi của mình suốt mười sáu năm dài. Sau ba năm ngọa bệnh, cuối cùng như các bạn tù, bạn văn khác theo nhau ra đi, tủ thuốc lá của nhà văn Lê Xuyên cũng xa ông trao tay người khác.

Nhà văn Hải Âu đã viết:

Ông là một nhà văn buộc phải gác bút, như một chiến sĩ phải gác súng. Nhà văn không còn cầm bút chẳng khác nào người chiến binh bị tước mất súng. Mọi phương tiện khác trao vào tay chỉ nhằm mục đích sống qua ngày đoạn tháng, thật vô nghĩa, thật nực cười và cũng thật buồn... Ông đang viết, sinh ra đời chỉ để làm công việc ấy, để chọn nghiệp ấy, rồi bỗng dưng thấy mình đơn độc, cây bút biến mất không còn trong tay. Ông núp sau tủ thuốc lá, trơ trụi và bất an. Thương hải tang điền là chuyện hãn hữu đời người, thế mà ông đã chứng kiến, đã ở trong biến cố đó. Cơn lốc biển dâu cuốn phăng cây bút của ông rồi, cuốn theo cuộc đời thực thụ của ông. Chỉ còn năm tháng trôi qua một dòng chảy lặng lờ, mệt mỏi và nhạt nhẽo. Ông trở thành một bóng mờ bên lề, ở ngoài của nhịp sống đa dạng, ồn ào và náo nhiệt.

Nhà văn Hải Âu kết luận: ...Thời gian lắng đọng sẽ công bằng trả lại vị trí chính xác cho mỗi người, tôi tin tưởng điều ấy khi thấy nụ cười của nhà văn Lê Xuyên trong bức ảnh thờ nhìn tôi, bức ảnh được chụp từ chỗ ngồi đằng sau tủ thuốc lá.

Sau ba năm nằm một chỗ, không còn ngồi bên vỉa hè bán thuốc lá, nhà văn Lê Xuyên ra đi thanh thản, nhưng bạn bè cầm bút như ông không khỏi ngậm ngùi chua xót cho thân phận của những người cầm bút “sanh lầm thế kỷ” sống trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bị khóa chặt tay, vứt bút hoặc phải bẻ cong ngòi bút.

Nhà văn Văn Quang cũng có bài viết cho tạp chí Tiếng Vang với tựa đề: Lê Xuyên – Những Ngày Cuối Đời. Văn Quang tức là Trung tá Nguyễn Quang Tuyến, Giám Đốc Đài Phát Thanh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã thân quen với nhà văn Lê Xuyên, từ trước năm 1975, hiện sống ở Việt Nam, có đến nơi đặt thùng bán thuốc lá lẻ của Lê Xuyên, nhận xét người bạn văn của mình: Vẫn hiền lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng miền Nam hay đến như thế, láu cá đến như thế. Tôi nhủ thầm: Thằng cha này tâm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới viết được những “dòng chảy ngầm” của trai gái thôn quê miền Nam thật đến thế và hấp dẫn đến thế.

Nhà văn nhà báo Thanh Thương Hoàng, hiện ở San Jose - California, cựu Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam trước năm 1975, có vài kỷ niệm với nhà văn Lê Xuyên.

Khi ông ra tù cải tạo, có nhiều lần đi một mình hay cùng với các nhà văn: Văn Quang, Thái Thủy, Vương Đức Lệ... đạp xe đến thăm người bạn văn cũng là một đoàn viên trong Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam, tại tủ thuốc lá của nhà văn Lê Xuyên. Trông trước nhìn sau, thấy vắng người, ông Thanh Thương Hoàng hỏi nhỏ Lê Xuyên: “Hồi này có âm thầm viết lách được gì không?” Anh lắc đầu: “Lo ăn còn chưa xong, viết cái nỗi gì!”. Tới giờ phút này ngồi viết những dòng tưởng niệm anh, tôi vẫn không hiểu anh trả lời thực hay không, có lẽ vì ám ảnh bởi nỗi nghi ngờ, nỗi sợ hãi (do chế độ tạo nên) đã khiến chúng tôi mất hết lòng tin và sự thành thật với cả vợ con, bạn bè thân thiết. Không ai dám mở rộng hai bàn tay ra với ai cả.

Nhà văn Thanh Thương Hoàng tiết lộ, một lần ngồi trong cái quán cóc hẻm nhỏ vắng vẻ, Lê Xuyên kể cho ông và bạn ông nghe câu chuyện như vừa thật vừa chua xót cho một nhà văn lớn của Miền Nam Việt Nam bị vùi chôn tên tuổi và những tác phẩm bất hủ, đời cầm bút của mình, trong cái “chế độ ưu việt” của cộng sản. Sau một thời gian tù về, cậu con út của anh (năm đó 14, 15 tuổi), một hôm thắc mắc hỏi anh: “Bố ơi, Chú Tư Cầu là ai vậy?”. Anh đáp: “Là thằng bố mày chứ còn ai!?”. Cậu con trai cãi: “Bố là Lê Bình Tăng kia mà”! (Lê Bình Tăng là tên thật của Lê Xuyên). Đến con mình không biết bố mình trước đây là một nhà văn tên tuổi của miền Nam! Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, có thể nói khắp miền Nam từ trí thức tới bình dân lao động, không ai không biết đến Chú Tư Cầu. Người ta hòa lẫn tên anh với tên nhân vật trong truyện của anh. Họ say mê đọc truyện anh chỉ kém nhà văn kiếm hiệp Trung Hoa tài danh Kim Dung một bậc. Thế mà, bấy giờ vật đổi sao dời, đến con anh còn không biết bố mình là ai!

Nhà báo Võ Long Triều, cư trú tại Fresno - California, nguyên là Dân Biểu Quốc Hội VNCH, đơn vị Kiến Hòa (Bến Tre), nguyên chủ nhiệm chủ bút nhựt báo Đại Dân Tộc tại Sài Gòn, nổi tiếng là tờ nhựt báo bán chạy nhứt lúc bấy giờ, trước 30.4.75. Thời Nội Các Chiến Tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ 1965, 66, 67, kỹ sư Võ Long Triều giữ chức Tổng Ủy Viên Thanh Niên & Thể Thao (Tổng Trưởng) tâm tình với Chủ biên Nhà Xuất Bản Tiếng Vang USA, Anh Phương Trần Văn Ngà, một đôi nét về nhà báo nhà văn khi Lê Xuyên giữ chức vụ Tổng Thư Ký Tòa Soạn nhựt báo Đại Dân Tộc trong hơn bốn năm liền.

Lê Xuyên, ngoài một nhà văn gốc miền Nam nổi tiếng, ông còn là một nhà báo tầm cỡ, yêu nghề, tận tụy với công việc, làm việc tại tòa soạn từ 5 giờ sáng cho tới 10 giờ tối. Vì vậy, lương của nhà báo Lê Xuyên khá cao hơn các Tổng Thư Ký Tòa Soạn của các nhựt báo khác, 120.000 đồng một tháng, số tiền này, bà vợ của ông nhận lấy hết. Thấy vậy, ông chủ nhiệm Đại Dân Tộc Võ Long Triều tặng cho Lê Xuyên mỗi tháng 200.000 đồng để cho ông tiêu riêng (Lúc bấy giờ, lương Thiếu tá, ngạch công chức hạng A, có vợ và 4 con mỗi tháng lãnh được 41.000 đồng).

Nhà báo, nhà văn Lê Xuyên là một người chồng thủy chung, dù bà vợ có tật thích đỏ đen, nhưng ông một lòng lo cho gia đình, 10 giờ tối về đến nhà nhiều khi còn phải lo giặt quần áo cho các con còn nhỏ dại. Quanh bên ông luôn có nhiều phụ nữ trẻ đẹp, giàu có và trí thức, trong đó có một cô dược sĩ thường đến toà soạn trong giờ ăn trưa thăm hỏi và tâm tình với Lê Xuyên. Họ mến tài năng, đức độ, sự hào sảng của một người đàn ông lý tưởng, muốn ông thành nghĩa vợ chồng, Lê Xuyên đều từ chối. Ông Võ Long Triều nhận xét về điểm tình cảm này, có mấy người đàn ông nào giữ được. Thế mà Lê Xuyên vẫn giữ được trọn vẹn tình cảm vợ chồng cao đẹp cho đến ngày, ông xuôi tay về với cát bụi.

Về phương diện chính trị, nhà văn Lê Xuyên từng theo kháng chiến Việt Minh vào bưng biền chống thực dân Pháp trong thời kỳ Kháng Chiến Nam Bộ bùng nổ, năm 1946. Qua Chú Tư Cầu, độc giả sẽ thấy Lê Xuyên phát hiện sớm sủa nhất cái chân tướng giảo quyệt, ích kỷ, ba xạo, lập công dâng đảng của những kẻ có đảng tịch công sản. Cán bộ cộng sản, coi dân chúng và đồng ngũ chỉ là hạng người để chúng lợi dụng dọn đường, dọn cỗ cho đám cán bộ Việt Minh Cộng Sản và đặc biệt là cán bộ chính trị viên của các đơn vị kháng chiến hưởng lợi.

Đến giờ thứ hai mươi lăm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa - ông Võ Long Triều còn cho biết, khi phái viên của ông Dương Văn Minh là ông Lý Quý Chung, Hồ Văn Minh... kể cả cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ gọi điện thoại ngỏ ý mời Kỹ sư Võ Long Triều tham gia chính phủ Vũ Văn Mẫu. Kỹ sư Võ Long Triều có hỏi ý kiến Lê Xuyên vì ông Võ Long Triều xem nhà văn Lê Xuyên như là một cố vấn chính trị tinh đời có những nhận định sắc bén. Nhà báo Lê Xuyên nghe ông Võ Long Triều hỏi có nên tham gia chính phủ hay không? Lê Xuyên, không nhìn ông và “hứ” lên một tiếng cho rằng họ là những cái tượng bằng đất sẽ sớm tan rã.

Lê Xuyên, một người luôn trầm ngâm suy tư và làm việc hơn 12 tiếng đồng hồ tại tòa soạn mỗi ngày báo phát hành. Còn truyẹn dài, viết feuilleton hàng ngày cho nhựt báo, ông gởi báo khác đăng. Ông chủ nhiệm Võ Long Triều có hỏi tại sao anh không đăng báo mình, Lê Xuyên nói: nhựt báo Đại Dân Tộc, tôi chỉ có đứng sau anh, nếu đăng báo nhà, tôi giành chỗ của các bạn văn khác. Tính cách của nhà văn Lê Xuyên hay nói cách khác, bản chất thuần lương bao la, đứng đắn của nhà văn nổi tiếng là ở chỗ này.

Trong khi đó, nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt nhận xét về Lê xuyên: một pho tự điển về ngôn ngữ Nam Bộ dân dã với lối viết phóng túng, dí dỏm, khôi hài. Cái văn phong độc đáo có một không hai của Lê Xuyên... Đọc Lê Xuyên lúc nào cũng hừng hực lửa tình rực cháy của bản năng con người. Khát vọng và thực hành tính dục qua hầu hết mọi đời sống bình dân chơn chất, nhưng cũng là bản chất năng động của người Nam Bộ...

Toàn thể văn phong Lê Xuyên đồng nhứt và hầu như chỉ cần viết đối thoại đặc biệt Nam Bộ mà thành ra truyện, ra văn, ra tiểu thuyết đầy đủ mọi ngây thơ đến quỷ quyệt khôn lanh.

Qua sự đồng ý cho phép của bà Đặng Thị Bạt - vợ của Lê Xuyên, Nhà Xuất Bản Tiếng Vang USA tái bản tác phẩm Chú Tư Cầu năm 2006 tại Sacramento - California, có đăng nguyên văn các bài viết của quý ông Võ Long Triều, Thanh Thương Hoàng, Văn Quang, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt và Nguyễn Thị Hàm Anh, Lê Thị Hải Âu trong cuốn trường thiên tiểu thuyết Chú Tư Cầu để qúy độc giả thấy chân tài của một nhà văn lớn gốc miền Tây Nam Bộ Lê Xuyên được nhiều đồng nghiệp phê bình, nhận định.

Đến nay, tác phẩm Chú Tư Cầu đã trải nửa thế kỷ với bao nỗi thăng trầm, trăn trở cùng sự nổi trôi của vận mạng đất nước. Trong nước bị ngăn trở cấm đoán, không được phép tái bản lưu hành. Nhà văn Lê Xuyên còn cho biết, nhiều nhà văn, nhà báo chế độ mới và cán bộ cộng sản gốc miền Nam muốn tái bản tác phẩm bất hủ Chú Tư Cầu, có đề nghị với tác giả Lê Xuyên.

Khi tác phẩm Chú Tư Cầu trình lên đến cán bộ có chức có quyền cấp phép cho in với điều kiện tác giả phải xóa bỏ đoạn chánh trị viên Việt Minh toan tính “làm bậy con Ba” trước đơn vị của Tư Cầu. Anh chứng kiến từ đầu khi con Ba, vợ của Trung úy Pháp bị đơn vị anh bắt và chồng đi trên xe jeep bị phục kích bắn chết. Đoạn tả chân này, người đọc mới thấy cái tài siêu việt của Lê Xuyên, lột tả hết tâm tư tình cảm của tác giả trong một hoàn cảnh éo le bi thảm. Con Ba, người yêu cũ cũng là đại ân nhân giúp Tư Cầu vượt ngục thành công. Và nay Tư Cầu là cấp chỉ huy của một đơn vị kháng chiến quân chống Pháp lại không có thực quyền, vì có một chánh trị viên VM vừa dốt vừa ngu, không có công trạng gì vụ giết được 1 trung úy Pháp, có tính “dê xồm” định “làm hỗn” con Ba trước mắt anh, là cấp chỉ huy của đơn vị. Với tánh khí bộc trực, nhân bản, đền ơn đáp nghĩa người yêu cũ, Tư Cầu ra lệnh thả con Ba, bảo phải chạy nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm này. Tên chánh trị viên háo sắc “tiếc của quý” rượt theo bắt con Ba, Tư Cầu “nổi dóa” móc súng lục rượt tên chánh trị viên. Khi áp sát con Ba, tên chánh trị thấy không còn làm ăn gì được nữa vì Tư Cầu đang chạy theo bén gót, hắn nả liên tiếp mấy phát vào lưng con Ba, kết thúc một đời hoa bị dập dùi trong xã hội đen tối đắng cay, lưu lạc giang hồ từ Nam Vang đến Sài Gòn...

Nhờ đồng đội cản ngăn, nên Tư Cầu chỉ bắn dọa làm tên chánh trị viên chạy trối chết về nơi trú quân. Và Sau đó, cán bộ cấp trên, “đồng chí” của tên chánh trị viên, có kế hoạch thủ tiêu Tư Cầu. Biết được tin dữ này, Tư Cầu mới âm thầm bỏ trốn khỏi đơn vị, về vùng Thất Sơn tìm kế sanh nhai.

Vốn tính đào hoa, Tư Cầu lại gặp mối tình thứ tư tuyệt đẹp hạnh phúc, cũng là mối tình cuối đời của anh với cô Thắm.

Tư Cầu vì lòng yêu nước, tiếp tục theo kháng chiến ở vùng Hồng Ngự, Tân Châu (Châu Đốc). Vì lòng nhân đạo cao cả bao la, muốn cứu sống một viên Trung úy VN bị bắt tại mặt trận, nấn ná ở lại chiến địa vì sợ thuộc cấp giết viên Trung úy, Tư Cầu không rút nhanh theo đơn vị. Quân tiếp viện đến, pháo kích dữ dội, Tư Cầu bị thương nặng.

Đang hấp hối, Tư Cầu may mắn gặp lại cậu em vợ mang thơ của Thắm - người vợ hiền của anh, báo tin sanh con trai vừa đầy tháng và theo lời Tư Cầu căn dặn vợ khi mang bầu, nếu là con trai đặt tên Kỳ thành... Cầu Kỳ. Tư Cầu đền xong nợ nước trong thời ly loạn chiến tranh, khép lại cuộc đời của người dân quê “Nam Bộ” chân chất, thật thà với tràn đầy tình yêu quê hương, nhân bản lại tự do phóng túng, khôi hài cùng với lửa tình hừng hực rực cháy của bản năng con người.

Nội dung trong truyện Chú Tư Cầu, một người thanh niên nhà quê ở miền Tây Nam Bộ, chân thật, chất phác và có đến bốn đời vợ. Mối tình đầu với cô Phấn, người cùng xóm, độc giả sẽ thấy ngòi bút tài tình của Lê Xuyên lột tả được tính cù lần của một thanh niên mới lớn chưa biết chuyện trai gái và tan hợp nhiều lần của mối tình đầu thuần phác và đẹp đẽ. Mối tình thứ hai từ xứ Chùa Tháp, Nam Vang với con Ba bụi đời và oái oăm gặp lại khi con Ba là vợ của một tên Quan Hai (Trung Úy) người Pháp làm cai tù mà Tư Cầu đang bị bắt giam ở gần trung tâm Thủ Đô Sài Gòn. Con Ba cùng với Phấn bố trí cho Tư Cầu vượt ngục thành công và đầy hồi hộp như chuyện xi nê ma thật hấp dẫn và cuối cùng con Ba bị tên chính trị viên đơn vị bắn chết trước mắt Tư Cầu trong một cuộc phục kích mà Tư Cầu tự ý thả con Ba ra đi. Mối tình thứ ba với cô Thơm, người Việt gốc Khờ Me và trong vụ “cáp duồn” giữa hai xã Miên Việt ở miền Tây, cô Thơm lại bị người đồng chủng hãm hiếp và bị giết chết trước sự chứng kiến oan nghiệt của người chồng, Tư Cầu. Mối tình thứ tư với cô Thắm ở Châu Đốc và khi cô Thắm có bầu, Tư Cầu còn nghe tiếng réo gọi của núi sông, của các đồng đội kháng chiến, nên Tư Cầu đành phải cách ái ly gia một lần nữa và cũng là lần cuối cùng, Tư Cầu đền xong nợ nước.

Trong cuộc pháo kích của quân thù cũng vì tính thuần lương, đôn hậu, đạo đức của một cấp chỉ huy ở chiến trường, bản chất người dân lương thiện nổi dậy, Tư Cầu dần dà thuyết phục thuộc cấp thả một sĩ quan người Việt bị bắt tại mặt trận , thay vì giết ngay để rút quân nhanh. Vì thương người, chần chờ ở lại để thả cho bằng được kẻ chiến bại nên Chú Tư Cầu bị mảnh đạn pháo kích oan nghiệt của địch quân làm anh mất mạng. Trong khi đó, đứa em vợ của Tư Cầu từ Châu Đốc lặn lội mang thư nhà đến thông báo, con Thắm vợ của anh sanh được một quý tử và Tư Cầu hay tin mừng mình có con nối giòng và anh nhắm mắt ra đi, y hệt một tuồng cải lương bi hùng hạ màn kết thúc một tập truyện dài đầy ấn tượng khó quên trong lòng mọi độc giả.

Dù là trí thức hay bình dân, dù người Việt Nam sinh trưởng ở ba miền đất nước Bắc, Trung, Nam khác nhau cũng đều có khoái cảm khi đọc tác phẩm Chú Tư Cầu bất hủ có một không hai thuộc thể loại tình cảm xã hội đặc tả này ở vùng thôn quê miền Tây Nam Bộ.

Nhà văn tài danh Lê Xuyên nổi tiếng một thời vang dội, từ ngày ra tù cải tạo cho đến ngày anh vĩnh biệt trần gian, Lê Xuyên không được nhập hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân, ông là công dân hạng chót của cái gọi là thiên đường cộng sản Việt Nam.

Đó cũng là tấm huy chương cao qúy của một nhà văn sinh trưởng, thành danh trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, không than van, không cầu khẩn hay quì gối xin một chút ân sủng nào của chế độ mới để được cầm bút lại, hay cắt xén, sửa đổi đôi chút đứa con tinh thần Chú Tư Cầu, tái bản kiếm cơm. Nhưng, Lê Xuyên thà chịu đói khổ hơn là phải làm trái lương tâm đạo đức của một cây bút chân chính làm biến dạng tác phẩm trân quý của mình.

Nhà văn Lê Xuyên, tên thật Lê Bình Tăng, sinh ngày 1 tháng 11 năm 1927 tại Ô Môn – Cần Thơ, mất ngày 2 tháng 3 năm 2004, hưởng thọ 77 tuổi. Lê Xuyên để lại cho đời chín pho truyện dài, chín tác phẩm bất hủ và tác phẩm Chú Tư Cầu tiêu biểu cho văn phong chân chất, phóng khoáng của một nhà văn Nam Bộ. Lê Xuyên với Chú Tư Cầu, tập truyện dài đầu tiên được đăng trên nhật báo Sài Gòn Mai trong hai năm liền, từ tháng 2/1961 đến tháng 2/1963, xuất bản thành sách vào tháng 3 năm 1963. Từ đó, người ta thường gọi Lê Xuyên là Chú Tư Cầu và Chú Tư Cầu tức là nhà văn Lê Xuyên, tuy hai tên mà một người.

Nhà văn Hàm Anh còn viết: Nhà văn Lê Xuyên tỏ ra có quan sát sắc bén, rất sành tâm lý, thể hiện ở tình tiết chuyện và giọng văn đặc sệt chất Nam Bộ, nhiều khi hài hước vô cùng hấp dẫn.