Cách ăn vận của người Sài Gòn xưa

Tôi tự hỏi, người Sài Gòn là như thế nào? Vài người lớn tuổi cho rằng làm gì có người Sài Gòn tuy thành phố trải qua hơn 300 năm tuổi. Để trả lời câu hỏi này không dễ dàng trong một bài viết ngắn chỉ dựa trên những cảm nghĩ nhận xét chung chung. Người sinh ra ở Sài Gòn, tức nhiên là người Sài Gòn. Người sinh sống ở các tỉnh khác về Sài Gòn lập nghiệp vẫn tự nhận mình là người Sài Gòn. Và không ít nhận xét của nhiều người cho rằng để nhận ra người Sài Gòn “thứ thiệt” hãy nhìn vào cách ăn vận. Tất nhiên, cách phân biệt này chỉ là một góc nhìn nhỏ trên bức tranh văn hoá xã hội địa dư rộng lớn của một vùng đất bao dung người lưu dân tứ xứ.


Một bà cụ ăn vận áo dài đen đầu đội khăn giữa phố Sài Gòn thập niên 1960 – Ảnh:James Kidd.

Người bạn sống ở Q. 11, Sài Gòn kể hồi nhỏ vẫn thường ghé sang nhà ông nội chơi. Ðó là một căn nhà nhỏ sống theo kiểu tam đại đồng đường. Bà cố, ông bà nội và các cô chú còn tuổi đi học. Cho đến khi anh được bảy tám tuổi gì đó mới nhận ra bà cố ở nhà thì mặc áo bà ba nhưng khi đi chợ thường thay một chiếc áo dài thâm, trên tay có khi cắp cái rổ mây, có khi xách cái giỏ đan bằng tre. Chợ không xa nhà chừng độ vài trăm mét, đâu cần phải thay áo dài cho thêm rườm rà không giống các bà các bác trong xóm mỗi khi đi chợ đều mặc chiếc áo bà ba cho thoải mái. Gia đình ông nội từ Sa Ðéc lên Sài Gòn sống từ giữa thập niên 1950, đâu phải là điền chủ, công hay tư chức mà bà cố ăn vận kiểu cách như lớp người thượng lưu. Khi lớn lên, anh nhìn lại thì mới nhận ra chiếc áo bà cố mặc năm xưa chỉ là loại vải đen bình dân nhưng có lẽ do thói quen ăn vận khi bước chân ra khỏi nhà dù gần hay xa người Sài Gòn cần ăn mặc cho phải cách.

Cách ăn vận áo dài khi ra ngoài phố của bà cố còn giữ được đến thế hệ anh bạn không gì là lạ. Các bà các cô thời đó vẫn thường mặc trang phục áo dài đi làm hay đi mua sắm ngoài phố. Ðó là lớp người có cuộc sống kinh tế tương đối khá giả và lúc đó chiếc áo dài đã thay đổi kiểu cách khá nhiều, chứ lớp người bình dân như bà cố anh thì ít ai mặc áo dài bình dị đi chợ mỗi ngày. Tôi xin nói rõ, ít chứ không phải không có. Nhớ vào giữa thập niên 1960, tôi vẫn thường bắt gặp một vài cụ già đi chợ hay đi ra phố mặc áo dài rất đỗi bình dân, đầu cột khăn vuông, chân mang guốc mộc. Ðó liệu có phải là cách ăn vận đúng điệu của người Sài Gòn như anh bạn từng nghĩ về bà cố của mình?


Chợ Lái Thiêu không xa Sài Gòn năm 1904 vẫn còn nhiều người đi chợ hoặc lao động buôn gánh bán bưng mặc chiếc áo dài- Ảnh:AAVH J.C.

Cách ăn vận áo dài của bà cố anh chỉ là do thói quen từ xưa khi còn sống ở quê trong một gia đình trung nông có vài ba mẫu ruộng. Xem lại hình ảnh những sinh hoạt chợ quê xưa cách nay một thế kỷ, không ít các bà buôn bán ở chợ, thậm chí người đi mua sắm, mặc chiếc áo dài vải thô. Chiếc áo dài gắn liền với người phụ nữ từ hai ba trăm năm trước, nó vừa kín đáo vừa tôn dáng vẻ thướt tha của giới tay yếu chân mềm. Do vậy bản thân chiếc áo dài sơ khai không định hình nên giai cấp giàu nghèo. Chỉ khác nhau, người lớp lao động bình dân mặc vải thô, người tầng lớp khá giả giàu có mặc tơ lụa. Do ngày xưa người ta không dệt được khổ vải rộng, chỉ có khổ vải rất hẹp, nên mới có áo dài tứ thân (hai vạt sau ghép lại thành tà áo, hai vạt trước rời nhau, nếu cần có thể buộc lại để tiện cho việc đồng áng). Theo lịch sử chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, nhìn chiếc áo dài có thể phân biệt được tầng lớp phụ nữ lao động và phụ nữ sống ở thị thành (ít lao động). Chiếc áo ngũ thân ra đời từ chiếc áo tứ thân. Hai vạt trước và hai vạt sau được may liền nhau, vạt thứ năm may dưới vạt trước xem như một mảnh áo lót. Người lao động mặc áo tứ thân, người thành thị mặc áo ngũ thân. Và từ sau đó, chiếc áo dài còn thay đổi nhiều kiểu cách cho hợp thời thượng.

Gia Ðịnh – Sài Gòn là vùng đất hai mùa mưa nắng, thời tiết cũng góp phần làm thay đổi cách ăn mặc chứ tôi không nói đến thời trang. Trời nóng ăn mặc sao cho thoải mái, từ đó các bà ít còn cột khăn vuông trên đầu mà lại quấn khăn vuông. Nó vừa gọn vừa thông thoáng chỉ để che nắng ngay trên đỉnh đầu, không cần dùng đến thì thả xuống vai, có thể dùng lau mồ hôi trán hay lau sơ cái miệng ăn trầu. Ngay cả cái khăn đội đầu của người phụ nữ lớn tuổi sống ở Sài Gòn cũng có thể phân biệt người từ đâu đến. Người Bắc lần đầu di cư vào Sài Gòn khoảng năm 1945 hay di cư ồ ạt sau hiệp định Geneve 1954. Phụ nữ lớn tuổi miền Bắc thường mặc áo dài hoặc áo cánh màu tối, quần vải lãnh đen, đầu chít khăn mỏ quạ, mãi đến hai ba thập niên sau vẫn còn phổ biến. Hiện nay chiếc khăn mỏ quạ không còn phù hợp như một thứ trang phục phụ của người phụ nữ miền Bắc nữa. Trong khi đó, người phụ nữ miền Nam chịu ảnh hưởng cách ăn vận của người miền Trung từ lâu (do lớp người dân Ngũ Quảng di dân vào khai phá đất phương Nam và những đợt di dân sau này). Chiếc nón lá, khăn vuông đội đầu của người phụ nữ miền Nam và người miền Trung không còn ranh giới, vẫn còn tồn tại đến ngày nay.


Các cô gái đi làm trong trang phục áo dài và cánh đàn ông mặc đồ tây trắng trên phố năm 1948 tại Sài Gòn- Ảnh:LIFE.

Còn cách ăn vận của cánh đàn ông ở Sài Gòn có thể phân biệt vùng miền như cách ăn vận của người phụ nữ? Mấy ông bạn lớn tuổi kể rằng rất dễ nhận biết:

Thời người Bắc di cư vào Sài Gòn, đàn ông lớn tuổi thường mặc bộ đồ vải nâu có hai túi, chân mang guốc, tay phe phẩy cây quạt lá khi rong chơi ngoài phố, còn đàn ông bình dân miền Nam hay dân lao động sống ở Sài Gòn cũng mặc bộ đồ vải đen hay vải trắng, đi dép có quai hoặc mang guốc mộc. Ngoại trừ những người công chức hay tư chức ăn vận theo kiểu phương Tây, chân mang giày. Công chức thường được cấp mỗi năm hai bộ đồ tây.

Ông bạn lớn tuổi của tôi kể chuyện ngày xưa ở Ðức Hoà hồi thập niên 1940, thuở đó nhiều vùng quê Nam bộ còn nghèo khó lắm. Thanh niên làm đồng chỉ mặc chiếc quần xà lỏn, trời mát thì cởi trần, trời nắng thì mặc thêm chiếc áo cụt tay nhuộm màu tối. Ðàn ông lớn tuổi cũng vậy, chỉ có cái quần cụt và cái áo dài tay màu đen, đi chân không. Ðám thiếu nữ ngoại trừ sống trong các gia đình khá giả ăn vận áo bà ba trắng, quần lĩnh đen chứ không có mặc đồ bộ bông hoa như sau này. Con nhà nông nghèo mặc đồ vải thô, thường chọn màu tối. Khi Tết nhất hay trong làng có đám tiệc tùng, tuỳ theo tính chất quan trọng mà họ chọn cho mình một bộ trang phục. Ðàn ông, thanh niên nhà lao động nghèo mặc kiểu quần tây ống suông, lưng quần thường cột dây vải không có dây nịt, áo sơ mi cổ lật, tay dài, bên dưới có hai túi áo, may rộng tựa kiểu pyjama ngày nay, chân mang guốc. Khá giả hơn hoặc làm việc cho chính phủ thì áo sơ mi, quần tây, mang giầy, đầu đội nón cối trắng hay nón nỉ. Ngoại trừ đi đám cưới thì mới có vài người mặc áo sơ mi đeo cà vạt, ít có người mặc đồ vest. Ðàn bà, thiếu nữ mặc áo bà ba hay áo dài màu sắc rực rỡ, quần sa-tanh đen bóng;già thì đội hay quàng khăn choàng, trẻ thì rẽ tóc kẹp ngang, chân mang guốc. Ngay cả sau này, tuy cuộc sống ở quê có chút phát triển, giới thiếu nữ lên Sài Gòn vào thập niên 1960, ăn vận áo dài không khác các cô Sài Gòn nhưng người ta vẫn dễ nhận ra qua mái tóc thả dài kẹp ngang chứ không cắt tóc ngắn, uốn lọn hay thả suối tóc dài như các cô Sài Gòn thứ thiệt.


Đàn ông lao động Sài Gòn thời 1950 ăn mặc bộ đồ đen hay trắng, chân đi guốc hay chân không – Ảnh:LIFE.

Trong cuốn Sài Gòn chuyện đời của phố, tác giả Phạm Công Luận viết về chuyện ăn mặc của người Sài Gòn ở những năm đầu thập niên 1970. Bài viết miêu tả tỉ mỉ hình ảnh cách ăn vận của người Sài Gòn từ già đến trẻ, đủ mọi thành phần trong đó còn phảng phất nét quê mùa của những người Nam bộ.

Cậu Bảy Nheo đến trước, nhìn khỏe mạnh trong chiếc áo montagut mới toanh màu vàng nhạt… Cậu làm ở sở Mỹ, có tiền nên thích xài loại áo này, giá không rẻ vì nhập cảng từ bên Pháp. Cậu Bảy ngồi nói chuyện với dượng Hai Mỹ, chủ sự Hãng hàng không Air Việt Nam, còn gọi là “Air con rồng”. Ngày Tết, dượng Hai mặc áo sơ mi trắng thắt cà vạt hẳn hoi. Sau đó là ông ký giả nhựt trình, trong xóm gọi là chú Tư. Hôm nay ông vẫn bận cái áo bốn túi màu kaki như mọi ngày nhưng là áo mới coóng. Rồi đến thầy Hai răng vàng, bận sơ mi soa Pháp trắng, bỏ áo vô quần tây đen, mang giầy đen, nhìn trẻ trung. Thầy chuyên chạy “áp phe” thuốc tây… Ðến buổi chiều mùng ba, nhà tôi tiếp mấy chú là bà con xa từ xã Tân Thạnh Ðông miệt Hóc Môn. Ba ông chú, chú Sáu, chú Bảy, chú Tám bận ba bộ đồ bà ba đen y chang nhau trông rất ngộ. Chú Sáu co chân lên ghế ngồi kiểu nước lụt, rút thuốc rê ra quấn hút. Có buổi chiều sau Tết, ông Thầu (làm nghề thầu khoán) từ đầu ngõ đi vào thăm ba tôi. Ông bận bộ pyjama màu ruốc lợt, có viền màu nâu ở tay áo và gần miệng túi. Tay phải ông chống “can” bằng gỗ lên nước bóng, tay trái cầm ống điếu. Ở nhà, ba tôi bận bộ đồ bà ba trắng ra tiếp ông…


Thập niên 1960, các cô gái quê mặc áo dài nhưng vẫn nhận ra là gái quê lên phố qua mái tóc kẹp thả dài – Ảnh:LIFE.

Tôi xin dừng ở đây, không đi xa hơn chuyện ăn vận của giới nam hay nữ, già hay trẻ các thành phần xã hội từ khi các trào lưu mốt phương Tây xâm nhập nhiều vào đời sống của thành phố Sài Gòn vào những năm đầu thập niên 1960. Những hình ảnh ăn vận của người Sài Gòn xưa cũ dù đã mất đi nhưng vẫn còn đọng lại trong ký ức của nhiều người như một mảng văn hoá nhỏ của vùng đất Gia Ðịnh – Sài Gòn ngày trước.