Trang Nguyên
Tự nhiên tôi lại nhớ về đình Chí Hòa thuở nửa thế kỷ trước. Khi ấy tôi còn là một đứa bé, thỉnh thoảng ghé qua cửa đình xin ông từ cho phép hái một rổ lá mít. Cây mít già cạnh bên sân đình không cao to, nhưng um tùm lá xanh sẫm quanh năm. Ban đầu, ông hỏi hái lá để làm gì, riết rồi mỗi lần thấy tôi, ông không thèm hỏi nữa, còn dặn nên hái lá già. Làm bánh lá mít, hấp bột trên lá già mới cho miếng bánh một mùi thơm lừng khi được hấp chín.
Đường hẻm 475 C.M.T.8 (Lê Văn Duyệt cũ) dẫn vào đình Chí Hòa ngày nay (Ảnh: Internet).
Chuyện đình miễu từ từ hẳn kể vì trong đầu tôi lúc này lại hiện ra hình ảnh của má tôi lúc sinh thời. Bà vẫn thường làm mấy món bánh nhà quê đơn giản xem như thứ quà vặt dành cho con cái khi nhàn rỗi. Lúc thì làm bánh chuối, lúc làm bánh lá mít chan nước cốt dừa. Cứ mỗi lần vào ngày cuối tuần thấy bà ngâm gạo là tôi biết nhiệm vụ của mình, chuẩn bị lấy cái túi vải cất trong tủ ra. Cái túi trông giống như cái áo bao gối dành riêng cho việc đựng gạo gút ráo nước để đem đi xay bột. Má tôi nói, ở quê nhà nào cũng có cái cối đá xay bột, giờ lên sống ở thành phố, ngoài chợ bán đầy bột gạo khô. Nhưng muốn làm bánh cho dẻo, cho ngon thì phải dùng gạo ngâm qua đêm, đem xay ép nước gạn bột.
Lò xay bột ở xóm bên. Từ nhà tôi men theo con hẻm ngoằn ngoèo, băng qua hẻm rộng dẫn vào trường tiểu học Chí Hòa, rẽ lối vào con hẻm nhỏ quẹo phải quẹo trái một đoạn chừng vài chục mét là tới. Ngôi nhà vách gỗ, mái ngói có cây bông gòn to tướng trước sân. Phía sân sau dùng làm lò xay bột, hai bên có trồng mấy cây mận và một cây mít mà tôi chưa bao giờ thấy ra trái. Má dẫn tôi đi một lần, chỉ dẫn cho nhớ để lần sau mang gạo đi xay tôi không sợ bị lạc đường. Từ đó, xay bột trở thành nhiệm vụ của tôi. Không những vậy, tôi còn nhìn thấy cách đó vài chục mét có một con hẻm hẹp dẫn ra phía hông đình Chí Hòa. Nơi này có một cây mít già lá to. Vòng ra phía trước là sân đình hình chữ nhật khá rộng. Nhà cửa lớn nhỏ bao quanh, cái thì vách gỗ mái tôn, cái thì vách gạch mái ngói, trông rất lộn xộn. Nói chung không phải là một hình ảnh nên thơ của ngôi đình làng như tôi từng biết trong sách vở, duy chỉ có ngôi đình vách gạch mái ngói âm dương trông rất cổ kính. Tôi còn thấy hông trái mái đình là con đường hẻm dẫn thẳng ra đường Lê Văn Duyệt. Vậy là mỗi lần má làm bánh lá mít, tôi mang gạo đi xay bột không phải xin lá của nhà chủ lò nữa mà đi thẳng qua đình hái lá mít già, rồi đánh một vòng ra đường lớn trở về nhà. Ngoài đường lớn vui hơn, nhất là nhìn mấy cổ xe thổ mộ lọc cọc ngược xuôi trên phố.
Trở lại cái xóm bên, mà theo cách gọi của tôi là xóm đình Chí Hòa, còn khu vực tôi đang cư ngụ người ta gọi là xóm Hòa Hưng. Xóm Hòa Hưng có chợ Hòa Hưng, có nhà ga xe lửa Hòa Hưng, nhà thờ Hòa Hưng (còn gọi là nhà thờ Thánh Tâm trên đường Tô Hiến Thành) nhưng lại không cái đình nào mang tên Hòa Hưng. Có lẽ vì thế, người lớn trong xóm tôi gọi ngôi đình bên trong khu gia binh của trại Ðào Bá Phước là đình Hòa Hưng (đối diện khu gia binh trên đường Tô Hiến Thành là trại Ðào Bá Phước của binh chủng Biệt Ðộng Quân). Thật ra khi còn nhỏ tôi đã không nghĩ đó là đình Hòa Hưng vì tôi không thấy tấm biển bia nào ghi nhận tên đình. Nhưng nhiều người dân xóm tôi vẫn cho là như vậy. Ðúng sai hạ hồi phân giải. Tôi nghĩ người ta gọi tên đình theo cách nói dân gian, đình là nơi biểu tượng của làng xã có từ ngàn xưa. Mỗi làng đều có một ngôi đình thờ các bậc tiền hiền được phong thần của thời khai hoang mở cõi. Có lẽ vì thế mà người dân xóm tôi nghĩ rằng làng Hòa Hưng và làng Chí Hòa là hai làng khác nhau? Bởi trên thực tế có khám Chí Hòa, đình Chí Hòa, nhà thờ Chí Hòa, nghĩa địa Ðô thành Chí Hòa, depot xe lửa Chí Hòa và cả trường tiểu học Chí Hòa nơi tôi học, trong khi tôi lại ở xóm Hòa Hưng trong cùng một khu vực?!
Bản đồ do Nguyễn Văn Học vẽ năm 1815 đã có làng Hòa Hưng (Ảnh: Internet).
Tôi xin nói về ngôi đình này một chút. Không ai biết ngôi đình có tự lúc nào, chỉ biết khu gia binh này được xây dựng vào giữa thập niên 1950, đường sá trong khu gia binh khá rộng rãi, nhà trệt xây theo từng dãy, mái ngói, tường gạch hẳn hoi. Phía cuối con đường chính rộng lớn cũng là ranh giới cuối giáp với tường thành của Khám Lớn (Trại Cải huấn Chí Hòa) có một ngôi đình nhỏ, kiểu xây cất hiện đại, bên trong thờ thần gì tôi chẳng biết. Tôi biết mỗi năm cứ đến đầu tháng 7, nơi đây người ta dựng rạp cúng đình, hát bội kéo dài suốt ba ngày đêm. Người ta cúng đình lớn lắm, có cả mấy con heo quay ngon lành, bàn thờ dọn ra hai bên, bên trên chưng bày hình tượng Long – Lân – Quy – Phụng kết bằng hoa quả trông rất nghệ thuật. Người dân xóm tôi và các xóm bên dâng lễ cúng đặt lên mâm phủ vải điều. Vật cúng bày biện đầy trong đình. Sau hai ngày hát bội từ sáng đến tối, suất cuối vào trưa ngày thứ ba, sau đó các nghệ sĩ hát tuồng nối nhau xuống đình cúng bái thần linh và cúng cô hồn. Trẻ con người lớn chen nhau giành chỗ đứng trước để khi cúng xong nhanh tay vớ được đồ ngon.
Cho đến bây giờ tôi không tìm thấy bất cứ tài liệu nào trong các biên khảo về tín ngưỡng dân gian để biết nguồn gốc của ngôi đình đó. Có lẽ nó được xây sau này khi không còn chế độ phong kiến nữa. Trong hồi ký của mình vua Bảo Ðại chua chát viết: “… Nhưng các vị Thần này vẫn dưới quyền cai quản của Hoàng đế. Ðó là một thứ quyền của nghi lễ mà Pháp dành cho tôi đó. Các Thành hoàng này chỉ được thờ cúng, khi được Hoàng đế cấp cho sắc phong thì mới nên Thần mà thôi”. Sau năm 1945, vua Bảo Ðại thoái vị thì quyền hành duy nhất này dành cho hoàng đế cũng chấm dứt.
Riêng đình Chí Hòa chính thức nhận sắc phong vào lễ Kỳ Yên 16/2/1852 từ thời vua Tự Ðức. Thật ra, từ xa xưa ngôi đình này đã mang tên là đình thần Hòa Hưng, đến năm 1930 mới đổi tên thành đình Chí Hòa. Theo tài liệu ghi rằng, đình hình thành từ rất lâu trước đó nữa, và ông Võ Trường Toản dạy học tại đây là vào năm 1785 đến 1792. Học trò của ông đều là những bậc hiền tài như: Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh, Ngô Nhân Tịnh, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Ðạt, Hồ Huấn Nghiệp, Trương Ðịnh, Bùi Hữu Nghĩa, Học Lạc… Năm 1792, Võ Trường Toản mất, chúa Nguyễn thương tiếc ban hiệu “Gia Ðịnh xử sĩ, Sùng Ðức Võ tiên sinh”. Ban đầu hài cốt của ông được chôn tại thôn Hòa Hưng thuộc tổng Dương Hoà Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình tỉnh Gia Ðịnh (sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Ðông, di cốt ông cùng vợ và con gái được dời về Bến Tre tránh nằm trong vùng cai quản của Pháp). Từ ngày đình Hòa Hưng hình thành đến nay tuổi đã hơn 300 năm, khi đó theo mô tả đình thần còn là một ngôi nhà lá bên bờ kênh, có cây đa to lớn trước sân đình. Từ năm 1852 đình được xây dựng lại và trùng tu qua nhiều thời kỳ cho đến nay đình Chí Hòa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn Hoá Quốc gia.
Bức tranh vẽ đình Chí Hòa thuở ban đầu khi đó còn gọi là đình Hòa Hưng nơi Võ Trường Toản dạy học (Ảnh: Tư liệu của đình Chí Hòa).
Trở lại chuyện tên đình, ta cần biết thêm một điều là địa giới hành chánh từ thời Gia Long đến đời Tự Ðức có nhiều thay đổi sáp nhập địa danh. Trên bản đồ Sài Gòn – Gia Ðịnh do Nguyễn Văn Học vẽ vào 1815 cho thấy có làng Hòa Hưng. Trong một tài liệu về Ðồn Chí Hòa do tướng Nguyễn Tri Phương xây dựng năm 1860, nhà văn Sơn Nam ghi chép: “Ðại đồn nằm trong địa phận làng Chí Hòa và Phú Thọ, dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường đi Tây Ninh [đường Cách mạng Tháng Tám ngày nay] làm trung tâm để xây dựng chiến lũy”. Như vậy, vị trí này chính là một phần của vùng đất làng Hòa Hưng.
Mật độ dân cư phát triển ngày càng đông, năm 1920, quận 3 được thành lập. Ranh giới quận 3 kéo dài đến đường Rue de Avalanche [Lý Chính Thắng ngày nay]. Nhưng từ đầu thập niên 1930, cư dân theo đó phát triển nên ranh giới quận 3 được mở rộng thêm, lấy luôn một phần đất thuộc làng Chí Hòa từ trường đua ngựa ở Ðồng tập trận (sau này Ðồng Tập trận tức trại Lê Văn Duyệt thời VNCH) kéo dài đến gần Ngã ba ông Tạ ngày nay. Cho đến năm 1938, một phần của làng Chí Hòa còn lại nằm trong tổng Dương Hoà Thượng thuộc quận Gò Vấp (tổng Dương Hoà Thượng trước kia gồm 13 làng thu hẹp lại còn 9 làng). Như vậy, tên đình Hòa Hưng đổi thành Chí Hòa do việc thay đổi địa giới. Và đến tháng 7/1969, quận 10 chính thức thành lập, lấy một phần đất của quận 3 và quận 5 gồm có 4 phường. Trong đó phường Chí Hòa từ đường Hòa Hưng trên đường Lê Văn Duyệt đến đường Bắc Hải bên hông nghĩa trang Ðô Thành vòng sang đường Tô Hiến Thành. Năm 1972 quận 10 mở thêm phường Nhựt Tảo.
Xóm tôi trở thành trung tâm phường Chí Hòa nhưng mỗi khi ai hỏi nơi tôi cư ngụ thì tôi vẫn nói rằng, ở xóm Hòa Hưng.