Thầy Thanh Tao tụng kinh mùi như ca vọng cổ

(CLVN.VN) - Má Bảy Phùng Há nói rằng mua đất được rồi coi như đã giải quyết được hai phần ba công việc, bà và các nghệ sĩ cùng thời trong nhóm mừng vui ra mặt, tổ chức cúng đáp lễ Tổ nghiệp, ăn mừng rất lớn và tin trên bay đi thật xa, chỉ mấy ngày là tất cả các đoàn hát đang hoạt động ở các tỉnh đều biết.

Miếng đất vừa mua có diện tích 6,080 thước vuông, tọa lạc tại xã Hạnh Thông Tây, Quận Gò Vấp, tính ra thì không gần cũng không xa, cũng như về mặt giấy tờ xin phép cũng dễ, do lúc bấy giờ quanh đây là căn cứ quân sự của quân đội viễn chinh Pháp. Sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, Pháp rút về nước giao lại cho quân đội Quốc Gia, lực lượng còn yếu kém chẳng bao nhiêu lính tráng hiện diện nên vùng nầy vắng vẻ, con đường từ chợ Hạnh Thông Tây đi vô miếng đất là đường mòn, ít người qua lại, nhà cửa dân chúng thưa thớt, nhờ vậy mà vấn đề xin phép lập nghĩa trang không gặp khó khăn.

Ðất mua xong, giai đoạn kế tiếp là lo cất Chùa để giúp nghệ sĩ lúc sống có cơ hội tu hành, khi chết có mồ yên, mả đẹp và chúng tôi hỏi tiếp về giai đoạn này:

- Triều Giang: Thưa má Bảy, mua đất lắm gian nan và gặp nhiều khó khăn, vậy khi cất Chùa có dễ dàng không hay cũng khổ sở như mua đất?

- Má Bảy: Cái nào cũng khó khăn hết, mỗi cái khó một cách và việc cất Chùa, Hội đồng ý giao cho ông Lê Minh Công, khi xưa vốn làm nghề quản lý các đoàn hát, về sau đi tu pháp danh là Tỳ kheo Thích Quảng An, ông đã cùng với các vị Phật Tử phát tâm từ thiện xây dựng một ngôi Chùa nhỏ. Với sự giúp đỡ của Phật Tử và Mạnh Thường Quân, cùng với sự chịu đựng gian khổ và tâm quyết của thầy Thích Quảng An, ngôi Chùa nhỏ đã được thực hiện, nhưng khổ nỗi ngôi Chùa chưa xây xong mà đã mắc nợ nên ngưng lại một thời gian.

- Triều Giang: Rồi giải quyết bằng cách nào, có ai giúp đỡ lúc đó mà ngôi Chùa được hình thành?

- Má Bảy: Nhận thấy không thể tiếp tục chương trình, nên Thầy Thích Quảng An đề nghị giao Chùa cho Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu và xin thanh toán món nợ, nhưng Hội không chấp thuận, vì không có tiền. Cuối cùng thầy Thích Quảng An và nhóm Phật Tử đến cầu cứu ông bầu Xuân, giám đốc đoàn hát Dạ Lý Hương, tức ông Diệp Nam Thắng là chủ nhân xưởng giấy vệ sinh hiệu Kiss Me để lấy tiền trả nợ. Ông bầu Xuân đồng ý trả nợ và nhận Chùa năm 1971, rồi ông giao cho các nghệ sĩ tổ chức cơ cấu quản trị và xây dựng, còn ông chịu trách nhiệm ủng hộ tài chánh.

Năm 1972, Chùa xây cất xong với tên Nhựt Quang Tự và thành lập Hội Chùa Nhật Quang và Nghĩa Trang, bầu ra một Ban Trị Sự tạm thời đầu tiên để quản trị chùa và được ban chấp hành Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu chấp thuận với thành phần gồm: Ông bầu Thới - Chủ Hội kiêm Phó Chủ Hương; nghệ sĩ Thanh Tao - Chánh Chủ Hương; ông Nam Hưng - Phó Chủ Hội; ông Năm Anh - Tổng Thư Ký; ông Nguyễn Kim Khánh - Thư Ký; nghệ sĩ Duy Chức - Trưởng Ban Bảo Trợ; ông Tư Liêm - Phó Ban Bảo Trợ; ông Trần Văn Ðáng - Thủ quỹ kiêm Trưởng Ban Nghi Lễ; và hai vị Cố Vấn kiêm tiếp khách là ông Hứa Nam Thành và Hề Lập. Ðặc biệt ông bầu Xuân được bầu Chủ Hội Danh Dự.

Một chi tiết khá buồn cười má Bảy kể lại rằng nghệ sĩ Thanh Tao là danh ca ngang ngửa với Út Trà Ôn, năm 1953 ông thuộc thành phần “nghệ sĩ đi xe hơi”, có chiếc xe Peugeot 203 màu xanh xám, nhưng có điều là ít ăn khách hơn Út Trà Ôn. Thanh Tao từng đóng vai Ðiệp, đóng cặp với đào Năm Phỉ vai Lan, cũng như từng vô nhiều dĩa hát. Lớn tuổi ông giải nghệ vào tu ở Chùa Nghệ Sĩ lấy pháp danh là Thích Quảng Minh, nhưng các Phật Tử gọi ông bằng thầy “Thích Thanh Tao”, hễ mỗi lần có ông tụng kinh thì người ta đi cúng Chùa rất đông, đặc biệt là các nữ Phật Tử từng là khán giả cải lương, họ nói: Thầy Thanh Tao tụng kinh mùi như ca vọng cổ, nghe ông tụng kinh mà tưởng chừng như đang nghe dĩa hát “Hoàng Tử Lưng Gù vậy!”

______________

Bài “Lòng Dạ Đàn Bà” thể điệu Đảo Ngũ Cung do Thanh Tao ca.