(Phỏng vấn chớp với nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến)
Lời Giới Thiệu của Trịnh Thanh Thủy (TTT): Tôi tình cờ gặp được nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến (PTTT) cùng phu quân ở Hoa kỳ nhân một dịp bà dự một buổi họp mặt với Ban Biên Tập Da Màu ở Little Sài Gòn. Tôi được nghe tiếng bà từ lâu nhưng nay mới có duyên gặp gỡ.
Phan Thị Trọng Tuyến sinh tại Bến Tre, lớn lên ở Gia Định. Du học Pháp trong thập niên 70, hiện sống tại Pháp. Đã xuất bản Mùa hè, một nơi khác (Văn Nghệ 1987), Một Trang Đời (An Tiêm 1991), Mùa Xuân và Những Con Dã Tràng (An Tiêm 1993).
TTT: Xin cho biết cơ duyên đã đưa đẩy chị vào văn nghiệp và khi nào?
PTTT: Những năm đầu trung học và thời gian sau đó, duyên may có những vị giáo sư đã làm tôi yêu và thích Việt văn. Nói cho cùng từ thời bé con tiểu học, các cô thầy dạy tôi, ban tặng hiểu biết và đam mê về nhiều thứ, như văn Việt và sử Việt. Từ nhỏ, tôi vốn mê đọc sách. Mê đọc nên mê viết, một cách để đền đáp công ơn này.
Và có nhân duyên thứ hai, khi tôi đến Mỹ vào thời điểm cộng đồng người Việt Nam bắt đầu phát triển về mọi mặt. Gặp gỡ văn thi sĩ tôi ngưỡng mộ ngày còn bé. Ba má tôi là thuộc thành phần những cư dân đầu tiên vùng Bolsa. Tôi gặp Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Nguyên Sa, thấy Lê Uyên Phương, Khánh Ly, đi nhà hàng thấy Thanh Thúy…bằng xương bằng thịt. Nghe, thấy trực tiếp người trong cuộc kể chuyện tù đầy, cải tạo, vượt biên.
Sống lại không khí thời xưa và thời cộng sản những năm 1975, 1980, 1990. Toàn chuyện không thể tưởng tượng được. Những chuyện xảy ra cho chính gia đình và bạn bè, hàng xóm, đồng hương, đồng bào của tôi. Cho nên tôi viết thật dễ dàng, trong gần trọn một năm, chỉ phải trông con và viết. Vì cảm hứng vô tận và chất liệu đầy ắp ở xung quanh.
Được khuyến khích và giúp đỡ, các quyển sách ra đời, được đón nhận ra sao, tôi không hề biết. Bạn văn thì thấy qua những thân tình còn giữ đến bây giờ, đó là điều tôi rất trân quý và hài lòng.
Khi tôi trở lại(Pháp), bị cuốn hút vào cuộc sống, mọi chuyện lại lắng đọng, và tôi vẫn không biết người đọc có được “vui vài trống canh” hay không. Tôi nghĩ mình …dứt nghiệp văn. Nhưng chắc là chưa(hết bệnh ghiền) nên lại cứ viết lai rai; đúng là nhân quả trùng trùng, cơ duyên chằng chịt, nghiệp dĩ không phải muốn dứt là dứt. Chỉ vì các chữ “duyên, nghiệp”!
TTT: Đề tài chị thường chú trọng đến là gì? Phần lớn những nhà văn nữ thường viết về tình yêu, gia đình hay tình dục. Chúng có là đề tài thường xuất hiện trong tác phẩm của chị không?
PTTT: Tôi không chú trọng đến một đề tài đặc biệt nào, trừ phi bị áp đặt (có yêu cầu), điều hiếm có ít khi xảy ra cho tôi. Tôi viết lung tung đủ thứ đề tài, chỉ cần một chi tiết nghe thấy hay ý tưởng phát sinh từ một câu nói làm tôi xúc động. Và từ chi tiết đó, đề tài dần dà thành hình, lớn ra. Tôi viết để “nhét” chi tiết đó vào. Nói chung đề tài là con người.
Chính chi tiết ấy tạo ra câu chuyện, thành hình do tình thế diễn tiến đem đến chi tiết khác. Cho đến bây giờ, các bài của tôi đều được ra đời như thế. Cho nên, Thuỷ thông cảm khi tôi trả lời Thuỷ rất chậm trễ vì theo yêu cầu.
TTT: T có đọc truyện ngắn “Bóng đêm cuối cùng” và một số truyện đăng rải rác các nơi của chị. Chị viết về cuộc sống của người dân miền Nam sau ngày 30 tháng tư. Ngòi bút sắc bén của chị đã tả chân được phần nào thực chất cuộc sống của các nghệ sĩ cải lương, đặc biệt trong truyện này. Nếu có thể xin chị kể một kỷ niệm vui vui chị có với các nghệ sĩ sân khấu cổ nhạc và thái độ sống của chị đối với chính quyền trong giai đoạn khó khăn của cuộc sống thời bấy giờ.
PTTT: Cổ nhạc có mặt trong đời sống dân miền Nam trước cả thời tôi còn bé. Ra khỏi nhà là nghe ca vọng cổ. Vào nhà nghe cải lương. Về quê, ông ngoại tôi mở radio hay ông cậu bên bà ngoại mở cái máy hát dĩa 78 tours, tôi cũng chỉ nghe tuồng cải lương. Cho nên con người tôi bị “tẩm” bị ướp mà không hay, tôi biết tên tuổi các nghệ sĩ, tuồng tích cũng thuộc làu. Ba má tôi đi xem cải lương cũng nhiều như xem xi nê. Tụi nhỏ chúng tôi chưa bao giờ tự ý hay đòi đi xem cải lương. Riêng tôi cho đến bây giờ vẫn không biết ca vọng cổ dù hồi xưa có thử tập và học, tôi không quen diễn viên sân khấu cải lương, nói chung là không quen biết cá nhân nghệ sĩ nổi tiếng thuộc tân hay cổ nhạc. Bây giờ cũng chỉ lẩn quẩn sống nơi tỉnh nhỏ, chẳng khá hơn nhưng xem trên mạng, báo chí thì biết như mọi người, ít nhiều về đủ thứ, không nhất thiết là sân khấu cổ nhạc.
Hồi xưa, sáu, bảy tuổi, theo bà ngoại đi coi hát bội ở đình chùa, sợ nhiều hơn là thích, nhưng không hiểu tại sao tôi được bà dẫn theo và rất thích đi dù chẳng hiểu ất giáp gì. Có hiểu chăng là vài năm sau đó, khi đọc truyện Tàu, gán ghép kỷ niệm xưa để hình dung được một số nhân vật.
Cuộc sống dân miền Nam sau ngày 30 tháng tư trong các truyện ngắn đã viết là cuộc sống xóm nhà tôi. Trong xóm có gia đình một gánh hát xưa. Lúc còn nhỏ và rồi lớn lên, vì tính nhút nhát, ít ra ngoài xóm, tôi chẳng biết ai ngoài hai ba con bạn gần nhà. Người lớn càng không quen. Trừ gia đình ông cậu, dọn vào xóm trong ở vài năm trước khi tôi đi; hình ảnh xóm nghèo còn in trong đầu cũng nhờ lắm lần tôi đã ra vô nhà cậu và đi xuyên suốt xóm nhỏ ồn ào với rất nhiều e ngại, lúng túng và…lạ lùng chưa, với cả một chút tò mò thích thú.
Tất cả các truyện viết do trí tưởng tượng và vài chi tiết nhỏ (không dính dáng đến cải lương) trong các câu chuyện tang thương dâu bể làm tôi xúc động. Chẳng hạn nghe tin xóm sẽ bị giải toả (tiếng mới thời cộng sản lúc bấy giờ là giải thể ). Một phần lớn xóm, dãy nhà nhìn ra sông dọc theo bờ cầu Bông bị san bằng vài năm sau đó, một phần đời tuổi nhỏ bị tan biến, cho sông được thở. Coi Google Earth hay map gì đó, bây giờ thấy sông xanh, bờ đẹp uốn quanh. Không biết người xưa, hồn xác giờ ở đâu? Tôi sống ở Pháp từ cuối năm 1969 tôi không quen biết các nghệ sĩ tên tuổi, lý do đã nói ở trên. Thái độ sống với chánh quyền? Dĩ nhiên, không trải qua thì làm sao biết mình sống như thế nào. Tôi chỉ biết là ba má tôi, nhất là má tôi đã nguyền rủa tàn tệ nhà nước. Mấy mươi năm sau bà vẫn giữ nguyên lòng căm thù đó. Ba má tôi là dân cựu kháng chiến chống Pháp như 99% thanh niên thời cách mạng mùa thu. Khi hỏi về nhà nước cộng sản, Ba tôi, nhẹ nhàng: “nói láo có sách”, Má và Dì bảo “tụi nó ác lắm con ơi”. Bao nhiêu lần hỏi, tôi đều được hai câu trả lời “trước sau như một” này.
Chỉ là nhận thức chứ không phải thái độ sống, rõ ràng thái độ sống của dân xóm tôi là: không tin và oán sợ. Thấy nhân quả rõ ràng chưa.
TTT: Chị có những tác giả ưa thích nào không? Nếu có, chị có bị họ ảnh hưởng không?
PTTT: Chắc chắn có và rất nhiều, ảnh hưởng tất nhiên cũng có, xin miễn kể vì sẽ rất dài vì không chỉ trong văn chương.
TTT: Trong bài viết “Đất nước lâm nguy” về hiểm hoạ Trung Quốc, sự lệ thuộc, nô lệ và sự hèn yếu cam chịu thân phận chư hầu. Đứng trước vận nước bấp bênh chị đã tỏ mối quan ngại. Vậy trong vị thế của một người phụ nữ, hơn nữa một nhà văn, chị có thể làm được gì trong trường hợp này, khi chỉ là một con dân ở rất xa tổ quốc?
PTTT: Viết bài nói trên chính là phần đóng góp nhỏ mà tôi làm được ở địa vị nhỏ bé và sống xa tổ quốc. Chắc cũng tại sợ người ta hỏi mày đã làm gì cho tổ quốc, nên nói vậy, chứ khi bắt đầu viết, cái chi tiết đầu tiên tôi có là sợ thành người Tàu gốc Việt, sợ mai kia không còn một chỗ đi về cho ngon với người ta.
Dĩ nhiên, nếu sống ở VN, tôi không biết mình có “dám” cả gan nhắc nhở điều mà ai cũng biết nhưng không dám nói này không. Rất sợ bạo lực nên tôi kinh hoàng khi thấy bản án tù người ta dành cho những người (chỉ viết và nói) như Trần Huỳnh Duy Thức, Bùi Thị Minh Hằng…thật không thể tưởng tượng. Đó là chưa kể đạo quân dùng ngón võ (Tàu) để đánh người Việt!
Tự hào là yêu nước.
Yêu nước phải biểu tình.
Mà biểu tình nó oánh.
Quân ta oánh quân mình.”
(Thái Bá Tân)
Tôi đã kinh qua loại câu hỏi này trong dịp ghé Ba Lan, tôi được bạn văn giới thiệu đến thăm làm quen một thi sĩ hiền lành đất Bắc, tại một nhà văn hoá VN. Chắc chắn vì anh ấy phải báo cáo cho “trên” nên tôi được hân hạnh gặp trước (làm việc !) một ông tham tán của sứ quán, ông báng bổ cho một câu rất “văn hoá lịch sự”: chị có biết chị đang ngồi trong ngôi nhà này xây dựng lên là nhờ ai không ?
Thứ câu hỏi (trám miệng hay mớm cho) nông dân miền Bắc vào thế kỷ trước. Không thích thứ bạo lực bóng bàn nên tôi im lặng, nếu bây giờ thì trả lời bằng các câu thần chú của người dân miền Bắc xưa kia và ông phó thường dân Tưởng Năng Tiến vài chục năm nay: nhờ ơn bác, ơn đảng chứ còn nhờ ai nữa, cha nội!
Như bà Kim Ngân hỏi và tự trả lời:
Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động (…). Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…
Thì tại bà và đảng bà chứ còn ai vô đây nữa, bà nội!
Nhưng thôi, thiên hạ đã la om rồi, ai (dám) đi đánh đàn bà (Bến Tre) cho dù bà chưa…ngã ngựa, coi đỡ lời đáp của Trần Mạnh Hảo:
Chưa ai như bà Kim Ngân …
Huyênh hoang dám hỏi nhân dân câu này
Bà làm được gì xưa nay
Dĩ nhiên, phải đạo vẫn nên là “Ơn bác, ơn đảng”. Ai duy lý tài thì nói rõ hơn:
…nhìn vô bốn văn phòng (…) đầu não (…) là văn phòng chủ tịch nước, văn phòng quốc hội, văn phòng chính phủ, và văn phòng đảng, (…) văn phòng đảng chi tiêu nhiều nhất (…) 2000 tỉ (…) gần một trăm triệu đô la (Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn) (chữ in đậm của PTTT)
Khi lãnh lương, bất cứ người bình thường nào, nói chi đến bậc tài ba, cũng làm đưọc việc, huống hồ là làm cho đất nước. Hỏi chi câu ngớ ngẩn. Nhưng ăn tiền hay không vẫn phải “tính sổ”. Lại chuyện nhân quả nữa rồi!
Chủ trương bất bạo động nhưng khi cần, chắc tôi cũng biết “phải đánh” như các bà tổ họ Trưng, họ Triệu đã căn dặn xưa kia. Chứ đâu còn nhiều cách trả ơn tiên tổ?
TTTT: Thời điểm sáng tác mạnh nhất của chị khi nào? và theo chị đặc điểm nào nổi bật nhất trong các tác phẩm của chị?
PTTT: Như đã nói. Đó là khoảng thời gian nghỉ phè 1984 -1985 ở Mỹ. Chúng tôi từ trước vẫn ở tỉnh nhỏ Pháp, trong khoảng thời gian tôi gọi là vô minh (cho đến 1984). Tin tức chẳng có bao nhiêu, nếu có thì cũng đem tới do phần lớn của người bên phe thắng cuộc, nên cái gì cũng nửa tin nửa ngờ.
Chỉ khi qua Mỹ, chúng tôi mới thật sự giáp mặt với nạn nhân trực tiếp của những thảm kịch mà miền Nam phải lãnh chịu. Tất cả cảm hứng viết ra hai quyển đầu tiên đến với tôi nhờ những câu trả lời của mọi người, của ba má chúng tôi.
[Câu hỏi] Theo chị thì đặc điểm nào nổi bật nhất: tôi không biết, cái này chắc phải hỏi độc giả.
TTT: Sau khi về hưu, với thời gian rảnh rỗi chị sẽ có trong tương lai, chị có dự định gì cho sự nghiệp sáng tác của mình không?
nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến, phu quân Nguyễn Quang Trọng, và nhà văn Trúc Chi
PTTT: A, dự định nhiều, không chỉ cho sự nghiệp sáng tác của mình.
Lo sống thảnh thơi đã, dự tính nhiều làm chi khi thời gian còn ít? Đam mê không còn, chả lẽ phải tự ném vào đầu tôi thêm một vài thách đố để mong tìm lại cảm giác thích thú say sưa cũ? Cám ơn Thủy cho tôi đưọc dịp lạc đề.
TTT: Cảm ơn chị, chúc chị ngày càng thành công hơn nữa.