Bài Dạ Cổ Hoài Lang nhịp 4

(CLVN.VN) - Quá trình phát triển từ bài Dạ cổ hoài lang để trở thành bài vọng cổ nhip 32 hoàn chỉnh như hiện tại, có công lao đóng góp của rất nhiều người. Trong bài viết kỳ này, họa sĩ - nhà nghiên cứu Trịnh Thiên Tài giới thiệu đến bạn đọc bài Dạ cổ hoài lang nhịp 4 do cha ông là Trịnh Thiên Tư sáng tác, chuyển đổi cấu trúc. Sau đó các nhạc sĩ, tác giả như Tư Chơi, Mộng Vân đặt lời ca để phục vụ đờn ca tài tử và trong một số vở cải lương thời bấy giờ.

Việc phát triển Dạ cổ hoài lang từ nhịp đôi sang nhịp tư của Trịnh Thiên Tư có đăng trong sách ca nhạc cổ điển và được chính tác giả Cao Văn Lầu viết lời giới thiệu. Đến nay đã khẳng định, Trịnh Thiên Tư là cha đẻ của bài vọng cổ nhịp tư, chứ không phải Tư Chơi hoặc Mộng Vân như nhiều người lầm tưởng.

Vài nét Về soạn giả Trịnh Thiên Tư:
  • Người có công đưa bài “Dạ cổ hoài lang” sang nhịp 4.
  • Tác giả sách “Ca nhạc cổ điển”, một nhà nghiên cứu lão thành.
Trích bài của tác giả Trần Phước Thuận trong sách “Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu cuộc đời và sự nghiệp” (2007). Tác giả viết: Thuở nhỏ ông tên Trịnh Thoại Phát sau đổi tên Trịnh Thiên Tư. Tên nhiều người thường gọi là “Giáo Chín”, sinh năm 1906 tại ấp Láng Giai, xã hòa Bình, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh bạc Liêu. Lớn lên sống ở nhiều nơi nhưng khi tuổi già ông lại trở về quê hương và từ giã cõi đời ở đây vào 25 tháng 8 năm Nhâm Tuất (119-1982).

Lúc sinh thời, ông vốn là một nhà giáo giỏi, một học sĩ có tài, cũng vừa là một nhạc sĩ, một soạn giả. Ông còn biên soạn một số tác phẩm quan trọng, ngôn ngữ chánh tả và cổ nhạc Việt Nam. Có thể nói Trịnh Thiên Tư là một nhà nghiên cứu có tầm cỡ ở Bạc Liêu, trong tiền bán thế kỷ 20.


Cha ông tên Trịnh Công Như, nguyên là Chánh bái đình làng Giài (làng Bình Lãng) hiểu biết rộng về Nho học. Mẹ là bà Lê Thị Thử, em ruột của Nhạc Khị một bậc kỳ tài về cổ nhạc Bạc Liêu và nền cổ nhạc Nam Bộ. Ông đề xướng và thực hiện chuyển đổi bản “Dạ cổ hoài lang” nhịp 2 sang nhịp 4.

Đối với việc làm này, có người nói ông Tư Chơi, cũng có người nói do ông Mộng Vân, nhưng không có ai đưa ra bằng chứng cụ thể nào. Thực ra Trịnh Thiên Tư mới là người đầu tiên thực hiện việc làm này.

Bản Dạ cổ hoài lang nhịp 4 hoàn thành sau bản Dạ cổ hoài lang nhịp 2 (của Cao Văn Lầu) ra đời vài năm. Với bản nhạc mới này ông đã được nhiều soạn giả đặt lời ca để phục vụ đờn ca tài tử hoặc trong các kịch bản cải lương thời bấy giờ. Tư Chơi và Mộng Vân là hai người đầu tiên đã thực hiện việc biên soạn này. Vì vậy, có một số người lầm tưởng hai ông là người đầu tiên chuyển đổi bản Dạ cổ hoài lang sang nhịp 4. Thật ra việc biên soạn lời ca cho một số bài có sẵn và việc chuyển đổi cấu trúc của một bản nhạc nào đó, là hai việc làm khác nhau.

Trích trong cuốn “Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu” của tác giả Trần Phước Thuận: Trang 349 - tác giả viết: Bản Dạ cổ hoài lang ghi dấu nhạc xưa nhất bằng giấy trắng mực đen chính là bản của soạn giả Trịnh Thiên Tư. Bản này được biên soạn năm 1927 (đến năm 1962 mới được in trong tác phẩn ca nhạc cổ điển của ông), nhưng ở đây Trịnh Thiên Tư biến Dạ cổ hoài lang 20 câu nhịp đôi thành nhịp 4, nhưng chỉ có 4 nhịp ngoại ở các câu 2 - 6 - 16 - 20 và ở giữa các câu 1 - 4 - 11 - 15 - 17 -18 và 19 đều có ghi nhịp ngoại, cả lời ca cũng đổi khác đến 11 câu. Trong đó có nhiều chữ thay thế thêm vào hoặc bớt ra.

Bản này tuy khác xa bản gốc nhưng được đăng trong sách Ca nhạc cổ điển, sách đó lại được ông Cao Văn Lầu viết lời giới thiệu. Vì vậy cũng được nhiều người tin tưởng và xem đây là một giai đoạn chuyển mình của bài Dạ cổ hoài lang trong quá trình chuyển hóa thành Vọng cổ. (Ông Trịnh Thiên Tư đã phân mỗi câu thành 4 nhịp rất rõ ràng, bản chép này tạm dùng dấu X thay cho nhịp ngoại và chữ đậm là chỗ nhịp nội).