Từ Kế Tường
Nằm ở góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi Q1 (Tự Do cũ) có một quán cà phê nổi tiếng trước năm 1975 mà dân “sành điệu” nào cũng biết, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, đó là quán cà phê La Pagode được gọi nôm na là quán Cái Chùa. Quán không rộng lắm, khoảng 60 m2, đặt chừng 10 cái bàn gỗ mặt vuông, ghế ngồi rộng, cũng bằng gỗ có thành dựa, cửa kính dày hai mặt, khách ngồi uống cà phê có thể nhìn ra thông thống một khoảng không gian rất đẹp của khu công viên Chi Lăng nằm chếch ngã tư.
Công viên này có rất nhiều cây cổ thụ, cao to, thẳng tắp, đường kính thân cây cỡ hai vòng tay người ôm mới hết, thân cây với lớp vỏ sần sùi, mốc trắng. Buổi sáng, buổi chiều lớp võ sần sùi, mốc trắng màu thời gian này tùy theo sắc độ mà ánh lên trong mắt người nhìn bằng sự cảm nhận tổng hòa cả thời gian, không gian không chỉ là một thứ màu sắc mà còn là sự hồi tưởng, chất chứa kỷ niệm. Nhất là khi có những cơn mưa nhỏ, giọt lất phất như bụi từ trên những tán cây chảy xuống lớp võ sần sùi khô mốc ấy thì thật giống như một bức tranh sơn dầu với gam màu nhạt, bãng lãng, đầy sức quyến rũ và lay động lòng người.
Quán Cái Chùa của ông chủ người Pháp và dĩ nhiên cung cách phục vụ cũng theo kiểu Pháp. Nhân viên phục vụ mặc đồng phục áo sơ mi trắng, quần tây đen, thắt nơ con bướm ở cổ áo, nói tiếng Pháp tiếng Anh thông thạo và rất lịch sự. Tất nhiên, khách vào quán uống cà phê cũng thuộc thành phần trung lưu, lịch sự, đa phần tuổi trung niên trở lên, thỉnh thoảng mới có một nhóm khách thanh niên “con nhà” hay cặp tình nhân vào quán tìm một chỗ tâm tình lịch sự, yên tĩnh tuyệt nhiên không có khách tuổi choai choai, nhí nhố và không hiểu từ bao giờ quán Cái Chùa trở thành địa điểm gặp gỡ của giới nhà văn, nhà báo và tùy theo “chiếu” mà tập trung ngồi từng nhóm, ở những cái bàn gần như cố định, không thể có trường hợp ngồi lộn “chiếu trên”, “chiếu dưới”. Cũng xin nhấn mạnh rằng giới nhà văn, nhà báo trước năm 1975 phân chia đẳng cấp rất rõ rệt mà lúc bấy giờ gọi là “chiếu”.
Đặc điểm của quán Cái Chùa là cà phê rất ngon, tất nhiên mỗi quán cà phê có một bí quyết riêng, gần như “tuyệt mật” trong khâu pha chế. Tuy nhiên cà phê chắc chắc không pha trộn hương liệu, hóa chất tạo mùi, tạo bọt như bây giờ bán đầy chợ Kim Biên. Cà phê quán Cái Chùa được pha phin, do tiếp viên mang ra tận bàn cho khách khi cà phê vẫn còn bốc khói và bay mùi thơm nức mũi.
Đường bỏ vào cà phê là loại đường tinh luyện, viên hình vuông, trắng phau nhìn thôi đã thích mắt. Buổi sáng chưa ăn gì mà uống tách cà phê đen của quán Cái Chùa có thể bị “say”, tuy nhiên hương vị cà phê và chỗ ngồi ở đây thật không còn nơi nào tuyệt hơn. Đường Đồng Khởi (Tự Do trước đây) là con đường chính của khu trung tâm Q1 chạy ngang cửa quán, qua một lớp kính trong suốt, người ngồi bên trong quán có thể nhìn hoạt cảnh bên ngoài đang diễn ra tấp nập như trong một cuốn phim quay chậm. Đó là một góc nhỏ Sài Gòn vào buổi sáng đông người và xe cộ ồn ã, buổi trưa thưa vắng hơn và buổi tối rực rỡ ánh đèn với dòng người xuôi ngược lướt qua hay thanh thản dạo phố.
Sau năm 1975, quán cà phê Cái Chùa hoạt động một thời gian rồi trở thành đại lý bán vé máy bay. Tôi vẫn thường chạy xe ngang qua đây vào những buổi chiều tối khi thành phố vừa lên đèn và không khỏi bùi ngùi khi nhận ra một ngôi quán từng là kỷ niệm một thời, là nơi từng gặp gỡ bạn bè “văn nghệ” đã biến mất trong dòng chảy tất bật của sinh hoạt đang tiến về phía trước với một số đông người cần có một “độ lùi thời gian” nhất định để sống lại với kỷ niệm một đời người.
Mà thật vậy, không riêng gì tôi hay nhiều người là dân cố cựu Sài Gòn mà cả những bạn bè đã ra nước ngoài thỉnh thoảng vẫn hỏi tôi quán Cái Chùa bạy giờ ra sao? Được trả lời là quán Cái Chùa bây giờ không còn bán cà phê nữa, hay gần đây nó đã mất luôn cho một công trình xây dựng cao ốc gì đó, những người bạn xa xôi ấy đã vô cùng tiếc nuối cho một ngôi quán đẹp, ở vị thế thuận lợi, từng là hình bóng kỷ niệm nơi một góc phố phồn hoa đã không còn nữa. Nó giống một người tình năm xưa đã từng ghi dấu ấn sâu đậm trong trái tim mình, giờ chỉ còn là một hình bóng cũ.