Phan Thanh Giản hay “Cuộc hòa bình dang dở Pháp Việt 15-07-1864”

Dưới ba Triều Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, có một vị đại thần mà chúng ta ai cũng đều biết tiếng, cũng đều nhắc đến luôn, là Phan Thanh Giản. Vị đại thần ấy là một bậc nho tướng, nho thần, thanh liêm, cần mẫn, đạm bạc và giản dị. Sự nghiệp chính trị và sự nghiệp văn chương của ông đã được ghi nhiều trong lịch sử. Nhưng cuộc đời quan lại của ông rất mực thăng trầm. Năm lần bị giáng chức, một lần bị cách lưu và cuối cùng, sau khi đã chết, bị truy đoạt chức tước, phẩm hàm, đục bia tiến sĩ. Từ năm 1862 đến năm 1867, ông được giao nhiệm vụ khó khăn nhất, là thương lượng với tư bản Pháp để ở trên bàn hội nghị giành lấy những cái đã mất trên chiến trường, và bị lên án nặng nề nhất, đến chết vẫn chưa thôi.


Phan Thanh Giản ra đời năm 1796, giờ Thìn, năm Bính Thìn, sáu năm trước khi vua Gia Long lên ngôi (1802), tại làng Bảo Thạnh, cách chợ quận Ba Tri hai mươi cây số ngàn, đường đất hoang dại, cỏ lấp lối đi, giữa những rừng sú và dừa nước vắng lặng. Từ Pháp về đây thăm quê hương, chúng tôi đi xe Mazda bốn chỗ ngồi. Xe đã ba mươi lăm tuổi nhưng còn chạy được, thế mới biết tài tinh xảo của người Việt Nam. Vì đường đất gập ghềnh, xe chỉ chạy trung bình hai mươi cây số một giờ. Người ta gọi nơi đây là Gãnh mù u, đất đai cằn cỗi nhiều sỏi đá.

Cha ông là Phan Thanh Ngạn, một viên chức nhỏ, dòng dõi nho gia thanh bần. Mồ côi mẹ năm lên bảy tuổi, Phan Thanh Giản được ông ngoại đem về nuôi và dạy dỗ. Năm sau hai em Giản, một trai một gái, bệnh không tiền thuốc men, lần lượt đi theo mẹ. Ông bà ngoại quyết định gởi Giản cho nhà sư Nguyễn văn Noa ở chùa Phú Ngãi. Bà nghĩ cho nó làm con nhà chùa may ra mới giữ được cháu ở lại với bà. Ông cũng mừng vì cháu được tiếp tục học bởi bụng ông cũng hết chữ rồi.

Năm 1815, lúc Phan Thanh Giản lên mười chín tuổi, cha bị bắt vì tội hết sức vu vơ, có ý muốn ăn hối lộ. Hơn ai hết, Phan Thanh Giản hiểu cha mình. Ông sống thanh liêm, thương kẻ nghèo khó khốn cùng. Vì thế Phan Thanh Giản xách khăn gói lên tỉnh Vĩnh Long nơi cha bị tù để săn sóc cha và xin làm mọi công việc phục dịch của một người tù. Đã vậy, tối về Phan Thanh Giản chong đèn học đến khuya.

Quan lương hiệp trấn ở Vĩnh Long thấy nhân cách và trí thông minh của Phan Thanh Giản, bèn gửi Phan Thanh Giản cho đốc học Võ Trường Nhơn, một thày giáo có uy tín lớn cả vùng Vĩnh Long. Đây là năm 1816, Phan Thanh Giản vừa đúng hai mươi tuổi.

Tên tuổi người con trai nghèo khó, hiếu thảo, ham học và sáng dạ truyền khắp tỉnh Vĩnh Long. Bà quả phụ Nguyễn thị Ân giầu có và thương người hiền đức, nhận Giản làm con nuôi và đài thọ tổn phí ăn học.

Năm năm sau, năm 1825, Minh Mạng thứ tám, Phan Thanh Giản đỗ cử nhân, trong khoa thi hương ở Gia Định. Năm sau, 1826, ông đỗ tiến sĩ sắp hạng thứ ba trong số chín người đỗ, sau Hoàng Tế Mỹ người Sơn Tây và Nguyễn Huy Hựu người Hải Dương. Ông là người tiến sĩ đầu tiên ở Nam Kỳ.

Bối cảnh lịch sử

Đời hoạt động của ông (1826 - 1867) dài bốn mươi mốt năm, nằm trong thời kỳ các đế quốc Tây phương đi tìm thuộc địa và thống trị gần toàn thế giới. Nếu cho rằng nước Việt Nam bấy giờ là thủ cựu, bám lấy chế độ phong kiến lỗi thời, dùng chính sách bế môn toả cảng, đứng ngoài và chống lại trào lưu khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá của thế giới thì cũng quá nghiêm khắc.

Chúng ta hãy lần lượt xem qua các tác động của triều đình Huế lúc bấy giờ, những yếu điểm và khuyết điểm của các vua triều Nguyễn:
  1. Mở mang bờ cõi và bành trướng thế lực, sang Cao Miên và Ai Lao. Bị thất bại bên Cao Miên, nhưng Cao Miên và Ai Lao vẫn xin thần phục Việt Nam.

  2. Bế môn toả cảng? Không đúng lắm, vì tàu buôn ngoại quốc có quyền vào buôn bán tuy họ phải theo quy luật. Phải vào những bến được chỉ định và phải đóng thuế, trình bản kê khai hàng hoá và trước tiên bán cho hoàng tộc. Không được mua các phẩm vật cấm xuất ngoại như gạo thóc. Không được tự do đi lại trong xứ. Không được lập thương điếm trên bờ. Cũng như vua Gia Long, vua Minh Mạng không cho một xứ nào độc quyền buôn bán.

  3. Cấm đạo. Từ khi Minh Mạng lên ngôi, nhà vua đã có ý không cho người ngoại quốc vào giảng đạo ở trong nước. Đến năm Ất Dậu 1825, trên chiếc tàu Thelès vào cửa Đà-Nẵng có một giáo sĩ tên là Roggerot lên bờ, đi giảng đạo các nơi. Vua Minh Mạng lúc ấy mới ra dụ cấm đạo lần thứ nhất. Nhà vua sai tìm bao nhiêu giáo sĩ ở trong nước, đem cả về Huế để dịch những sách Tây ra chữ Việt Nam, chủ ý không phải vì việc dịch sách, mà là để cho họ không đi giảng đạo nữa tại hương thôn. Hành động của nhà vua rất khéo.

    Việc cấm đạo trở thành dữ dội khi thành Gia Định do Lê-Văn-Khôi tử thủ để chống quân triều đình bị dẹp tan (1835). Trong sáu thủ phạm phải đóng cũi giải về Huế có một linh mục người Pháp là Marchand (Cố Du). Những người này đều phải tội lăng trì (xé xác). Triều đình ra dụ cấm đạo lần thứ hai, nhưng các giáo sĩ bấy giờ liều chết, đi truyền giáo cho bằng được. Năm 1836 vua ra dụ cấm đạo lần thứ ba.

  4. Giao dịch với các nước Tây phương. Năm 1825 tàu chiến Pháp Thelès tới cửa Hàn, thuyền trưởng De Bougainville có đem thư của vua Pháp xin vào yết kiến. Minh Mạng sai đem phẩm vật cho, nhưng không tiếp, lý do không ai đọc được chữ người Tây phương. Năm 1826 Pháp hoàng sai cháu Chaigneau sang, xin đặt lãnh sự. Minh Mang không nhận. Nhưng đến năm 1839 trận giặc nha phiến ở Trung Hoa như một tiếng sấm làm rung động các nước Á Đông. Người Anh tấn công Trung Hoa ở Quảng Châu, bắt buộc cho tự do mậu dịch, nhưng thật ra để bán nha phiến đem từ Ấn Độ sang. Minh Mạng nhận thấy hiểm hoạ của các cường quốc Âu châu liền gửi sứ bộ sang Penang, Calcutta, Batavia, Paris, London. Sứ bộ đến Pháp tháng 11-1840 nhưng vua Pháp là Louis Phillipe không tiếp, vì Hội Truyền Giáo Quốc Tế căm phẫn các vụ cấm đạo của ta. Thái độ cứng rắn của nước Pháp bấy giờ thật không đúng lý, vì triều đình Huế đã thay đổi thái độ, thật lòng muốn giao dịch buôn bán với các nước cường quốc Âu châu. Sứ bộ sang London cũng không được kết quả gì. Khi sứ bộ về đến Huế thì Minh Mạng đã từ trần ngày 21-1-1841.

    Thiệu Trị lên nối ngôi có ý định hoà giải, tuyên bố: “Theo luật pháp, đến giao dịch buôn bán thì được tự do, nhưng không được từ Macao đổ xuống để trà trộn vào với dân chúng trong các tỉnh, lường gạt người ta, khinh thường pháp luật.” Ngài truyền trả lại tự do cho năm giáo sĩ bị giam lỏng trong kinh thành. Năm 1845, giám mục Lefèvre được thả về Singapore, nhưng chẳng bao lâu giám mục lén lút trở lại Việt Nam. Bị bắt ở sông Sài Gòn, ông lại được đưa về Singapore một cách êm thấm. Chính sách của vua Thiệu Trị như vậy là rất mềm dẻo lúc ban đầu.

    Hoà ước Nam Kinh 1842 kết thúc chiến tranh nha phiến. Triều đình nhà Thanh nhượng cho Anh quốc đảo Hồng Kông và mở năm cửa bể để giao dịch. Năm 1844, Trung Hoa và Pháp quốc ký hiệp ước tại Hoàng-Phố, cho người Pháp được quyền buôn bán và truyền đạo ở Trung quốc. Ba năm sau, năm 1847, theo lời kêu gọi của giáo sĩ Pháp đòi Việt Nam cũng ký một hoà ước như thế, chính phủ Pháp gửi đại tá Lapierre qua đòi triều đình Việt Nam bỏ lệnh cấm đạo. Ngày 15-4-1847, Lapierre đến Đà Nẵng cho nổ súng bất thình lình. Chiến thuyền Việt Nam bị đắm. Thiệu Trị sai giết hết các người Tây phương, gồm cả các giáo sĩ. Cùng năm ấy, Thiệu Trị qua đời.

  5. Kinh tế.
    • Khẩn đất. Từ khi lên ngôi, vua Gia Long đã khuyến khích dân khẩn đất, tăng diện tích trồng trọt ở ven rừng và quanh biển. Vua Minh Mạng sai một đại thần mà chúng tôi cho là một nhà bác học, ông Nguyễn Công Trứ, coi việc đào kinh đắp đê. Đã tăng được diện tích trồng cấy ở:
      • Nam Định: Trên 3000 mẫu,
      • Quảng Yên: 3500 mẫu,
      • Tiền Hải (Thái Bình): 18970 mẫu,
      • Kim Sơn (Ninh Bình): 14600 mẫu.

      Ai muốn khẩn hoang đều được phép dễ dàng.

      Các vua Thiệu Trị, Tự Đức khuyến khích lập dinh điền và đồn điền, ân xá cho các phạm nhân đã có công tham dự vào việc khẩn đất.

      Thuế điền đóng bằng lúa tùy theo ruộng tốt xấu. Gặp thiên tai bão lụt, hạn hán, hoặc đi dân công thì được chính phủ giảm thuế. Nhà Nguyễn cũng như các triều đại trước lập vựa lúa công cộng để phát lương cho công chức và giúp dân chúng khi có nạn đói. Vua Minh Mạng đã lập được nhiều nhà dưỡng lão.

    • Khai thác mỏ. Việt Nam thời ấy có 118 hầm mỏ: mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ đồng, mỏ chì, mỏ than, diêm sinh... nhưng thiếu kỹ thuật luyện kim, nên các mỏ đều do người Trung Hoa thuê. Họ đóng thuế nhưng lợi tức còn dư thì họ chuyển về Trung Quốc. Ngô Thời Sĩ từ lâu đã thấy cái hại ấy và đã tâu lên vua: “Người Trung Hoa đem lợi tức kim về nước họ, chúng ta thiệt hại lớn.” Năm 1839 vua Minh Mạng cấm đem lợi kim ra nước ngoài. Nhưng làm thế nào kiểm soát được ở biên giới?

  6. Tiểu công nghệ, thủ công. Những người thợ cùng nghề họp thành phường (như corporation ở Âu Tây), có qui luật riêng của họ: phường vàng, phường bạc, phường đúc, phường chế tạo giầy dép, phường ấn loát, phường làm giấy, phường đồ gốm, đồ sứ, phường thêu. Đôi khi cả một làng chỉ chuyên một nghề, như làng Thổ Hà chuyên về đồ gốm, làng Liễu Tràng chuyên về ấn loát, v...v...

    Ngoài ra, triều đình còn tuyển các thợ khéo vào thành nội. Họ đã làm ra những vật kỳ xảo mà ta còn được thấy như ba mươi ba cái chậu đồng trong kinh thành thời Minh Mạng, mỗi chậu có khắc một bài thơ của nhà vua, những đồ sứ, chén đĩa, tô, lọ lục bình rất danh tiếng gọi là “bleu de Huế”, và những lục bình ẩn long, da rạn mà người ngoại quốc tìm mua với bất cứ giá nào.

  7. Thương Mãi. NgườI Việt Nam từ ngày xưa không có óc thương mãi, cũng vì có thành kiến: nhứt sĩ nhì nông, tam công tứ thương, khinh bỉ cả người phú thương. Vì vậy, chẳng riêng triều Nguyễn, cuộc buôn chỉ là trao đổi thực vật cần thiết như gạo, muối, nước mắm, dầu dừa, cá khô, dừa khô.

    Giao dịch với các nước láng giềng, trọng lượng rất kém. Xuất cảng sang Trung Hoa, Xiêm (Thái Lan), Cao Miên, Mã Lai: quế, tiêu, cau, bông vải, tơ sợi, đường, gỗ tốt, sơn mài, cá khô, mực khô, tôm khô, ngà voi, sừng nai, da thú. Nhập cảng: vải lụa Trung Hoa, đồ sứ, trà, giấy, trái cây khô. Theo Chaigneau: buôn bán đều do người Trung Hoa điều khiển.

  8. Kiến Trúc. Kinh thành Huế xây dựng từ 1804 đến 1819, là một kỳ quan. Đường cái quan, dài hai ngàn cây số từ biên giới Trung Hoa đến Sài Gòn, là một công trình vĩ đại, thắt chặt mối thống nhất Bắc Trung Nam.

  9. Luật Pháp. Năm 1815, bộ luật Gia Long thay bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này dựa trên bộ luật nhà Thanh, nhưng có một điều mà ít người biết là luật Gia Long đã cấm hẳn chế độ đa thê.

    Khoản 96 trong bộ luật Gia Long định rằng: người nào đã có vợ mà cưới vợ khác thì bị đánh chín mươi trượng và cuộc hôn nhân sau bị xoá bỏ, người vợ sau phải trở về với cha mẹ.

    Luật pháp dưới thời Minh Mạng rất nghiêm. Có quan tả vụ, nội vụ Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thông công quĩ, vua Minh Mạng ra lệnh chặt tay để răn. Để bảo tồn sức khoẻ của dân chúng, vua Minh Mạng ra dụ cấm thuốc phiện. Quan chức có vi phạm thì bị cách chức. Buôn bán tích trữ thì phải tội đồ (làm nô lệ). Cha anh không ngăn cấm con em thì xử trượng một trăm roi.

  10. Giáo Dục. Năm 1803, vua Gia Long lập Quốc-tử-giám. Hoàng tộc, con quan hay thường dân có tài thì được vào học.

    Thi hương được tái lập năm 1807; thi hội, thi đình tái lập năm 1822. Điều đáng tiếc là chữ Nôm mà vua Quang Trung rất yêu chuộng lại bị thay bằng chữ Hán.

    Minh Mạng biết lối thi cử này không kiếm được nhân tài, nhưng nhà vua không biết sửa đổi cách nào.

  11. Quân Đội. Thi tuyển sĩ quan cao cấp, ngoài các môn võ bị, có khảo hạch về chiến lược trong các binh thư. Chủ khảo là quan văn, phó chủ khảo là quan võ.

    Binh chủng chia làm kinh binh đóng ở kinh thành, cầm đầu là một thống chế, và cơ binh đóng ở các tỉnh, cầm đầu là một đề đốc. Cứ bảy đầu đinh thì chọn một người lính.

    Pháo binh: ngoài các súng đồng đúc thời Gia Long, vua Minh Mạng dùng voi làm chiến xa. Dưới triều Minh Mạng, có tất cả 494 voi chiến: 150 tại Kinh thành, 110 ở Bắc thành, 75 ở Gia Định , còn lại thì rải rác trong các tỉnh.

    Kỵ binh: chỉ dùng để diễn binh.

    Thủy binh: có một ít thuyền máy theo kiểu Tây phương, còn lại là thuyền chèo, thuyền buồm, trên có súng đồng và giàn ném đá. Thủy quân có tất cả là 16000 người, chia làm 3 doanh, 15 vệ, giữ cửa sông cửa bể.

  12. Canh Tân. Vua Minh Mạng khuyến khích học hỏi kỹ thuật Tây phương. Năm Đinh Dậu, Minh Mạng thứ 18 (1837), đã có loại máy cưa ván. Năm 1939, vua Minh Mạng ngự chơi cầu bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi: lần đầu hỏng, lần thứ hai thành công. Ngài ban thưởng cho giám đóc một cái nhẫn pha lê, độ vàng, và một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn. Đốc công và binh sĩ được thưởng chung 1000 quan tiền. Năm 1840, vua Minh Mạng qua đời, việc canh tân bỏ dở.
Năm 1866, vua Tự Đức yêu cầu Nguyễn Trường Tộ xuất ngoại sang Pháp với giám mục Gauthier, linh mục Nguyễn Điền, với mục đích khảo sát những cơ cấu phát triển quốc gia, mua sắm vật dụng, khí cụ, thu nhập tài liệu cần thiết cho công cuộc canh tân cải tổ xã hội Việt Nam. Đầu tháng 6 năm 1867, tại Pháp giám mục Gauthier và giáo sĩ Nguyễn Trường Tộ đến liên lạc với các công-ty kinh doanh, khai thác mỏ. Công việc mua sắm căn bản đã làm xong, đương tìm người giảng dạy thì đầu tháng 11-1867 đoàn công cán nhận được chiếu hội, bảo đoàn phải thu xếp về nước ngay, vì tình hình trong nước đã thay đổi: quân Pháp đã chiếm lấy ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Cuối tháng 2-1868 thì đoàn công cán Nguyễn Trường Tộ - Gauthier có mặt ở kinh đô. Viện Cơ Mật xắp xếp cho đoàn được yết kiến nhà vua. Ngài tỏ ra thích thú khi Nguyễn Trường Tộ và các giảng viên trình bày một số dụng cụ nhẹ đã mua như hai máy điện thoại và viễn thông, một máy in, kính hiển vi, phong vũ biểu, khí cụ sản xuất điện, hai quyển sách dạy về điện lực. Nghe trình bày cung cách, mở trường đào tạo kỹ thuật viên, nhà vua thấy cũng lý thú, một niềm hy vọng nảy sinh trong lòng. Nhưng nỗi lo âu về hành động xâm lăng của Pháp vẫn canh cánh bên lòng, cộng thêm sự e ngại đối với tầng lớp nho sĩ đông đảo, nhà vua lại thấy phân vân nghi hoặc đối với những người Công giáo đang giúp việc cho triều đình. Khi một số đình thần bàn nên dẹp bỏ mở trường kỹ thuật thì nhà vua cũng buông xuôi theo họ.

Những Tệ Hại Của Triều Nguyễn
  1. Tranh chấp nội bộ.Các công thần của vua Gia Long: Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, hoạn nạn thì cùng chung lo, nhưng giầu sang thì không cùng hưởng mà lại giết hại lẫn nhau. Cuộc tranh chấp kéo dài, đến năm 1835, Minh Mạng thứ 15, loạn Lê Văn Khôi mới dẹp tan được.

    Cuộc tranh chấp giữa vua Tự Đức và anh là Hồng Bảo kéo dài đến mùng 8 tháng 8 năm 1866, Tự Đức thứ 19, mới yên.

  2. Cung phi mỹ nữ. .

    Vua Gia Long có ba bà phi được làm hoàng hậu. Ba bà ấy nổi tiếng, nhưng các hoàng phi khác trong hoàng cung còn có đến một trăm bà, xảy ra bao nhiêu chuyện rắc rối. Đến thời Minh Mạng, số phi tần trong cung lên đến năm, sáu trăm người. Triều đình ra chỉ dụ, triệu các thái y tới xem mạch và kê đơn bốc thuốc cho nhà vua được tráng dương cường thận. Ngày nay, toa thuốc Minh Mạng vẫn còn lưu truyền. Vua Minh Mạng có đến hơn một trăm người con.

    Vua Thiệu Trị ở ngôi chỉ một thời gian ngắn (bảy năm) ; vua Tự Đức kém sức khoẻ, lúc lên ngôi năm 19 tuổi đã có 35 người vợ. Sau đó còn lấy thêm 103 vợ nữa. Ấy thế mà đến năm 35 tuổi nhà vua vẫn chưa có con, mặc dầu đã chạy chữa bằng đủ mọi cách và cầu tự ở tất cả các đền chùa có tiếng trong nước, thậm chí lấy làm vợ một người đã sanh nhiều con với một ông chồng trước.Đó là một sự thất vọng chua cay cho vua Tự Đức. Nhà vua phải tìm an ủi trong bốn chữ “sinh ký tử qui”, quyết định cho xây vạn niên cơ, lớn gấp mười lần lăng Gia Long. Dân chúng bị bắt làm phu, xây thành bỏ hết công việc tư. Trong dân gian có câu hát:

    Vạn niên là vạn niên nào
    Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

  3. Quan lại cường hào bóc lột dân chúng.

    Nguyễn Công Trứ năm 1828 đi kinh lý Ninh Bình về tâu, xin trừng phạt kẻ cậy quyền bóc lột dân, nhưng triều đình bỏ qua. Thêm vào đó có thiên tai, hạn hán, cào cào,châu chấu tàn phá mùa màng. Bịnh dịch lan tràn. Dân chúng đói khổ ta thán:

    Trong cái đời Tự Đức
    Vợ con thì nheo nhóc
    Chồng lại phải phu phen
    Những muốn vạch trời lên
    Kêu gào cho hả dạ:
    Cơm khoai thì nỏ có (= không có gì hết)
    Rau cháo lại cũng không
    Còn một bộ xương sống
    Vơ vất đi ăn mày
    Chết xó chợ lùm cây
    Quạ kêu vang tứ phiá
    Xác quăng đầy nghĩa địa
    Thây vứt thối bên cầu
    Trời ảm đạm u sầu
    Cảnh hoang tàn đói rét
    Người dân nghèo cùng kiệt
    Đành lưu lạc tha phương
    Để chết chợ chết đường ...

    Dân đói thì nổi loạn, tính chung bốn triều Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức có 405 cuộc nổi loạn.
Đời Hoạt Động của PHAN THANH GIẢN

Giữa bối cảnh như thế thì Phan Thanh Giản bước chân vào triều, nhận chức Hàn Lâm Viện Biên Tu (Chánh thất phẩm). Muà thu năm Minh Mạng thứ 7 (1827) vua khen: “Người Nam Kỳ như Phan Thanh Giản, lòng ngay chí chắc, học rộng tài cao, phải khuyến khích. Phan Thanh Giản lập công lao, trẫm sẽ gia tăng quyền lực.”

Năm Minh Mạng thứ 8, chỉ hai năm sau ngày ông bước vào thế giới quan trường, giữa những ngày mưa dầm dề, ở kinh thành nước trắng đồng, dân chúng tả tơi xơ xác, hãi hùng trước cái nạn đói kinh hoàng đang bày ra trước mắt, Phan Thanh Giản viết sớ dâng về triều. Vua Minh Mạng xem xong cau mày khó chịu. Nhà vua thấy như Phan Thanh Giản đổ tội cho mình: “Trời mưa hạt lớn là điều âm thanh xin bệ hạ trau mình sửa đức, bớt hậu đình với kẻ tần phi, đặng hạ lòng trời, dân nhờ hạnh phúc.”

Nhìn Phan Thanh Giản, Minh Mạng quở, giọng bực: “Khi trẫm còn làm hoàng tử, tần phi bao nhiêu, bây giờ cũng bấy nhiêu. Sao ngươi không suy nghĩ, mà dám tâu quấy?” Phan Thanh Giản vẫn quỳ thưa: “Kính tâu bệ hạ, mọi việc đều ở lòng trời. Trời đã quở, tức là trời không thuận. Mong bệ hạ vì con dân của bệ hạ đang chịu cơn hồng thủy ghê gớm này mà nghĩ lại cho con dân được nhờ.”

Minh Mạng im lặng. Tuy giận, nhưng xét cho cùng, Phan Thanh Giản là người trong sáng và tâm đức, chẳng thế mà y vừa lấy vợ được bảy ngày đã nhờ vợ về chăm sóc cho cha mẹ ở Vĩnh Long đang già yếu. Y thị thương chồng, cưới cho y một nàng hầu, đưa ra Huế lo sớm tối cho y, y lại từ chối cho về. Đấy đúng là “quân tử sĩ, kỳ ngôn nhi quá kỳ hành.” (nói sao làm vậy). Cũng từ đó các quan trong triều gặp Phan Thanh Giản càng kính nể.

Năm Minh Mạng thứ 9 (1829), Phan Thanh Giản được vua khen về việc dâng sớ dẹp loạn ở Trấn Ninh: “Lời khanh rất hợp ý trẫm. Diệt loạn tặc phải diệt từ lúc chưa thành hình, thì sức ít mà dễ, chứ lúc chúng đã phát lên rồi thì dùng sức gấp đôi vẫn khó.” Nhưng hai năm sau, Minh Mạng thứ 11 (1831), vị quan văn cầm quân đã thất trận trước giặc mọi (đồng bào miền thượng) ở Quảng Nam. Minh Mạng lại khó chịu, phán: “Giáng chức cho làm tiền quân hiệu lực.” Phan Thanh Giản vác giáo đi đầu đoàn quân mỗi khi đánh nhau. Các quan lo sợ cho tính mạng của ông, ông điềm nhiên trả lời: “Lệnh vua là lệnh trời, tôi đâu dám cãi.”

Dẹp xong giặc, ông được gửi vô Nam sắp đặt mọi việc ở Trấn Tây (Châu Đốc, Hà Tiên). Phan Thanh Giản lấy việc công làm trọng. Tuy vô Nam, ông không tạt về thăm nhà. Ông viết thư cho cha, mời cha ra chơi nơi ông đi kinh lý để cha con gặp nhau. Xong việc trong Nam, ông nhận chiếu chỉ triều đình làm bố chánh Quảng Nam, hộ lý tuần phủ quan phòng.

Năm 1837, Minh Mạng thứ 17, nhà vua muốn ngự giá Ngũ Hành Sơn, thuộc tỉnh mà Phan Thanh Giản nhậm trọng trách. Phan Thanh Giản tâu xin vua bỏ ý định này, cho đỡ tốn công quỹ và tránh cho dân khỏi phải phục dịch. (Lần vua ngự tuần ra Bắc, có 5 hậu cần theo xa giá, lên tới 17500 người, voi 44 con, ngựa 172 con, hành cung xây 40 nơi, chi phí 100 vạn quan. Dân phu phải đắp đường sá, sắm củi đuốc, cắt cỏ cho voi ngựa, bỏ hết việc tư lo việc công.)

Vua Minh Mạng giận, ra lệnh giáng Phan Thanh Giản làm Lục-Phẩm Thuộc-Viện, giữ việc quét dọn các bàn ghế ở công-đường tại Quảng Nam. Nhưng ít lâu sau, nhờ Trương Đăng Quế can thiệp, Minh Mạng thăng cho Phan Thanh Giản chức Nội-các Thừa-chỉ, và chẳng bao lâu được giữ chức Thị-lang hộ bộ sung Cơ-mật-viện Đại Thần. Vua sai Phan Thanh Giản đi kinh lược Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá. Khi về đến triều, gặp sớ bộ hộ quan điạ phương dâng lên, ông sơ ý quên đóng ấn vào tờ sớ tâu, bị giáng chức làm lang trung, biện lý hộ vụ và lãnh việc coi mỏ vàng ở Chiêu Đàm, Quảng Nam, và kế đó trông coi việc khai thác mỏ bạc ở Thái Nguyên.

Thấy dân phu lam lũ, vất vả, số người chết lên đến hàng trăm, mà số vàng bạc thu được chẳng là bao nhiêu, Phan Thanh Giản viết sớ dâng vua. Minh Mạng hạ lệnh bãi việc khai thác mỏ. Phan Thanh Giản về triều lãnh chức Phó-sứ thông Chánh-ty và sau lên chức Thị-lang Bộ Hộ.

Được tin thân sinh qua đời, Phan Thanh Giản xin về quê chịu tang cha. Những ngày ở lại quê hương, không ngày nào Phan Thanh Giản không ra thăm mộ cha, đắp thêm đất, nhổ cỏ, dọn dẹp sạch sẽ và đốt hương lạy cha. Trong thời gian tang cha, Phan Thanh Giản không đến buồng vợ. Bà vợ đau, ông chỉ đứng trước cửa phòng căn dặn thuốc men. Ngày ông ra đi, bà vợ khóc năn nỉ, ông nán lại một ngày, nhưng việc công là trọng, ông đành dứt áo ra đi, để lại cho vợ một bài thơ tâm sự:

Từ thuở xe tơ mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây cười tớ ham dong ruổi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước, nợ vua chưa trả đặng
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời dặn bảo khi lâm biệt
Rằng nhớ, rằng quên lòng hỡi lòng.

Ông trở lại triều đình, vừa lúc vua Thiệu Trị xuống chiếu cầu lời trực ngôn. Phan Thanh Giản tìm hiểu và được biết nhà vua thấy luồng bạch khí dăng ngang trời, báo nhiều điềm chẳng lành cho nước Việt Nam. Ông viết sớ: “Mong rằng trong giờ phút rỗi rãi, bệ hạ cho triệu năm mươi ba đại thần kỳ lão, hỏi về quốc kế biên phòng, một mặt khác kêu gọi các viên chức lớn ở các địa phương nên đem hết trí nghĩa ra, nêu lên các điều lợi hại về đời sống của dân. Hoàng thượng sẽ chọn điều tốt đem ra thi hành, còn bao nhiêu điều dở thì sẽ bỏ đi.”

Nhưng rồi, Phan Thanh Giản nhận thấy vua Thiệu Trị không hề có một sửa đổi nào. Bọn quan lại, đám nịnh thần vẫn ngang nhiên quấy đảo triều đình. Bọn cung tần, mỹ nữ ngày đêm vẫn lượn là quanh vua. Quan lớn quan nhỏ ức hiếp dân chúng mỗi ngày một tăng.

Rồi vua Thiệu Trị băng hà, Tự Đức lên ngôi, mọi việc vẫn như cũ, dân tình khắp nơi đói rách, nỗi oan ngửa cổ kêu trời không ai thấu tỏ. Tự Đức một vị vua anh minh, học rộng, dám cải trang khoa cử, đề cao văn hoá dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho quốc sử quán làm việc. Nhà vua này trọng văn hơn võ, nhưng trước sau vẫn phụ thuộc đình thần.

Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản dâng tám điều trần lên vua:
  1. Xin vua cẩn thận, đừng ngự ra thủy tạ mà tắm sông hóng mát. Đừng ngự đến hậu bộ mà coi cưỡi ngựa chạy đua.

  2. Xin đừng ham coi hát xướng.

  3. Xa tránh kẻ thấp hèn.

  4. Xin tiết kiệm bớt lãng phí, dừng ngay việc xây cung điện lăng tẩm để mua súng ống.

  5. Bớt kẻ cận thần.

  6. Xin vua lựa người trung lương mà dùng.

  7. Xin bớt công việc, cho lính rảnh rang để tập trận đồ, lăn khên, bắn súng.

  8. Xin vua tăng lương bổng để các quan trau dạ thanh liêm.
Vua hứa sẽ sửa đổi, nhưng chưa kịp thi hành thì ngày 31-8-1858, năm Tự Đức thứ 10, Rigault de Genouilly dẫn hai ngàn ba trăm quân Pháp và Tây-ban-nha, mười ba tàu chiến đến Đà Nẵng, có cả soái hạm và chiến hạm chạy hơi, pháo hạm và vận hạm.

Tại sao Rigault de Genouilly chọn Đà Nẵng để đánh đầu tiên? Vì ở đó tàu thuyền ra vào dễ dàng, lại được che chở khỏi gió bão đại dương. Đà Nẵng cách kinh thành Huế khoảng 100 cây số, dùng làm bàn đạp tấn công trung tâm chính trị của nhà Nguyễn ở Huế bằng cả đường bộ và đường thủy.

Ngày 01-9-1858 vừa đưa tối hậu thư, triều đình chưa kịp trả lời, họ nổ súng lấy pháo đài An-hải. Ngày hôm sau đạn đại bác nổ ran trời. Đà Nẵng chìm trong khói lửa và nỗi hỗn loạn của dân chúng. Pháo đài Điện-hải mất trong 30 phút. Tổng-thống quân vụ đại thần Lê Đình Lý với hai ngàn binh sĩ cũng không giữ nổi. Ông bị thương ở Cẩm Lệ, đưa võng về Quảng Nam thì mất.May nhờ Kinh-lược Nguyễn Tri Phương giữ chức Tổng-thống, Đề-đốc Chu Phúc Minh cùng với quân Đào Trí, vừa chống đỡ, vừa đắp đồn lũy, lập liên tiếp ba phòng tuyến, ban đêm dạy binh lính, binh thư, đồ trận. Quân Việt giữ chân quân viễn chinh lại, tại bán đảo Sơn Trà. Lúc đầu, quân ta không phản công, tránh đụng độ với quân Pháp và cũng chẳng tìm thương thuyết. Với thời gian, quân Việt được phần thắng lợi. Quân Pháp không chịu được khí hậu nóng và ẩm thấp, sanh bịnh nóng lạnh, bịnh kiết lỵ, bịnh da lở ghẻ. Họ phải lặn hụp trong bùn để xây đồn. Muỗi, đỉa, kiến lửa quấy họ không ngớt. Phần lại thiếu tiếp tế lương thực, ăn uống không đầy đủ, lúc ấy quân Việt phản công, đặt ổ súng các nơi. Phá ổ này, họ đặt ổ khác. Họ tung ra những tin để làm nao núng lòng quân Pháp, quân Tây Ban Nha: tổng phản công sắp tới nơi. Những người phao tin là những kẻ buôn bán lương thực cho Pháp. Có nhiều trận đụng độ, quân Việt chết rất nhiều nhưng không nản chí.

Về phiá các chỉ huy Pháp, họ vỡ mộng. Họ trách các giáo sĩ sao quá lạc quan: đâu là hàng muôn người Công Giáo, người bản xứ đến giúp kẻ giải phóng họ? Đâu là dân chúng muốn thoát khỏi cái ách hà chính độc tài? Chỉ thấy vài người đến buôn bán, hoặc đến xin tị hộ, vì một lý do mờ ám, trong đó có người Trung Hoa và gián điệp. Tuy vậy, giám mục Pellerin xin Rigault de Genouilly can thiệp miền Bắc, viện lẽ giáo dân bị ngược đãi. Rigault de Genouilly từ chối, và đem binh đánh miền Nam. Theo ý hắn, đánh Sài Gòn thì dễ dàng hơn và chắc thắng. Tàu chiến lớn có thể ra vào được là phương tiện tối ưu, yểm hộ cho các cuộc chiến đấu trên bộ. Chiếm được Sài Gòn, đoàn quân viễn chinh sẽ không còn lo gì về việc tiếp tế lương thực nữa. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam. Ngược lại, triều đình Huế sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đó. Hơn nữa, chính thực dân Anh tại Singapore và Hương Cảng lúc này cũng đang có dự định chiếm lấy Nam Kỳ, điều đó làm cho thực dân Pháp càng nôn nóng, muốn hành động gấp.

Ngày 10-2-1859, Rigault de Genouilly để lại tại Đà Nẵng ba đại đội và đem 2000 quân binh đánh chiếm các pháo đài ở Vũng Tàu. Ngày 11-2-1859, chúng ngược dòng sông đánh đồn Cần Giờ. Sau đó, chúng liên tiếp đánh chiếm năm đồn khác và hai chiếc kè ngăn sông. Ngày 15-2-1859, chúng tới sát chân thành Gia Định. Hệ thống phòng ngự vùng này có hai pháo đài ở tả ngạn và hữu ngạn sông Sài Gòn, một chiếc kè ngăn sông và thành Gia Định cách bờ sông 800 mét. Cả hệ thống này đến ngày 17-2-1859 thì rơi vào tay địch, sau khi đã kịch liệt chống cự lại chúng. Hộ-đốc Gia Định Võ Duy Ninh lui về huyện Phúc Lộc thì tự sát. Án-sát Lê Từ cũng tự vẫn chết theo thành. Chiếm thành Gia Định, địch đã thu được 200 khẩu đại bác các loại, 2 vạn súng, gươm giáo, 85 tấn thuốc súng, một kho thóc đủ nuôi bảy tám nghìn người trong một năm, và rất nhiều thứ khác, như tiền đồng, tiền kẽm, chiến thuyền, v.v. Đặc biệt là ở đây có đầy đủ lương thực, khác với Đà Nẵng.

Được tin cấp báo liên quân Pháp-Tây Ban Nha chuyển hướng tấn công vào miền Nam, Tự Đức phái Tôn Thất Hiệp đem viện binh vào Nam, cùng những tướng lãnh có kinh nghiệm chiến đấu ở mặt trận Đà Nẵng như Nguyễn Duy, để phối hợp với Trương Văn Uyển Tổng-đốc Long Tường (Vĩnh Long và Định Tường) cùng bàn tính kế hoạch chống giữ.

Cuối tháng 2-1859, Trương Văn Uyển điều động quân đi các nơi, định tấn công quân Pháp. Uyển đóng đại bản doanh gần chùa Cây Mai, phiá Tây-Bắc Chợ Lớn. Ngày 5-3-1859, Pháp được tin vội đem quân chia làm hai cánh, đánh rất mạnh vào vị trí quân Việt Nam. Quân Việt Nam chân ướt, chân ráo chưa kịp bố trí phòng ngự, bị thua to. Trương Văn Uyển bị thương nặng phải rút lui về Vĩnh Long.

Quân Pháp tuy thắng trận phải rút về Sài Gòn vì quân số ít. Ngày 8-3-1859, chúng phá hủy thành Gia Định, đốt cả kho thóc ở đó. Kho này cháy hai năm vẫn chưa tắt hẳn. Chúng cho quân tập trung ở một đồn cũ của Việt Nam là đồn Hữu Bình ở ven sông Bến Nghé để thủy lục cùng phối hợp phòng thủ cho dễ.

Sang tháng 4-1859, Rigault de Genouilly lại đem chủ lực quân ra Đà Nẵng, chỉ để lại ở Sài Gòn độ 1000 quân. Lợi dụng lúc chủ lực quân địch xa, quân Việt tăng cường thắt chặt vòng vây. Một hệ thống chiến lũy được xây dựng ở Chí Hoà. Ngày 21-4-1859, Thiếu-tá Jaurégui-Berry cầm đầu một đạo quân 800 người cả Pháp và Tây Ban Nha không tiến ra được đến Chí Hoà vì gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân Việt. Lần này quân Việt chiến đấu rất anh dũng, đẩy lui quân địch ra ngoài vòng chiến đấu, trong đó có 14 tử thương.

Trở lại Đà Nẵng, Rigault de Genouilly thấy mình bị vây, ngày 8-5-1859 đánh mở vòng vây với nhiều hao tổn: 88 thương vong (45 Pháp và 43 Tây Ban Nha). Nguyễn Tri Phương động viên quân đội, xây dựng phòng tuyến mới dài 1500 mét ở ngay sát đằng sau phòng tuyến cũ mà có phần kiên cố hơn. Phòng tuyến mới, vẫn giam chân quân địch lại như cũ, khiến chúng gặp nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày. Tháng 6-1859, dịch tả hoành hành, hai trăm người thiệt mạng. Trước tình thế đó, Rigault de Genouilly báo cáo về chính phủ Pháp với lời lẽ bi đát như sau: “Càng đi sâu vào tình hình quốc vương Annam ... thì không thể không công nhận rằng cuộc chiến tranh chống nước này còn khó hơn cuộc chiến tranh chống vương quốc Trung Hoa.”

Chính phủ Pháp đành yêu cầu De Genouilly mở cuộc điều đình với Việt Nam, và cho phép ông ta nếu cần có toàn quyền quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam.

Sau cuộc tiếp xúc giữa đại diện Pháp-Việt, lệnh ngừng bắn được ban ra ngày 18-6-1859. Ở khoảng giữa hai phòng tuyến, quân Việt Nam dựng lên một ngôi nhà dùng làm trụ sở điều đình, bắt đầu từ ngày 22-6-1859.

Những điều Pháp yêu cầu có 3 điểm chính:
  1. Pháp được đặt lãnh sự toàn quyền ở Huế.

  2. Việt Nam phải để cho Pháp tự do truyền đạo.

  3. Việt Nam phải để cho Pháp được tự do buôn bán và đặt thương điếm tại Việt Nam.
Cuộc thương thuyết kéo dài trong hơn hai tháng, De Genouilly bực mình, buộc Việt Nam đến ngày 6-9- 1859 phải thoả mãn các yêu sách của y.

Ngày 15-9-1859, De Genouilly tấn công quân đội Việt Nam. Thoạt tiên quân Việt Nam trương cờ, thúc voi tiến tới theo nhịp thanh la và trống. Cánh quân này có mười con voi chiến, trên mỗi voi đặt hai khẩu thần công và súng trường, do sáu người lính điều khiển, dàn thành hàng ngang chữ nhất. Trước sự xuất hiện bất ngờ của quân đội này, quân Pháp - Tây Ban Nha có phần hoang mang và phải sử dụng đến đội dự bị để đối phó. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt khắp mọi nơi. Quân Việt Nam có chiến lũy kiên cố với hầm hào dày đặc, nhưng trước sự pháo kích hơn hẳn của địch đã dần dần núng thế.

Liên quân Pháp-Tây Ban Nha tuy thắng trận nhưng phải trả giá rất đắt - 50 thương vong - và vẫn không giải quyết được vấn đề gì, lại phải rút về vị trí cũ. Thế rồi một phòng tuyến thứ ba không kém phần kiên cố lại được Nguyễn Tri Phương xây dựng, khiến cho Rigault de Genouilly sau một năm đem quân đánh Đà Nẵng vẫn giậm chân tại chỗ và phải xin về Pháp nghỉ.

Đô đốc Page đến thay, cố đánh một trận lớn để bắt Việt Nam phải điều đình, chấp nhận những điều kiện khó khăn của hắn. Mục tiêu tấn công lần này không còn là đồn lũy Việt Nam đối diện với phòng tuyến Pháp ở vùng phụ cận Đà Nẵng, mà là hệ thống pháo đài chặn giữ con đường ra Huế, như pháo đài Định Hải, Chân Sảng, và những pháo đài ở đèo Hải Vân, hy vọng uy hiếp Huế...

Từ 4 giờ sáng ngày 18-11-1859, Page cho năm tàu chiến và một tàu chở lục quân tiến đánh các pháo đài Định Hải và Châu Sảng. Các pháo đài Việt Nam bắn trả lại rất kịch liệt. Mục tiêu chính của các pháo thủ Việt Nam là chiếc tàu chỉ huy của Đô Đốc Page. Tàu này bị trúng đạn nhiều chỗ và nhiều người bị thương vong, nhưng sau một hồi pháo kích, kho thuốc súng của Việt Nam bị nổ. Page cho quân đổ bộ đánh chiếm các pháo đài Định Hải và Chân Sảng. Hắn cũng xua quân đánh tiếp các pháo đài trên đèo Hải Vân, nhưng không thành công nên chỉ đành chiếm các pháo đài sát biển. Tuy thắng trận, Page không cải thiện được chút nào tình hình.

Tổng kết chiến sự Đà Nẵng, đoàn quân viễn chinh đã mở 5 đợt tấn công lớn và trong trận nào cũng phá vỡ được phòng tuyến Việt Nam, thu được nhiều súng đạn, nhưng trận nào họ cũng bị nhiều thương vong, và giữa hai trận tấn công lớn nhiều người trong bọn họ còn bị thương vong, bắn trả, phục kích, tập kích. Kết quả là cho đến đầu năm 1860, họ chỉ chiếm lĩnh được đảo Sơn Trà và vài cây số vuông quanh biển. Ngày 22-3-1860, quân Pháp-Tây Ban Nha rút lui ra khỏi Đà Nẵng, phá hủy những kiến trúc của họ xây dựng, đốt luôn những nhà lá của các thuyền chài và bỏ rơi những giáo dân đến nhờ họ che chở trong năm trước.

Đô- đốc Page kéo quân vô Nam. Mặt trận Pháp-Việt từ nay xoay về Sài Gòn. Tôn Thất Hiệp thống đốc các việc ở Nam Kỳ lúc này chỉ nặng về hoà, nên không xúc tiến gì công việc chống Pháp, mặc dầu quân số của Pháp rất ít, vì chủ lực của Pháp lúc này đang ở Trung Quốc.

Nhân lúc mặt trận yên tĩnh như vậy, 18-4-1860 Đô-đốc Page tuyên bố mở cửa bể Sài Gòn cho tàu buôn các nước vào buôn bán. Trong bốn tháng, 70 chiếc tàu, 100 chiếc thuyền mành đã đến Sài Gòn mua được 70000 tấn thóc gạo và các thứ hàng hoá khác. Pháp đã thu được nhiều món tiền thuế lớn.

Thấy tình hình mặt trận Sài Gòn không có gì là sáng sủa, vua Tự Đức bèn cử Nguyễn Tri Phương vào Nam Kỳ làm Thống đốc quân vụ. Tháng 8-1860 Nguyễn Tri Phương lên đường vào Nam Kỳ. Nhìn tổng quát, quân Pháp-Tây Ban Nha độ 1000 người, chiếm đóng tất cả khu Sài Gòn Chợ Lớn. Khu này nằm trên bờ ba con sông: rạch Tân Hủ, sông Bến Nghé và rạch Thị Nghè. Nhờ có thủy quân hơn hẳn Việt Nam, chúng đã hoàn toàn làm chủ trên ba khúc sông bao quanh Sài Gòn Chợ Lớn, và cả trên sông từ Sài Gòn ra biển. Nhưng về mặt bộ thì liên quân Pháp-Tây Ban Nha chỉ kiểm soát được một dải đất hẹp, dài khoảng 10 cây số, rộng khoảng 2 cây số ven bờ sông. Nguyễn Tri Phương động viên quân dân củng cố và mở rộng chiến lũy có sẵn ở Chí Hoà, xây từ thời Gia Long, sửa chữa lại dưới thời Minh Mạng. Chiến lũy này bao gồm một đại đồn và những công sự ngoại vi. Đại đồn hình chữ nhật, dài khỏang 2 cây số rưỡi, rộng khoảng 1 cây số, nằm ngay trên đường Sài Gòn - Hóc Môn - Tây Ninh. Tường đồn cao 3 mét rưỡi, dày 2 mét, có khoét nhiều lỗ châu mai, chung quanh có đào hào cắm chông và có đặt pháo đài ở các góc đồn cùng những nơi xung yếu. Quân sĩ 12000 người, 1000 lính đồn điền, 11000 dân quân. Đại đồn chia làm 5 ngăn, ngăn nọ cách ngăn kia bằng một bức tường kiên cố, có cửa thông nhau. Nếu quân địch chiếm được ngăn này thì ở ngăn khác quân Việt Nam vẫn tiếp tục chiến đấu được.

Từ đại đồn toả ra ba nhánh chiến lũy. Nhìn về đại thể, hệ thống chiến lũy của Nguyễn Tri Phương cách xa phòng tuyến địch từ 1000 đến 1800 mét, và có ý đồ án ngữ không cho liên quân Pháp-Tây Ban Nha đi vào nội địa theo hướng Biên Hoà - Tây Ninh - Mỹ Tho. Không những thế, nhiều nhánh chiến lũy còn đang được tiếp tục xây dựng, thọt sâu vào sát địch để đẩy lui chúng ra phiá bờ sông. Toàn thể chiến lũy dài khoảng 18 cây số ở thế quặp chặt lấy địch trong khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Để đối phó lại, địch có nhiều lần cho quân tuần tiễu, điều tra và phá hoại công sự của Việt Nam, nhưng lần nào cũng bị đánh lui và có rất nhiều thương vong. Đồng thời Nguyễn Tri Phương cũng cho quân đánh trả và quấy rối địch. Nhiều trận phục kích đã diễn ra trên con đường tuần tiễu nối liền các hệ thống của địch, làm cho họ bị một số thương vong, trong đó có đại úy Barbé tử trận cuối năm 1860.

Ngoài ra, Nguyễn Tri Phương còn tìm cách liên lạc với Hoa Kiều ở Chợ Lớn, để cùng Việt Nam phối hợp đánh địch. Thái độ Hoa thương ở Chợ Lớn lúc này có hai mặt. Một mặt về mối lợi trước mắt, ngay từ khi quân Pháp mới tới Sài Gòn họ đã là người tiếp tế đắc lực cho Pháp về những nhu yếu phẩm hằng ngày, đến khi Pháp mở cửa thương cảng Sài Gòn cho tàu buôn các nước ngoài, họ cũng là những người đi thu thập mọi thứ hàng hoá bị đọng lại ở lục tỉnh từ năm 1859 đem xuất cảng. Mặt khác, họ cũng tính rằng Việt Nam có thể đánh bật Pháp ra biển, vì thế họ đi nước đôi, vừa tiếp tế cho Pháp vừa trao đổi thư từ với Nguyễn Tri Phương, nói ông có thể hoàn toàn tin tưởng vào lòng trung thành của họ.

Tình hình chiến sự thay đổi hẳn trong tháng 2-1861, sau khi quân Pháp chiến thắng Trung Hoa, và hoà ước Bắc Kinh được ký kết. Chủ lực của họ kéo về phương nam, tiếp tục cuộc chiến đấu dở dang với Việt Nam ở Nam Kỳ. Lực lượng quân đội viễn chinh lúc này kể cả thủy lục có khoảng 8.000 người với hơn 30 tàu chiến đủ loại và nhiều thuyền chuyên chở, 150 kỵ binh Phi Luật Tân, 600 lao dịch lấy ở Quảng Châu. Đô đốc Charner tổng chỉ huy quân đi viễn chinh đã rất ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy sự tiến triển của chiến lũy Việt Nam. Hắn chuẩn bị đánh một trận lớn để phá vỡ chiến lũy, lấy đà tiến lên đánh chiếm toàn thể lục tỉnh.

Charner là một con cáo già, liệu đánh vỗ mặt thì sẽ gặp nhiều sức kháng cự. Vì thế hắn đã quyết định tấn công về phiá bên phải phòng tuyến Việt Nam, rồi tiến lên đánh vào đàng sau đại đồn Chí Hoà. Trong khi đó thì thủy quân sẽ ngược dòng sông Sài Gòn đánh vào phía trái phòng tuyến Việt Nam và chặn đường liên lạc của Việt Nam trên đường Sài Gòn - Biên Hoà. Chúng đã nghi binh, làm như định đánh thẳng vào trước mặt phòng tuyến Việt Nam. Quân Việt Nam dĩ nhiên phải tập trung đề phòng phiá trước mặt phòng tuyến. Nhưng ngày 24-2-1861, Charner kéo 30 tàu chiến cùng với 3.000 quân tấn công vào phía bên phải phòng tuyến Việt Nam từ bốn giờ rưỡi sáng. Trận đánh đến trưa thì kết thúc. Pháp chiếm được tiền đồn bên phải phòng tuyến Việt Nam, với 66 thương vong: 6 chết trận, 60 bị thương. Buổi chiều, trong lúc liên quân Pháp - Tây Ban Nha nghỉ để chỉnh đốn, quân Việt Nam cho voi từ đại đồn xông ra đánh, nhưng không thành công.

Sáng ngày 25-2-1861, Charner cho đoàn quân tấn công chia làm 4 đội - ba đội xung phong đánh sau lưng đại đồn và một đội dự bị. Trận đánh quyết liệt đã diễn ra trong suốt ngày 25-2-1861. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, quân Việt Nam đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Có nơi toàn thể đơn vị cho đến khi người cuối cùng bị tử trận. Theo tài liệu Pháp thì xác chết của quân Việt Nam bỏ lại ở hai ngăn cuối cùng của đại đồn Chí Hoà đã trên 300. Đó là chưa kể các ngăn khác và các vùng chung quanh. Chính Đô-đốc Charner trong báo cáo về chính phủ Pháp đã phải công nhận như sau “Trong hai ngày 24 và 25 tháng 2, sự chống cự của địch đã vô cùng mãnh liệt.”

Về phiá Việt Nam, có nhiều tướng lãnh bỏ mình: Nguyễn Duy em Nguyễn Tri Phương cùng tán lý Nguyễn Duy Dữ, tán dương Tôn Thất Trĩ đã tử trận. Phan Thế Hiển bị đạn xuyên qua ngực, võng về Biên Hoà. Nguyễn Tri Phương bị đạn ở bả vai phải rút về Tân Sơn Nhứt rồi Biên Hoà. Trước khi chết Phan Thế Hiển, vị phó tướng, nói với Nguyễn Tri Phương: “Trong đời cầm binh, tôi chưa thấy trận nào quyết liệt, dữ dội như trận Chí Hoà này. Lòng can đảm liều mình của binh lính ta không thua họ. Nhưng về binh khí thì không thể thắng nổi họ. Phải lo dưỡng dân, nuôi quân, mua binh khí của họ mà đánh họ, may ra mới được.”

Về phiá quân đi viễn chinh có 2 sĩ quan bị thương: tướng Vassoigne tổng chỉ huy trận đánh đã bị thương nặng ngay từ ngày 24-2-1861, Charner phải thay thế. Đại tá Palanca chỉ huy trưởng đội quân Tây-ban-nha cũng bị thương nặng.

Vua Tự Đức và triều thần không biết là sáu tỉnh Nam Kỳ đã mất ngay từ lúc này. Binh tướng đã mất hết tinh thần. Đại quân của triều đình với tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương cơ mưu như vậy, ở đại đồn Chí Hoà mà còn phải thua, thì giờ đây ai chống lại được bọn Tây dương? Cả quan lẫn quân đều run sợ trước sức mạnh của bọn Tây dương. Cứ nghe tiếng súng của họ là bỏ chạy, còn đâu tinh thần để mà chiến đấu.

Charner muốn chiếm thêm nhiều đất rồi mới thương thuyết. Hắn sai Trung-tá Bourdais theo đường sông và Thiếu-tướng Page theo đường biển vào sông Cửu Long kẹp chặt thành Định Tường (Mỹ Tho). Tiếng súng to, súng nhỏ nổ rền vang giữa buổi sáng, dân chúng nháo nhác xô nhau mà chạy. Đô-đốc Nguyễn Công Nhàn mặt không còn hạt máu bỏ thành chạy, quân sĩ uà theo. Quân Pháp vào thành mà không tổn thất bao nhiêu. Charner cho quân lính dừng lại, sắp đặt việc cai trị.

Được tin Định Tường thất thủ, vua Tự Đức gửi khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi vào kinh lý Nam Kỳ, xem rõ thực hư ra sao. Charner tiếp Nguyễn Bá Nghi trên hộ tổng hạm, do Nguyễn Trường Tộ làm thông ngôn. Nguyễn Bá Nghi xin hoà. Charner đưa ra mười hai điều yêu sách. Ngoài những điều về tự do buôn bán, tự do thông thương, tự do truyền đạo, Charner đòi nhượng hẳn hai tỉnh Gia Định và Định Tường cùng với thị trấn Thủ Đầu Một trong tỉnh Biên Hoà, và đòi Việt Nam bồi thường chiến phí là bốn triệu đồng tiền bạc Mễ Tây Cơ. Trước khi rời h tổng hạm về kinh xin chỉ thị nhà vua, Nguyễn Bá Nghi có yêu cầu Charner hãy tạm đình chỉ các việc hành binh.

Nguyễn Bá Nghi về Huế tâu: lúc này chấp nhận việc cầu hoà là hơn cả. Nhưng đại thần Trương Đăng Quế nghĩ hoà lúc này lợi không bằng hại. Đình thần ngả theo cái lý của Trương Đăng Quế, nhưng chống giữ bằng cách nào thì ai cũng lúng túng. Tự Đức xuống chiếu cầu người tài ra giúp nước, cùng với lời hịch kêu gọi dân binh nổi dậy chống Pháp. Đầu năm 1862, Bonard thay thế Charner, chiếm Biên Hoà, Bà Riạ và đảo Côn Sơn (Poulo Condor). Sang tháng Ba, chiếm Vĩnh Long. Nửa đêm đốc thần Trương Văn Uyển cho đốt kho súng và kho lương rồi trốn ra cù lao Minh. Quân Việt Nam tan tác bỏ chạy.

Tự Đức sai PHAN THANH GIẢN và Lâm Duy Hiệp lãnh sứ mạng toàn quyền. Hai ông lên tàu Đoan Loan của ta, nhờ tàu Forbin của Pháp kéo vào Gia Định. Trước khi vào hội đàm, hai ông tìm Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký. Nguyễn Trường Tộ nói: “Thưa đại nhân, việc nghị hoà không thể tránh khỏi, nhưng chỉ là tùy thời, ngăn chặn họ đừng tìm cớ sinh sự đánh lan mãi, để dân ta được thư thái, củng cố sức lực, đợi thời cơ họ sơ hở mà thôi. Việc khôi phục sau này chẳng những phải tìm trong bản quốc mà còn phải tìm nơi bốn biển trong thiên hạ.”

Trương Vĩnh Ký thưa: “Bẩm đại quan, lúc này hoà là hơn cả. Đành phải nhượng cho họ một ít đất, mong sau này tìm cơ hội mà thương lượng lại. Trong bốn tỉnh đã mất, cố nói khéo, chuộc về một hai tỉnh may ra.”

Sau ngày 1-6-1862, năm Tự Đức thứ 14, hai vị chánh phó sứ bước xuống tàu Duperré bắt đầu thương nghị với Bonard và Palanca. Thông dịch viên không phải là Trương Vĩnh Ký, cũng không phải là Nguyễn Trường Tộ, mà là Aubaret, một sĩ quan hải quân yêu chuộng văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, tìm tòi học hỏi nhiều về ngôn ngữ Việt Nam. Cuộc hoà đàm mà Bonard đã chuẩn bị thật ra là một tối hậu thư. Bonard đọc cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp nghe từng khoản trong tối hậu thư ấy. Phan Thanh Giản tìm cách hoà hoãn: “Thưa ngài Phó Đô-đốc, 12 khoản hoà ước này thật hệ trọng đến quốc gia Đại Việt của chúng tôi. Nếu chúng tôi tự ý quyết định mà không một lời tâu đức vua của chúng tôi, thì chúng tôi không sao tránh khỏi sự quở trách, và hoà ước dẫu có được ký mà nhà vua không phê chuẩn thì làm sao thi hành được.”

Bonard trả lời: “Nếu các vị không thể quyết định ngày hôm nay thì chúng tôi coi cuộc hoà đàm này là không thành, cuộc chiến sẽ tiếp theo.”

Suy đi tính lại, Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ ngày 5-6-1862 đã ký hoà ước với mười hai khoản. Dưới đây là những khoản chính:
  • Sự tự do theo đạo Thiên Chúa sẽ được ban hành trên toàn cõi nước Nam.
  • Ba tỉnh miền Đông: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Sơn được nhượng cho Pháp. Nước Nam không được ngăn trở tàu buôn Pháp mượn đường sang buôn bán với Cao Miên.
  • Mở ba cửa khẩu, trong ấy có Đà Nẵng, cho tàu buôn Pháp và Tây Ban Nha đến buôn bán.
  • Nước Nam không được nhượng đất cho cường quốc nào khác.
  • Đền chiến phí, 4 triệu đồng tiền bạc Mễ Tây Cơ cho Pháp và Tây Ban Nha.
  • Người Pháp bằng lòng trả lại tỉnh Vĩnh Long cho xứ Nam, không tham dự vào việc riêng của xứ này. Triều đình Huế phải gọi ngay các quan mà triều đình đã phái đi từ trước hay trong thời kỳ chiến tranh để điều khiển các cuộc hành binh trả thù, hiện đang lẩn trốn ở các huyện bị chiếm đóng. Phải theo đúng điều kiện này Pháp mới trả lại Vĩnh Long.
Sứ bộ lai triều, Tự Đức xem qua hoà ước nổi giận: “Hai ngươi không những là tội nhân của triều đình, mà còn là tội nhân của muôn đời hậu thế. Tội các ngươi đáng phạt nặng, nhưng nghĩ việc thương nghị ta coi như chưa thành, nay ta chỉ dụ cho Phan Thanh Giản làm tổng đốc Vĩnh Long, Lâm Duy Hiệp làm tuần-vũ Thuận Khánh, để giao tiếp với người Pháp, tìm cách uốn nắn những lầm lỗi trong hoà ước mà các ngươi đã phạm phải.”

Điều mà Phan Thanh Giản mong muốn bây giờ là làm sao Bonard trả lại Vĩnh Long cho triều đình. Bonard cảnh cáo triều đình phải thi hành đúng các khoản hoà ước vừa ký, không được để Trương Công Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực quấy rối. Phan Thanh Giản viết thư cho Trương Công Định: “Hiện nay, triều đình đã ký hoà ước, hai bên tiếng súng đã ngừng, hạ lệnh bãi binh sao dám trái? Vẫn biết hai chữ trung hiếu tốt đẹp vô cùng, nhưng cái đẹp ấy phải có giới hạn, đạo thần dân, không nên vượt quá cái giới hạn đó. Ví như con rắn mà vẽ thêm chân thì đâu phải là con rắn? Vậy thì các ông không nên vượt quá giới hạn. Ví bằng các ông vượt quá giới hạn mà khôi phục được dư đồ Định Biên thì việc làm của các ông quả là vĩ đại. Nhưng khốn nỗi, đại binh nay đã triệt hồi, các chưởng binh trước kia, thủ hiểm tại các rừng núi, nay cũng tản mác đi các nơi, chỉ còn vỏn vẹn một số ít nghĩa quân đem ra chiến đấu, chắc gì đã giữ được phần thắng? Còn để cố thủ, chắc gì đã thủ được lâu? Các ông miễn cưỡng làm gì ...”

Nhưng thư gửi đi Trương Công Định trả lại, ba lần gửi, ba lần trả. Phan Thanh Giản thương Trương Công Định là người yêu nước, có chí can trường, định về triều tâu vua ra chiếu chỉ dụ Trương Công Định về giúp vua, nhưng Bonard đã bao vây Gò Công. Trương Công Định bị một thủ hạ làm phản, đưa quân Pháp đến tận sào huyệt. Trương Công Định bị thương, dùng ngay lưỡi gươm của mình kết thúc cuộc đời mình. Ấy là ngày 19-8-1864.

Tự Đức còn đang ấm ức vì đã mất ba tỉnh miền Đông, năm 1863 cử sứ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản sang Pháp xin chuộc. Phái đoàn sáu mươi ba người cùng vàng bạc châu báu, các đồ thượng tiến, như kiệu lớn sơn son thếp vàng và bốn cái tán làm tặng phẩm cho Hoàng Đế Napoléon Đệ Tam cùng Nữ Hoàng Eugénie. Một sự ra đi tốn kém mà phần thắng lợi chưa sao nhìn thấy rõ. Phan Thanh Giản trước khi lên đường có hỏi ý kiến Nguyễn Trường Tộ. Tộ thưa: “Cái điều mà triều đình cho là phúc, sẽ là hoạ đấy. Hôm nay triều đình cắn răng lấy tiền muôn, bạc vạn ra chuộc lại ba tỉnh, thì ngày mai họ kiếm cớ lấy lại.” Phan Thanh Giản tiếc không gặp Trương Vĩnh Ký trước khi xuống tàu. Trương Vĩnh Ký là thông ngôn cho phái đoàn Pháp. Suốt cuộc hành trình, Trương Vĩng Ký rất thận trọng trong mọi giao tiếp. Thông dịch viên của sứ bộ Việt Nam là Nguyễn Văn Trường chết trên đường đi, chôn ở Aden.

Những ngày chờ đợi hoàng đế Napoléon Đệ Tam nghỉ mát trở về là những ngày đoàn sứ bộ Việt Nam sung sướng nhất, bởi được tới tận các nhà máy đúc tàu bè, súng ống đạn dược và các dụng cụ thông thường mà lạ lùng.

Tại điện Tuleries ngày 5-11-1863, Phan Thanh Giản đã yết kiến Napoléon Đệ Tam, dâng thư của vua Tự Đức và bầy tỏ nỗi Hoàng đế Pháp có vẻ ưng thuận, giao cho bộ ngoại giao trực tiếp đàm đạo với sứ thần mong ước được chuộc lại ba tỉnh đã mất. Việt Nam. Tổng-trưởng Achille Fould nói: “Hiện nay ngân sách chúng tôi thâm thủng đến 972 triệu quan. Chúng tôi không muốn chi tiêu nhiều cho cuộc viễn chinh. Các ngài yên tâm, Hoàng đế chúng tôi đã ra lệnh cho chúng tôi nghiên cứu một hoà ước mới, trả đất đai lại cho các ngài để lấy tiền cân đối ngân sách chính phủ.” Một hoà ước mới được thảo ra, trao cho sứ bộ Việt Nam trước khi lên đường về. Aubaret và Trương Vĩnh Ký dịch ra Hán văn. Pháp đình cho biết hai nước sẽ thương thuyết tại Huế.Trở về kinh đô, sứ bộ được triều đình tiếp đón trọng thể ở điện Thái Hoà. Sau khi nghe báo cáo, nhà vua coi như Phan Thanh Giản đã gỡ cho mình mối nhục nghìn vạn năm. Tự Đức vui vẻ phong ông làm thượng thư bộ lại như cũ. Phan Thanh Giản lại tâu thêm: “Sự giầu có, mạnh mẽ và các việc khôn khéo của nước Pháp nói không hết.” Đúng là: Bá ban xảo kế, tề thiên địa. Duy hữu tử sanh, tạo hoá quyền. (Trăm nghề khéo léo bằng trời đất. Duy việc sống chết, để quyền cho tạo hoá).

Phan Thanh Giản thừa dịp ấy tâu xin vua nên canh tân đất nước, gửi sinh viên ra ngoại quốc học, mở rộng giao thương, và không ngăn cản việc truyền đạo. Tự Đức không trả lời. Bọn nịnh thần to nhỏ chê bai Phan Thanh Giản mới đi nửa năm mà đã thần phục người Pháp sát đất, còn nói gì đến việc chống lại họ để giữ nước. Ra về ông buột miệng than:

Từ ngày đi sứ tới Tây Kinh,
Thấy việc Âu Châu phải giật mình.
Kêu rú đồng ban, mau tỉnh dậy,
Hết lòng năn nỉ, chẳng ai tin.

Aubaret mở cuộc thương thuyết cùng Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vỵnh về một hoà ước mới từ ngày 16-6-1864 đến ngày 15-7-1864. Hai bên đã thoả thuận ký hiệp ước trước khi chia tay:

1. Hoàng đế Pháp chịu trả lại cho Hoàng đế Đại Nam quyền cai trị ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà và Mỹ Tho.

2. Việt Nam nhường đứt cho Pháp các nơi dưới đây:
  • Thành phố Sài Gòn Chợ Lớn,
  • Đồn Thủ Đầu Một,
  • Đồn Mỹ Tho,
  • Dòng sông nhà giây thép,
  • Bãi Gánh Rái (Vũng Tàu),
  • Sông Sài Gòn,
  • Núi Nùa (Bà Riạ),
  • Đảo Côn Sơn.
3. Mỗi năm Việt Nam phải trả cho Pháp hai triệu quan trong 40 năm liên tiếp, hoặc bằng tiền hoặc bằng sản vật có giá tương đương.

Vua Tự Đức hài lòng.

Trong lúc ấy, Chasseloup Laubat thượng thư bộ hải quân kiêm bộ thuộc địa Pháp, nhìn thấy một đồng bằng phì nhiêu mênh mông từ bốn tỉnh Nam Kỳ qua Cao Mên, cùng với con sông Cửu Long nối qua lục địa sang Trung Hoa, tơ lụa phong phú và được ưa chuộng. Chasseloup Laubat dâng sớ tâu rõ mọi việc lợi hại và xin Hoàng Đế vì quyền lợi của Đại Pháp mà từ chối việc trả đất cho triều đình Huế. Napoléon III là người không quyết định, hay thay đổi, người nào nói chuyện với ông ấy lần chót là người ấy có lý. Dẫu đang thiếu hụt ngân sách trầm trọng và một cuộc chiến tranh Pháp Đức có cơ bùng nổ một ngày gần đây, Napoléon III quyết theo lời cầu khẩn của Chasseloup Laubat.

Tháng 2-1865, năm Tự Đức thứ 16, Aubaret trở ra Huế báo với Tự Đức rằng Hoàng Đế Pháp nghĩ lại, xin vua Đại Nam cứ y nguyên hoà ước Nhâm Tuất thi hành. Tự Đức lặng người. Nhà vua không ngờ người Tây dương tráo trở như thế. Liền lúc ấy, triều đình nhận được một tin khẩn cấp của Tổng-đóc Vĩnh Long Trương Văn Uyển về ý đồ người Tây dương trước ba tỉnh miền Tây. Cả đình thần nhốn nháo.

Tự Đức hỏi: “Chiến thì chiến cách nào đây? Chiến mà thắng nổi, con dân ta đâu sợ hao xương tổn máu? Còn hoà? Hoà trong thế bại, chúng ép ta trăm bề. Người cẩn trọng như Phan Thanh Giản, còn để họ lừa mà không biết.”

Quần thần đề nghị vua cử Phan Thanh Giản vào kinh lý trong Nam. Tự Đức nhìn Phan Thanh Giản phán: “Trẫm phong khanh làm hiệp biện đại học sĩ, hộ bộ thượng thư, sung kinh lược sứ, ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Từ nay trẫm tha tội cách lưu.”

Đầu năm Tự Đức thứ 16 (1866), Phan Thanh Giản đến soái phủ Sài Gòn. Trong cuộc gặp gỡ này, ông khẳng định tôn trọng hoà ước mà hai bên đã phê, và mong đợi Pháp giữ uy tín một nước lớn. Giám đốc bản sứ vụ Pháp ở Sài Gòn là Vial nhún vai: “Nước Pháp là một nước văn minh, biết tôn trọng những gì mình đã ký. Quân tử nhất ngôn, Khổng Tử đã dạy như thế (Vial đã từng ở Trung Quốc, đã từng nghiên cứu Khổng Tử). Chỉ tiếc triều đình các ông không biết mình chơi với ai, nên giấy chưa ráo mực, các ông đã ngầm xúi dân phiến loạn chống chúng tôi.” Phan Thanh Giản bác luận điệu của Vial: “Mong ông hiểu cho thiện ý của triều đình chúng tôi, nước nào mà chẳng có kẻ phiến loạn.” Vial nói: “Nhưng ít nhất các ông phải ra tay cùng chúng tôi để chứng tỏ sự trung trực thi hành hoà ước.” Phan Thanh Giản điềm tĩnh trả lời: “Mong ông hiểu cho chúng tôi, đất thuộc ai thì người ấy giữ. Chúng tôi phải lo các vùng đất của chúng tôi.”Tháng Mười năm ấy, Vial cùng cố Trường (Legrand de la Liraye) ra Huế gặp triều đình xin mua ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Tự Đức nổi giận: “Người Tây dương thật ngang ngược. Ta có phải là ông vua bán nước đâu mà họ đòi mua!” Nói vậy nhưng Tự Đức hạ lệnh cho Phạm Phú Thứ và Phan Huy Vịnh đến sứ quán Pháp điều đình. Vial mỉm cười nói: “Vì muốn giữ mối giao hoà hai nước và vì tôn trọng hoà ước nên Đại Pháp mới xin được mua. Còn nếu các ngài không chịu bán, e những người ứng mộ gia tăng rồi lại gây ra việc binh đao.”

Trong lúc ấy, tân thống-đốc miền Nam La Grandière, một tay thực dân lão luyện gặp Phan Thanh Giản ở Sài Gòn để thông báo quyết nghị của chính phủ Pháp sẽ chiếm ba tỉnh miền Tây. Vẫn với giọng điềm tĩnh vốn có, Phan Thanh Giản nói: “Nước Đại Pháp và Đại Việt đã được cải thiện tốt trong giao hảo. Trước sau tôi vẫn mong cái sự giao hảo kia ngày càng tốt hơn. Sự bất hoà chưa bao giờ đem lại điều gì tốt đẹp mà ngược lại chỉ tốn xương máu hai dân tộc.” La Grandière mỉm cười thân thiện: “Tôi trọng thái độ điềm tĩnh và khôn ngoan của ngài. Nhưng rất tiếc, triều đình các ông đối xử với chúng tôi không như lời ông nói, và gần đây lại từ chối lời đề nghị cho chúng tôi mua ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Vì vậy một quyết định khác được thay thế, chỉ mong ông đừng chống cự. Ngài nói đúng đấy. Cuộc giao tranh nào không đổ xương máu và xương máu ai lại không làm đau lòng cả ngài lẫn tôi.”

Phan Thanh Giản thấy mệt mỏi và chán nản, làm đơn xin vua cho ông được nghỉ ngơi tuổi già. Tự Đức trách: “Khanh chưa làm xong sứ mạng ta giao, khanh nghĩ sao? Sao lại xin về?”Phan Thanh Giản cùng Tổng-đóc Trương Văn Uyển đi thị sát ba tỉnh miền Tây, tới đâu ông cũng thấy dân tình đau khổ rách rưới. Binh lính ngao ngán lo sợ. Từ Hà Tiên ông đi thẳng về Mỹ Tho gặp Trung-tá Ansart đại diện cho đô đốc Lagrandière, tại sân sau một ngôi đình. Phan Thanh Giản hỏi ngay: “Tại sao các ông muốn chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ? Các quan triều đình không cố gắng thoả mãn mọi yêu sách của quan Thống-đốc sao?” Ansat nghĩ ngợi một lúc xong đáp: “Nếu chính phủ Pháp muốn chiếm ba tỉnh miền Tây thì không phải chỉ để mở rng thêm lãnh thổ, nhưng vì một nhu yếu chính trị, mà chắc ông hiểu hơn cả tôi ... Tốt nhứt ngài nên nhượng ba tỉnh miền Tây cho chúng tôi, đó là điều đảm bảo cho lòng thành thật và ngay thẳng của triều đình các ngài.”

Phan Thanh Giản viết sớ tâu về triều, cuộc gặp gỡ với Ansart đại diện cho Lagrandière ở Mỹ Tho, và báo động khẩn mật tình hình ba tỉnh miền Tây, nhưng chẳng hiểu sao triều đình không trả lời. Vial công khai chia ba tỉnh miền Tây đang thuộc quyền triều đình Việt Nam thành tám vùng, mỗi vùng có thanh-tra-toà. Mới đây, tám thanh-tra-toà đã nhận được thư của quản-đốc nội vụ Vial, thông tin về việc chiếm ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên của Việt Nam: “Thống đốc quyết định chiếm ba tỉnh trên để chấm dứt loạn lạc ở biên giới ba tỉnh miền Đông của chúng ta bởi những toán binh phiến loạn và giặc cướp mà chính quyền Việt Nam bất lực không thể ngăn chặn, mặc dầu có sự thỉnh cầu không ngớt của chúng ta.”

Ngày 17-6-1867, tàu binh Pháp đến cửa thành Vĩnh Long. Legrand de la Liraye (cố Trường) thông ngôn cho Pháp trao thư của Lagrandière cho Phan Thanh Giản, đại ý trong thư nói thẳng rằng người Pháp cần chiếm ba tỉnh miền Tây vì triều đình Việt Nam dung dưỡng bọn phiến loạn chống lại họ, và phạm hoà ước Nhâm Tuất. Phan Thanh Giản vừa đọc xong tối hậu thư thì Legrand de la Liraye nói: “Ngài Đô Đốc muốn mời ngài xuống du thuyền L'Oudine để thương nghị.”

Lagrandière đón Phan Thanh Giản và Võ Doãn Thanh ở cửa du thuyền, mời vào phòng họp và nói: “Chúng tôi yêu cầu ngài giao toàn thành Vĩnh Long cho chúng tôi. Chúng tôi bảo đảm với ngài sẽ không có một sự báo thù nào xẩy ra và trật tự sẽ được giữ nguyên như dưới sự cai trị của các ngài.”

Giữ giọng trầm tĩnh, Phan Thanh Giản trả lời: “Là thần dân nước Việt Nam, tôi chỉ có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất.” Lagrandière đáp: “Ngài nói đúng, nhưng đây là lệnh. Trong quân binh, đã là lệnh thì buộc phải thi hành.” Phan Thanh Giản không nói thêm một lời nào nữa, ông lặng lẽ lên bờ. Lagrandière cùng quân binh của y cặp sát cạnh Phan Thanh Giản, tràn luôn vào thành Vĩnh Long.

Vào thành, Phan Thanh Giản ngồi cạnh Trương Văn Uyển và Võ Doãn Thanh, im lặng, trầm tĩnh. Đối diện ông là Lagrandière. Phan Thanh Giản nhìn y hỏi: “Các ông còn muốn gì nữa ở tôi?” Lagrandière điềm nhiên: “Tôi muốn không có súng nổ và máu chảy, vì vậy tôi mong ngài viết thư riêng cho Tổng-đốc An Giang và Hà Tiên không nên chống cự chúng tôi.”

Phan Thanh Giản đáp: “Ngài để cho tôi về nhà suy nghĩ kỹ càng.” Lagrandière: “Tôi sẽ cho người theo bảo vệ ngài. Ngài thông cảm: lúc này đang loạn lạc.”

Trở về căn nhà lá đơn sơ ở ngoại thành Vĩnh Long, có hai tên lính Pháp theo giữ, ông viết thư gửi cho Tổng-đốc An Giang và Hà Tiên:

“Hỡi các quan và dân chúng,

“Quốc gia của Hoàng Đế ta, có từ thời xưa. Sự trung thành với Tiên Vương là trọn vẹn và luôn luôn hăng hái. Chúng ta không thể nào quên ơn Hoàng Đế và Tiên Vương của chúng ta.“Bây giờ đây người Phú-lang-sa đến xứ ta với nhiều súng ống bắn mạnh, gieo rắc sự vẩn đục trong dân chúng ta. Chúng ta yếu ớt không thắng nổi người Phú-lang-sa. Tướng soái, lính tráng của ta đều bị họ đánh bại. Mỗi lần đánh nhau là mỗi lần đem lại đau khổ cho dân chúng ta.“Bản chức van vái trời, bản chức nghe theo lẽ phải và tự nhủ: bây giờ thế họ như dòng thác, ta chặn chỗ này nước chảy chỗ khác. Thế nước thế này, dẫu cố gắng giữ chẳng khác gì mình lại kéo về mình một cách vô ích những tai hoạ để tai hoạ ấy đè lên đầu dân mà trời đã trao cho mình chăn dắt.

“Bản chức buộc phải lựa theo thế trời mà đứt ruột gan giao ba tỉnh miền Đông cho họ, ngõ hầu mưu sự yên hoà cho dân chúng. Nay người Phú-lang-sa lại lấy cớ nghĩa quân ta nổi lên chống họ để buộc ta giao ba tỉnh miền Tây cho họ. Ta đã nói với họ rằng ta chỉ có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất. Nhưng nếu bản chức tuỳ theo Thiên Ý mà tránh đỡ giùm dân khi họ đem tai hoạ gieo lên đầu dân mình, như vậy bản chức trở thành phản thần đối với Hoàng Đế của ta vì bản chức giao ba tỉnh của Hoàng Đế cho người Phú-lang-sa mà không chống cự. Bản chức đáng tội chết!

“Hỡi các quan và lê dân! Các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú-lang-sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi, nhưng lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống.”

Đưa thư cho Lagrandière xong, ông dặn Trương Văn Uyển: “Trước sau ta vẵn tôn trọng hoà ước năm Nhâm Tuất. Quan lấy tiền lúa trong kho nộp tiền bồi thường cho họ, để nói với họ rằng chính họ vi ước chứ không phải chúng ta.” Rồi bằng một giọng nhỏ hơn như thì thào, ông tiếp: “Hãy lợi dụng lúc này đưa người mình về đất triều đình (ý nói Phan Thiết). Ngay cả quan nữa, cũng mau chân lên. Đất mất thì còn tìm cớ lấy lại được. Người mất thì mãi mãi muôn đời.” Đoạn ông xếp triều phục, ấn triện, 23 đạo bằng sắc, cho người mang về triều dâng vua Tự Đức, kèm theo một lá sớ:

“... Gặp thời bĩ, việc dữ khởi lên trong cõi, khỉ xấu xuất hiện biên thùy. Việc Nam Kỳ đến thế này không thể ngăn nổi. Nghĩ tôi đáng chết, không dám cẩu thả sống để nhục đến quân phụ. Hoàng thượng rộng xét cổ kim, hiểu rõ trị loạn, có người hiền giúp đỡ, kính phép trời, thương người cùng khổ, lo trước tính sau, thay dây đổi bánh, thế lực còn có thể làm được. Thần đến lúc tắt nghỉ, nghẹn ngào, không biết nói gì, chỉ gạt nước mắt tỏ lòng quyến luyến trông mong khôn xiết.”

Phan Thanh Giản gọi các con lại trăn trối: “Khi ta thác rồi, đem linh cữu của ta về chôn tại làng Bảo Thạnh, bên phần mộ tổ tiên. Còn tấm triện nên bỏ, nếu không hãy đề: quan tài của một thư sinh già họ Phan gốc ở miền bể Đại Nam. Bia mộ cũng như thế.” Đoạn ông cầm bút viết: Minh sinh thỉnh tỉnh, nhược vô ưng thư: “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cửu, diệt dĩ thử chi mộ.”

Rồi ông mặc áo rộng, bịt khăn đen, bắt đầu tuyệt thực. Lagrandière sai bộ hạ đem đồ ăn thức uống, loại quí, hiếm, thuyết phục ông dùng. Ông bảo họ mang về. Sau mười lăm ngày nhịn ăn không chết, ông bèn uống thuốc phiện với dấm thanh. Ngày 4-8-1867 ông từ trần. Lagrandière không bỏ dịp lợi dụng cái chết của ông. Trong lúc hàng vạn người dân Vĩnh Long đổ ra bờ sông cúi đầu tiễn đưa ông về Gãnh Mù U, cái làng Bảo Thạnh khô cằn, nơi ông ra đời, thì Lagrandière tổ chức đám quốc táng long trọng, để tỏ rằng chính phủ Pháp vẫn kính trọng và mến tiếc Phan Thanh Giản.


Trích chiếu chỉ của vua Tự Đức ngày 21-10-1867:

“Phan Thanh Giản thủy chung lời nói không xứng với việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch xuống biển Đông, thật là táng tận lương tâm.

“ ... đi sứ không có công, giữ chức kinh lược để mất ba tỉnh, hai tội đều nặng. Mặc dầu đã lấy cái chết tự phạt nhưng cũng không đủ đền bù cho trách nhiệm. Vậy cho truy đoạt chức tước phẩm hàm, đục bia tiến sĩ.”

Hai mươi năm sau, vua Đồng Khánh cho Phan Thanh Giản phục chức hàm là Hiệp Tá Đại Học Sĩ.

Trích điếu văn của Phạm Phú Thứ:

“Một thân thờ ba triều, làm quan hơn bốn mươi năm, già hơn bảy mươi tuổi, rất từng trải kinh nghiệm, được tôn trọng và tin cậy trong triều cũng như trong nhân dân. Học rộng phẩm cách tuyệt vời, dù hoàn cảnh trái ngược đến bao nhiêu, ngài cũng không bao giờ là người hại nước. Dù hoàn cảnh ngang trái thế nào, ngài vẫn giữ trọn tấm lòng cao thượng.

“Những bọn hèn đứng thấp chẳng thấy gì, la hét nhảy nhót như mê như say, nào có biết đâu tình thế nước nhà.

“Tiếc cho ý chí của ngài không được thực hiện.”

Thơ điếu của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên:

Non nước tan tành hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu.
Ba triều công cán vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu.
Ải Bắc ngày trông tin điệp vắng,
Thành Nam đêm lắng tiếng quyên sầu.
Minh sinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thâu.

Một cái chết tương tợ mà ít người biết là cái chết của Lâm Duy Hiệp, phó sứ của Phan Thanh Giản. Thấy mình có tội vì không làm bổn phận triều đình giao cho, Lâm Duy Hiệp khi bịnh không ăn, không chịu thuốc thang mà đợi cái chết (15-11-1863).

Hai cái chết, hai con người, hai nhân cách đáng trọng, nhưng lịch sử, người đời sau sẽ đối xử như thế nào?

Khó mà lường được.

BẠT

Sau khi Phan Thanh Giản tự sát, chiến tranh Pháp Việt tiếp diễn.

Thất trận với Phổ năm 1872, chính phủ Pháp muốn gỡ lại bằng cách tăng thêm thuộc địa. Người biện hộ hăng hái nhất cho thuyết này là Jules FERRY, thủ thướng Pháp (1880-1881) và (1883-1885).

Chiếm xong miền Nam, Pháp thôn tính miền Bắc Việt Nam. Chiến cuộc rất mãnh liệt, tàn khốc, nhưng cuối cùng Pháp thắng.

Sau khi vua Tự Đức thăng hà (1883), Pháp tấn công Kinh thành Huế và buộc các phụ chánh nhận chế độ bảo hộ.

Hoà ước Fournier chưa ráo mực thì hoà ước Patenôtre 1884, bắt chính phủ Việt Nam công nhận nền bảo hộ của Pháp ở Trung và Bắc bộ.

Vua Hàm Nghi lên ngôi lúc mười bốn tuổi, bỏ kinh thành theo Kháng chiến, bị bắt đầy đi Algérie.

Pauk BERT thân tín của Jules FERRY thành lập Liên Bang Đông Dương năm 1887. Ngoài Nam Kỳ thuộc địa, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên bảo hộ, có thêm từ năm 1888 quốc gia Lào.

Nếu vị toàn quyền đầu tiên Jean Marie de LANESSAN (1891-1894) nhiệt tâm bảo vệ cho dân tc bị đô hộ, yêu cầu chính phủ Pháp thi hành đúng theo tinh thần của hiệp ước Pháp -Việc năm 1884 để cho dân Việt Nam được độc lập về chính trị, cai trị, và xã hội, thì Toàn Quyền Paul Doumer (1897-1902) biến Đông-Dương thành một thuộc địa do chính quyền trung ương trực tiếp điều khiển. Trong những vùng bảo hộ, người Pháp được quyền sở hữu y như trong những vùng thuộc địa. Thuế điền thổ mỗi năm mỗi tăng. Thuế mới mọc lên như nấm: thuế muối, thuế rượu, thuế chợ, thuế rừng. Người cùng đinh càng thêm khổ.

Về mặt chính trị, chính quyền thực dân đã tỏ ra chuyên chế, bạo ngược.

Năm 1907, họ truất phế vua Thành Thái, cáo gian nhà vua loạn trí, và đưa người con là hoàng tử Duy Tân mới tám tuổi lên ngôi. Dân chúng Việt Nam rất công phẫn, cho đó là một xúc phạm nặng nề.

Vài biện pháp khoan hồng và một ít sửa đổi để chinh phục nhân tâm lúc nước Pháp động viên tài lực trong trận Đại Chiến thứ nhất, không ngăn được vua Duy Tân chống lại (1916). Chính quyền Pháp truất phế nhà vua và đày đi đảo Réunion cùng với vua cha Thành Thái. Nhưng giới trí thức Việt Nam, ưu tú, năng động nhất, yêu sách nhất trong bán đảo, đặt nhiều hy vọng. Những hy vọng ấy được vua Khải Định phát biểu trong cuộc du hành tại Pháp năm 1922. Ảo vọng biến thành thất vọng.

Các nhóm cấp tiến nhất của giới trí thức quay sang chủ nghĩa quốc gia dân tộc, háo hức và bạo động. Các nhóm cách mạng nổi lên bạo động. Thực dân đàn áp mãnh liệt.

Vua Bảo Đại trưởng thành ở Pháp do phụ chánh Charles trông nom, về nước cũng không cải cách được gì.

Trận Đại Chiến thế giới thứ hai chưa kết liễu, thì ngày 9-3-1945 Nhật đảo chánh Pháp. Tháng 10-1945, tướng Leclerc và Đô-đốc D'Argenlieu cầm đầu đoàn quân viễn chinh Pháp đổ bộ lên Sài Gòn.

Chiến tranh ác liệt lại tiếp diễn trong chín năm trời và kết thúc tại Điện Biên Phủ năm 1954. Hàng vạn thanh niên Pháp bị hy sinh, vì chính phủ Pháp hủy bỏ hoà ước do PHAN THANH GIẢN và Aubaret ký ngày 15-7-1864.

Bên lề việc tự sát của Phan Thanh Giản

I. Ba cách xuất xứ của kẻ sĩ


Phan Thanh Giản có hai người bạn học thân từ thuở thiếu thời, nhưng mỗi người chọn một đường đi khác nhau.

1) Lê Bích Ngô có tài đức, nhưng tìm chốn vắng vẻ ẩn thân, không để lộ tung tích.

Khi Phan Thanh Giản ra kinh nhậm chức, Lê Bích Ngô tiễn bạn có tặng mười bài thơ liên hoàn tứ tuyệt, viết trên lụa: “Dương Liểu Từ”. Đi đến đâu Phan Thanh Giản cũng mang theo và luôn luôn treo ở chỗ quan trọng nhất trong thư trai.

Chúng tôi xin trích bài thứ nhất:

Tà ý đông phong bạn tịch dương,
Thanh thanh thanh ánh nhập tư đường.
Đa tình bất dữ hành nhân thuyết
Bạn trước lư oanh thuyết đoản trường.

Mộng Tuyết dịch:

Phe phẩy đông phong dưới ánh chiều,
Bờ ao cành biếc bóng xiêu xiêu.
Nặng tình không gửi người qua lại,
Thủ thỉ con oanh nói ít nhiều.

2) Phan Dĩ Thử: học giỏi mà không chịu đi thi, ở nhà cầy ruộng. Mỗi lần vào kinh lược miền Nam, Phan Thanh Giản đều ghé thăm bạn để tâm sự. Trong lúc gây cấn, ba người con trai của ông Phan Dĩ Thử đã hy sinh cho đại cuộc. Người con trưởng theo Nguyễn Tri Phương chết tại đồn Kỳ Hoà, hai em theo theo Quản Định chết ở Cần Giuộc Gò Công.

Khi Phan Thanh Giản tuyệt thực, thân nhân cản không được, có mời Phan Dĩ Thử ra, nhưng cũng không thuyết phục được, mà lại thấu nỗi lòng bạn nên khi về đến nhà, ông bưng chén dấm pha nha phiến ngửa cổ uống một hơi. Trước khi lià cõi đời, ông kêu đám cháu nội ngoại lại trăn trối: “Suốt đời ông thanh bần, nhưng không làm được gì cho dân cho nước. Nay ông thấy mình già sức kiệt, có sống cũng không làm nổi điều chi có ích. Vả lại ông cũng như bạn ông là Phan đại nhân, không bao giờ muốn nhìn lá cờ ba sắc phấp phới bay trên nơi ông đang sống.”

II. Đừng lạy mà nhục quốc thể

Trước khi sứ bộ lên đường, vua Tự Đức căn dặn: “Quốc thư phải đưa đến nơi, đừng để các quan đượng sự ngăn đón, đừng chuyên tin lời người thông ngôn. Sứ thần là người thay mặt vua đừng lạy mà nhục quốc thể.” So sánh với phái bộ Xiêm khi vào chầu Hoà,g Đế Napoléon III và Nữ-hoàng Eugénie quì mọp sát đất, thì chúng ta nhận thấy vua Tự Đức quả là một vị anh quân.

III. Cái khăn gói của cụ Phan Thanh Giản là lá cờ Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp (Chuyện vui lịch sử của Diệu Huyền, trích trong Phổ Thông)

Năm 1863, Hoàng Đế Đại Nam là vua Tự Đức có gửi một phái đoàn qua Pháp để điều đình với Hoàng Đế Pháp là Napoléon III về việc xin chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ vừa bị Pháp chiếm đóng và cai trị. Phái đoàn gồm có một vị Sứ-thần là Phan Thanh Giản, hai vị phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản cùng các tùy tùng: hai y-sĩ thuốc Nam trong số đó có Phan Thanh Liêm là con Phan Thanh Giản, hai người thông ngôn và mấy người hộ vệ do Lương Doãn, đi trưởng, chỉ huy.

Ngày 18 tháng 8, vào giờ Thân (3 giờ chiều), chiếc tàu thủy Européen chở phái đoàn từ Sài Gòn qua, vừa cặp bến Suez. Viên Đô-đốc Lagrandière, Thống-đốc Pháp ở Sài Gòn, phái một nhân viên, Thanh-tra hành chánh, đi theo phái đoàn Việt Nam để dẫn đường.

Tàu sắp cặp bến, viên này nói với Sứ-thần Việt Nam rằng theo thủ tục quốc tế, khi tàu của một vị Đại-sứ ngoại quốc đến một hải cảng nào thì hải cảng ấy sẽ bắn 19 phát súng lệnh để chào mừng, và chiếc tàu phải thượng cờ nước viên Đại-sứ lên. Vậy, ông ta nói, xin Đại-sứ Việt Nam cho thượng cờ Việt Nam lên để đáp lễ chính phủ Ai-cập khi họ bắn súng chào mừng Đại-sứ của Hoàng-đế Việt Nam.

Cụ Phan Thanh Giản liền hội nghị tất cả phái đoàn để bàn tính, vì nước Việt Nam hồi đó chưa có quốc-kỳ, trừ lá cờ đuôi nheo thêu Rồng là kỳ hiệu của Vua, phái đoàn không dám treo và không được phép treo. Lúc phái đoàn từ Huế đi ra, vua Tự Đức và cả triều đình không ai ngờ sẽ xẩy ra việc “chào cờ” ở ngoại quốc. Ba vị Sứ-thần và cả đoàn tùy tùng bối rối chưa biết làm sao, thì ông Đội-trưởng Lương Doãn mạnh bạo thưa: “Dạ, bẩm ba Cụ, nước ta không có cờ mà chuyện này gấp rút quá không có cách chi giải quyết được, vậy xin lấy tạm cái khăn gói của Cụ Sứ-thần, bằng lụa Kiều-cầu còn mới tinh, màu đỏ tươi đẹp quá, để làm cờ, rồi khi nào về nước sẽ tâu Hoàng-thượng biết.” Các vị Sứ-thần bạn luận một lúc rồi đồng ý làm theo lời trình của viên Đội-trưởng, vì không còn cách nào khác nữa. Nhưng khi đem tấm khăn gói màu đỏ tươi ra cho viên tùy-tùng Pháp xem thì y bảo: “Chà! Lá cờ này chắc không được đâu ạ, vì nó gần giống như cờ nước Ai-cập, sợ chính phủ Ai-cập hiểu lầm chăng?”

Cụ Phan Thanh Giản liền vào bàn lại với phái đoàn. Bàn cãi một hồi lâu, ông Phạm Phú Thứ nói: “Ta hãy thêu bốn chữ nho ĐẠI NAM KHÂM SỨ ngay giữa cái khăn đỏ, thế là hết lầm với cờ Ai-cập!” Cả phái đoàn đều khen ý kiến hay và Cụ Phan Thanh Giản liền sai lính hộ vệ lấy chỉ vàng thêu gấp bốn chữ nho lên trên tấm khăn gói lụa điều.

Một giờ sau, tàu Européen vừa cặp bến Suez, chính phủ Ai-cập sai bắn 19 phát súng để nghênh chào phái đoàn Việt Nam, thì trên cột cờ tàu đã phấp phới lá cờ Đại Nam Khâm Sứ.

Sau đó mấy hôm, chính phủ Ai-cập để một toa xe lửa riêng đưa phái đoàn Việt Nam ra Port Said để đáp tàu thủy sang Toulon (Pháp), trước đầu máy xe lửa cũng cắm hai lá cờ: một lá cờ Ai-cập nền đỏ tươi, ở giữa thêu mặt trăng lưỡi liềm, và lá cờ “Đại Nam Khâm Sứ”! Khi đáp tàu thủy sang hải cảng Pháp, cũng lá cờ ấy phấp phới trên cột cờ tàu, và hải cảng Toulon cũng bắn 19 phát súng lệnh nghênh chào ... cái khăn gói của Cụ Sứ-thần Phan Thanh Giản!

Sau khi về nước, Cụ Phan Thanh Giản tâu lại việc này cho vua Tự Đức nghe, nhà vua ngồi dựa tay lên gối, cười ha-hả!...