Nói đến cà phê là nói đến đặc trưng của một thành phố dù lớn hay nhỏ và tôi chắc mỗi người đều có một khoảng không gian nào đó để nhớ về một quán cà phê của riêng mình, với người yêu, với bè bạn, với thời thơ ấu, khoảng thời gian ấm cúng xa xưa hoặc quãng đời vừa đi qua… Nó đậu lại trong ký ức như một cánh bướm giữa khung trời xanh thẳm, đôi khi mang đậm vẻ xót xa, luyến tiếc. Nó là một phần đời, tuy mỏng manh tưởng như vô hình nhưng lại rất sâu, rất thấm.
Nhắc đến Đà Lạt, có lẽ nhiều người vẫn chưa quên cà phê Tùng. Căn phòng nhỏ hẹp với chất cà phê đặc sánh nhễu từng giọt, từng giọt sền sệt, lững thững nhỏ xuống lòng chiếc ly thủy tinh. Người ta đồn đó là thứ cà phê được pha chế thêm với ruột quả cau già nên tăng độ chát và chất sệt đậm đặc. Đến Đà Lạt, ngoài việc đi ăn ngay một tô phở còn phải đến cà phê Tùng mỗi buổi sáng giá lạnh hoặc mỗi buổi chiều có nắng vàng, ngồi nhấm nháp ly cà phê mới thấy là… mình ở Đà Lạt.
Xa Hải Phòng mấy chục năm, tôi vẫn chưa quên cà phê Ngõ Nghè với Duy Các, Cuồng Phong, Văn An… Thời đó, tôi thỉnh thoảng có dịp lên Hà Nội và cũng chưa quên quán cà phê Cầu Gỗ ngồi với Văn Thế Bảo, Mai Anh, Nguyễn Minh Lang, Song Nhất Nữ…
Ở Sài Gòn, những ngày xa tít mù tắp, lại nhớ đến cà phê Gió Bắc có ông chủ “tout connaitre, tout savoir” và cô con gái mới 17 trắng như trứng gà bóc… Nhớ La Pagode với đông đủ văn võ bá quan mỗi buổi chiều ngồi trên hàng salon gỗ kê ngay vỉa hè rộng thênh với Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Phan Lạc Phúc, Thái Thủy, Thanh Nam, Mai Thảo, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan…
Nay thì người còn kẻ mất, người ở Mỹ, ở Úc, người ở lại Sài Gòn. Mỗi lần nhớ là một lần thấy bùi ngùi.
Khung cảnh, con người… tạo ra nét đặc thù của mỗi thành phố và đó chính là “nét văn hóa” làm nên khung trời thành phố của riêng mình. Mảng đời ấy mỗi người đều có, đều giữ riêng như cuốn album đầy hình ảnh, có những cái hình đen trắng đã mờ, càng cũ càng quý và vào thời buổi này phải ví nó như cái CD hay DVD cất riêng trong một ngăn của trái tim. Chính vì lẽ đó tôi mong gợi nhớ cùng bạn một số nét về cà phê Sài Gòn xưa và nay.
CÁC LOẠI QUÁN CÀ PHÊ
Một số bạn bè ở nước ngoài thường hẹn tôi “Mong về Sài Gòn uống với nhau ly cà phê”. Hình ảnh ấy quả là đẹp. Xa nhau vài chục năm hoặc quen nhau qua thư từ, qua người quen giới thiệu, gặp nhau ở một quán cà phê nào đó ngồi tâm sự vụn về đủ thứ chuyện “bên này bên kia” thật lý thú.
Sài Gòn, không phố nào, không hẻm nào vắng bóng quán cà phê. Đi đâu cũng có thể gặp một quán cà phê với những cái tên rất gợi cảm như Cà phê Chiều Tím, Chân Mây, Tình Đầu, Thiên Thai… hoặc không thiếu những cái tên quái đản như Cà phê Thằng Bờm, Thằng Mõ, Tích Tắc, Đen, Lặng, Phê… và nay lại có vài cái tên “ăn có” vào những nghệ sĩ nổi danh như “Cà phê Văn Cao” – và chắc chắn còn nhiều vị được trưng tên tuổi lên những quán cà phê khác.
Nhưng quán cà phê “có thể ngồi được” với bạn bè không nhiều. Nói đến cà phê Sài Gòn là phải kể đến những quán cà phê được gọi là quán cóc, quán vỉa hè, quán bụi, quán bốn bề là gió, “quán ba không” (không mái, không gái, không nhạc). Những quán cà phê ấy chính là nét đặc biệt của Sài Gòn. Có thể khẳng định không thành phố nào ở Việt Nam có nhiều quán cà phê đến thế và hầu như không thành phố nào nhiều người uống cà phê như Sài Gòn. Từ lao động chân tay lam lũ, đàn bà buôn thúng bán bưng đến “dân quý tộc” đều uống cà phê. Cà phê ly, cà phê tách, cà phê đĩa.
Thứ cà phê đĩa nặng mùi Chợ Lớn chỉ có ở những quán ngã ba, ngã tư đường phố với những ông chủ Tàu, mỗi buổi sáng tinh mơ, bác tài xế taxi, xích lô và cả những bà sồn sồn chạy chợ ghé vào làm một ly cà phê sữa, có khi đựng bằng cái bát nhỏ hoặc cái ly tràn đầy để cà phê sóng ra ngoài chiếc đĩa đặt bên dưới. Thoạt tiên khách uống thứ cà phê ở đĩa trước để “tráng miệng” mùi cà phê buổi sáng mở đầu cho một ngày rồi sau đó mới thưởng thức đến cà phê trong ly. Tiếc rằng những quán như thế ngày nay không còn nữa. Những cửa hiệu ở ngã ba ngã tư đã được “đô thị hóa”, nâng cấp, tu bổ thành siêu thị, “shop” bảnh chọe, nhà hàng năm bảy tầng. Sài Gòn mất đi một nét xưa nguyên thủy. Còn chăng là ở một góc nào đó nơi những ngõ Tàu trong tận cùng Chợ Lớn còn rải rác cố thủ được nền “văn-hóa cà-phê đĩa”.
Tùy thời kỳ, có những quán cà phê rất nổi danh, dù chỉ là một quán bụi. Những “thổ công” Sài Gòn biết rất rõ quán nào có cà phê kiểu gì, có “người đẹp” cỡ nào và giá cả một ly cà phê thường không khiến bận tâm. Nhưng thời gian đã thay đổi tất cả.
Đối với tôi, quán cà phê ngon nổi tiếng, cổ kính nhất Sài Gòn là quán trà và cà phê ở đầu con phố nhỏ gọi là phố “Phô-côn” về sau đổi tên là đường Nguyễn Phi Khanh, bên cạnh rạp Casino Dakao. Tôi biết quán này hồi mới bỡ ngỡ vào Sài Gòn khoảng tháng 11 năm 1953. Nửa thế kỷ qua rồi, đến nay nó vẫn tồn tại. Từ xưa nó không bao giờ có bảng hiệu nên không có tên và ít ai biết tên quán Thái Chi cũng là tên bà chủ quán thời đó. Người quen thường gọi là “Quán Cô Chi”. Bà chủ từng có một thời vàng son lừng lẫy. Bà là phu nhân một vị “phụ mẫu chi dân” đứng đầu một phủ, vì thế bà pha trà rất ngon và cà phê cũng rất tuyệt. Có một đặc điểm là bà không bao giờ bán cà phê đá. Theo bà, uống cà phê đá là… không biết uống cà phê. Bà mất trước 1975, con cháu tiếp tục giữ truyền thống gia đình bán cà phê cho đến nay. Mọi đổi thay chẳng ảnh hưởng gì tới quán này. Suốt nửa thế kỷ, khách vẫn ngồi với những bộ bàn ghế thấp lè tè kê trên mảnh vỉa hè hẹp téo chừng năm bảy mươi phân bên hông những ngôi nhà, chạy dài theo con phố nhỏ như sợi chỉ uốn cong. Đối với tôi, nơi này vẫn như cái “bảo tàng cà phê Sài Gòn”. Nếu có dịp về thăm, xin hãy ghé qua, nhìn một tí thôi để thấy chút Sài Gòn xưa.
Nơi rang xay cà phê khét tiếng Café Martin pha tí rượu Rhum trên đường Hai Bà Trưng xưa ai cũng ghé mua, nay không còn nữa. Nhãn hiệu Martin cũng… đã là nhãn hiệu xe đạp. Biết bao đổi dời, mỗi thời một khác. Ngày nay uống cà phê ngon nhưng khó thể chọn được nơi rang xay cà phê ngon. Rang xay cà phê cũng là một nghề chuyên môn có bí quyết riêng chẳng khác “bí kíp võ công thượng thừa”. Ngày nay các “môn phái” rang xay cà phê, chẳng ai chịu ai, mỗi môn phái đều có bí quyết gia truyền và… truyền miệng. Ai cũng tự phụ về ngón nghề của mình. Hết rượu Rhum đến Vodka, hết ruột cau đến vỏ lựu và chưa biết còn những thứ lá quỷ quái gì nữa làm cho cà phê có “màu sắc độc chiêu”. Ngay loại cà phê đóng gói chỉ cần đổ nước sôi vào cũng được quảng cáo om sòm. Nhưng dân “ghiền” và “sành điệu” chẳng ai chấp nhận được cái gu đóng gói, dù cho đóng hộp từ bên Tây bên Ý cũng không thể đưa lên hàng “nghệ thuật pha cà phê”. Muốn có nghệ thuật bắt buộc phải pha, phải chế mới xứng là cà phê thứ thiệt.
Sài Gòn bây giờ, mỗi khu đều có những quán cà phê riêng. Mỗi “giới” đều có một hai quán cà phê cho mình. Chẳng hạn quán cà phê 27 Nguyễn Thị Diệu thường là nơi gặp gỡ của các nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật cả trước và sau 1975. Ở đây, họ ngồi thành từng “cánh” nhỏ biệt lập. Quán nằm trong một biệt thự không lớn lắm, có mảnh vườn khá lý tưởng, làm thêm vài mái che, bàn ghế là loại tầm tầm, nhưng nhạc khá hay, hầu hết là nhạc tiền chiến chọn lọc. Nó thích hợp với lớp người đứng tuổi ngồi cùng bạn bè, nên rất ít thấy hay hầu như không có những cô cậu loại tuổi ô mai vào đây tâm tình. Nếu có, chỉ thấy những cặp sồn sồn kéo vào tuốt mấy dãy bàn kín đáo góc nhà, nơi “tận cùng trái đất” ngồi nỉ non tâm sự. Chiếc bàn phía tận cùng góc trái mảnh sân gạch lộ thiên dưới một vòm cây nhỏ của quán thường là “góc riêng” của nhiều văn nghệ sĩ quen biết thời trước 1975, có người đã ra người thiên cổ như Hoàng Thư, Trịnh Công Sơn, Sĩ Phú, Bùi Sơn Duân, Nguyễn Nhật Duật… có người đã ra nước ngoài như Uyên Thao, Vương Đức Lệ, và cả những người từ nước ngoài về như Phan Diên, Hà Túc Đạo, Đinh Cường, Hoàng Song Liêm cùng nhiều người nữa…
Quán lịch sự “cao cấp” hơn, mang cái tên đầy vẻ ăng lê “Coffee Box” trên đường Hai Bà Trưng, từ hông trái tòa Đại sứ Pháp nhìn sang là nơi gặp gỡ của giai nhân tài tử và những người thích không khí êm đềm, ấm cúng kiểu “salon littéraire” nặng mùi quý tộc. Nơi đây trưng bày nhiều loại tranh ảnh mỹ thuật và chủ quán rất sẵn lòng bán lại cho bạn bức nào bạn thích. Ánh sáng dịu dàng vừa đủ nhìn nhau, mỗi góc phòng được bày biện bàn ghế và lọ hoa riêng biệt, không bàn nào giống bàn nào. Mọi thứ đều có kiểu cách riêng, từ cái bàn mặt kính dày và cặp chân bàn bằng đồng đến cái ghế mây đan. Cô gái có cặp giò cao chuyên đứng sau khung cửa kính trịnh trọng mời khách ra vô cũng có… nét riêng. Dĩ nhiên giá cả sẽ tương xứng với lối mời chào đó. Một tách café Capuccino kiểu Ý hoặc ly café Lyégeois khoảng trên năm chục ngàn đồng, và ly café đen khoảng trên hai chục ngàn, gấp mười lần các quán bình dân. Tiền nào của nấy. Nhưng giữa trưa Sài Gòn nóng nực, một cặp không biết đi đâu thì có thể vào đây, tâm tình vài giờ cũng đáng đồng tiền bát gạo. Người bạn gái hay bạn trai của chúng ta không có gì phải phàn nàn, ngoại trừ các bà xã hà tiện và cực kỳ khó tính.
Đó là vài quán cà phê tương đối đặc biệt của từng loại người – và phải nói là từng loại tiền nữa mới hết nghĩa. Còn những loại “thượng từng” thành phố là những hotel, những cao ốc như Saigon Trade Center, ngồi ở tầng thứ 34, có thể nhìn khắp Sài Gòn vào buổi hoàng hôn với ly cà phê chỉ có hơn hai mươi ngàn đồng. Trên cao gió lộng, tha hồ nhìn hàng đèn thành phố lao xao dưới chân, ngắm dòng sông Sài Gòn uốn lượn lờ như dải lụa màu tím khẽ lay động. Có thể kể đến cả khách sạn Caravelle hay Majestic cũ, bạn cứ việc leo lên tầng trên cùng ngồi cùng bạn bè. Hứng chí lên làm một bữa buffet, tự chọn đồ ăn không đắt lắm và cũng… chẳng ngon lắm đâu. Nhưng xin đừng nhảy vào các khách sạn loại “quốc tế” như New World mà uống cà phê vì vừa bị “chém” vừa…. chẳng giống ai. Không ai vào đó để uống ly cà phê, nói chuyện tâm tình. Xin dành nơi đó cho quan khách quốc tế uống rượu Hennessy, Champagne, VSOP… bàn chuyện kinh doanh tầm cỡ hoặc áp phe “xuyên quốc gia” và trả tiền bằng đô-la Mỹ.
Một quán cà phê khác mới mở vài năm nay trên đường Nguyễn Huệ có cái tên rất dễ nhớ là “Ciao”, một quán kiểu Brodard, Givral, La Pagode thời xưa cũng được nhiều “khách giang hồ” thời nay lui tới, nhất là một vài bạn Việt kiều vốn là “tay chơi” ngày nào về thăm phố cũ người xưa, thường đóng đô ở quán này. Brodard ngày nay dường như không còn thích hợp với họ nữa, có lẽ vì đối với họ đã vắng bóng hầu hết những khuôn mặt quen biết thuở xưa, không còn không khí cũ, nay chỉ còn những người lạ hoắc. Brodard mà không có “Khê – Thăng Long Xích thố”, không có cò Ly, Quang Dù, Kim Kính Hải Phòng, Chương Marine, Kim cao bồi… cùng những người đẹp một thời oanh liệt như Thủy Điên, Mỹ Khùng, Tâm Điệu, Hằng Mỹ Phụng… thì không thể là Brodard nữa. Vì thế ngay cả “cò Du” từ San Jose về đến Sài Gòn cũng bỏ qua địa chỉ này để đến Ciao. Ngồi ở Ciao có cả những ông Tây bà đầm, những khách du lịch ba lô, những văn nghệ sĩ người nước ngoài… Nó cũng có đủ các thứ cà phê cao cấp và có vẻ “dễ chơi” hơn Brodard.
CAFÉ INTERNET
Vào thời kỳ “bùng nổ công nghệ thông tin”, nói cho rõ hơn là thời kỳ dân Sài Gòn bắt đầu làm quen với nền văn minh internet và e-mail, bèn xuất hiện ngay loại hình cà phê mới gọi là Café Internet. Khoảng năm 1999, quán Café Internet đầu tiên ở đường Trần Quang Khải ra đời. Từ một quán cà phê sắm thêm vài chiếc computer để kéo khách. Mấy ông Tây ba lô nhào vào lên mạng tưng bừng, dần dần kéo theo mấy cô cậu sinh viên thuộc loại con nhà nghèo hiếu học nhưng không có computer cũng nhào tới lên mạng hoặc gửi e mail.
Nhưng loại quán cà phê này không độc quyền được lâu do xuất hiện những điểm truy cập internet, hầu như đường phố nào cũng có vài quán Internet. Những nơi này trang bị dàn máy khá mạnh, màn hình phẳng 17 inches, truy cập nhanh và đặc điểm là rẻ hơn rất nhiều. Nếu truy cập máy ở nhà giá trung bình là 250 đồng VN một phút và tiền điện thoại mất 150 đồng nữa, vị chi 400 đồng VN một phút thì ở những điểm này chỉ phải trả 100 đồng một phút. Tại sao lại có chuyện rẻ thế? Xin thưa ở những điểm này người ta nối khoảng 10 máy computer vào một máy chủ, một máy điện thoại chỉ dùng có một số điện thoại nên giá rất rẻ. Bởi vậy mới có cái cảnh có những ông có computer ở nhà nhưng cần truy cập là nhảy ra quán cà phê Internet hoặc những điểm truy cập công cộng. Từ nước ngoài về VN, chỉ cần có một cái địa chỉ ở yahoo.com hoặc ở hotmail.com và nhớ password của mình là cứ thản nhiên vào cà phê Internet truy cập thoải mái. Chơi cả 10 giờ mất có 60.000 đồng VN, vừa bằng 4USD thôi, sướng chưa? Còn nhiều quán cạnh tranh xuống giá, mỗi giờ tính có 4 đến 5 ngàn đồng VN. Tôi có cô cháu từ Seattle về VN, ngày nào cũng chui vào gửi và check mail búa xua, cứ than gửi mãi mà chưa hết một đô!
Vào đây khách sẽ được chủ nhân hướng dẫn chu đáo, nếu chưa có một địa chỉ nào để “chat”, có thể “mượn tạm” ông chủ hay mấy cô cậu sinh viên vài cái địa chỉ nào đó để làm quen. Sẽ gặp vô số những cô cậu sinh viên ngồi trước máy “chat” tưng bừng, có cậu trang nghiêm như Khổng Tử… ngồi tán nhảm, hai tay gõ bàn phím nhanh như điện, đôi khi có từng nhóm chí chóe bàn tán, rúc rích rất vui. Cuộc trò chuyện với người ở xa không hề biết mặt rất lý thú, có cô cậu đâm “nghiện chat”, ngày nào cũng phải đi “chat”. Chỉ cần một địa chỉ e mail, đến đó bạn sẽ tha hồ làm quen với người trên mạng. Phần đông trai Sài Gòn thích tâm tình với gái Hà Nội, Hải Phòng và ngược lại trai Hà Nội thích làm quen với gái Sài Gòn và miền đồng bằng sông Cửu Long. Vài cô cậu sinh viên muốn có cơ hội thử tài tiếng Anh của mình nên tìm kiếm làm quen với những người bạn nước ngoài, coi như đây là cách học tập thú vị và hiệu quả nhất. Thỉnh thoảng cũng có một số bạn Việt Kiều, hầu hết là ở Mỹ, Úc, Canada “cắn câu”, tha hồ rỉ rả tâm tình. Do vậy đã có những cuộc tình “nổ” ra không kém phần say đắm và chân thật. Nhưng không loại trừ có một vài “cô con trai” giả danh Kiều Tiên, Kim Loan, Thúy Phượng để đùa giỡn cho vui và khi nào hết vui lại kiếm một account khác “một đi không trở lại” làm người bạn hoài công mong đợi mà địa chỉ e mail vẫn cứ nín thinh. Có cô cậu chơi khăm, gái giả trai thì lấy hình của ông anh gửi cho “người đẹp”, trai giả gái thì lấy hình của em gái hoặc của cô bạn nào đó gửi cho “chàng trai viễn xứ”. Khối chuyện tréo cẳng ngỗng xảy ra quanh cái vụ “chat” dẫn đến những bi hài kịch chảy nước mắt. Đôi khi bạn cũng sẽ gặp vài cậu xấu chơi, có lời lẽ thô tục, tán tỉnh bậy bạ, dĩ nhiên bạn chỉ lặng lẽ thay địa chỉ hoặc “mắng cho mấy mắng” rồi chuồn êm. Có thể nói cái “xã hội chat” này rất thịnh hành ở những quán cà phê Internet hay những dịch vụ Internet Sài Gòn hiện nay. Thời buổi của người trẻ tiến bộ đúng nghĩa. Dù vậy vẫn còn một số không ít thanh thiếu niên chưa chịu theo kịp trào lưu nên tiếp tục chui vào những chốn “cà phê bụi trần”.
KHÚC BIẾN TẤU CỦA CÀ PHÊ SÀI GÒN
Những quán cà phê Sài Gòn ngày xưa dù là bình dân, vỉa hè, “nhếch nhác” cách nào đi nữa cũng không hề có cà phê ôm. Ngày xưa cà phê đèn mờ thì có nhưng “ôm” thì không. Cà phê ôm chỉ rộ lên vào thời gian sau này. Hai thập niên 80-90 nó hoành hành dữ dội đến những năm 2000 này thì có vẻ yếu thế vì biến tấu ly kỳ của các quán cà phê và các địa điểm rất đặc biệt của nó. Đó là những quán Cà phê vườn, cà phê gốc dừa, cà phê bóng tối… Chỉ cần sang khu Thanh Đa sẽ biết ngay nó như thế nào. Ở những khu đất bên dòng sông, người ta dựng lên các quán cà phê rất vắng vẻ kín đáo. Vào quán chỉ có bóng đêm, người ta gọi là ánh sáng “lumumba”, thậm chí người hướng dẫn phải dùng đèn pin mới soi chỗ mời khách an tọa được. Nhưng xin lưu ý là những quán này đều dành cho người đi có đôi, có trai có gái. Mặc dù những nơi đó được gọi là quán cà phê theo đúng tên trong thủ tục kinh doanh nhưng người vào đó là có mục đích khác chứ không phải để uống cà phê. Nếu đi một mình, người xung quanh sẽ cho là đi “rình” hoặc đi “coi cọp”, và nếu hai người bạn trai đi với nhau lại là một việc “bất bình thường”. Vào đây chỉ có thể nói chuyện với nhau bằng cách ghé thật sát hai mái đầu lại, môi đụng vành tai mới nghe rõ. Một chiếc ghế đôi, kiểu ghế xếp bằng vải bố, cho hai người ngồi chung, tự động võng xuống, tự động đẩy hai người sát vào nhau góp thêm “tiện nghi” cho đỡ mất công xích tới xích lui. Tiếng nhạc Rap, Rock từ những chiếc loa thùng, bass bập bùng như kiểu loa kẹo kéo, luôn luôn đập chát chúa để che đi những tiếng rên, tiếng cười rúc rích và những tiếng quái gở khác. Giá cả rất phải chăng nên hiện nay nó đang là mốt thịnh hành của những cô cậu thuộc hàng bình dân muốn có chỗ tâm tình “mạnh”, và của những cô gái mới lớn thích đi chơi nhưng “mậu lúi”, có cả những nữ sinh con nhà lành thích đi tìm cảm giác lạ thuở đầu đời. Khách hàng đông nhất là những cô cậu xuất thân từ “tỉnh lẻ”, những cô gái thuộc dạng “phố phủ” lên thành phố làm gia công, thợ may, đến tuổi có bồ, những anh thanh niên từ Bắc vào Nam làm thợ hồ, thợ nhuộm, sống cuộc đời lương thiện mới bắt đầu có tí tiền còm đưa nhau vào đây “tìm hiểu” nhau rồi có khi… chạy làng, hoặc có khi thành vợ thành chồng! Đi dọc khu bờ sông của bán đảo Thanh Đa vào buổi chiều tà, sẽ gặp vài chục quán loại này.
Loại cà phê ôm thì đã thành “chuyện hàng ngày ở xã”, có đủ cấp thấp, cấp cao. Từ vài ba ngàn đến vài chục, vài ba trăm ngàn không chừng.
Cà phê ôm thất thế nhưng vẫn ung dung tồn tại, chặt đầu này nó mọc đầu kia, cấm kiểu này nó lập tức “sáng tạo” kiểu khác. Tóm lại, khó thể dập tắt nổi, dù dân Sài Gòn coi cà phê ôm là lỗi thời rồi.
Cách đây năm bảy năm, khách của nó thuộc nhiều tầng lớp, kể cả những tay giàu có, những dân trúng mánh, những vị hái ra tiền như lá mùa thu, nhưng những năm sau này cà phê ôm chỉ còn lác đác một số “đánh lẻ ban ngày” hoặc dân lao động xa nhà, những anh khăn gói quả mướp từ miền Trung, miền cực Bắc, từ Nam Định, Thái Bình, Hà Nam chán cảnh ruộng đồng, sa cơ thất thế vào Sài Gòn kiếm đủ thứ việc làm. Quần quật từ sáng tới tối mịt, nhớ nhà, nhớ vợ bèn lội vào một quán “ôm” nào đó vừa uống vừa làm cho bớt cô đơn, vơi nỗi sầu xa xứ… Còn những tay có tí tiền, làm ăn khấm khá thì dắt nhau đến quán karaoké cho ra vẻ thời trang.
CÀ PHÊ VÀ KARAOKÊ, NƠI NÀO HƠN?
Khắp nơi mọc lên quán karaoké từ bình dân đến thượng hạng. Cuộc cạnh tranh giữa karaoké và cà phê âm thầm nhưng quyết liệt. Cuối cùng karaoké đã thắng. Nhiều ông bà chủ quán cà phê đổi nghề sang karaoké vì mối lợi lớn hơn, dễ ăn hơn. Chỉ một vấn đề cần lo toan là những cô gái đẹp. Không thể phủ nhận vẫn có các quán karaoké “đứng đắn” dành cho gia đình và khách thích hát hò cho “đời lên hương”. Nhưng những quán được coi là sạch sẽ chẳng đếm được bao nhiêu và những gia đình ở Sài Gòn cũng chẳng muốn đến quán để hát karaoké, có chăng chỉ là những kiểu “liên hoan văn nghệ” của vài cơ quan cỡ nhỏ hay hãng xưởng “nhí” nào đó cho nhân viên ăn uống rồi đến đây mua vui. Mặt khác, nhà nào cũng có thể hát karaoké ngay tại nhà mình trong khi cơ quan hoặc tiệm ăn nào cũng có nơi hát hò vui chơi. Ngoài những vị đi hát karaoké vì thú vui tao nhã đếm được trên đầu ngón tay, hầu hết là những ông sồn sồn đi chơi “lẻ”, những cậu có tiền hoặc dân tư sản kiếm ăn dễ dàng hay con ông cháu cha, con nhà có máu mặt…
Và karaoké biến chiêu liên tục. Sự biến chiêu y hệt ngày xưa các cuộc hát ả đào nghiêm chỉnh trở thành trò mua vui của những quán cô đầu
Hát ả đào là thú vui tao nhã của các cụ, mang thơ phú ra cho “cô đào hát” xướng ca với xênh phách, đàn địch, trống chầu thưởng phạt công minh – nhất là khi cụ làm được bài thơ đưa cho một cô đào hát. Những cô đào thường thanh sắc vẹn toàn tuy không nhất thiết phải là con gái tuyệt đẹp. Cô cất tiếng hát cùng nhịp phách điểm lách cách theo lời thơ, tiếng đàn đáy phụ trợ của anh kép đưa đẩy, còn cụ rung đùi đánh trống tom chát khi thưởng tiếng hát bay bổng đúng ý mình, khi phạt lỗi câu, lỗi chữ, lỗi diễn tả của cô đào hát. Cách cầm trống chầu này và lời ca tiếng phách của cô đào hát xác định là “tay chơi” có nghệ thuật, có lão luyện hay không. Cô đào hát cũng có quyền qua nhịp phách của mình bày tỏ sự kính phục “quan viên” hay bất bình với sự thưởng phạt. Đó là thú vui hoàn toàn tao nhã. Về sau, người đi hát không vì thú thưởng thức thi ca, còn các “cô đầu rượu” thì hoàn toàn không biết hát và quan viên đi hát cũng mù tịt về nghệ thuật gõ trống. Hát ả đào bèn được gọi nôm na là “đi hát cô đầu”. Những nhà hát có phòng đơn, phòng đôi cho khách ngủ lại và những cô đầu rượu có nhiệm vụ tiếp khách. Đó là cách đi hát cô đầu ở những quán Bà Mau – Hải Phòng, Khâm Thiên – Hà Nội. Sau 1954 nó “di cư” vào Nam, sống ngắc ngoải một thời gian ở miền Phú Nhuận rồi mất tích.
Karaoké ngày nay cũng có những điểm tương đồng. Người đi hát để hát thì ít mà để làm chuyện khác thì nhiều. Nhưng karaoké bao giờ cũng mang vẻ bảnh chọe hơn cà phê ôm, “văn minh sạch đẹp” hơn cà phê đèn mờ dù nó cũng chỉ có đèn mờ, đôi khi mờ tịt đến nỗi chẳng nhìn rõ mặt nhau, chỉ nghe tiếng hát đứt quãng và tiếng thở… hắt ra dài thườn thượt. Tuy nhiên, ở nhiều nơi không có phòng riêng, khách thường mất công hẹn hò với người đẹp vào một buổi sáng ngày mai, để “mời” người đẹp đi chơi “văn nghệ” hoặc mặc cả tình cảm dứt khoát.
Đặc điểm của những quán karaoké là dàn đào phải đẹp. Mỗi quán ít nhất cần năm bảy cô từ 16, 17 đến 25-26 tuổi là cùng. Nếu so sánh thì rõ ràng karaoké nhiều người đẹp hơn hẳn quán cà phê ôm hay không ôm. Một nhận định của các bạn trẻ từng “ăn cơm tháng” ở các quán karaoké Sài Gòn là phần lớn cô gái ấy xuất thân từ con nhà lành ở nông thôn. Sau các kỳ lũ lụt, các cô gái vọt lên thành phố khá nhiều và vì cạnh tranh nên các ông bà chủ mở những cuộc săn lùng gái trẻ rất “khẩn trương”. Chỉ cần trẻ và có chút nhan sắc là đủ hái ra tiền rồi. Trò hát hò vớ vẩn năm bảy bài thì quá dễ. Dưới bàn tay phù thủy, con Bé Ba, Bé Tư chỉ ngày trước ngày sau sẽ biến thành Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, Bích Lai, Thu Thủy, Thu Cúc ngay. Vì thế làm “đào” ở quán karaoké bao giờ cũng dễ hơn, “tư cách” hơn ở quán cà phê vườn, cà phê ôm. Và mỗi lần khách đứng lên, thế nào cũng có ít nhất 50 ngàn tiền “bo”, chưa kể tiền kiếm thêm bằng nghề hoa hồng “uống la de” của chủ. Chẳng bù với làm ở quán cà phê có khi đói dài, mỗi ngày chỉ thâu vài ba chục nếu không “làm chuyện khác”. Nghề đào karaoké nhàn hạ, kiếm tiền nhanh như chớp, bắt bồ “sộp” dễ như trở bàn tay nên nhiều cô gái quê đẹp rất dễ lao vào với cái micro dưới ánh đèn mờ. Đôi khi cũng chẳng cần đến cái micro “làm cảnh” cho vướng bận tay chân. Nhiều cô cứ đinh ninh mình chỉ làm một thời gian để giúp đỡ gia đình hoặc kiếm tí vốn rồi trở lại vùng quê như cũ, “hương đồng gió nội” chẳng bay đi tí nào. Cũng có những cô ngây thơ cho rằng chỉ ngồi với khách hát dăm ba bài thì có hại gì cho… cái tiết trinh. Nhưng chỉ ít ngày sau là mọi suy nghĩ kiểu đó tan tành như xác pháo. Mười cô vào quán karaoké hành nghề chưa thấy cô nào giữ nổi nguyên vẹn cái “dáng xưa”. Nếu một hai cô trở lại quê nhà thì chỉ ít ngày sau, sự kiếm tiền khó khăn, đồng quê buồn tẻ lại nhớ không khí ma quái của đèn mờ, nhạc giựt, kiếm tiền nhàn nhã… nên tự động quay về sống chết với quán. Cho đến khi hoa tàn nhị rữa sẽ tính sau. Ấy là chưa kể những thú vui bài bạc, heroin, hồng phiến, đeo đuổi đến cuối đời.
CÀ PHÊ “HÁT VỚI NHAU”
Tất nhiên vẫn có những quán cà phê chỉ để uống cà phê, ăn bánh ngọt thuộc loại sạch sẽ, nhàng nhàng như kem Bạch Đằng nằm chình ình giữa đại lộ Lê Lợi. Ngồi trong quán có máy lạnh hay ngồi bên hè ngắm ông Tây Bà Đầm dạo phố cũng vui.
Những năm gần đây, thêm loại cà phê Trung Nguyên dành cho khách trung lưu – hay bình dân loại khá. Cuộc phát triển quy mô của cà phê Trung Nguyên là một sự kiện kinh doanh khá nổi ở Sài Gòn. Chỉ cần vài năm, hầu như khắp nơi đều mọc lên cà phê Trung Nguyên, cũng máy lạnh, cũng cửa kính, giá cả phải chăng, địa điểm thuận tiện. Tìm được một căn nhà như thế này ở Sài Gòn không dễ và chẳng bao giờ rẻ. Bạc tỷ là chuyện tất nhiên. Công ty Trung Nguyên quả đã “chơi trội” với cách làm ăn nặng ký này. Nó rất thích hợp cho những cô cậu choai choai hò hẹn hoặc giới thương lái kiểu các “liền anh liền chị” buôn xe gắn máy Đài Loan, Trung Quốc… hoặc các vị công chức tầm tầm ngồi toát mồ hôi bên chiếc quạt máy Carelli cũ rích, kiếm chút thì giờ xả hơi với cô bạn làm cùng phòng. Quán không sang đến độ làm nhột cái bóp lép, cũng không “hèn” đến độ mất mặt anh hùng. Nó chung chung, khơi khơi như vậy và chỉ cần nhìn qua cũng thấy ngay vẻ “sáng sủa sạch sẽ” nên quán nào cũng đông vui. Tiếp viên thuộc loại “nhì nhằng” không để cho người khác “hiểu lầm” như nhiều quán cà phê khác. Vào cà phê Trung Nguyên, cũng sẽ được cầm micro nhảy lên sân khấu hát tưng bừng gọi là “hát với nhau”. Muốn hát bài nào, chỉ việc yêu cầu tiếp viên chọn bản có sẵn trong dàn máy khá hiện đại rồi nhào lên sân khấu cùng bè bạn, bất kể nam nữ, già trẻ lớn bé “hát với nhau” cho đến mệt nghỉ. Giá cả tương đối chấp nhận được từ 16 ngàn đến hơn hai chục ngàn, rẻ chán! Cà phê là chính, các loại nước giải khát là phụ, đôi khi cũng có cả rượu nếu cần. Xét ra cà phê Trung Nguyên đáp ứng nhiều nhu cầu của giới trẻ muốn tìm một nơi giải trí chừng mực. Trung Nguyên có thể còn phát đạt hơn nữa, miễn là không vì nhu cầu cạnh tranh mà biến tướng và màn hát với nhau không đến nỗi trở thành “hét với nhau”, có khi hét nhảm hét nhí làm đau tai khách hàng. Nhưng một câu hỏi là cà phê có ngon không? Xin thưa, nó chưa tuyệt tác đâu nên còn cần phải tăng chất lượng và có nhiều loại hơn cho khách chọn lựa. Tại sao không có café Ý, cà phê Tây như của Coffee Box với giá cả hợp lý hơn, khoảng chừng hai phần ba cái 50.000 đồng?
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA NHỮNG “BÉ” TIẾP VIÊN
Quán cà phê mọc lên nhiều kéo theo hàng loạt cạnh tranh nên những quán cà phê muốn sống còn vượt qua karaoké phải bổ sung đội ngũ tiếp tân của mình các cô gái trẻ đẹp mà khách thường gọi là “các bé”.
Những “bé” ở các quán cà phê nếu là loại trẻ đẹp và cần tiền một cách nhanh chóng nhàn hạ, thường tự chuyển hướng nghề nghiệp bằng cách tham gia đội ngũ karaoké. Những “bé” loanh quanh ở lại quán thường là mới từ nhà quê được tuyển lên hoặc vừa bỏ nghề làm mướn ở một “gia chủ” nào đó, hoặc có họ hàng, có tí ơn huệ với chủ quán, và cũng có một số là sinh viên học sinh từ các tỉnh vì hoàn cảnh khó khăn phải đi làm thêm. Họ cố giữ được đến đâu hay đến đó. Không phải cô nào cũng hư hỏng, cô nào cũng “ôm”, cũng “tiếp khách”. Điều đó tùy thuộc thời gian, môi trường và ý chí của từng người.
Tôi quen vài ông già, bất mãn cuộc sống gia đình hoặc “bà nhà” đã bỏ đi hay “viên tịch” sớm, sống một mình một chợ, “cóc sợ” HIV và cũng “cóc cần” AIDS. Có ông lý luận khá xuôi tai rằng “HIV/AIDS cũng phải 10 năm mới vật chết nổi. Tao già rồi chắc gì sống được đến 10 năm”. Ông áp dụng lý luận ấy vào cuộc sống thật của ông. Ông ăn chơi bạt mạng như một anh chán đời hạng nặng. Ông đến các tiệm cà phê, sưu tầm loại “xuân thu nhị kỳ”. Đó là loại khá đặc biệt. Khó ai có thể ngờ ở mấy cái quán cà phê lại thường có những cô tiếp viên chỉ khi nào cần tiền mới thỏa thuận đi chơi với khách và chỉ kén chọn loại “khứa lão”, càng lớn tuổi càng tốt. Đào nhí chỉ chọn ông già có vẻ là ngược đời, nhưng rất có lý. Bởi lẽ các cô không thích dây dưa với mấy anh trai trẻ thường đóng vai si tình áo lá, được một lần rồi cứ theo miết không chịu nhả, có khi đến ngồi ” ám quẻ” dài mặt ra ở quán khiến không làm ăn gì được, lại còn giở trò ghen tuông, đánh nhau lỗ đầu, thư hùng lố bịch, tan hoang cả quán. Có cô sợ gây tai tiếng, làm công an chú ý vì các cô là dân ở lậu do một lẽ nào đó không thể sống ở địa phương hoặc trốn chồng ở quê, chui lên thành phố kiếm tiền một thời gian rồi tính tiếp. Những “bé” kiểu này thường rất chịu khó, ngoài việc “bưng bê” có khi còn quần quật làm đủ thứ việc cho chủ quán như lau quét thu dọn cửa tiệm, rửa ly tách đến 11, 12 giờ đêm, và gặp anh chủ quán bất lương thì thường phải nín lặng gật đầu với những điều kiện hết sức đau lòng. Nó đem dâng cho thầy cho bạn, cho công việc áp-phe lẻ của nó. Những “ca” đó không phải “cá biệt” và ở quán nào cũng có.
Để ra sức cạnh tranh, một hình thức quảng cáo mời chào “thượng đế” là màn vào ra liên tục nhắm phô diễn dung nhan mỹ miều để câu khách ở cửa những quán cà phê có các nữ tiếp tân trẻ đẹp. Trong quán thì các “bé” ăn vận đủ kiểu trang phục hớ hênh, hiện đại, áo hở vai hở lưng, hở bụng, váy cực ngắn, thủ thỉ chuyện trò thân mật với khách. Nhưng không nhất thiết họ là những cô gái dễ dàng cho khách mua vui. Họ “làm việc” có giới hạn, có khi giới hạn do chủ muốn để quán thêm phần “trong sạch, tử tế”; có khi do chính những “bé” này tạo ra để giữ cái giá ngàn vàng hay “treo cao giá ngọc” theo toan tính riêng. Một số cô thường có điện thoại riêng để giao thiệp khi cần. Dĩ nhiên họ chỉ dúi số điện thoại này cho những thượng đế có vẻ tử tế và có tiền “đô” càng quý. Việt kiều thì tất nhiên là càng OK, nhưng nếu “người về rồi người biến càng nhanh càng tốt”. Chẳng cần tán dóc là anh ở lại mí em và anh chưa vợ hoặc anh vừa ly dị, các “bé” tuy bé nhưng thừa sức hiểu những “bài vở” cổ lỗ như thế. Các em tỏ ra tin tuyệt đối, nhưng sẽ cười bể bụng ngay sau khi anh ra về.
Vô số em xài điện thoại di động đủ loại, đủ giá từ vài trăm ngàn đến năm bảy triệu. Có em chỉ xài di động để người ta gọi tới chứ không gọi đi vì điện thoại đó là của chủ, cho các em mượn để làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, các em không được quyền gọi đi tán nhảm. Chủ tiệm kiểm soát đến nơi đến chốn những cuộc gọi này. Ngoại trừ những “call girl” thì có quyền tự do, nhưng “call girl” thường ít khi liên quan tới quán cà phê nào, các em có cuộc sống “độc lập, tự do”.
Quy trình “lột xác” của các bé thường tương tự nhau. Ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Thông, có một cô trẻ nhất trong đám 6 cô tiếp viên, khách thường gọi là “bé búp bê”. Nếu đi ngoài đường, không ai tin cô bé ở tiệm cà phê bụi mà sẵn sàng cam đoan đó là cô nữ sinh con nhà gia giáo hiền lành, ngây thơ. Mới 17 tuổi, xinh đẹp, trắng trẻo, còn nguyên vẻ tuổi ô mai. Gia đình em ở tuốt vùng biên giới, gặp lúc mất mùa, trắng tay, hai chị em biết tí đỉnh may vá được bà con thương tình đưa lên thành phố cho làm ở một công ty may mặc khá nổi tiếng. Công ty tận dụng sức lao động của công nhân, làm quần quật ngày hơn tám tiếng mà lương tháng chỉ 800 ngàn, tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xe, tiêu vặt chưa đủ. Đùng một cái, công ty không có đầu ra, bèn “giãn biên”, cho nghỉ hàng loạt. Làm việc không có hợp đồng nên các em nháo nhào đi kiếm việc rồi trôi giạt vào quán cà phê này. Bà chủ ưu ái cho mượn trước một số tiền mua sắm quần áo, son phấn, cho ăn ở chứ không phát lương. Các em phải tận dụng những gì trời cho để chi dùng vào các việc khác. Cho nên chẳng cần thúc ép các em cũng phải làm mờ mịt, chiều khách như chiều vong, ép khách uống như điên như khùng và đôi khi thả trôi thân phận vào một lúc nào đó như một điểm vô hình đã được hẹn trước.
Chỉ cần 3 tháng lăn lộn, “cô bé búp bê” lột xác hoàn toàn. Giai đoạn đầu em đi vài đường tình cảm với một kép làm ăn lớn, xài di động, chi toàn tiền đô, ở khách sạn loại sang. Em đổi đời với chiếc xe gắn máy đắt tiền, với bộ đồ giá cả triệu ở những tiệm xịn chuyên may cho ca sĩ tài tử điện ảnh, tóc nhuộm vài ba màu bay bay, trang điểm đủ kiểu Trung Quốc, Hàn Quốc… Nhưng chẳng biết được bao lâu nữa, em sẽ lại trở về với hai bàn tay trắng, hai bàn chân mỏi và cái thân xác vật vờ vì trót chơi ma túy.
Cái đà tuột dốc thường là không phanh. Nhưng em nào cũng muốn leo dốc, từ quán bình dân leo sang quán bề thế, từ bề thế nhảy sang quán “độc chiêu”, từ độc chiêu sà vào quán “thượng thặng quý phái”…
Con đường đau khổ của các em thường giống nhau, ít có ngoại lệ. Có chăng chỉ là trong tưởng tượng và trong giấc mơ hoa gấm của chính các em thôi. “Con Ba mà còn thế thì tao phải hơn thế. Con Tư nó dại chứ tao không dại”. Dù vậy, chẳng em nào khôn, chẳng em nào sang, chẳng em nào không tuột dốc. Xét cho cùng tiếp viên cà phê cũng là một nghề, khôn, dại tùy người, nhưng bi thảm là cứ đổi thay mà không hề biết mình đổi thay, lang thang trên con đường đau khổ mà cứ tưởng là con đường vinh quang đưa tới hạnh phúc.
Tuy nhiên tôi không muốn kết thúc bài viết bằng các hình ảnh bi đát mà chỉ mong gợi nhắc một quán cà phê nào đó trong tâm tưởng mỗi người chúng ta.