Cảnh Sát Quốc Gia xứng đáng với lòng ngưỡng mộ của dân chúng Miền Nam Tự Do

(Bài này tác giả cũng gửi đăng trong Ðặc San Phượng Hoàng của CSQG số Xuân Giáp Ngọ 2014)

Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa hồi Tháng Tư năm 1975, sau bao năm nhìn lại, tuyệt đối không phải chỉ là cái mất mát riêng của nhân dân Miền Nam Tự Do mà là sự mất mát chung của cả dân tộc Việt Nam từ Nam chí Bắc. Với chỉ có vỏn vẹn 21 năm tồn tại, từ 1954 đến 1975, và qua hai nền cộng hòa, Việt Nam Cộng Hòa đã là biểu tượng cho một quốc gia tự do, dân chủ, pháp trị, và nhân bản, nơi công bằng xã hội và nhân quyền được thực thi nhiều hơn bất cứ quốc gia kém mở mang nào khác trên thế giới vào lúc bấy giờ.

Anh còn nhớ hay anh đã quên?

Một điều mà thế giới đã quên, hoặc cố tình quên, rằng trong suốt giai đoạn lịch sử không mấy dài đó, Miền Nam Tự Do từng là một quốc gia đang có chiến tranh, một cuộc chiến tranh không phải do chính người dân trong phạm vi lãnh thổ của đất nước đó phát động – theo kiểu một cuộc nội chiến thông thường – mà là cuộc chiến tranh từ bên ngoài đất nước đó đưa vào và có sự hỗ trợ của các quốc gia thù địch khác trên thế giới. Nói cách khác, cuộc chiến tranh tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, từng được thế giới biết đến dưới tên cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), là do hành động của Cộng Sản Bắc Việt đưa quân lén lút vượt qua vĩ tuyến 17, lằn ranh giới ngăn đôi hai miền Nam, Bắc do Hiệp Ðịnh Geneva 1954 và quốc tế định đặt, xuyên qua vùng biên giới không được kiểm soát chặt chẽ của hai quốc gia lân bang Lào và Cambodia, và cuộc chiến tranh này đã được Khối Cộng Sản Quốc Tế hỗ trợ, trong đó hai cường quốc Liên Xô và Trung Cộng nắm vai trò chính yếu trong các hoạt động cung cấp vũ khí, tiền bạc và cả nhân lực cho các đoàn quân xâm lược cộng sản từ Miền Bắc tiến vào đánh chiếm cho bằng được Miền Nam rồi gọi hành động đó bằng một cái tên bịp bợm là cuộc chiến tranh “giải phóng Miền Nam.”

Ðiều “kỳ diệu” ngay giữa chiến tranh

Ðiều “kỳ diệu” là, ngay giữa lúc cuộc chiến tranh đó đang đến hồi khốc liệt nhất, với cao điểm là cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân (1968) và các trận đánh long trời, lở đất tại Quảng Trị, Kon Tum và An Lộc trong Mùa Hè Ðỏ Lửa (1972) mà thế giới từng biết tiếng, các quan sát viên quốc tế cũng như các nhà báo có dịp đặt chân đến nhiều nơi tại Miền Nam Việt Nam đều ghi nhận rằng người dân từ Bến Hải đến Cà Mau vẫn hưởng được một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng, bất kể chiến sự đang diễn ra khốc liệt trên các mặt trận không cách xa các đô thị và tỉnh thành nhộn nhịp bao nhiêu, bởi vì người dân tại những nơi này vẫn có thể nghe được tiếng “đại bác đêm đêm dội về thành phố.”[1] Cái “an bình trong thời chiến” này được coi như đã khởi sự từ lúc Tổng Thống Ngô Ðình Diệm lên chấp chánh tại Miền Nam Việt Nam hồi Tháng Bảy năm 1954, trải dài qua suốt nền Ðệ Nhất Cộng Hòa và cuộc đảo chánh sát hại Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hồi Tháng Mười Một năm 1963,[2] rồi tiếp tục cho tới thời quân đội chấp chánh cũng như thời Ðệ Nhị Cộng Hòa, và chỉ chấm dứt sau khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ trước cuộc tổng tấn công của Cộng Sản Bắc Việt xâm lược hồi Tháng Tư năm 1975, sau khi Ðồng Minh (Hoa Kỳ) đã “tháo chạy” từ đầu năm 1973, sau Hiệp Ðịnh Paris[3].

Ðiều “kỳ diệu” kia do đâu mà đến?

Xin thưa, đó là do không biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra, trước hết là của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và kế đó là của các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia, hai thành phần nòng cốt trong cuộc “kháng chiến thần thánh”[4] chống quân Cộng Sản xâm lược của nhân dân Miền Nam Việt Nam, hai lực lượng luôn đứng ở đầu sóng, ngọn gió trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam kéo dài gần hai thập niên để bảo vệ cho cuộc sống an bình và thịnh vượng của dân chúng Miền Nam Tự Do. Có thể nói rằng, trong khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được giao phó sứ mạng chống đánh quân thù ngoài tiền tuyến thì Cảnh Sát Quốc Gia giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho dân chúng và các cơ cấu chính quyền tại hậu phương. Tiền tuyến có sạch bóng quân thù thì hậu phương mới yên ổn làm ăn, và hậu phương có bảo đảm an ninh thì tiền tuyến mới yên tâm diệt giặc. Rồi khi hậu phương bỗng trở thành tiền tuyến, như trong trường hợp xảy ra vụ Biến Ðộng Miền Trung năm 1966 và cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968, các lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia, đặc biệt là các đơn vị cảnh sát dã chiến tinh nhuệ, đều cầm súng ra tuyến đầu để sát cánh với quân đội trong nhiệm vụ bảo quốc, an dân.

Nói cách riêng về Cảnh Sát Quốc Gia


Thiết tưởng, đã có quá nhiều sách báo và bài viết nói về những hy sinh xương máu lớn lao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến vừa qua, bài này xin được viết cách riêng để ngợi ca, ghi công và biết ơn những hy sinh to lớn của các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, mà một số người tại Miền Nam Việt Nam, kể cả các học giả và các nhà phê bình lịch sử, đã không để ý đến hoặc lãng quên đi.

Có thể nói, về quá trình thành lập, các lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa cũng ra đời vào cùng một thời gian với các đơn vị đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tức là kể từ thời Quốc Gia Việt Nam, tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù về mặt thực tế cũng như vì lý do chiến thuật và chiến lược, địa bàn họa động của hai lực lượng này đã được phân chia rõ rệt và khác biệt nhau. Ðiều cần ghi nhận là, với cuộc chiến tranh vừa mang tính quy ước vừa có tính “phản du kích” đặc thù tại Miền Nam Việt Nam trước đây, một cuộc chiến tranh mà phía cộng sản vẫn ưa gọi là “chiến tranh nhân dân” hoặc “chiến tranh cách mạng,” với kẻ địch đôi khi hầu như ở thế cài răng lược với dân chúng và với chiến tuyến thường khi rất khó phân biệt, vai trò tình báo và chiến đấu của các lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia càng trở nên thiết yếu qua nhiệm vụ yểm trợ đắc lực cho các lực lượng quân đội trong các trận chiến tại thành phố và tại những vùng đông đúc dân cư, nơi các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa vừa phải đánh trả quân cộng sản xâm nhập vừa phải nỗ lực bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân.

Lúc bấy giờ, trong hoàn cảnh Miền Nam Việt Nam Tự Do đang bị thù trong (các lực lượng phản chiến cùng những thành phần bị cộng sản giật dây luôn đòi quân, dân Việt Nam Cộng Hòa phải thôi chiến đấu chống cộng sản để có được hòa bình với bất cứ giá nào) và giặc ngoài (bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt, lực lượng du kích Giải Phóng Miền Nam và các “chí nguyện quân” đội lốt chuyên gia quân sự Trung Cộng, Liên Sô, Bắc Hàn, Cuba…) hợp lực tấn công ngày đêm, nhiệm vụ của người chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa đã tỏ ra hết sức nặng nề và khó khăn nếu so với nhiệm vụ của nhân viên cảnh sát tại các quốc gia đương thời khác. Ngoài Do Thái, với những cuộc chiến tranh dữ dội nhưng chóng qua chống các nước Ả Rập, hầu như không có quốc gia nào trên thế giới vào lúc đó thực sự ở trong tình trạng chiến tranh với một nước khác cả, nhất là bị cả thế giới cộng sản xúm lại vây đánh, như Việt Nam Cộng Hòa. Những khó khăn này càng gia tăng thập bội khi Việt Nam Cộng Hòa, oái oăm thay, đang là một quốc gia tự do, dân chủ và pháp trị chứ không phải là một nước độc tài (không cộng sản), cỡ Singapore (chuyên chế sáng suốt), Ðài Loan (độc đảng sáng suốt), Thái Lan, Miến Ðiện (quân phiệt), và các quốc gia độc tài quân phiệt khác tại Nam Mỹ, nơi các lực lượng cảnh sát được lệnh thẳng tay trấn áp bạo động quần chúng và được quyền đối xử tệ hại với các tù nhân mà không sợ bị khiển trách hoặc trừng phạt. Các thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ, kẻ chi tiền giúp Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống cộng sản, luôn gây áp lực lên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bằng cách thường xuyên theo dõi mức độ tôn trọng nhân quyền của chính quyền Miền Nam Việt Nam và canh chừng cả miếng ăn, giấc ngủ của các tù nhân cộng sản tại các nhà tù để bảo đảm rằng họ được đối xử nhân đạo, dù họ là kẻ phạm tội ác tày trời với chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa.

Vai trò đa dạng của người chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia

Ðể yểm trợ hữu hiệu cho cuộc chiến tranh tự vệ chống cộng sản xâm lược tại Miền Nam Việt Nam, các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia đã phải đóng nhiều vai trò khác nhau trong nhiệm vụ của họ:

– Vai trò của nhân viên công lực (thực thi pháp luật quốc gia, bảo vệ các cơ cấu chính quyền, các cơ sở và tài sản công cùng các giới chức chính phủ trong cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp);

– Vai trò của nhân viên tình báo (thu thập tin tức địch và phản gián để phá vỡ hoặc ngăn chân các kế hoạch phá hoại hậu phương của cộng sản, như cài đặt người vào guồng máy chính quyền, phá đường, phá cầu, đặt mìn, pháo kích khủng bố tại các thành thị và vùng quê);

– Vai trò khai thác tin tức địch (trong nhiệm vụ thẩm vấn kẻ bị bắt);

– Vai trò của người bạn dân (điều hành lưu thông, giúp đỡ người hiền lương, ngăn ngừa kẻ bạo hành, hòa giải các xung đột nhỏ trong phạm vi xã ấp và khu phố);

– Vai trò thẩm phán xét xử (xuyên qua các Biệt Ðội Hình Cảnh, tại những nơi vì chiến sự mà thiếu vắng hệ thống tòa án và trong các vụ tranh tụng có quy mô nhỏ tại địa phương);

– Vai trò của một nhân viên tâm lý chiến kiêm thông tin, dân vận và chiêu hồi (thu phục nhân tâm, thuyết phục kẻ địch buông vũ khí, quay về với chính nghĩa quốc gia);

– Vai trò của một nhân viên cải huấn phạm nhân (tại những nơi không có các trung tâm cải huấn);

– Vai trò của một cán bộ bình định xã ấp (trong nhiệm vụ phân chi khu phó và phó xã trưởng an ninh);

– Vai trò của cảnh sát quốc tế (Interpol); và

– Vai trò của một chiến binh ngoài mặt trận, từ nhiệm vụ của một tổ chức bán quân sự tiến lên giữ vai trò của một đơn vị quân sự (trong các trận chiến tại thành phố hoặc tỉnh lỵ, trong cuộc biến động Miền Trung (1966), cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 tại Huế và Sài Gòn-Chợ Lớn.

Phải biết rằng các lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia luôn tận dụng khả năng tình báo, chứ không phải sức mạnh của vũ khí, để bảo vệ sự an bình của người dân. Ngay cả trong những chiến dịch lùng bắt Việt Cộng nằm vùng, hoặc để phá vỡ những sào huyệt và hầm trú ẩn của cộng sản giữa vùng dân cư, lực lượng cảnh sát đều ngụy trang các chiến dịch đó dưới hình thức những cuộc hành quân cảnh sát bình thường để tránh khuấy động dân chúng và làm gián đoạn sinh hoạt làm ăn, buôn bán của người dân.

Một chút thành tích trong chiến đấu và phục vụ

Ðến đây, thiết tưởng cũng nên nhắc qua các thành tích tiêu biểu của Cảnh Sát Quốc Gia tại một số địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong suốt 21 năm tồn tại của miền đất tự do này, giữa lúc Việt Nam Cộng Hòa đang lâm vào cuộc chiến một mất, một còn với quân xâm lược Cộng Sản Bắc Việt và Khối Cộng Sản Quốc Tế.

Có thể nói, hai chiến tích ngoạn mục nhất nói lên tinh thần cùng khả năng chiến đấu kiên cường và hữu hiệu của người chiến sĩ cảnh sát quốc gia là cuộc đánh dẹp các thành phần chống chính phủ và cộng sản nằm vùng trong vụ Biến Ðộng Miền Trung tại Ðà Nẵng và Huế hồi năm 1966 (khi có một số thành phần quân, dân, cán chính địa phương võ trang chống lại chính phủ trung ương do hội đồng quân nhân lãnh đạo, kéo theo các thành phần bị cộng sản giật dây nổi lên gây xáo trộn tại hậu phương với mục đích làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội ngoài tiền tuyến)[5] cũng như trận phản công chiếm lại một số khu vực đang nằm trong tay quân cộng sản tại Sài Gòn-Chợ Lớn sau Tết Mậu Thân 1968, nơi Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia, đã đích thân điều quân tại mặt trận và xử tử tại chỗ một cán binh Việt Cộng từng sát các đồng đội của ông[6].

Sau đây là những chiến tích khác của Cảnh Sát Quốc Gia từng góp phần tạo nên các chiến thắng của quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa trong mấy năm sau cùng của “cuộc chiến tranh bị bỏ dở” tại Miền Nam Việt Nam[7]:

– Tại tỉnh và tiểu khu Ðịnh Tường, hồi năm 1971, các hoạt động tình báo của Cảnh Sát Quốc Gia đã giúp bảo vệ được Cầu Quây, Mỹ Tho mà Quân Khu 8 của Cộng Sản Bắc Việt đã chỉ thị phải đánh sập cho bằng được. Chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Ðịnh Tường lúc bấy giờ là Trung Tá Ðỗ Kiến Mười và phụ tá đặc biệt là Nguyễn Văn Huế. Kết quả, các lực lượng Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân Mỹ Tho đã giữ vững được cây cầu quây này và còn bắt được nhiều đặc công cùng một số vũ khí và mìn bẫy.

– Ít lâu trước Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, Bộ Chính Trị Cộng Sản Bắc Việt tại Hà Nội đã ra chỉ thị cho Khu Ủy và Tỉnh Ủy Tây Ninh phải đánh và chiếm cho bằng được tỉnh lỵ Tây Ninh và Thánh Thất Cao Ðài thuộc Quận Phú Khương.Ngay sau khi đi nhận chỉ thị trong mật khu (Chiến Khu D) về, bộ phận X92 của Cảnh Sát Quốc Gia đã báo cáo đầy đủ chi tiết lên Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tây Ninh, và nơi đây đã cho phi cơ mang gấp tài liệu này về Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia (khối Ðặc Biệt) tại Sài Gòn. Bộ Tư Lệnh liền trình vụ việc này cho Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị các lực lượng quân đội và cảnh sát phải bảo vệ Tây Ninh, nhất là Thánh Thất Cao Ðài, bằng mọi giá, bởi vì phía cộng sản biết, một khi Thánh Thất Cao Ðài lọt vào tay cộng sản rồi, phía quốc gia không thể dùng súng đạn để giải tỏa Tây Ninh vì sợ làm chết dân, và cộng sản sẽ dùng chiến thắng này của họ để nuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải nhượng bộ họ tại cuộc hòa đàm đang tiếp diễn ở Paris.

Trước tinh hình đó, vị tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Tây Ninh và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia đã cùng các đơn vị quân đội gồm Trung Ðoàn 49 thuộc Sư Ðoàn 25 đã nhóm họp liên tục để tìm biện pháp đối phó. Quân Khu đã cho tăng cường một số đơn vị Thiết Giáp cùng mìn bẫy án ngữ phía Bắc tỉnh lỵ trong khi Công Binh thì lo đào giao thông hào để sẵn sàng chiến đấu giữ vững Tây Ninh. Ðúng theo kế hoạch đã định, Việt Cộng bắt đầu trận đánh từ giữa khuya ngày N. Sau những đợt tấn công và pháo kích suốt 5 tiếng đồng hồ cho đền khi trời rạng sáng, lính Việt Cộng đã không thể qua được hơn 10 km giao thông hào phía Bắc tỉnh lỵ, nơi được phòng thủ bằng hàng chục chiến sĩ với súng với M72 và mìn chống xe tăng trong các công sự kiên cố. Sau những tổn thất nặng nề về nhân mạng và vũ khí mà không chiếm được tỉnh lỵ Tây Ninh, quân Việt Cộng đành đổi hướng tấn công, và trận chiến Bình Long (An Lộc) nổ ra hai hôm sau đó.

– Trước khi Hiệp Ðịnh Paris 1973 được ký kết, Trung Ương Cục Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt đã cho binh lính của họ học tập trước khoảng 1 tuần. Theo X92, các cấp chỉ huy Việt Cộng cho biết hiệp định sẽ có hiệu lực từ 00 giờ ngày 27 tháng 1 năm 1973, và tất cả các đơn vị của Việt Cộng phải đồng loạt nổ súng tấn công vào các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa từ thành phố đến các thôn ấp, với mục đích “lấn đất, giành dân” được chừng nào hay chừng nấy. Nhưng phía chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, nhờ tình báo quân đội và cảnh sát, đã biết trước nên đã phổ biến tin tức này đến các đơn vị quân đội cũng như cảnh sát và ra lệnh mọi nơi phải tăng cường bảo vệ từng tấc đất, từng con sông của phía quốc gia. Kết quả, chỉ vài ngày sau, các lực lượng quân đội và an ninh trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa đã quét sạch quân Việt Cộng ra khỏi các vùng dân cư mà họ đã tạm thời chiếm đóng trước giờ ngưng bắn.

– Ðầu năm 1974, qua công tác X80, Cảnh Sát Quốc Gia đã phá vỡ các tổ chức đặc công Việt Cộng từ Saigon đến các tỉnh miền Ðông và miền Tây, tức là tại Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật, qua đường dây giao liên Y4 mà các lực lượng cảnh sát đã theo dõi từ hơn một năm trước. Kết quả, các lực lương an ninh Việt Nam Cộng Hòa đã bắt được Thiếu Tá Việt Cộng Sáu Ðộng và Nguyễn Văn Dần, chủ nhà hàng Thanh Bạch trên đường Lê Lợi, gần bệnh viện Saigon. Cũng qua đường dây Y4 này, cảnh sát đã phá vỡ được một tổ chức đặc công cộng sản với đầy đủ tang vật, súng ống, mìn và chất nổ trong nội thành Saigon cũng như một số tỉnh khác. Ðặc biệt, Cảnh Sát Quốc Gia cũng bắt thêm 152 người làm nội tuyến cho Việt Cộng, gồm đủ thành phần dân, quân, cán, chính. Riêng Nguyễn Văn Dần, sau lần tự tử thứ nhì, đã chết trên đường được đưa đến bệnh viện cứu cấp.

Thay lời kết


Trong những ngày lễ, những dịp vui chơi của người dân, kể cả những ngày Tết thiêng liêng hằng năm tại Miền Nam Việt Nam, người chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia ít khi nào có cơ hội được an hưởng những giây phút vui chơi đó. Từ thủ đô Sài Gòn cho đến các tỉnh lỵ và huyện lỵ trên toàn quốc, không bao giờ thiếu vắng những chiếc xe “tuần cảnh” hoặc những toán “tuần cảnh bộ” rong ruổi ngày đêm trên khắp mọi nẻo đường hầu bảo đảm sự an bình cho dân chúng. Bài học của lòng cả tin đối với kẻ lừa lọc, xảo trá cộng sản vào Tết Mậu Thân 1968 không bao giờ được cho phép lặp lại.

Có thể nói rằng các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa đã gắn bó thiết tha với quê hương, tổ quốc qua một đời tận tụy phục vụ đất nước và nhân dân Miền Nam Tự Do từ thuở khai quốc (1954) cho tới thời điểm vong quốc (1975).

Ðiều nổi bật mà người viết đã mạn phép để dành lại để nêu lên nơi đây là tính nhân đạo đáng trân quý của người chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa trong thời lửa đạn – ngoài bốn đức tính chỉ đạo của ngành là công, minh, liêm chính – khi các thành viên trong lực lượng cảnh sát của Miền Nam Việt Nam trước đây, mặc dù ngày đêm phải đối diện với kẻ thù cộng sản vừa tàn ác vừa xảo quyệt, đã rất hiếm khi dùng tới bạo lực thái quá hoặc sát hại dân lành một cách máy móc và lạnh lùng như các lực lượng cảnh sát tại một số quốc gia được coi là văn minh, tiến bộ trên thế giới lúc bấy giờ và ngay cả bây giờ, trong đó có cả Hoa Kỳ, mặc dù các quốc gia này chưa hề phải đối phó với một cuộc chiến tranh xâm lược trực diện có tầm cỡ lớn ngay trên lãnh thổ của quốc gia mình như Việt Nam Cộng Hòa thời Chiến Tranh Việt Nam.

Xin ngả nón kính phục khả năng chuyên nghiệp cao và lòng nhân ái – được hấp thụ từ nền giáo dục nhân bản thời Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa – của người chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, những người cùng chí hướng với biết bao chàng trai thế hệ từng chen vai, thích cánh với quân đội và nhân dân Miền Nam Việt Nam trong sứ mạng giữ yên quê mẹ trong suốt hai thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa. Xin ghi công và biết ơn các đóng góp to lớn và hy sinh cao cả của những người chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia vào đại cuộc để dân chúng Miền Nam Việt Nam thuộc các thế hệ có thể vui hưởng cảnh thái bình trong chiến tranh và yên ổn làm ăn, buôn bán, học hành ngay cả trong lúc đất nước chưa hòa bình. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia đã xả thân vì tổ quốc và đồng bào, trong đó có anh linh của cố Trung Tá Nguyễn Văn Long và những người chiến sĩ cảnh sát không tên tuổi đã ung dung tuẫn tiết để tạ lỗi với quê hương trong ngày 30 Tháng Tư đau thương, khổ nhục đó, một cột mốc đen kịt trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu điểm khởi đầu của thời kỳ Việt Nam thôi không còn đứng vững nữa trong tư thế một quốc gia sau hơn bốn ngàn năm tồn tại trước bao kẻ thù xâm lược. (Nguồn: Ðặc San Phượng Hoàng, Xuân Giáp Ngọ 2014)

______________________________

Ghi chú:

[1] Ðây là lời nhạc trong ca khúc “Ðại Bác Ru Ðêm” của Trịnh Công Sơn nói về cuộc chiến tranh trên quê hương Việt Nam. Trong nhạc của họ Trịnh, người ta chỉ nghe toàn tiếng bom và tiếng đại bác vang rền chứ không hề nghe tiếng súng AK chát chúa bao giờ, mặc dù thường dân chạy loạn trên Ðại Lộ Kinh Hoàng (Quảng Trị năm 1972) và Quốc Lộ 7 (từ Phú Bổn đến Tuy Hòa năm 1975) hễ nghe tiếng súng AK thì đều kinh hồn, bạt vía. Suốt 2 thập niên 1960 và 1970, người nhạc sĩ phản chiến một thời này đã đóng góp phần nào vào việc làm “nản lòng chiến sĩ” trong công cuộc chiến đấu chống quân Cộng Sản xâm lược tại Miền Nam Việt Nam, và coi như, không nhiều thì ít, ông đã giúp đẩy nhanh chiến thắng của những người cộng sản Việt Nam trước một Miền Nam Tự Do không thiếu những nhà trí thức ngây thơ.

[2] Những người Miền Nam Việt Nam có khuynh hướng cầu toàn (perfectionist, perfectionism) vẫn chỉ trích chế độ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là gia đình trị và kỳ thị Phật Giáo. Những người bằng lòng với một lựa chọn tương đối cho Miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó – sau khi có dịp so sánh thời ông Diệm với với thảm cảnh Việt Nam hiện nay dưới chế độ cộng sản, là chế độ đang áp dụng chính sách đàn áp tôn giáo tồi tệ gấp trăm, ngàn lần so với “chính sách” kỳ thị Phật Giáo của chế độ ông Diệm (mà Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ là chứng nhân lịch sử quan trọng nhất) – vẫn coi ông Diệm là lãnh tụ “tương đối” đức độ (so với ông Hồ Chí Minh, bởi vì cụ Hồ thì cái gì làm cũng được, kể cả đóng kịch, và thủ đoạn nào cũng không từ, còn cụ Ngô thì không) và có công khai sáng nền Cộng Hòa Việt Nam cũng như giữ vững độc lập dân tộc trước áp lực ngày càng gia tăng của Ðồng Minh Hoa Kỳ, kẻ nắm hầu bao giúp người quốc gia chống cộng sản tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ nhưng lại muốn đưa quân vào Miền Nam Việt Nam để biến nơi đây thành một căn cứ, dù chỉ là tạm thời, của họ ở Ðông Nam Á. Sau khi chế độ “độc tài, gia đình trị” của Tổng Thống Diệm đã cáo chung, ngoại trừ ông Nguyễn Tường Tam đã tự tử (vì chỉ có lịch sử mới có quyền phán xét ông), hầu như tất cả các chính trị gia tại Miền Nam Việt Nam, kể cả các thành viên của “Nhóm Caravelle,” trong đó có nhà giáo nổi tiếng liêm khiết Trần Văn Hương, đều có cơ hội ra chấp chánh và thi thố tài “trị quốc, bình thiên hạ” của mình, nhưng cũng không ai làm nên sự nghiệp gì đáng kể, đừng nói chi tới chuyện cứu vãn được Miền Nam Việt Nam khỏi tay cộng sản.

[3] Lấy ý từ quyển “Khi Ðồng Minh tháo chạy” của Nguyễn Tiến Hưng, xuất bản tại Mỹ năm 2005.

[4] Chữ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

[5] Cựu Thiếu Tá Liên Thành, từng là trưởng ty Cảnh Sát Thừa Thiên-Huế, sau là chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế, trong quyển “Biến Ðộng Miền Trung” được xuất bản hồi năm 2012 tại hải ngoại, đã nói nhiều tới các cuộc hành quân tình báo của Cảnh Sát Quốc Gia vào sào huyệt của các thành phần bị cộng sản giật dây tại Huế và các tỉnh Miền Trung trong những năm từ 1966 đến 1972 sau khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị đảo chánh và bị ám sát. Tác giả Liên Thành đã bị nhiều giới trong cộng đồng người Việt hải ngoại lên tiếng đả kích gắt gao qua quyển sách này, vì họ cho rằng một số chi tiết được tác giả nêu ra trong quyển sách đó không đúng sự thật.

[6] Hình ảnh Tướng Loan bắn chết tại chỗ một cán binh Việt Cộng trong cuộc chiến Tết Mậu Thân tại Sài Gòn-Chợ Lớn lúc bấy giờ đã bị các cơ quan báo chí truyền thông ưa tung tin giật gân của Mỹ và các nước Tây phương làm rùm beng, coi như một vụ sát hại chính trị – cỡ vụ ám sát các Tổng Thống Công Giáo Ngô Ðình Diệm và Kennedy – trong khi, về thực chất, đó chỉ là hành động bình thường của bất cứ người chiến binh nào ngoài mặt trận từ hồi Thế Chiến Thứ Nhất ở Âu Châu đến Chiến Tranh Việt Nam tại Ðông Nam Á. Có điều, chính bức hình này cùng với bức hình chụp bé gái Phan Thị Kim Phúc bị phỏng vì bom xăng do phi cơ Ðồng Minh thả xuống tại mặt trận Tây Ninh (dù có giá trị nghệ thuật cao vời và từng nhận được các giải thưởng quốc tế cao quý) đã khiến thế giới lầm tưởng rằng Việt Nam Cộng Hòa và Ðồng Minh là kẻ ác trong chiến tranh, trong khi sự thật thì hoàn toàn ngược lại, như lịch sử đã chứng minh sau khi đống tro tàn của cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã lắng xuống, và sau khi những kẻ, vào lúc đó, chuyên hùa nhau bênh vực cộng sản (cỡ Olof Palmer, John Kerry, Jane Fonda, và Joan Baez) đã sáng mắt ra.

[7] Lấy ý từ quyển sách nhan đề “The Unfinished War: Vietnam and the American Conscience” của Walter H. Capps, do Beacon Press xuất bản tại Boston năm 1990. Gọi là “cuộc chiến tranh bị bỏ dở” cũng có thể là vì Ðồng Minh Hoa Kỳ đã tháo chạy và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa giữa lúc quân, dân cán, chính Miền Nam Việt Nam đang trên đà thắng lợi trước kẻ thù xâm lược từ phương Bắc và giữa lúc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau bao năm được tôi luyện trên các chiến trường gai lửa và nhất là sau những chiến thắng vang dội trong các trận An Lộc và Cổ Thành Quảng Trị, đã trở thành một đội quân tinh nhuệ vào bậc nhất tại Á Châu lúc bấy giờ. Mặc dù ngày nay Ðại Hàn Dân Quốc (Republic of Korea) đã bỏ xa Việt Nam trên tất cả mọi lãnh vực, tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội nước này lúc đến giúp Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản, công bằng mà nói, vẫn không thể nào so sánh với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được.