Báo điện ảnh kịch trường trước năm 1975

Ca sĩ, diễn viên Thanh Lan thời trẻ qua ống kính của Viễn Kính, tức Đinh Tiến Mậu. (Hình: Zing)
Giai đoạn 20 năm báo chí văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975 theo tôi là một thời kỳ khác thường hơn cả trong toàn thể lịch sử văn học Việt Nam của thế kỷ 20.

Qua đó, sự phức tạp cần được tìm hiểu và giải thích hầu cho sau này người đọc sẽ thấy dễ hiểu hơn nhờ bớt phải tìm kiếm tài liệu, vì tài liệu càng xa càng khó kiếm, càng lâu càng phai mờ dần. Cho nên đưa ra một nhận định khái quát có thể giúp ích cho sự tìm kiếm sắp xếp tài liệu, đó là nét chính của bài này.

Trước năm 1954 theo tôi được biết, Sài Gòn không có loại báo nào gọi là báo điện ảnh. Tuy rằng nếu tôi nhớ không lầm, khi còn ở Hà Nội tôi đã thấy rạp xi nê Đại Nam trên phố Huế chiếu một phim Việt Nam nhan đề “Kiếp Hoa” nhiều phần từ Sài Gòn đưa ra. Phim ảnh chưa sản xuất được thì báo điện ảnh chưa thể khai sinh.

Trên đường đi học về, từ Hồ Thiền Cuông qua đường Goussard, tới Phố Huế quẹo trái, tôi thấy có một rạp hát mới xây, là rạp Đại Nam. Trước rạp phía trên cao thấy tấm bảng quảng cáo cho một cuốn phim mới, một tấm bảng màu sắc rất bắt mắt.

Đây là loại bảng vẽ bằng chổi rơm, nhúng chổi vào thùng bột màu pha bằng nước lã, bảng hình như bằng một thứ vải thô kiểu bao tải, xung quanh kẹp lại bằng mấy thanh gỗ mỏng, trên kẻ tên phim và vẽ hình tài tử, hay một cảnh phim sơ sài.

Nay tôi không còn nhớ đó là bảng quảng cáo cho phim “Samson et Dalila” hay là cho phim “Kiếp Hoa” nữa. Tên phim là “Kiếp Hoa,” người nói là phim Việt Nam, người bảo là phim Tàu, tài tử trong phim “Kiếp Hoa” gồm những ai cũng không còn nhớ. Nổi tiếng lúc ấy là Lý Lệ Hoa, là Kim Chung. Nhiều phần là Kim Chung, tôi vẫn nhớ vẻ đẹp của bà.

Sau đó khoảng hai năm, khi đã ở Sài Gòn đoàn ca kịch Kim Chung được thành lập và đóng đô trên một con phố chạy dọc theo bức tường ngăn ga xe lửa với phố xá bên ngoài – dường như ở quãng gần Ngã Sáu và bùng binh Chợ Bến Thành, tôi đã có vài lần đạp xe qua, ngó vào rạp xem sao; chỉ tiếc năm lần đi qua thì có tới bốn lần rạp đóng cửa im ỉm.

Sau này rạp chuyển đi chỗ khác, gần đâu khu Trần Quí Cáp (Ngay cả những tên phố tên đường trong bài này tôi viết theo ghi nhận từ những năm giữa thập niên 1950, gần lắm cũng là khoảng 1957, 1958, hơn nửa thế kỷ tính tới lúc tôi đang viết bài này). Các nam tài tử diễn viên của Kim Chung nếu tôi nhớ được thì may ra có vai nam chính, điển trai, là Ngọc Toản. Có thể có một chàng nữa là Đức Quỳnh chuyên đóng vai ác, mặt nhọn, lông mày xếch ngược, ria mép đen, dáng đi khệnh khạng…

Sau phim “Kiếp Hoa,” nổi nhất, có lẽ không còn phim nào khác nổi hơn, Sài Gòn giữa thập niên 1950 chưa có báo chí chuyên về điện ảnh, tuy cũng có những bài báo về cải lương, và ca kịch.

Sinh hoạt của mấy ngành này chủ yếu nơi các đài phát thanh Hirondelle, Con Én, hay Con Nhạn, đài phát thanh của mấy người Pháp, dần dần cũng phiêu dạt, nhưng bù lại, khi người Pháp ra đi, mấy đài trên đổi tên, đổi người.


Tài tử Kiều Chinh thời trẻ. (Hình: Zing)


Mặt khác, từ 26 Tháng Mười, 1956, khi nền Cộng Hòa được thành lập, Đài Phát Thanh Quân Đội ở khu Cục Tâm Lý Chiến sau này, là nơi dụng võ của ngành văn nghệ phát thanh, nơi người ta cho chạy lại những đĩa nhạc Asia khổ lớn rất thịnh hành ở trong Nam hồi đó.

Tôi nghe người bạn thân là Thanh Nam nói nhiều về giai đoạn này, anh vào Nam từ năm 1952, và lúc ấy anh là nhân viên Đài Phát Thanh, cùng các tài tử giai nhân một hai năm về sau như Anh Ngọc, Quách Đàm, Tâm Vấn, Thu Trang, và Trung Tá Châu, như là giám đốc đài.

Những kịch sĩ miền Nam tên tuổi lớn có Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Anh Lân, Kim Cương… Các ký giả liên hệ nhiều với giới ca kịch nhất là ca kịch miền Nam có Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Tô Nguyệt Đình, Nam Thanh, Quốc Phượng…

Một thời văn nghệ hơn nửa thế kỷ trước nay không thể nhớ nhiều hơn được nhất là chúng ta không còn sách vở tài liệu, sau những di cư, di tản, và vượt biên, vượt biển, đường bộ hay đường thủy. Một lần để nhắc lại, một lần rồi thôi, dĩ vãng.

Năm 1959-1960 trong khi dạy học ở Ban Mê Thuột tôi vẫn viết bài gửi về cho tuần báo Điện Ảnh lúc ấy do ông Nguyễn Ngọc Nhạ trông coi, thường là truyện ngắn.

Nhưng sau một thời gian đọc tờ Điện Ảnh, thấy đủ loại bài viết về xi nê, từ chuyện tình các tài tử Hollywood cho tới các bài dịch thuật truyện phim, phỏng vấn minh tinh tài tử ca sĩ, tôi nghĩ sáng tác còn được nữa là phóng tác, mà phóng tác từ báo chí xi nê ngoại quốc, tôi thấy tiệm sách Tây (tên là Portail) trên đường Catina có bán.

Thỉnh thoảng tôi có mua một tờ, nhất là khi thấy những tấm hình lộng lẫy của Marilyn Monroe hay Brigitte Bardot in cả trang báo. Thời gian đó việc kiểm duyệt sách báo ngoại ngữ rất gắt gao, khôi hài là nếu tiệm sách chịu cắt bỏ cái hình đó, họ được phép bán tờ báo đó, hay trao tờ báo đó cho người đặt mua từ trước.

Bạch Đằng tại Ban Mê Thuột là một trường trung học tư thục do các bạn tôi thành lập, các anh Quy, Liễn, Thọ, tôi chỉ phải dạy 4 hay 6 giờ một tuần, nên dư thì giờ viết và vẽ.

Bài gửi về báo Màn Ảnh (vừa đổi tên từ Điện Ảnh sau khi nội bộ có đổ vỡ, nhánh ở lại vẫn làm Điện Ảnh, nhóm ra đi lập ra tờ báo mới tên là Màn Ảnh) tôi thường kèm theo cả tranh vẽ, hay hình cắt ra từ tờ báo Tây.

Một hôm tôi được tòa báo hỏi: anh vừa viết vừa vẽ đấy à? Phải anh vẽ không? Tôi bảo phải. Nếu anh vừa viết vừa phóng tác lại vừa vẽ những bài anh viết sao anh không về Sài Gòn làm báo với chúng tôi?

Thế là một hôm sau khi dạy giờ chót trong tuần (tôi vẫn nhờ thu xếp để chỉ dạy ba ngày thôi, sáng Thứ Sáu có thể ra bến xe đò Minh Trung mua một cái vé 110 đồng là sẽ về tới Sài Gòn trong ngày; sáng Thứ Hai lại đi ngược lại là mua cái vé Minh Trung lên Ban Mê Thuột, đi dạy đúng giờ) – tôi đã mua cái vé chót về Sài Gòn, và bỏ việc dạy học.

Lý do, ông bà Mai Châu, chủ nhân tờ Màn Ảnh, mời tôi làm thường trực cho tờ báo. Là một người làm việc bằng ba (viết, vẽ, dịch), thế nào các ông bà chủ báo cũng quý tài. Lúc ấy phim ảnh Tây phương khá rầm rộ, Sài Gòn có khoảng sáu, bảy rạp chiếu phim, và báo chí về phim ảnh đã có tới hai ba tờ, không kể những trang điện ảnh kịch trường trên các nhật báo.

Một số những tờ báo ban đầu chuyên về điện ảnh và nhân sự chính, khoảng năm năm đầu từ 1955-1960:

- Điện Ảnh tuần báo: Nguyễn Ngọc Nhạ, Quốc Phong, Anh Tuấn.

- Màn Ảnh: Mai Châu, Trần Quân, Hoàng Hải Thủy, Ngọc Hoài Phương.

- Kịch Ảnh: Quốc Phong, Mai Thảo, Lê Hoàng Hoa, Thanh Nam.

- Hồng tuần báo: Trịnh Quan, Viên Linh, Văn Quang, Quỳnh Kỳ.

- Sân Khấu Kịch Trường.

- Nhạc Trẻ: Trường Kỳ, Tùng Giang.

- Các nhật báo miền Nam phần đông có nguyên trang sân khấu điện ảnh…

Các đạo diễn điện ảnh và giới diễn viên tài tử trẻ trung hầu hết đều xuất hiện không nhiều thì ít trên vài diễn đàn này, như Đoàn Châu Mậu, Thân Trọng Kỳ, Lê Hoàng Hoa, Kiều Chinh, Thanh Lan, Trần Quang, Vũ Đức Duy, Đỗ Tiến Đức, Lê Quỳnh, Lê Mộng Hoàng…