Chương 14: Giai Đoạn 1954-1963: Bối Cảnh - Tình Hình Từ 1954

Tình hình từ 1954

Khi hưng thịnh

CUỘC NGƯNG CHIẾN

Trước hết cuộc ngưng chiến đem lại một cảm tưởng hòa bình. Hiệp định Genève rồi đi tới đâu? Sau hai năm rồi có hay không có tổng tuyển cử? Đối với quần chúng, những chuyện đó thật mù mờ. Nào ai biết! Dù sao ngay lúc ấy mọi người cũng thở phào nhẹ nhõm. Ít ra tiếng súng ngưng nổ, người ngưng chết; ít ra không còn có những cuộc lùng bắt lính, không có bố ráp, thủ tiêu v.v...; ít ra người ta có thể nghĩ đến công việc làm ăn, cày cấy, dựng lại nhà cửa, những ngôi nhà hoặc bỏ hoang lâu ngày, hoặc từng bị phá đi đốt lại nhiều lần ở miền quê v.v...

Đối với phía cộng sản, nhất là đối với giới cầm quyền bên phía cộng sản, thì cuộc ngưng chiến này chẳng qua là một dịp nghỉ tay. Nghỉ tay để chuẩn bị cuộc đụng độ mới. Cuộc đụng độ ấy, họ đã bố trí kỹ, ngay từ khi ký kết ở Genève, ngay cả trước khi ký kết. Họ bố trí những “cơ sở” bí mật nằm vùng tại Miền Nam, họ cho bộ đội cưới vợ thật gấp để tạo những liên hệ tình cảm mật thiết tại Miền Nam hầu làm đầu mối cho những hoạt động lẩn lút, những hoạt động phá hoại khủng bố do cán bộ của họ từ ngoài Bắc chui vào sau này v.v... Tuy nhiên đối với dân chúng Miền Nam, với giới trí thức, văn nghệ sĩ, với cả giới chính trị Miền Nam, những tính toán, mưu mô âm thầm ấy không có ai ngờ tới. Tạm thời ai nấy nhẹ nhõm, yên trí bắt đầu một thời kỳ xây dựng.

ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT

Thời kỳ hòa bình lại trùng hợp với thời độc lập. Điều mà Bảo Đại không đạt được suốt bảy năm nhì nhằng với Pháp (kể từ cuộc gặp gỡ Bollaert ở vịnh Hạ Long) bỗng nhiên Pháp buông tay thả ra: Ngày 4 tháng 6 năm 1954, Pháp ký hiệp ước Độc Lập (Traité d'Indépendance) với thủ tướng Bửu Lộc, thừa nhận Việt Nam độc lập với chủ quyền toàn bị theo công pháp quốc tế, Pháp bằng lòng chuyển giao hết những công sở và thẩm quyền còn tạm giữ. Sau đó phái đoàn Nguyễn Văn Thoại do chính phủ Ngô Đình Diệm chỉ định tiếp tục điều đình để ký với Pháp một loạt hiệp định vào ngày 29 tháng 12 năm 1956 về thể thức thi hành hiệp ước 4-6-54. Thế là chủ quyền quốc gia được thu hồi trọn vẹn. Ngày trao trả dinh toàn quyền cũ, tức phủ cao ủy cũ, tức dinh Độc Lập sau này; ngày hạ lá cờ tam tài của Pháp xuống, thượng quốc kỳ Việt Nam lên trước dinh Độc Lập; ngày quân đội Pháp xuống tàu rút về nước v.v... là những biến cố gây xúc động lớn lao trong lòng một dân tộc vừa chịu trăm năm áp bức.

Tại sao Pháp đổi thái độ vào lúc ấy? Tại sao đang cứng bao nhiêu năm, tự dưng Pháp lại mềm? Có phải vì những thất bại quân sự bấy giờ làm cho Pháp nhận thấy mình không còn hy vọng trở lại Việt Nam nên chẳng thà buông trả nửa nước Việt Nam sớm vài năm cho được yên thân? Dù sao, đó là chuyện của Pháp. Còn đối với dân Miền Nam, chỉ biết lúc bấy giờ hòa bình và độc lập cùng đến một lúc: còn gì quý hơn.

Đã thế, Miền Nam lại được thống nhất trong một thời gian ngắn sau đó. Trước, Pháp và Bảo Đại duy trì những lực lượng vũ trang riêng cho Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên v.v..., mỗi lực lượng kiểm soát một phần đất đai, áp dụng những luật lệ địa phương riêng biệt, thật là phiền phức, trông chẳng ra làm sao cả. Sau khi cầm quyền và gặp những rắc rối với Bình Xuyên, chính phủ Ngô Đình Diệm hoặc kêu gọi các lực lượng vũ trang tự nguyện hợp tác, hoặc tấn công các lực lượng chống đối, lần lượt thực hiện được sự thống nhất Miền Nam.
Về thể chế, trước đây chữ “Quốc gia Việt Nam” dùng trong thời Bảo Đại không chỉ thị một nước có chế độ chính trị rõ rệt, có chủ quyền đầy đủ. Chữ nghĩa có tính cách hàm hồ. Sau cuộc bầu cử năm 1955, Miền Nam có một quốc hội dân cử, sau tháng 10-1956 có hiến pháp, có thể chế cộng hòa. Quốc gia có chủ quyền, chủ quyền ấy thuộc về toàn dân. Đâu ra đấy.

VAI TRÒ MỘT LÃNH TỤ

Mặt khác, chính sự kiện nhân vật Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh thay thế vai trò của Bảo Đại lúc bấy giờ cũng gây niềm hứng khởi, tạo được sự tin tưởng trong quần chúng. Điều đó chính ông Ngô lúc ấy cũng không ngờ đến: Ngày về nước, ông ngồi trong một chiếc xe hơi đen kín mít, kẻ đứng ngoài không nhìn thấy người bên trong, chạy vèo một cái từ phi trường về dinh thủ tướng, khiến dân chúng đón đợi hai bên đường ngơ ngác hỏi nhau: “Phải ‘ông ấy’ không nhỉ.”

Lúc ông Ngô về Sài Gòn, cũng như lần ông ra Huế, có vài nhân vật chứng kiến, chú ý, và ghi nhận phản ứng nồng nhiệt của dân chúng: tướng Lansdale và linh mục Cao Văn Luận. Linh mục Cao chỉ kể vắn tắt: “Tôi có ghé qua cuộc mít-tinh tại Phú Văn Lâu, và tôi nhận thấy cảm tình của dân chúng miền Trung đối với ông Diệm thật là chân thành và nồng nhiệt.” 1Nhưng tướng Lansdale quan sát kỹ hơn, nhận xét tinh hơn và đã không dằn lòng được trước những điều trông thấy. Ông bảo hôm đó thoạt tiên ông đi phi trường vì tò mò, nhưng lái xe ra đường Công Lý ông “ngạc nhiên vì thấy nhiều đám đông đứng nghẹt hai bên đường”. Ông Lansdale nghĩ “dân chúng của một thủ đô trong thời chiến tranh này đã quá nhàm chán chẳng thèm liếc mắt ngó những nhân vật tai to mặt lớn đi trên xe hơi lộng lẫy...”, ông cũng lại biết rằng: “không có mấy cố gắng để vận động dân chúng ra đường chào đón mà chỉ có lời loan báo giản dị rằng ông Diệm sẽ về vào sáng hôm đó.” Thế mà quang cảnh trước mắt ông thật khác thường: “Có những gia đình mọi người chụm lại bên nhau, con nít trèo lên lưng hoặc vai và vịn lấy tay cha mẹ, hoặc dồn vào một chỗ trên hè phố. Nhiều xe bán nước mía đi bán rong hai bên. Mọi người phấn khởi và vui thích trong không khí của một ngày lễ.” 2 Dân chúng ngưỡng mộ như thế mà ông Ngô ngồi trong xe kín chạy tuột một hơi, chẳng mui trần, chẳng có vẫy tay, chẳng cười với dân hai bên đường phát nào cả! Tướng Lansdale tiếc hùi hụi. Ông nóng lòng muốn bàn ngay với thủ tướng Ngô về kế hoạch vận dụng cảm tình của quần chúng vào công cuộc xây dựng xứ sở. Ông tướng nổi hăng, viết ngay hôm ấy, viết suốt đêm đến sáng cho xong một bản kế hoạch. Nhưng lúc gặp ông đại sứ Hoa Kỳ thì ông này thấy không tiện gửi đến chính phủ Việt Nam một bản ý kiến như vậy. Chính phủ không khuyên chính phủ được thì cá nhân góp ý với cá nhân vậy: tướng Lansdale trong cơn hứng chí cao độ liền lôi một thông dịch viên tiếng Pháp đi thẳng đến gặp thủ tướng Ngô.

Biểu tình đông đảo, công kênh nhau chờ đón nhẫn nại bên đường, và ngay cả việc hiến kế của ông tướng Mỹ đều chưa phải là chuyện cảm động nhất: Trong cuốn NHẬT KÝ ĐỖ THọ, người quân nhân này kể rằng năm 1955, ông đang học năm cuối cùng bậc trung học ở trường Khải Định, Huế; sau khi thủ tướng Ngô về nước, cậu học sinh Đỗ Thọ vượt sông Bến Hải về Hà Tĩnh để đưa gia đình vào Nam. Ông bảo: “Tôi viết lại chi tiết nhỏ nhặt về đời tôi, gia đình là muốn nói lên sự tin tưởng ở thủ tướng Ngô Đình Diệm (1954), động cơ đã thúc đẩy tôi nên tìm mảnh đất Miền Nam làm nghiệp sống.” (Ấn bản do Đồng Nai, Sài Gòn, phát hành ngày 27-10-70, trang 70, 71.)

Giữ lòng tin tưởng kính mến ấy cho đến tận lúc ông Ngô qua đời như Đỗ Thọ có lẽ chỉ được một số người, nhưng cái thái độ lúc ban đầu của Đỗ Thọ thì có thể cũng là thái độ của số đông.

Và không phải chỉ có quần chúng có mối cảm tình và lòng tin ấy đối với chính phủ Ngô Đình Diệm. Giới trí thức giới nghệ sĩ vốn thận trọng và thường xa cách chính quyền, thế mà vào những năm đầu sau hiệp định Genève họ cũng mất cái dè dặt cố hữu. Doãn Quốc Sỹ nói chuyện với Nguyễn Ngu Í về cái lúc ông mới từ Bắc di cư vào, viết kịch MỘT MÙA XUÂN TIN TƯỞNG đăng trên báo LỬA VIỆT của sinh viên hồi 1955: “Thời ở chẳng yên, mà lại là thời cảm động nhất, tin tưởng ở Cách mạng; lúc bấy giờ, gặp các ông bộ trưởng, đổng lý văn phòng, là anh anh tôi tôi thân mật với nhau, không chút ngượng ngùng.” 3

Chính cái “thân mật”, “không chút ngượng ngùng” thuở ấy đã đưa một nhóm học trò trung học lên đài danh vọng, đã biến mấy cậu bé mới từ Bắc di cư vào thành những nhà văn nổi tiếng một thời: Lê Tất Điều, Trần Dạ Từ v.v... Họ bắt đầu cuộc đời cầm bút bằng cách xúm xít nhau làm báo VĂN NGHỆ HỌC SINH của Lê Bá Thảng, tức tờ báo của Bộ Thông tin. Ba mươi năm sau Lê Đình Điểu (tức Lê Ngọc Hà thuở ấy) nhắc lại chuyện cũ trên tờ Tin Việt ở California (số 21 ra ngày 25-6-84) với tất cả bùi ngùi cảm động.

Rõ ràng chính quyền lúc bấy giờ là một chính quyền được mến yêu, và lãnh tụ là một nhân vật được tin tưởng. Một thi sĩ đại danh như Vũ Hoàng Chương lúc này cũng không cần dè dặt nữa. Ông Vũ, nhân dịp Miền Nam bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc truất phế Bảo Đại, trao quyền cho Ngô Đình Diệm, đã không ngần ngại viết những lời say sưa trong HOA ĐĂNG:

“Lá phiếu trưng cầu một hiển linh,
Phá tan bạo ngược với vô hình.”

hay

“Hợp ý toàn dân kết ý trời.”

Lại chắc chắn cũng vì tin tưởng ở một triển vọng ổn định lâu dài của tình thế, vì yên tâm ở một chính quyền đứng đắn, lúc bấy giờ có rất nhiều trí thức du học ở Âu châu kéo về nước. Không còn chuyện trùm chăn, chuyện lẩn tránh chính quyền nữa. Họ tích cực tham gia xây dựng quê hương trên những lãnh vực chuyên môn khác nhau. Riêng về văn hóa, những vị hồi hương vào độ ấy như Nguyễn Văn Trung, Trịnh Viết Thành, Nguyễn Khắc Hoạch, Trần Bích Lan v.v... đã có những đóng góp đáng kể.

CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Thế rồi ngay sau khi cầm quyền, trong lúc còn phải tiếp tục những cuộc hành quân bình định (ở Rừng Sát, Cái Vồn, Ba Lòng v.v...), ông Ngô đã tức thì khởi công tiến hành những kế hoạch xây dựng về giáo dục, kinh tế, xã hội...

Trong thời chiến tranh, các chánh phủ quốc gia trước thu rút lại trong các thành phố lớn, bỏ nông thôn cho cộng sản hoành hành. Sau 1954, chính phủ Miền Nam tiến rộng ra, dựng cơ sở hành chánh đến khắp các thôn ấp, cả những thôn ấp thượng du. Một nhu cầu đặt ra ngay trước mắt: giáo dục. Hành chánh đặt đến đâu, trường học phải lập ngay đến đấy cho con em đồng bào có chỗ học. Trong vòng một năm đầu không xã nào không có trường tiểu học; vài năm sau gần như không có quận nào không có trường trung học, có quận cả công lẫn tư đôi ba trường. Rồi đại học cũng phát triển mạnh, phát triển cả ra ngoài thủ đô: Đà Lạt, Cần Thơ, Huế, ngay bên cạnh sông Bến Hải.

Trong khi ấy thì đập Đồng Cam ở Phú Yên được xây ngay từ năm ngưng chiến đầu tiên. Rồi các vùng định cư, các khu dinh điền, các khu trù mật... được thành lập dồn dập, đập thủy điện Đa Nhim khởi công, trung tâm nguyên tử lực Đà Lạt hoàn thành; rồi đường hỏa xa được sửa sang, xe hỏa chạy thông suốt, một cuộc đua xe đạp Bến Hải? Cà Mau tuyên dương cảnh thái bình khắp nước; rồi nhà máy xi-măng dựng lên ở Hà Tiên, xa lộ, làng đại học ở Thủ Đức; rồi chính sách cải cách điền địa đem ruộng đất chia cho dân nghèo, chính sách lành mạnh hóa xã hội: đóng cửa sòng bạc, nhà chứa, dẹp tiệm hút v.v... Không nghi ngờ gì nữa, ai cũng thấy Miền Nam phát triển mạnh. Bây giờ hơn mười năm sau mùa xuân 1975, chỉ cần một cái nhìn qua tình hình đời sống Miền Nam và một chút hồi tưởng về những thực hiện trong đôi ba năm sau cuộc ngưng chiến 1954 có thể làm ta thấy rõ không khí xây dựng hồi đó rộn rịp chừng nào và thành quả tốt đẹp hơn chừng nào.

Vùng liên khu V cũ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) vốn thuộc về cộng sản trong suốt thời kháng chiến và mức sống rất thấp. Sau hiệp định Genève ba năm, đến 1957 ở thôn quê trong các xóm làng đã mọc lên nhiều nhà ngói, trong nhiều vườn nhà có giếng xi-măng, tại các quận lỵ có nhà hộ sinh, có nhà máy xay gạo, trai làng sắm xe đạp và lắm nơi sắm cả xe gắn máy, về sự di chuyển công cộng thì đi xa có xe hơi, đi gần trong phạm vi quận xã có xe Lam ba bánh, nông dân bắt đầu mua máy cày v.v... Người ta cảm thấy rõ rệt mình đang tiến sang một giai đoạn mới của cuộc sống, tươi sáng hơn trước.

CUỘC DI CƯ

Tuy nhiên trong các yếu tố của tình hình Miền Nam sau 1954, quan trọng hơn cả chắc chắn là cuộc di cư.

Trong những ngày rối ren của 1954-55 mà tổ chức cuộc tiếp đón rồi định cư hàng triệu đồng bào từ Bắc kéo vào ào ạt, chính phủ Ngô Đình Diệm đã phải một phen vất vả không ít. Nhưng cuộc di cư ấy, một khi giải quyết xong, là cả một thắng lợi lớn cho chế độ mới.

Trước hết là một thắng lợi chính trị trên bình diện quốc tế. Hàng triệu người bỏ chạy trong ngày khải hoàn của quân đội Hồ Chí Minh tại Miền Bắc, đó là cả một sỉ nhục cho họ Hồ trước dư luận, đó là màn giới thiệu ngoạn mục cho chính phủ Ngô Đình Diệm vừa ra đời. Dư luận quốc tế thoạt tiên có thể không biết đến cái chính phủ và những nhân vật lu mờ ở Sài Gòn, trong khi tiếng đồn về những Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ v.v... còn vang dội khắp nơi. Nhưng cuộc di cư hàng triệu người vào Nam phải được chú ý, phải gây được lắm suy nghĩ cho khách bàng quan, ngoại cuộc.

Đối với dư luận trong nước, đối với đồng bào miền Nam cuộc di cư ấy cũng có tác dụng chấn động. Ban đầu là sững sờ, ngờ vực, là những va chạm do tập quán địa phương của đôi bên, do thành kiến chính trị. Miền Nam, nơi từng có cái “mốt” văn nghệ vọng bưng biền, Miền Nam không thể không lấy làm khó chịu trước hình thức “cải chính” phũ phàng như thế về chế độ của họ Hồ, không thể tin ngay được vào những lý do chống cộng của cuộc di cư. Nhưng ít ra lòng ngưỡng vọng về bưng phải dao động, những lời ca ngợi kháng chiến bị đánh bạt đi, và im bặt ngay. Nhất định không thể có phép lạ tuyên truyền nào của chính quyền gây được một tác động tâm lý tương đương với tác động của một cuộc di cư lớn lao như thế.

Khối di dân với thái độ chính trị thuận lợi ấy là chỗ dựa chắc chắn cho một chính phủ quyết tâm chống cộng. Suốt chín năm cầm quyền, vào những giờ phút khó khăn, tổng thống Ngô vẫn được sự ủng hộ của di dân.

Trong cuốn Loạn mà Chu Tử bảo là viết theo chuyện thực (ở phần “Để thay đoạn kết”), ông đã cho thấy thái độ và sự hoạt động của một nhóm trí thức di cư như thế nào trong những ngày Bình Xuyên đánh phá chính phủ. Những người di cư như Hiệp, như Huyền, họ vào Nam có lý tưởng, có nhiệt tâm, họ ý thức giá trị của mình, họ hãnh diện về vai trò của mình trong giai đoạn lịch sử này. Vì thế, mặc dù là ít so với dân số miền Nam, nhờ ý chí quả quyết, nhiều khi họ giữ vai chủ động. Hiệp, một thanh niên di cư đang nghèo, đang đi tìm việc, đến trước ngôi biệt thự đồ sộ của một ông đốc phủ sứ, chợt trông thấy tấm bảng cảnh cáo chó dữ. Chàng hơi ngại, nhưng tự nhủ ngay: “Một người di cư không có quyền ngán điều gì.” (trang 5). Thế là chàng mạnh dạn... Người ta có thể thấy trong đó một chút gì phường tuồng, quá đà, có thể ngờ rằng cái quá đà ấy rồi sẽ đưa tới thất vọng, chán nản sau này; dù sao đó là thái độ tiêu biểu lúc bấy giờ, của buổi đầu đầy tin tưởng, đầy quyết tâm.

Mặt khác cuộc di cư đã đưa vào Miền Nam một số nhân tài trong giai đoạn cần kíp. Rất nhiều nhân vật từ Miền Bắc vào sau này giữ địa vị trọng yếu trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, quân sự ở Miền Nam. Riêng trong phạm vi văn học nghệ thuật, vai trò của khối văn nghệ sĩ di cư thật quan trọng. Ngay buổi đầu, sự hoạt động hăng hái của họ tạo không khí phấn khởi tưng bừng. Rồi trong cái số di dân đổ vào được đưa vội vàng đến tạm trú tại các trường học, các lều trại sơ sài, trong số đó có những sinh viên về sau thành ra các nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế..., có những cậu bé mới vào trung học về sau thành ra những văn thi sĩ Lê Tất Điều, Duyên Anh, Trần Dạ Từ, Tú Kếu, Hà Thúc Sinh...

Cuộc di cư còn có ảnh hưởng vào văn hóa miền Nam một cách sâu xa hơn, tuy âm thầm lặng lẽ hơn. Thật vậy, từ sau cuộc di cư 1954, ngày một ngày hai không ai để ý đến, nhưng cuộc sống ở miền Nam đổi khác: cái quai nón của người con gái đổi khác, chiếc áo đàn bà mặc trên người đổi khác, món quà người ta ăn hàng ngày không giống xưa, cái bìa báo bìa sách biến dạng đi v.v... Giọng nói miền Nam cũng biến đổi nữa, không sao? Sau này có cô ca sĩ nào mà không hát giọng Bắc; vả lại không cần phải chờ đến lúc thành ca sĩ mới đổi giọng: mọi nữ sinh, kể cả những cô nữ sinh trung học tận dưới Rạch Giá, Cà Mau hễ cất giọng lên là cũng hát giọng Bắc luôn. Và xa tít trong đồng quê, dọc bờ biển hoặc ven rừng núi, xung quanh những vùng định cư Cái Sắn, Phước Tĩnh, Gia Kiệm... chẳng hạn, phong tục tập quán miền Bắc cũng dần dần tỏa ra, len lách thấm dần vào xã hội miền Nam. Rồi kỹ thuật canh tác, kỹ thuật ngư nghiệp cổ truyền v.v... của miền Bắc cũng lan rộng ảnh hưởng của nó.

Vũ Bằng nói về sự thay đổi của cách ăn mặc, của cảnh hội hè trong Nam trước và sau cuộc di cư: “Cùng với những cái áo dài may kiểu mới thay thế cho những cái áo bà ba cũn cỡn, anh em ta ở đây, ngày tết, đã tỏ ra trang trọng hơn trước trong việc trang trí nhà cửa và ăn uống cũng như sửa soạn” 4. “Cách đây 5 mười lăm năm (...) Sài thành không biết có xuân sang và ăn cái giao thừa không bằng vui cái đêm lễ Giáng sinh. Nhưng bây giờ đã khác: xa xa có tiếng giày dép người ta đi lễ giao thừa.” 6 Khác lắm: Trước không những mặc áo bà ba cũn cỡn mà nữ sinh đi học còn đội nón cối, trông rất ít chất thơ mộng. Trước quà bình dân trong chợ, bên đường, là những bánh cống, bánh lọt, bún nước lèo..., còn tiệc tùng yến ẩm thì toàn kéo nhau đi tiệm Tàu ăn món Tàu; sau này bún ốc, bún thang, giò chả, chả cá, gỏi cá, rồi nhất là phở Bắc vùng lên, hớn hở kết thân với đủ mọi giới đồng bào bất phân giàu nghèo Nam Bắc... Còn nhớ đâu đó thi sĩ Đông Hồ từng có lần luận về sự phát triển của phở ở miền Nam, và ông khen sau này có khi tô phở còn vui vẻ sẵn lòng chấp nhận một mớ giá sống cho hợp khẩu vị bà con địa phương, ông xem cái “đóng góp” ấy của miền Nam như là một sáng kiến để làm cho món ăn được mát dạ, giải nhiệt, thích hợp với khí hậu trong này.

Người Bắc di cư, cái khối người bỏ “cụ Hồ” theo “cụ Ngô” thoạt tiên rất dễ ghét đối với người miền Nam, dần dần họ đổi kiểu nón đội trên đầu họ thay kiểu guốc mang dưới chân dân Sài Gòn, họ làm vang tiếng giày dép trong đêm giao thừa Sài Gòn, họ thêm thắt lung tung vào bữa ăn sáng bữa nhậu khuya của người Sài Gòn. Họ góp phần quan trọng vào việc chuyển hướng chính trị trong quần chúng miền Nam. Rồi chúng ta sẽ thấy vai trò của họ trong văn học nghệ thuật thời kỳ này không kém quan trọng chút nào.

KHỐI NÔNG DÂN MIỀN TRUNG

Nói đến sự chuyển hướng chính trị do cuộc di cư từ Miền Bắc vào, lại không thể không nói đến vai trò chính trị của khối nông dân miền Trung được tiếp thu vào khu vực quốc gia sau hiệp định Genève 7-54.

Trước, Pháp và những chính phủ hợp tác với Pháp chỉ kiểm soát được các đô thị. Sau Genève, cộng sản tập kết ra Bắc, toàn thể lãnh thổ phía nam sông Bến Hải thuộc về chính phủ quốc gia, không phân biệt nông thôn hay thành thị. Sự gia nhập của khối nông dân miền Trung vào phía quốc gia, về một khía cạnh, cũng có giá trị tương tự như cuộc di cư từ Bắc vào Nam. Bởi vì khối nông dân này cũng hiểu biết về chế độ cộng sản như di dân. Cũng như di dân Miền Bắc, họ từ phía cộng sản chuyển về phía quốc gia. Cuộc chuyển vị tại chỗ không khác với cuộc chuyển di của người Bắc bao nhiêu, xét về ảnh hưởng chính trị.

Chúng tôi phải nói riêng khối nông dân miền Trung mà không nói bao trùm tất cả nông dân, bởi vì hoàn cảnh nông thôn ở Nam phần và nam Trung phần vẫn khác. Chính quyền Hồ Chí Minh sở dĩ bị chối bỏ oán ghét là từ khi thi hành chính sách độc tài giai cấp, công khai xuất lộ chế độ đảng trị; điều ấy chỉ xảy ra từ liên khu V ra Bắc mà thôi. Chỉ từ liên khu V trở ra (tức từ Phú Yên ra Bắc) mới có thuế nông nghiệp, có đấu tố địa chủ phú nông, có áp chế trung nông, tiểu tư sản v.v... Cho đến 1954, đối với đồng bào trong Nam, cộng sản ít nhiều còn giữ được bộ mặt của Việt Minh: đoàn kết toàn dân kháng chiến. Vì thế những điều di dân từ Bắc vào nói về cộng sản thường được lỗ tai tri kỷ của đồng bào miền Trung đón nhận một cách thông cảm, mà lại không lọt được vào tai đồng bào Nam phần. Có phải vì vậy mà có những nhà văn từ Bắc vào, như Doãn Quốc Sỹ, thấy rằng đa số độc giả của mình ở miền Trung, và sau này, lúc sách không ra được miền Trung nữa, thì đành tính việc ngưng xuất bản (trong cuộc phỏng vấn của Nguyễn Ngu Í, đã dẫn ở một phần trước).

Cuộc di cư năm 1954 của đồng bào Bắc vào Nam vẫn được xem như một cuộc bỏ phiếu bằng chân để từ chối chế độ cộng sản; sau 1954 ở nam vĩ tuyến 17 đến lượt nông dân miền Trung: họ bỏ phiếu nhiều lần nữa. Những lần sau này là bỏ phiếu táo tợn, thê thảm, vì bỏ phiếu đẫm máu, dưới lửa đạn cộng quân, tại Bình Long, Phú Bổn, Quảng Trị, trên Đại lộ Kinh hoàng... Cứ mỗi lần cộng sản tới nơi nào là bà con nông dân miền Trung liều chết bỏ chạy, không cách gì ngăn cản nổi.

Khi cộng quân tiến chiếm Quảng Trị, trong tổng số ba trăm nghìn dân toàn tỉnh chỉ có năm chục nghìn bị kẹt lại. 7 Nhà văn Dương Nghiễm Mậu đến thăm trại tạm cư Hòa Khánh trong dịp này chợt trông thấy ở một ngả ba đường có tấm bảng lớn sơn xanh kẽ chữ trắng: “Quận Gio Linh”. Ơ hay! Quận Gio Linh ở Hòa Khánh, sát thị xã Đà Nẵng? Thì ra đây là khu trại tạm trú của đồng bào tản cư từ Gio Linh vào. Toàn quận chừng ba chục nghìn dân thì đi thoát đến hăm tám nghìn. 8 Tấm bảng nọ không phải không có ý nghĩa: “Ở đây là người Gio Linh, ngoài kia chỉ còn đất trống trơ. Đây mới đích thực là Gio Linh sống.” Đất Gio Linh sát kề Trung Lương, bên cạnh vĩ tuyến 17. Càng gần cộng sản dân càng trốn chạy cộng sản mạnh.

Nghiêm Xuân Hồng cho rằng sau hiệp định Genève, do sự bộc lộ chân tướng vô sản chuyên chính của Việt Cộng và do sự rút lui của Pháp khỏi Việt Nam, chuyện chống ngoại xâm mất đối tượng và hiểm họa độc tài phát hiện rõ rệt, cho nên trên chính trường Việt Nam chỉ còn hai đối thủ để chống chọi nhau trong một cuộc thử lửa quyết định: tức phe quốc gia và phe cộng sản. 9 Ông Nghiêm đặc biệt chú ý đến cuộc di cư 1954, ông phân tích thành phần di dân và nêu rõ cái ý thức giai cấp đấu tranh chống vô sản của di dân vốn đa số gồm trí thức tiểu tư sản, trung tiểu nông.

Ở đây, chúng ta đang tiếp tay ông Nghiêm, góp vào khối di dân thêm một khối lượng đông đảo nữa. Cái tâm sự giống nhau giữa dân di cư Bắc Việt và đồng bào ở nông thôn miền Trung cũng phản ảnh vào văn nghệ: trong những năm đầu tiếng nói cất lên từ miền Trung của Võ Phiến, Đỗ Tấn... rất hợp với tiếng nói cất lên từ khối di dân của Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ v.v... Rồi những Đoàn Nhật Tấn, Lôi Tam v.v... của miền Trung cũng vẫn có những bận tâm chính trị tương tự, trong khi đa số các tác giả miền Nam tỏ ra hờ hững với “cuộc thử lửa quyết định”.

CÁC BIẾN LOẠN PHÍA CỘNG SẢN

Cũng lại trong giai đoạn này, giai đoạn 1954-63, đã xảy ra những biến cố ở ngoài lãnh thổ Miền Nam Việt Nam nhưng ảnh hưởng rất sâu đậm vào tinh thần của Miền Nam, nhất là vào tinh thần giới trí thức, giới văn nghệ. Tôi muốn nói đến những biến cố bên kia những bức màn sắt, màn tre.

Gần gũi nhất là những cuộc nổi loạn ở Miền Bắc: vụ cán bộ Miền Nam tập kết kéo nhau đến phá bót cảnh sát Bờ Hồ, học sinh tập kết làm loạn ở Ngã Tư Sở ngay tại thủ đô Hà Nội, vụ đồng bào Quỳnh Lưu, Nghệ An nổi dậy đánh nhau với chính quyền, vụ chính quyền công khai nhận lỗi trong chính sách cải cách ruộng đất, Trường Chinh và Hồ Viết Thắng bị cất chức, những nạn nhân oan ức của đấu tố được trả tự do trở về tìm cán bộ trả thù gây ra náo loạn trong xã hội v.v... Những chuyện như thế làm kinh ngạc thành phần dân chúng thân cộng trong Nam, và làm cho chính đồng bào Bắc Việt di cư cũng lấy làm bất ngờ. Hồi năm 1958, viết chương đầu cho cuốn TRĂM HOA ĐUA NỞ TRÊN ĐẤT BẮC (do Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa xuất bản ở Sài Gòn năm 1959), ông Hoàng Văn Chí bảo: “Những người thông thường, có đôi chút kinh nghiệm đau xót với cộng sản, kể cả những đồng bào Bắc Việt di cư cũng không ngờ rằng trong một thời gian không đầy hai năm tình hình ở nơi quê cha đất tổ có sự thay đổi quá nhanh chóng như vậy. Họ nhớ ngày nào quân đội của ‘Cụ’ kéo vào chiếm đóng Hà Nội, nhân dân thủ đô còn đón rước tưng bừng. Nào cờ quạt, nào biểu ngữ, nào cổng chào, nào kéo nhau đi xem văn công, xem triển lãm. Họ không ngờ rằng chỉ một năm sau khi họ bỏ nhà bỏ cửa ra đi, bộ đội oai hùng đó lại bị chính ngay nông dân vác gậy phang vỡ đầu.”

Đối với giới trí thức của Miền Nam thì vụ chống đối của trí thức Miền Bắc cùng các biến loạn trong thế giới cộng sản càng làm cho họ suy nghĩ.

20 tháng 2 năm 1956 tại đại hội lần thứ 20 của cộng đảng Nga, bỗng nhiên Khrushev nặng lời tố cáo Staline, đập đổ một thần tượng sừng sững lâu đời, làm cho giới chính trị cộng và thân cộng đâm ra hoang mang, chới với, mất phương hướng;

26 tháng 5 năm 1956 Trung Cộng phát động chính sách Trăm Hoa Đua Nở;

28 tháng 6 năn 1956 vụ Poznan bùng nổ ở Ba-lan;

28 tháng 10 năm 1956 nhân dân Hung-gia-lợi lại nổi dậy ở Budapest, làm náo động dư luận thế giới;

Sang năm 1957 nghệ sĩ và trí thức Trung Cộng thừa cơ hội Trăm Hoa Đua Nở xúm nhau công kích đảng và chính quyền. Nhà nước ra tay trấn áp, La Long Cơ bị “phê bình” dữ dội. Trăm hoa hết dám đua nở.

Ở Miền Bắc trong thời gian ấy cũng bùng nổ một cuộc “khởi nghĩa” của trí thức và văn nghệ sĩ.

Tháng 3 năm 1956 nhà xuất bản Minh Đức cho ra tập GIAI PHẨM Mùa Xuân, bắt đầu nêu lên các khuyết điểm của đảng. Tháng 8-56, lại ra GIAI PHẨM MÙA THU. Ngày 15-9-56 báo NHÂN VĂN ra số 1. Rồi bao nhiêu là báo khác: ĐẤT MỚI (của sinh viên), TRĂM HOA (của Nguyễn Bính), nhật báo THỜI MỚI v.v... cũng ùa theo công kích nhà nước và giới lãnh đạo. Thậm chí dần dần tờ Văn, tạp chí của hội Văn nghệ, cũng quay ra chống đảng...

Đảng và nhà nước độ ấy phải một phen vất vả mới dẹp được... loạn. Ngày 15 tháng 12-1956 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh qui định chặt chẽ giới hạn “tự do” của báo chí, phạt đến khổ sai chung thân tịch thu gia sản những kẻ phạm cấm. 304 văn nghệ sĩ bị bắt đi chỉnh huấn. Một số bị giam vào nhà pha Hỏa Lò (Thụy An, Nguyễn Hữu Đang). Nhiều người bị cất chức, bị đưa đi “học tập lao động”, bị đày đi những nơi ma thiêng nước độc, mất tăm mất tích.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi đất nước bị chia cắt bày ra thế lưỡng phân đối địch minh bạch, một thời gian ngắn sau khi hàng triệu người chối bỏ cộng sản ra đi vào Nam, một thời gian ngắn sau khi cuộc tranh đấu cho độc lập chấm dứt và cuộc tranh đấu cho tự do bắt đầu thì “phía bên kia” chợt bày ra liên tiếp nhiều dấu hiệu suy nhược, như thế làm sao bên này không “hồ hởi”?! Nói đến tâm trạng của trí thức Miền Nam lúc bấy giờ lại nhớ đến trường hợp Nguyễn Mạnh Côn với cuốn Đem tâm tình viết lịch sử. Cuốn sách đã viết xong từ lâu, xếp chữ xong từ lâu, nhưng tác giả cứ để đấy, chần chờ. Đến năm 1958, sau những biến động vừa kể bên phía cộng sản, ông liền quyết định cho ấn hành, lòng đầy hứng khởi.

Lúc suy đồi

CUỘC TẤN CÔNG QUÂN SỰ CỦA CỘNG SẢN

Sự trạng tốt đẹp cho đến năm 1959, Miền Nam đã bẻ gãy các mưu toan lũng đoạn tình hình do cộng sản chủ trương, đến nỗi Lê Duẩn sau hai năm hoạt động ở Miền Nam đã trở về Hà Nội báo cáo sự thất bại và đề nghị một kế hoạch mới: tấn công bằng quân sự. Về phía bên này, cũng vào năm 1959 đại sứ Hoa Kỳ Elbridge Durbrow và tướng Williams báo cáo về Hoa-thịnh-đốn tình hình lạc quan ở Việt Nam và đề nghị cho rút cố vấn Mỹ về nước trong vòng hai năm tới.

Nhưng đến đây, từ năm 1959, thì các rắc rối bắt đầu. Chủ trương dùng vũ lực của cộng sản được Miền Bắc đưa ra thực hiện. Tháng 5-1959 đoàn vận tải mở đường mòn Hồ Chí Minh. Bảy mươi nghìn cán bộ tập kết được tăng phái vào Miền Nam. Tháng 12-1959, Mặt trận Giải phóng Miền Nam ra đời. Trong năm 1959 có 250 viên chức của Miền Nam bị cộng sản sát hại. Năm 1960, số viên chức bị ám sát lên đến 1400 người. Rồi dần dần xảy ra những trận đụng độ cấp đại đội, cấp tiểu đoàn v.v...

Trước chính sách công khai dùng vũ lực để thôn tính Miền Nam của cộng sản, ông Kennedy vừa nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vài tháng, thay vì rút cố vấn, đã gửi ngay 15 nghìn quân Mỹ sang giúp Việt Nam. Bắc Việt lại tăng cường xâm nhập để đối phó. Cứ thế đôi bên cùng leo thang.

Muốn tránh sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ trên lãnh thổ ta và muốn tìm một chiến lược thích hợp để đối phó với chiến tranh du kích của cộng sản, chính phủ Ngô Đình Diệm chú ý đến các kinh nghiệm chống cộng ở Mã-lai. Một số chuyên viên người Anh được mời sang, chính sách ấp chiến lược được đề ra để tách lìa cán bộ cộng sản khỏi dân chúng. Các biện pháp này tỏ ra hữu hiệu; vào năm 1962, hoạt động cộng sản đã suy yếu nhiều. Nhưng ngay sau đó, tình hình chính trị của Miền Nam lại đổ ra tồi tệ, khiến các thắng lợi quân sự hóa ra vô ích.

SỰ RỐI LOẠN Ở MIỀN NAM

Sau khi cầm quyền ba, bốn năm, tổng thống Ngô bị một nguồn dư luận càng ngày càng rộng rãi chỉ trích là độc tài. Bất mãn nhóm lên từ các đảng phái quốc gia, từ các chính khách đối lập. Năm 1959, một phi công ném bom dinh Độc Lập. Đầu năm 1960 một nhóm 18 nhân vật? nhóm Caravelle? gửi đến tổng thống một bản nhận định chính sách và khuyến cáo sửa chữa các khuyết điểm. Ngày 11 tháng 11 năm 1960 một số sĩ quan cấp tá? Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi...? tổ chức một cuộc đảo chánh hụt. Nhưng tình thế đặc biệt trở nên trầm trọng từ ngày xảy ra vụ Phật giáo. Tháng 5-1963 Phật tử Huế biểu tình chống chính phủ vì vấn đề treo giáo kỳ. Câu chuyện dần dần đưa đến những cuộc chống đối rộng lớn khắp nước, rồi những cuộc tự thiêu, đến chuyện bao vây chùa, bắt sư sãi v.v... Diễn tiến sự việc ảnh hưởng mạnh đến dư luận Hoa Kỳ, tổng thống nước này đã ủng hộ một nhóm tướng lãnh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm vào ngày 1 tháng 11 năm 1963. Biến cố ấy kết thúc nền đệ nhất cộng hòa, chấm dứt giai đoạn đầu của thời kỳ sau Genève ở Miền Nam. Giai đoạn mà chính phủ ta có chính sách rõ ràng, liên tục, mà ta giữ được chủ động trước tình thế cho đến trước năm cuối cùng.

Sau này thì ôi thôi, toàn những thay đổi bấp bênh; ta bị sự việc dập dồn tràn ngập, chỉ những lo tả xông hữu đột để đối phó với tình hình, chẳng còn đâu là chính sách, là chủ động nữa.

Chú thích

1 Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ.

2 E.G. Lansdale, Tôi làm quân sư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, bản dịch của L.T., Đại Nam tái bản tại Hoa Kỳ, tr. 33, 34.

3 Nguyễn Ngu Í, Sống và viết với..., Ngèi Xanh, Sài Gòn, 1966, trang 139, 140.

4 Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, Sống Mới tái bản ở Hoa Kỳ, trang 283.

5 Câu này viết ra có lẽ vào khoảng 1970-71.

6 Vũ Bằng, sđd, trang 267, 268.

7 Dương Nghiễm Mậu, ‘Quảng Trị đất đợi về’, trong tập bút ký Những ngày dài trên quê hương, Sài Gòn, 1972.

8 Sđd.

9 Nghiêm Xuân Hồng, Lịch trình diễn tiến của phong trào quốc gia Việt Nam, nguyệt san Ngày Về tái bản tại Hoa Kỳ, trang 85, 245, 246.