1. Cảm tưởng (bài của Diên Nghị)
Nền văn hóa nông nghiệp thuở thanh bình ấy, mô tả tâm lý người miền Tây, phởn phơ, lạc quan, an nhiên, yêu đời.

Ra đi gặp vịt cũng lùa
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu.


Sanh hoạt thôn làng thể hiện trong tinh thần tự giác, tự nguyện cao, chẳng cần lệch lạc, ích lợi chung được mọi người cùng góp công sức, ít nề hà, so đo, dựa dẫm hoặc đố kỵ. Lao động tay chân, vất vả được đền bù bằng niềm vui, bằng nghĩa tình đồng hương thôn xóm. Một nồi cơm nếp với muối đậu đạm bạc mà vẫn ngon miệng, mặn mòi, phải chăng bắt nguồn từ niềm hưng phấn thuận hòa, thân thương, biết quý chuộng nhau thật tình. Một ít kẻ có lối sống ích kỷ, không nghĩ đến ai ngoài mình, thường bị chê bai, phê phán, nơi chốn bùn lầy nước đọng, đã bộc lộ ý tưởng thật chân thành: “Riêng tao, thì tao sinh đẻ ở đây, lớn lên sống ở đây mà chết, nhất quyết cũng chết ở cái chéo đất này” (Vét Ao Ăn Tết).

Lòng yêu đất, yêu nhà không chỉ nhìn bằng nhãn quan hiện tại, truyền thống dân tộc, máu thịt đã dạy cho lớp kế thừa, khi bà Tư Quán nhắc lại chuyện vét ao. Đây không phải lần đầu tiên, đã nhiều lần sạt lở, cạn kiệt, cũng đã có những bàn tay cần cù trách nhiệm nối tiếp, sửa sang, tu bổ... Bà nghĩ đến một ngày trong mai hậu, thì thằng Xê, điển hình thế hệ trẻ nở nụ cười tin tưởng: “Mười lăm hai mươi lăm năm tới, nếu ao xóm mình sạt nữa, chừng đó sẽ có tụi tui...”.

Những năm tháng bình yên hồn hã ấy, cũng đã có lần vẩn đục nhiễu sự, chiến tranh Nhật, Pháp, Việt Minh tỏa khói lửa tận thôn xóm hiền hòa. Xã hội chủ nghĩa xáo trộn, bung xung, đánh động con người. Chú Năm Nghê, nông dân rắn chắc, to khoẻ, từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ, chưa ra tỉnh, ra quận một lần. Cái thủ đô Sài Gòn sát bên lớn nhỏ ra sao, tròn méo ra sao chú cũng không biết, nhưng rồi chú bị nộp tuyển vào lính thợ sang Pháp kỳ Thế chiến Thứ hai - chú bị đi lính, vì con của bọn bang biện, chủ điền giàu có, cầu an sợ chết - được gì ngoài xóm thôn quen thuộc, chôn nhau cắt rốn của chú: “Chú lo âu, với nỗi buồn của chú sẽ là chết trên mảnh đất xa lạ, xa hẳn cái chéo mạ, vồng khoai nơi quê hương”. Chú cũng tự hỏi, mình chết cho ai, vì ai mà mình chết? Con tàu vượt đại dương đưa chú đi, cho đến khi tàn cuộc chiến, trở về. Chẳng bao lâu sau, Việt Minh cầm quyền. Cuộc sống chú hằng ước mơ lại lần nữa bị đe dọa, thử thách. Chú sống cô đơn, cơ cực ở tuổi bảy mươi. Bây giờ có gì ăn nấy, chú thích nói chuyện ngày xưa, tiếng Tây quen miệng không bỏ được, nên bị ghép vào thành phần phản động, làm tay sai cho thực dân! Nhưng chú không ngán ngại, chú thích nói, nói cho bọn trẻ, mỉa mai cái bọn “cách mạng, con cháu thần vô sản” mà tham lam hữu sản, còn tham lam hơn cả thực dân (Trâu Già Chẳng Nệ Dao Phay).

Chuyện anh Tám Thôi, thuộc gia đình cố cựu xóm Phú Thứ, con người hiếu động, ham thích làm việc, không chịu bó gối ngồi yên vô tích sự. Anh luôn muốn vươn lên, hy vọng xoay đảo cuộc đời, cố thoát ra khỏi bầu trời thảm đạm đói khát, nghèo khổ. Anh bỏ thôn, lên Chợ Lớn, xin việc làm. Anh rời cái nghề câu cá bắt tôm mà anh cảm thấy khó ngóc đầu lên được, với cái nghề hèn hạ soi bói, săn chim đâm cá của anh, người xưa nói không sai “nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, nên nghèo cứ nghèo mãi tận. Tám Thôi được sự giúp đỡ, có việc làm tại thành phố, dần dà có một vài đứa bạn cảm thông, thân thiết. Chẳng được bao lâu, nhiều điều bất hạnh dồn tới cho mấy đứa bạn Tám Thôi. Cũng do chiến tranh, sản sinh tội ác. Bao người phải chịu oan ức, bức tử không trời đất nào hiểu nổi. Sinh mạng con người trong cuộc bể dâu, bạo lực hung hãn, mù quáng, chỉ bằng thân phận con kiến, con ruồi... Tám Thôi trở lại thôn làng cũ... mong ước an phận như bao nhiêu người cùng cảnh ngộ. Tuổi mỗi ngày mỗi cao, thời thế chuyển đổi không ngừng, cho đến ngày oan trái tháng Tư-1975.

Thêm một lần nữa, tan đàn sẩy nghé. Người ta hô hào “tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa” mà thực tế đang tiến nhanh tiến mạnh lùi vào thời đồ đá đói rách và khổ sở. Con sông thơ mộng ngày xưa, Tám Thôi hiện diện tìm sự sống trong cô độc, thì nay, cả xóm nghèo khổ đang tranh nhau săn đuổi cá tôm kiếm sống qua ngày. Tôm cá, do đó, ngày càng khan kiệt. Cuộc sống nhờ vào nguồn lợi trời cho giữa dòng sông nước nay trở nên sẫm đục, mù mờ - nguồn lợi dâng hiến tạo niềm vui cho con người sở tại đã trôi theo chiều sớm, rùng mình từng giờ cho cuộc sống tạm bợ, bấp bênh hôm nay trong chế độ bần cùng chủ nghĩa. Ông Tám Thôi bùi ngùi cho chính khung cảnh xã hội, cho những người dân trên cùng mảnh đất, cùng chia xẻ cho nhau những buồn vui, “bà con xa không bằng láng giềng gần” tiếc nuối hòa lẫn ước mơ không bao giờ có nữa... (Phá Sơn Lâm, Đâm Hà Bá).

... “Muốn nói ngang làm quan mà nói”. ...
“Con ơi nhớ lấy câu này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.


Câu ca dao phản ảnh rõ nét thời thế đổi thay, từ khi con cháu ông Hồ “nhun nhúc vào giải phóng Miền Nam”. Mấy tên răng đen mã tấu, kèm thêm bọn “cách mạng 30” bắt đầu dòm ngó nhà cửa, vườn tược của một số đối tượng chế độ cũ. Bọn chúng nhân danh cái đảng cộng, trước tiên bày mưu tính kế, đạo diễn tuồng tích để chiếm đoạt. Nó bước từng bước, chậm rãi mà chắc, gọi là giải quyết có lý có tình. Những người như thằng Vẳng ở giữ nhà cho ông quận trưởng chế độ cũ, nay “cách mạng” cho sở hữu, gán cho thằng Vẳng có công nằm vùng theo giúp đỡ “cách mạng” nhưng thằng Vẳng cũng chỉ là con nợ thí, đóng vai trung gian chuyển tiếp cho con mụ Bảy Rồi, Bí thư xã ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Nhiệm vụ thằng Vẳng chấm dứt sau khi chịu ký trao nhà để làm trụ sở, cuối cùng thằng Vẳng trở lại với kiếp sống trong chòi, đầu hè... Mánh lới tước đoạt tinh vi, thằng Vẳng mang đủ tiếng xấu với bà con làng xóm. Và nó vẫn có niềm tin vào trời cao có mắt, ông không để lọt một tội ác nào với bọn gian ác như mụ Bảy Rồi (Đồ Quân Ăn Cướp).

Trong khung cảnh đời sống nông nghiệp, thiếu thốn mọi bề. Ngoài tay lấm chân bùn, mảnh vườn, thửa ruộng, khi mùa màng thất bát, lụt lội tai ương, đau ốm bệnh hoạn, họ tin số mệnh do trời. Niềm tin sâu đậm, tha thiết quá, nhiều lúc trộn lẫn dị đoan, mê tín. Thực tế, nông thôn thuở xa xưa, khan hiếm thuốc men. Họ vẫn thuộc lòng câu “đói ăn rau, đau uống thuốc” nhưng không thể thỏa mãn được. Già bé khi ốm đau, không thuốc men chữa trị, lâu ngày, chỉ tin cậy vào những thầy sống có phù phép đánh đuổi quỷ ma ám hại người. Quỷ ma vô hình, con người cũng hãi sợ sự phá phách tiềm ẩn. Họ truyền tụng quỷ ma nơi nào cũng có, và thường trực ở vùng hoang vu hẻo lánh, gò đống nông thôn. Ông Sáu Kiếm có biệt tài bắt vong nên làng xóm ai cũng nể nang, coi như kẻ ra tay tế độ. Ông sử dụng đủ thứ phù phép là niềm tin của những gia đình có con cháu lâm bịnh. Họ tin là quỷ ma quở phạt, chọc ghẹo, quấy rầy lúc chạng vạng, lúc khuya khoắt, lắng đọng cõi âm. Niềm tin không chỉ một thời, một lúc, mà đã trải qua nhiều thế hệ, già trẻ, khắc sâu vào tận xương tủy. Niềm tin thâm căn cố đế, khó giải bạt một tháng, một ngày.

Ông thầy Sáu Kiếm cao tay ấn nhất định diệt lũ quỷ ma phá làng phá xóm, không nhân nhượng được nữa. Tay cầm hình vong, ông xiết mạnh, vẻ giận dữ :

- “Nhà ngươi tên họ là gì? Phải khai trình cho rõ tông ti họ hàng ngay, kẻo ta nổi nóng mà mang họa.

- Ái da! Ông nới tay một chút cho kẻ hèn này được nhờ. Tôi nghẹt thở sắp chết đến nơi rồi. Nhè cuống họng của tôi mà ông siết mạnh quá. Không khéo bị thương tật. Tôi ngự trị lâu nay ở Gò Bướm này, ai cũng biết. Họ gọi tôi là “Con Quỷ Đầu Đỏ”. Xin ông nhẹ tay giùm!

- A ha! Thì ra nhà ngươi là con quỷ hung hãn, lật lọng, thường xuyên quấy phá dân tình ở đây? Nhà ngươi muốn gì mà đang tâm hãm hại bà con lương thiện vậy? Có ai xa lạ gì đâu? Đều là ruột rà thân thuộc, cùng chung thôn xóm. Hãy khai rõ thêm, ta sẽ tùy nghi cứu xét ‘xử lý’... Nếu không, ta sẽ siết họng cho nhà ngươi tắt thở luôn.

- Lạy ông... Xin ông rũ lòng thương... (Con Quỷ Gò Bướm Quê Tôi).

Nó là con quỷ đỏ, mang bao tai họa cho dân chúng trong vùng... Tác giả muốn gởi gắm một triết lý phổ quát đời sống thực tại, mượn lời ông Sáu Kiếm, thầy bắt vong, rằng: “Mình vượng quỷ ma nó yếu. Mình mạnh chúng nó xuống nước nhỏ, quỳ lạy phục tùng mình ngay”. Thời đại ngày nay trên quê hương, sức mạnh đồng tiền đã tạo cho quỷ ma vô sản cúi đầu hành phục, còn tranh giành, xâu xé nhau triền miên, đưa xã hội đến bờ âm vực tội ác.

Đọc hết 7 truyện ngắn trong toàn tập, Võ Phước Hiếu kể lại qua hồi niệm quá khứ nơi mảnh đất thân thương, nơi phế hưng, nhiễu sự, nhiều giai thoại, thời kỳ, nhiều liên hệ biến cố, cùng nhiều thân phận điển hình thật gần gũi, sống động của miền Tây Nam Bộ. Mỗi nhân vật trong truyện tượng trưng “đất lề quê thói”, nổi bậc bản ngã đặc trưng, cùng với ngôn ngữ Miền Nam chân chất mà phong vị. Tác giả đã vận dụng thứ ngôn ngữ địa phương, người từ miền Trung, miền Bắc có thể không tiếp thu, thứ ngôn ngữ riêng giao tiếp chân tình, và chia xẻ hồn nhiên, không cần hoa mỹ, văn vẻ, rỗng nhạt. Những ‘cụm từ’ “bỏ bụng sơ sơ gần nửa xị”, “cà quơ cà quào”, “đăng đăng đê đê”, “thét rồi cả hai...”, “cắc ca cắc củm”, “chằn ăn trăn quấn”, “mỏ hò mỏ ó”, “cò ke lục chốt”, “chàn hản chê hê”, “bù trơ bù trớt”, “lạ hoắc lạ huơ”, v.v... và những cái tên không thể lẫn vào một nơi nào khác, nhất định là miền Tây đất mẹ. Những bà Tư Trầu, bà Mười Phận, Tám Thôi, Sáu Kiếm, Bảy Bèo, Năm Nghê, Sáu Củ Nừn, Hai Xệ, Thím Bảy, Mợ Năm v.v... và những địa danh Rạch Rít, Gò Đen... nghe thân thương hương đồng vị đất.

Lâu lắm, kể từ thời trước tháng Tư tai họa, đọc Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, nổi cộm văn học đặc trưng ngôn ngữ văn chương miền Nam, đến nay, tiếp nhận “Phá Sơn Lâm, Đâm Hà Bá” của Võ Phước Hiếu tại hải ngoại. Tác giả tái họa cuộc sống, văn hóa nông nghiệp nông thôn, quần chúng bình dân xa thành thị, họ sống quần tụ bằng tình thương giúp đỡ, đùm bọc nhau, thành thật chia ngọt xẻ bùi, khi tối lửa tắt đèn, khi trở trời trái gió. Tác giả cũng đã ghi lại những kỷ niệm xa xưa, những tâm tình, mơ ước thanh bình, hạnh phúc, ấm no vĩnh cửu, những nhớ nhung về một quê nhà xa xôi ngăn cách. Nghịch cảnh định mệnh đã đưa đẩy tác giả bồng bềnh trong kiếp lưu đày tạm bợ, tác giả vẫn vững niềm tin: “còn người thì còn của, còn sống là còn hy vọng”. Còn nhiệt huyết, quyết tâm thì còn cơ hội tin tưởng ở tương lai mai hậu.

Chuyện kể, có thể là chuyện xảy ra hằng ngày bình thường mà mức độ truyền cảm thấm thía. Thấm thía cho kiếp người, thương xót cho đất nước và sinh mệnh dân tộc đang chịu dập vùi, tha hóa, sa đọa dưới bàn tay vô đạo, vô thần, phi nhân phi nghĩa...

“Phá Sơn Lâm, Đâm Hà Bá” có vị trí riêng biệt trong tủ sách văn học Việt Nam hôm nay.