3. Trâu già chẳng nệ dao phay

Xóm tôi nếu không có chú Năm Nghê chắc buồn não nuột. Mọi người lớn nhỏ đều nhìn nhận như thế. Chú độc thân, vui tánh, thương mến bà con, quý trọng bạn bè thân hữu. Nhà chú lúc nào cũng có tiếng tăm, hơi hướm tri âm tri kỷ. Người ra kẻ vào không ngớt. Ai có dịp tiếp xúc với chú một lần, nhứt định hẹn sẽ có ngày trở lại, không bao giờ quên chú được. Chú nói chuyện rất có duyên, lôi cuốn người đối thoại. Chuyện kể, chú đầy nhóc một bụng, ứng khẩu thành văn. Đề tài hấp dẫn, lạ lùng, lại thay đổi luôn. Chuyện bên Tây, bên Tàu, chuyện Chà Và Ma Ní, Ả Rập “ngàn lẻ một đêm”, chuyện người da đen, da đỏ, da trắng, da mơn mởn ngà ngà ở các xứ Phi Châu sa mạc khô cằn... chỉ cần ai đó khợi đến, dù vô tình hay cố ý, kể như chú độc diễn cả ngày cả buổi. Lắm lúc chú quên giờ giấc, bỏ cả cơm nước dễ dàng. Dường như chú không bận tâm đến. Nghe chú kể chuyện xưa tích cũ, nói thơ chàng Lía, thơ Thầy Thông Chánh, cậu Hai Miêng... nhứt là thuật chuyện tiếu lâm châm biếm, mọi người đều cười nôn ruột. Họ lăn cù, nước mắt ràng rụa đầm đìa. Chiều nào cũng như chiều nấy, nhà chú đều đông người ra vào rộn rịp, xôm tụ nhứt vào những đêm trăng sáng. Kẻ ngồi trên ván ngựa, loại ván mỏng te, mỗi lần trở mình nhúc nhích hoặc rung đùi nghe lụp cụp… lụp cụp. Bộ ván nơi nhà chú quả thực tượng trưng đầy đủ và đúng mức phong cách sống của bà con, chuộng người mến khách, quý trọng bạn bè. Ai đến cứ tự tiện nhảy thốc lên ngồi chơi thoải mái. Ai lỡ bước, không ngần ngại cứ ngã lưng ra nghỉ đêm. Bao đêm mà chẳng được. Chú hay nói:- Ở xứ khỉ ho cò gáy, quạnh hiu buồn tênh này, có thêm người càng vui càng quý. Muỗi mòng có nhiều đối tượng nên tha hồ chọn lựa. Mình đỡ bị cắn chích.

Người khác ngồi tòn ten lắc lư trên võng. Loại võng đan bằng lác mịn màng, được chú cẩn thận buột chặt ở hai đầu gốc cột của chái nhà trước nhờ hai con găng bằng tre già vừa hơn một tấc tây. Chẳng những trông cái võng có vẻ thô kệch lại còn chằng khíu đó đây khi được phình rộng ra. Chú bác trọng tuổi hay các cụ thuộc hàng trượng triều trượng quốc có bàn cây bằng ván tạp nhạp để ở chính giữa nhà. Tuy không tốt đẹp chắc chắn gì lắm nhưng dù sao cũng là nơi danh dự. Thêm ưu tiên có bình trà lúc nào cũng nóng ấm, thơm phưng phức mùi bông lài do chủ nhân tự ướp, để có hương vị quê hương đặc thù. Hầu như tục ướp trà bông lài là thói quen lâu đời của bà con xóm tôi, nay qua bàn tay của chú đạt đến mức tuyệt kỷ. Mấy đứa quỷ sứ, lục lăn lục lửa, chằn ăn trăn quấn chúng tôi thoải mái trên những tấm đệm phơi lúa được chú trải ở sàn đất. Có chỗ rách to cỡ bàn tay xoè con nít, ngồi lâu nghe lành lạnh bàn tọa. Dù vậy, chúng tôi vẫn tỉnh bơ, quá ưng ý bằng lòng khi cảm thấy được chú tiếp đón ân cần trọng hậu như những người lớn. Sang lắm có mấy chiếc ghế đẩu cũ kỹ xiêu vẹo, vô tình ngồi nhích qua nhích lại nghiến da non bầm tím, đau thấu mây xanh.

Hôm nào bận việc không đến nhà chú được, bà con cảm thấy mất mác, thiếu thốn một cái gì, cứ nao nao trong lòng. Họ nhớ chú, nhớ mùi hương trà bông lài, nhớ chuyện tào lao thao thao bất tận chú kể. Thói quen giải trí lành mạnh theo nhu cầu tự nhiên của con người, sống theo đoàn lũ, có người có ta, có bà con thân quyến ruột rà, có lân bang bạn bè chòm xóm. Tất cả những cái đó không thể thiếu vắng được trong sinh hoạt hằng ngày. Đề tài của chú lúc nào cũng phong phú, mới lạ. Ít khi nghe chú soạn lại bổn cũ. Chính nhờ vậy mà chú quyến rủ người nghe. Họ không hề cảm thấy nhàm chán. Có bữa chú cao hứng thuật lại một câu chuyện cũ mèm, xưa từ đời ông Nhược ỉa cứt su, nhưng bà con vẫn chăm chú theo dõi, hồi hộp với những cảm giác chưa từng có. Chú khéo léo thêm thắc, bày vẽ nhiều tình tiết éo le gay cấn, cải sửa nội dung sao cho phù hợp hoàn cảnh đang sống hoặc đúng khớp thời sự mới tinh khôi vừa xảy ra nóng hổi ở xóm làng. Hoặc chú dậm mắm thêm muối bằng vài chi tiết lạ hoắt lạ huơ, người nghe chưa bao giờ nghĩ và tưởng tượng đến, nhờ ba mớ kinh nghiệm sống thực, rất dồi dào trong cuộc đời phiêu lưu bất đắc dĩ của chú trước đây. Và chính cuộc đời phiêu bạt giang hồ đó của chú khiến cho chất lãng mạn bay bướm, phảng phất hơi hướm ngoại lai, cứ tuôn trào ngọt ngào trong câu chuyện. Chú cười thoải mái, hãnh diện nói trước khi chú vào câu chuyện:

- “Bổn cũ soạn lại” nha! Nhưng cam đoan có phần phụ thêm hấp dẫn gấp bội.

Có một điều là bà con tôi cũng không cần tìm hiểu hoặc hỏi xem những câu chuyện của chú thuật đó có thực hay không? Hoặc do trí tưởng tượng trời ban cho, khiến chú vẽ vời, cường điệu có duyên đến thế? Dù thực hư hay hư thực ra sao, bà con tôi rất bằng lòng và mãn nguyện lắng tai nghe. Còn đối với những bậc hiểu biết cao kiến, họ vuốt râu hề hà cho rằng chú có lối nói dóc thần sầu quỷ khóc nhưng có căn cơ dẫn tích, dù không một ai kiểm chứng được. Chú được bà con xóm tôi thương mến, nể nang. Nhà chú trở thành nơi hò hẹn họp mặt thân tình của bà con khi mặt trời phụp hẳn xuống chân trời sẫm đục xa xa. Sự thân tình này thể hiện đậm nét qua phong cách hồn nhiên mộc mạc của bà con và anh em chúng tôi. Hễ gặp việc, chúng tôi xáp lại xăng tay áo khỏi cùi chỏ, nhảy xỏm vào tham gia không chờ chú cất lời nhờ vã. Hễ gặp ăn uống đánh chén, chẳng đợi mời mọc dong dài, đói trúng bữa cơm, chúng tôi tự tiện lên bàn cầm đũa xem như người trong nhà, trong tộc. Nhờ vậy chú quên đi cảnh lẻ loi quạnh quẽ sau bao nhiêu năm chìm nổi, lắm lúc thất vọng chán chường. Và bà con tôi cũng được những dịp vỗ về, xoa dịu phần nào những lao nhọc khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Chú tự tạo niềm vui, tự tạo những ngày tháng hạnh phúc cho chính bản thân mình. Vì chú quả quyết, niềm vui và hạnh phúc chỉ do chính mình tạo dựng ra, chính mình suy nghĩ phát kiến mà có, chớ không ai vào chéo đất hoang vu này ban bố cho bao giờ. Nhứt là chẳng ai mang tiền mang của, dù tiền rừng bạc biển ra mà hòng mua được. Nhưng cái ưu điểm quý hiếm tuyệt vời ở chú Năm Nghê là biết chia xẻ niềm vui và hạnh phúc đó cho mọi người xung quanh. Như vậy cuộc sống chung đụng hằng ngày thêm dễ chịu, hào hứng và có ý nghĩa hơn.

Cuộc đời chú Năm Nghê rất éo le, cay đắng trắc trở. Nó khởi sự bằng một chuỗi biến cố lịch sử trên đất nước nhà. Chú nhổ giò không mấy chốc, tưởng chừng như cuộc đời chú sẽ gắn bó vĩnh viễn với cảnh thổ khẩn rừng lập rẫy còn hăn hắc mùi đất tân lập thì tình hình Âu Châu căng thẳng cực độ. Các nước kình chống nhau, kéo bè chia phái nhằm bảo vệ quyền lợi riêng tư. Thế chiến không sao tránh khỏi. Chính quyền thuộc địa ráo riết lùng sục khắp nơi, nhứt là ở những làng mạc xa xôi hẻo lánh để tuyển chọn tráng đinh mạnh khoẻ, thành lập Binh đoàn Công nhân Không chuyên nghiệp gởi về Pháp chuẩn bị chiến tranh chống Đức Quốc Xã. Bà con bình dân chân quê lúc bấy giờ gọi là «lính thợ». Mỗi gia đình phải cung cấp cho nhà nước thuộc địa một đứa con trai lớn, tuổi phải trên hai mươi. Nhưng giới quan lại bản xứ tròng tréo làm áp lực phân công làng xã phải tích cực chọn người và có nhiệm vụ thực hiện cho bằng được cấp số tuyển mộ theo nhu cầu ấn định của cấp trên. Phong trào “bắt thăm đi lính” rầm rộ khắp nơi, gây nhiều xáo trộn buồn lo trong mọi gia đình có con em ở lớp tuổi chẳng may được gọi. Các giới chức có thẩm quyền trong Ban Hội Tề làng xã một mặt tỏ ra kiêu căng hóng hách với dân tình, một dịp để họ ra oai tác quái, mặt khác khúm núm quỳ mọp làm thân khuyển mã. Họ sắp bày để thỏa mãn quyền lợi riêng tư. Bà con tôi phần lớn sinh trưởng và lớn lên quanh quẩn ở vùng đèo heo hút gió, chó ăn đá gà ăn đất buồn tênh, suốt đời cột chặt với thửa mạ luống cày, lúc thúc sau lũy tre xóm làng. Có người từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ chưa ra tỉnh ra quận một lần để học khôn. Cái thủ đô Sài Gòn Chợ Lớn sát bên, lớn nhỏ ra sao, tròn méo, đông đúc thế nào còn chưa biết, nói chi đi đó đi đây vạn dặm làm gì.

Nói đến đi Tây, họ tưởng tượng một thế giới xa mút chỉ cà tha, một cách ngăn nghìn trùng diệu vợi. Họ sẽ xa làng lìa xóm, biết thuở nào gặp lại đông đủ bà con ruột thịt? Có người viễn mơ nghĩ đến ngày về xóm cũ làng xưa sau bao nhiêu năm vắng mặt. Họ sẽ bùi ngùi ngỡ ngàng, nửa lạ nửa quen. Quen vì cảnh thổ mến yêu vẫn mãi mãi còn đó. Bất diệt. Lạ vì những đổi thay dâu biển. Cỏ dại, năn sậy... chắc sẽ làm mất hẳn lối mòn thân thương quen thuộc. Mấy cây cầu dừa no tròn, nặng trĩu bất động ở mỗi mương ranh hay những cây cầu tre cầu khỉ lắc lẻo, gập ghềnh ở đầu ngõ hay cuối bến chắc cũng đã rả mục gục đầu dưới lòng mương lòng rạch. Hoặc chúng đã mất hẳn dấu vết để họ buông lời nuối tiếc. Còn đâu những ngày thơ mộng, khập kha khập khiển, chao đảo rắn rồng lúc “qua cầu gió bay” mong tìm về “nhà anh nhà em đôi bờ chia cắt, tuy gần mà xa”. Chú chỉ hy vọng còn đây cây dương duy nhứt, cao ngất nghểu đầu đình, mỗi tết nhứt về lại thêm một tuổi để trở thành cổ thụ. Dù da dẻ có sần sùi nhưng nó vẫn là chứng tích thời ấu thơ của chú. Trong khi bà con chú trước sau đã quá vãng, mãi mãi yên mồ yên mả, nằm nơi gò hoang hay vạt đất nơi góc vườn góc xóm. Hơn nữa, chiến tranh với thảm cảnh chết chóc chia lìa là nỗi ám ảnh trĩu đè tâm hồn mộc mạc dung dị của họ. Rồi đây, họ sẽ đương đầu với cảnh lạ, với người không quen, không cùng ngôn ngữ, không chung phong tục tập quán và tâm tư tình cảm nữa. Tuy quê mùa cục mịch, họ thừa biết cảnh lính thú ngày xưa:

... Một tay thì cắp quả mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa


Và câu thơ cổ bất hủ luôn cứ lãng đãng bên tai:

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Gia đình nào cũng thấp thỏm lo âu. Họ ngóng chờ trông đợi cái ngày “bắt thăm” định số nghiệt ngã ấy. Nó như kéo dài lê thê, ngăn ngắt trong không khí tẽ nhạt buồn tênh, nặng nề còn hơn tang khó. Chú Năm Nghê không có ảo tưởng mông lung xa vời. Con người chú xưa nay rất mực thực tế. Đôi chân rắng chắc của chú luôn bám níu, đứng vững vàng trên đồng chua nước mặn, trên thửa ruộng luống cày, trên vườn liếp quê hương. Chú mộc mạc như củ khoai hòn đất, như con cá con cua, nghĩ sao nói vậy. Bù lại, chú có trực tính. Trực tính đó báo cho chú biết, với tấm thân cường tráng, vặm vỡ nhờ bao năm lao lực cấy cày, ngày ngày vận động thường xuyên, chú khó thoát khỏi âm mưu đen tối, những cạm bẫy mắc giăng của các chức dịch làng tổng. Người dân thấp cổ bé miệng lúc nào cũng chịu thiệt thòi lép vế. Hơn nữa, chú thuộc hàng nghèo mạt rệp từ đường, một cục đất sở hữu tròn vo cỡ đầu ngón tay cái còn không có để rình liệng đuổi chim chóc phá hại vườn tược, hà huống một tấc đất cấm dùi. Cho nên sự lép vế thiệt thòi nơi chú còn trầm trọng hơn. Chú thừa biết như vậy. Xưa nay, dù thời cuộc có thay đổi sang trang, triều đại này tiếp nối triều đại khác, vẫn thế thôi. Chẳng có gì khác cả. Cũng vẫn thế lực đồng tiền. Cũng vẫn sức mạnh uy quyền!

Đầu óc chú không sao đánh đuổi, lùa xa những lời kêu ca tuyệt vọng của đám dân lành cần cù thủ phận. Chú rất bất mãn về những vụ úp bộ ruộng vườn thấu hoàng thiên, cứ xảy ra luôn trên vùng đất bà con bạn bè chú đã bỏ cả một đời để khai khẩn, lên liếp lên vồng. Đất đai hoang vu ngút ngàn không ai thừa nhận sở hữu chủ. Mạnh ai nấy vóc tâm gắng sức đổ mồ hôi làm thành khoảnh, theo sự cổ võ khuyến khích của làng xã, đã chính thức cấp giấy phép tạm thời cho vỡ hoang, cày cấy trồng trọt sinh sống. Họ đến đây, “đất nước lạ lùng”, «chim kêu vượn hú», không một bóng người, đôi khi đơn độc một mình. Tứ cố vô thân. Hành trang mang theo chỉ vỏn vẹn vài dụng cụ cần thiết cho cuộc sống và nhu cầu làm việc hằng ngày. Đại khái một nóp bàng để ngủ đêm, cuốn tròn gọn lỏn quải trên vai. Một chiếc áo tơi lá chầm, người bạn đời không bao giờ rời, như bóng với hình mùa mưa dầm rả rích, gió lạnh thấu xương. Rồi ít dao rựa, vài cái phảng cổ cò cổ diệc để phác cỏ hoang, năn sậy. Và quan trọng hơn hết, một cái cà ràng dễ di chuyển, đặt nơi nào cũng được, trong chòi vào mùa khô, trên bè hay trên xuồng ba lá nhằm mùa lũ lụt. Quanh năm nó giúp ấm lòng ấm dạ để an tâm trong hiện tại và phấn khởi ở những ngày dài trước mắt. Thêm chiếc xuồng con thon thon làm chưn làm cẳng, xê dịch đó đây hoặc dùng chuyên chở mạ non, thóc lúa. Không có nó kể như bị chặt tiện mất hai chân. Không còn khả năng làm ăn ra trò trống gì cả ở vùng sông rạch với những đường nước mà trời cao lồng lộng, rộng rãi ban cho thừa thải khắp nơi. Những năm sau có chút ít hoa màu, chẳng bán buôn gì được, chỉ để tiêu dùng trong gia đình, hy vọng cầm hơi tiếp tục đốt rừng phá rẫy lấn chiếm đất hoang. Nhưng đến chừng ra quận, lên tỉnh xin hợp thức hóa, họ mới tá hỏa tam tinh, té ngữa, kêu trời không thấu. Phần đất khai khẩn bấy nay là sở hữu của thầy Cai tổng này, ông Hội đồng nọ, hoặc của ông lớn ông nhỏ, bà thứ bà bé các quan ở quận ở tỉnh. Đôi khi còn ở xa mút tí tè tận Sài Gòn Chợ Lớn hoa lệ nữa. Họ ngồi không, chưa hề động đến móng tay, chẳng nhễu một giọt mồ hôi công khó, chỉ chờ đến thời điểm thuận lợi cấu kết nhau chia phần từ thuở nào rồi.

Chú không sao quên được câu nói thoát ra từ cửa miệng của người dân xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh mà chú đã từng nghe không biết bao nhiêu lần trong đời: «Nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định». Những ông huyện hàm Lê Phát Đạt thường gọi là Huyện Sĩ, bá hộ, ông bang hay đại điền chủ có những cái tên Minh Hương Đỗ Hữu Phương, Lý Tường Quan, Trần Hữu Định, nếu không âm mưu cấu kết chặt chẽ với thực dân, làm gì được chúng cho đặt ân giúp mua úp bộ rẻ rề, hoặc ban cấp cho khẩn trưng mỗi người năm bảy ngàn, đôi khi cả mười ngàn mẫu ruộng rừng rải rác đó đây. Báo hại bà con chú gạt lệ nuốt hận. Công lao họ từ bao nhiêu năm tháng dài quần thảo trên đồng không mông quạnh, nắng cháy bỏng da, bỗng tiêu tan thành mây khói. Họ tắt ngấm hy vọng để sau này trở thành tá điền muôn năm vạn thuở của những người họ không bao giờ biết mặt. May mắn lắm họ chỉ nghe được vài cái tên man mán, tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng Việt lẫn lộn, đọc trật vuột khó khăn. Chú Năm Nghê không lạ gì về những việc sắp xếp lươn lẹo, trồng tréo mờ ám đó. Khổ nỗi, người dân hiền lành lương thiện luôn là những nạn nhân khốn khổ truyền kiếp. Mà thật vậy. Những suy đoán lo âu của chú không sai xuyển chút nào. Hôm “bắt thăm” ở làng, tiêu chuẩn cấp trên ấn định là ba người tính theo tỷ lệ đầu nhân mạng. Rốt cuộc ba thanh niên thuộc hàng nghèo rớt mồng tơi, mờ đôi mắt trong xóm được “vinh dự trúng thăm”. Trong khi đó, các con cháu ông cả, ông chủ, ông bang biện cùng chủ điền giàu sụ chẳng may bị loại. Tất cả những quý tử quý tôn này đều lọt sổ gọn hơ. Đút lót… Chạy chọt… Gian lận… Chú Năm mỉm cười thấm thía cho tình đời. Chú nhớ đến lời người xưa: “Muốn nói gian, làm quan mà nói”!

Nhứt là câu ca dao quen tai:

Con ơi nhớ lấy điều này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.


***

Ngày xưa, người ta đánh trống khua chiêng tiễn đưa những chàng trai lính thú đi làm phân sự. Phần nhiều ở tận nơi xa xôi hẻo lánh, cách ngăn thăm thẳm, khiến tâm trạng người đi thêm thê lương áo não:

Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.


Chẳng mấy chốc, chú Năm Nghê gạt lệ như người xưa, giã từ gia đình, bạn bè thân yêu, giã từ xóm làng thôn ổ. Không phải chú sẽ “bước chân xuống thuyền” mà để được chuyển thẳng đến bến Nhà Rồng xuống tàu viễn dương, trực chỉ trời Âu. Chú đi Tây phục vụ mẫu quốc! Chú còn nhớ rõ năm đó là năm 1939 mà ngày tháng nào chú quên mất rồi. Duy chú chỉ biết con tàu mang cái tên «Giăng Xê» (Yang Tsé), to lớn và đầy đủ tiện nghi quá tầm tưởng tượng của chú. Và chú lại nhớ man mán đâu đó có người nói với chú cái tên «Giang Xê » này chẳng qua là tên con sông Dương Tử bênTàu? Nhưng thực tình, lúc bấy giờ lòng chú hoang mang, chú nào có màng để ý tới. Từ dạo đó, từ dạo con tàu nghiệt ngã “xúp lê một... xúp lê hai...” chẳng chờ chẳng đợi, chẳng nuối chẳng kéo, chầm chậm tách bến Nhà Rồng, phun khói đen ngòm để sau đó uốn éo theo sông Sài Gòn, vượt Ô Cấp, chú Năm Nghê bắt đầu một cuộc đời mới. Tâm trạng chú dàu dàu thương thương nhớ nhớ. Chú khắc khoải nhiều câu hỏi thầm kín trong lòng, đến giờ khắc đó vẫn chưa bao giờ có đáp số thích nghi. Chuyến đi thì có, cũng rầm rầm rộ rộ trong không khí nô nức tiễn đưa của chính quyền thuộc địa, nhưng ngày về lại mù mờ đến biết thuở nào? Chú không bi quan. Thái độ này không trái ngược với tánh tình chú. Chú vốn yêu đời, yêu người, yêu vạn vật, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống... Nhưng không vì vậy chú không ái ngại cho tương lai. Chú không lo lắng cho những ngày trước mắt. Có thể một viên đạn vô tình bất chợt nào đó sẽ cướp mất phũ phàng đời son trẻ của chú. Nỗi buồn của chú là chết bơ vơ cô độc, tứ cố vô thân trên mảnh đất xa lạ, xa hẳn cái chéo mạ, vồng khoai nơi quê hương chú. Chú chết cho ai đây? Vì ai chú chết?

Chuyến tàu xuyên đại dương hơn cả tháng trường diệu vợi, lắm lúc sóng gió hãi hùng tới tắp không thôi, ghé Tân Gia Ba, cảng Djibouti, vượt kinh đào Suez Ai Cập với kim tự tháp, kỳ quan thế giới. Sau cùng nó đến neo ở cảng Marseille, một hải cảng thương mãi quan trọng ở miền Nam nước Pháp, rất phồn thịnh thời bấy giờ. Vì là cửa ngõ yết hầu buôn bán với các nước vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, Phi Châu và Đông Nam Á Châu. Chú Năm Nghê được chuyển ngay về miền Bắc Pháp, nổi tiếng là xứ khoai lang tây và củ cải đường. Chú được bố trí phục vụ ở quân cảng Dunkerque. Chiến tranh bùng nổ ác liệt trước đó không lâu. Chế độ phân phối lương thực được áp dụng rất khắc khe. Cũng như các bạn đồng hội đồng thuyền lính thợ Việt Nam, chú thuộc hàng phó công dân ở xứ thuộc địa xa xôi, được xếp hạng bét trong thang ưu tiên phân phối. Ăn uống thiếu thốn. Thời tiết lạnh buốt làm cho cơn đói càng thêm khó chịu. Ai có lâm vào cảnh này mới biết cái đói khát nó dằn xé mình đến mức độ nào! Không lời nói, không chữ nghĩa nào, dù có chọn lựa cân nhắc đến đâu có thể diễn tả đúng mức và đầy đủ được. Thêm vào đó còn phải làm việc cực nhọc, liền tay, không một ngày ngơi nghỉ. Vì lúc ấy tất cả đều tranh thủ thì giờ phục vụ guồng máy chiến tranh vào cao độ. Chú cứ cười bất mãn tự nhủ:

- Mình đầu den, da vàng, mũi tẹt, con dân xứ thuộc địa mất tự do, số phận hẩm hiu chẳng có gì là lạ cả.

Bấy giờ chú mới nhớ, hơn bao giờ hết. Nhớ cồn cào trong tủi hận... Chú nhớ khoảng không gian thênh thang trước nhà mình, lung linh ánh nắng sớm chiều với tiếng chim nô đùa hợp chợ ríu ra ríu rít không thôi trên những tàn ổi, tàn mãn cầu... đâm tượt non mướt mùa mưa. Chú nhớ những bữa cơm đạm bạc với cá tép tôm cua, rau cỏ vườn nhà chú thường ăn, tuy không thịnh soạn, nhưng lúc nào cũng no bụng ấm lòng. Chú nhớ những con cá rô to bằng bàn tay phóng nhảy rèn rẹt rèn rẹt rất cao khỏi mặt nước ở những đám lúa trổ đòng đòng để táp bông lúa non thơm ngon, mà chú thường câu nhấp đem về nướng lửa rơm căn phồng tươm mở. Chú nhớ những ngày ra giêng gió lành lạnh, những trái xoài con thon thon nho nhỏ, một màu xanh mơn mởn đong đưa đồng loạt với những bông xoài nở muộn, màu trắng vàng giữa những lá non tim tím, báo hiệu một mùa trái ngon ngọt hứa hẹn. Chú nhớ mấy bầy ròng ròng lớn nhỏ, màu đỏ hoe, quấn quít sát vào nhau, ganh đua trườn lên mặt nước ngớp thở, bên cạnh cá lóc mẹ, thỉnh thoảng táp mống bụp bụp bảo vệ con, xua đuổi ếch nhái khuấy rầy. Chú nhớ vào những mùa gió chướng bắt đầu thổi, mấy cây so đũa suông đuột trước nhà chú trồng cốt để về sau lấy thân ủ làm núm mèo, trổ bông trắng ngần lòng thòng, phất phới lay chuyển theo chiều gió. Chú đang thèm một nồi canh chua cá trào, cá chốt bụng trứng nặng kè kè nấu với bông so đũa, ăn mệt nghỉ. Nhứt là phải để sót chút ít nhụy bông so đũa để có mùi đăng đắng nhân nhẩn. Giờ đây, nơi xa xôi có lúc bất chợt nghĩ đến, chú càng thêm nhớ thêm thương quê hương khổ hạnh của chú. Và cái mùi nhân nhẩn đăng đắng của bông so đũa ngày xưa càng làm cho chú thêm thấm thía với cuộc sống giăng mắc đắng cay hiện tại... Mới hay ở mỗi con người, dù giàu sang phú quý hay nghèo khó khốn đốn đến đâu, trong sâu thẳm tâm hồn của họ đều có một chỗ trang trọng giành cho những kỷ niệm vui buồn trong đời. Những kỷ niệm này đôi khi mang đến cho họ một ước mơ, một hoài vọng nào đó mà trong mơ hồ của ảo tưởng, nó càng đặc thù bao nhiêu càng tốt đẹp bấy nhiêu. Và chính đó mới là nền tảng đưa đến những thành công trọng đại trong hành động của con người.

Những năm đó, thời tiết trở lạnh khủng khiếp. Súng đạn lại đì đùng khắp nơi không dứt. Người địa phương rất lo sợ và luôn bị ám ảnh bởi thần chết. Chết trận, thương vong, lạc đạn đã đành, họ còn phập phồng về nạn chết đói, chết lạnh vì thiếu than củi và nhiên liệu sưởi ấm. Một cái chết dằn dai đau đớn mới thê thảm hơn. Tiền của chỉ lo vào miếng ăn cầm hơi hằng ngày, có đâu dư thừa để chi vào việc sưởi nhà cửa. Bạn bè chú chịu lạnh không thấu, thêm vào đó ăn uống thất thường, thiếu dinh dưỡng trầm trọng nên bệnh hoạn, chết rất nhiều. Bệnh nhân được nhập quân y viện hay bệnh xá, vừa qua khỏi cổng trước. Một ngày sau, xe “bù ệch” đẩy thây ma ra cổng sau vào nhà xác trước khi trực chỉ nghĩa trang. Cũng chính bạn bè chú mỗi lần thấy một bạn đồng hành nhập viện đều đến quấn quít cạnh bên hỏi han có muốn nhắn gởi những lời cuối cùng gì về gia đình hay không? Một di chúc đối với người đoán trước sắp bước vào cõi vĩnh hằng huyền bí. Rõ thật thê thảm biết dường nào! Nhờ phúc đức ông bà cha mẹ thuở trước khéo tu tâm dưỡng tánh, có thiện duyên bố thí giúp người sa cơ lỡ bước hay sao mà chú được bổ nhiệm giúp việc vợ chồng viên Quan Năm chỉ huy đơn vị để sai vặt. Vất vả khổ cực, chú thấm thía lắm, so đi tính lại còn gấp bội lúc chú quần quật sớm tối ngày mùa nơi quê nhà. Nhiều lúc chú thở dài:

- Ăn lương bằng đồng quan Pháp không phải dễ. Trần ai lai khổ. Quả thật là “đồng lương ói máu”.

Tuy vậy, đối với chú còn một chút an ủi cứu rổi. Mỗi sáng, chú có nhiệm vụ thức dậy thật sớm, đốt lò sưởi. Đây là giây phút sung sướng nhứt đời chú trong suốt chuỗi ngày lưu lạc ở xứ Phú Lang Sa. Chú trì hưởn kéo dài thì giờ, nấn ná chọn lựa, tâng tiu từng khúc củi. Chú nán ở lại lâu chừng nào tốt chừng nấy để được hưởng thêm một chút ấm áp hiếm hoi đó. Bà vợ vị Quan Năm còn quá trẻ nhưng tỏ ra thông cảm hoàn cảnh của chú. Bà dư biết người gốc gác các xứ Đông Dương, quanh năm nóng nực không sao chịu nổi cái lạnh khắc nghiệt của trời Âu. Bà làm ngơ để chú tự do hưởng vài phút quý báu và cần thiết này. Có lẽ nhờ hoàn cảnh hi hữu ấy, chú Năm may mắn sống sót trong chiến tranh, dù ngắn ngủi vài năm nhưng khốc liệt vô cùng. Cứ nhìn hình ảnh chú mang về nước làm kỷ niệm, với hải cảng Dunkerque hầu như bình địa mới ý thức đúng mức sự tàn phá của chiến tranh thời đại văn minh khoa học tân tiến.

Sau khi Đức Quốc Xã bại trận, chú Năm Nghê thuộc nhóm lính thợ đầu tiên đăng ký hồi hương. Chú nôn nao trong lòng nhưng nước Pháp thời hậu chiến tả tơi xơ xác, đổ vỡ hoang tàn nên không giải quyết ngay được. Dù sao chú cũng được về trên chuyến tàu hồi hương sớm nhứt so với bạn bè chú có người phải chờ đến chuyến tàu cuối vào năm 1952. Chú thương cái xóm Rạch Rít của tôi. Chú nhớ quê hương, bà con lối xóm. Chú không chần chừ rời khỏi mảnh đất xa lạ bị tàn phá với nhiều kỷ niệm chú cố gắng quên mau, xem như một vấp váp trong đời mình. Sau này, chú có thố lộ tâm trạng của chú lúc đó như những chú cá lóc, cá trê, cá rô… ưa thích sống trên đồng ruộng, bưng biền hay đầm vũng, nơi chúng được sinh trưởng và lớn lên. Về sau nên hình nên vóc, dù cho đồng ruộng có cạn khô mùa nắng, dù cho bưng biền có hết nước đi nữa, nhưng chúng nó không bao giờ phiêu lưu thoát ra sông cái đầy cạm bẫy. Trái lại, chúng nó lần mò cố tìm mọi cách rút xuống ao sâu đầm vắng, như chúng quyến luyến không rời bỏ được vùng đất dưỡng nuôi bảo bọc chúng trước đây. Cũng như chú, chú không thể bỏ được quê hương Rạch Rít của chú. Khốn nỗi, chú muốn quên nhưng sao những kỷ niệm đó vẫn đeo đẳng chú không thôi. Chú nhất quyết hồi hương không một phút giây do dự. Chú càng thêm thương một số ít bạn bè trong đơn vị chú. Trong thời gian lưu lạc, chúng lỡ đụng một cô đầm mắt xanh mũi lỏ, đã có con cái lóc nhóc vài đứa tóc hoe da bánh mật, nên đành bị cột chưn cột cẳng ở lại, buông xuôi đời mình theo định mệnh đẩy đưa.

Phần chú, sau mấy năm trôi nổi ở Pháp, chú trở nên lỡ thầy lỡ thợ. Thầy không ra thầy. Thợ không ra thợ. Chú hồi hương trong tay không một nghề ngỗng đảm bảo nào, trừ cái bệnh nghiện rượu mới chết. Thời chiến tranh, ai thiếu rượu thì có, chớ nhà Quan Năm chỉ huy trưởng đơn vị thì dư giả, tha hồ mà uống. Rượu nhà quan thường là thứ rượu ngon. Không uống cũng uổng. Vả lại, có rượu vào chú cảm thấy đỡ lạnh hơn và cũng để được ấm lòng những lúc nhớ nhung. Uống riết trở thành thói quen. Bỏ không được nữa. Lúc ở tàu thủy lênh đênh trở về quê cũ, ngồi một mình trên boong tàu ngắm nhìn mặt nước trong xanh với những con hải âu thỉnh thoảng chập chờn xa xa, chú tự an ủi mình. Chú nhại theo câu “văn chương phú lục chẳng hay....” thuở còn đi học trường làng. Chú ngâm nga khe khẽ qua nỗi buồn man mác cứ chực xâm chiếm tâm hồn lạc loài xa xứ của chú:

Đi Tây lỡ dỡ phận này
Trở về làng cũ học cày nuôi thân...


Bọn chúng tôi xem như thường xuyên có mặt ở nhà chú Năm Nghê. Lúc nào cũng vui nhộn lắm. Chú độc thân nên chúng tôi rất tự do thoải mái bày biện. Chúng tôi thơi thới không lo có bóng dáng đàn bà lãi nhãi tối ngày, hò hét, ong óng rầy la để nhà cửa được ngăn nắp sạch sẽ, giữ trật tự nề nếp trong ngoài. Người lớn thường tụ năm tụ bảy ngồi nghe chú kể chuyện đi Tây, đi Phi Châu, những nơi chú từng để chân đến. Tha hồ chú vẽ vời mê hoặc chúng tôi. Có nhiều đoạn chú day qua nhếch mép bảo nhỏ chúng tôi:

- Tụi bây còn nhỏ quá, con nít con nôi, chưa tới tuổi để có quyền nghe đoạn này. Đợi lớn chút nữa đã...

Nhưng bên vách ngoài, chúng tôi nghe loáng thoáng những trận vui chơi “trả thù dân tộc” gì đó với những tiếng cười ầm vang như muốn vỡ cả mái chòi của chú. Chú bảo đầm “phẹt” (ferme), nhiều cô trắng bạch nhưng khổ nỗi lại to con, dình dàng như voi. Người mình trái lại như con cá lẹp, như con mực khô trúng nắng, đứng kế bên bắt ớn lạnh rùng mình. Chú tắc lưỡi:

- Tội nghiệp! Tao có mấy thằng bạn cùng đơn vị lấy vợ đầm. Ban đầu coi cũng được đến. Chúng nó cũng hạnh phúc đáo để, mặc dầu không xứng lứa vừa đôi dưới con mắt quê mùa của tao. Nhưng về lâu về dài, tình cờ gặp lại tụi nó, trông chúng nó thảm não xác xơ làm sao! Chúng nó ốm tong ốm teo như con cắc kè phơi khô, xanh xao hết xíu quách. Nhiều đứa chắc để làm cảnh mà chơi… chớ làm ăn gì nổi. Còn đa số bị mấy mụ vợ đầm sung sức, chẳng ngần ngại đạp đít, lôi ra tòa xin ly dị cả.

Rồi chú kết luận như đã tìm ra chân lý:

- Người Á Đông mình làm sao bì được với người Âu Châu. Sức khoẻ họ như trâu cui trâu cổ trong khi mình là con nhái oé mà!

Riêng chúng tôi, chúng tôi miệng mồm há hóc, rất thích nghe chú bật tiếng Tây tiếng u. Chúng tôi chẳng đứa nào hiểu một tiếng nhứt một nhưng khoái lắm. Lúc chú nhậu ba mớ, cứ thoải mái “mẹt, mẹt”, “xà lồ”, “phuốt mỏa lơ căng”, “quì mông xừ”, “măng phú”... Chúng tôi phục chú quá cỡ thợ mộc. Nghe chú nói chú còn “xạc cà rây” mấy thằng Tây, ngang ngửa với chúng. Chúng tôi chẳng những ngưỡng mộ mà còn thầm bái phục chú dài dài hơn ai hết. Nhứt là khi chú cam đoan quả quyết mấy ông Tây này thuộc hàng Tây “chính cống con nai vàng”, chứ không phải loại Tây «lô can» thuộc địa. Có đứa hít hà thốt những lời khen chú tận mây xanh, không lời lẽ văn chương bình dân nào có thể so sánh được. Khen là khen sự đương đầu can đảm của chú trực diện với Tây mẫu quốc. Thay vì nhan nhản trước mặt chúng tôi, những ông Hương chức Hội tề đều khom lưng xá xá, thập thò bẩm dạ vâng vâng với mấy tên Tây lai, lai cả ba bốn đời từ khi có mấy ông Tây đầu tiên phiêu lưu đến đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, hoặc ngay cả với mấy tên Tây Đen ngòm ngòm, Chà và Ma ní tào cáo. Chú trở thành thần tượng của lớp trẻ chúng tôi vì chú thường cao giọng xác nhận, ở xứ tự do dân chủ như Pháp, chú không sợ, chẳng ngán ai cả. Có pháp luật đàng hoàng che chở và có đủ thứ tự do. Sự hà hiếp bất công dẫu có đi nữa cũng có chừng mực, không đến đỗi hà lạm lộng hành như bên mình. Chú Năm Nghê ở một mình nhưng không vì thế cuộc đời chú mất vui. Đối với chú, niềm vui là một cái gì thiêng liêng cao cả. Thiếu nó không thể được. Nó hướng dẫn cuộc sống hài hòa và quân bình của chú. Có hôm chú nghiêm nghị trúc bầu tâm sự. Và chúng tôi nhớ mãi cái triết lý sống lành mạnh và thực tế của chú:

- Thật tình, tao hiện sống một mình, không cha mẹ anh em, không vợ không con, nhưng tụi bây tưởng tao cô đơn hà? Không đâu.

Chú khẳng quyết:

- Tao không hề cô đơn chút nào. Đối với tao, cô đơn làm sao được và hai chữ cô đơn chẳng có nghĩa lý gì cả. Bây chẳng thấy, chính tao đã tạo ra bạn bè không thiếu gì, hằng hà lũ khũ, trong đó có cả lũ chúng bây.

Ngừng một chút, chú như người tìm ra được một lẽ sống tuyệt vời nên nói tiếp cho hả hơi:

- Cô độc chẳng có gì đáng lưu ý cả. Cô độc vì chính bản thân mình chọn lấy làm phương cách sống riêng của mình mà. Một sự tự nguyện trong tự do. Đâu có ai làm áp lực bắt buộc mình chọn lựa bao giờ đâu? Nhưng khổ nhất chính là sự cô đơn. Tao nghĩ cho cùng, sống cô đơn mới buồn tẽ thê thảm nhứt trong đời người. Cho nên nhiều người không chịu nổi cảnh cô đơn, không còn thích sống nữa!Chú giải thích thêm:

- Cô đơn là vì mình chẳng có người đồng hành đồng điệu chung quanh để cảm thông, chia xẻ buồn vui. Không có người đồng tâm cùng chí hướng để nương tựa những lúc trợt chân vấp ngã. Chẳng có bạn bè thân hữu, chẳng có tri âm tri kỷ đỡ nâng tinh thần khi xuống chó chán chường. Sống như vậy tức là sống bơ vơ lạc lõng ngay giữa chợ đời, trong khi cô độc chẳng hề bơ vơ chút nào cả.

Hít một hơi thuốc dài, đôi mắt rõi theo hai làn khói thuốc lững lờ bay lên hướng trần nhà, chú tiếp:

- Tụi bây hiện còn nhỏ. Sau này lớn lên lỡ trong đám tụi bây có đứa nào bất hạnh sa trong cảnh cô đơn thì thiết tưởng chừng đó tụi bây cũng không nên trách ai cả. Đừng trách đời. Đừng trách người. Đừng trách thiên hạ hay kẻ bàn quan. Trong trường hợp đó, trước hết bây nên thành thật xét mình và tự trách mình cái đã. Vì sao? Bây biết không?

Chú nhìn chúng tôi với đôi mắt thiết tha trìu mến:- Kinh nghiệm cho tao thấy đời sống hằng ngày vô cùng tươi đẹp với muôn màu muôn sắc và ý nghĩa. Tha hồ mà chọn lựa. Đời rất hấp dẫn, chất chứa bao nhiêu lôi cuốn quyến rủ gọi mời. Đời lại muôn hình vạn trạng. Mỗi người nhìn một góc cạnh nào đó của cuộc đời để qua cái đẹp mình vừa khám phá, đón nhận đời với niềm vui hạnh phúc tự tạo. Từ đó dẫn dắt mình thêm thương yêu cuộc sống, thêm thương yêu những gì chung quanh mình như yêu người, yêu thiên nhiên, yêu nội tâm, yêu ngoại cảnh… Tất cả đều bao la không biên giới. Đời luôn luôn mở rộng cửa nẻo thênh thang để vẫy mời đón đợi, mở rộng những ngõ ngách lối đi niềm nỡ tiếp rước mình. Chỉ có những ai bi quan chán chường, những tâm hồn bịnh hoạn, trật đường rầy mới lạnh lùng quay lưng lại đời. Những hạng người đó mới thực sự cô đơn thôi.

Như ngoái nhìn lại thân phận mình, chú nở nụ cười mê hoặc chúng tôi:

- Tao quả tình cô độc thật đấy nhưng chưa bao giờ tao thấy cô đơn bao giờ, dù cô đơn trong tâm tưởng. Bầu bạn tao vây quanh, không lúc nào vắng. Cả đến mấy đứa nhóc con chúng bây, có đứa miệng còn hôi sữa nữa nên tao vui đáo để. Tao đã nói nhiều lần rồi, niềm vui và bạn bè là lẽ sống của tao mà! Hạnh phúc do chính mình tạo ra mà có.

Những năm về sống nơi quê nhà, chú Năm Nghê có nuôi một con chó cỏ làm bạn hủ hỉ những lúc chúng tôi vắng mặt và bè bạn chú bận việc đồng áng, nhứt là vào ngày mùa, công việc thúc hối như chạy Tết. Nhu cầu xô đuổi cảnh lẻ loi cô đơn chăng? Dù sao, chúng tôi thấy chú thân mật và thương mến nó lắm. Đi đâu, nó tò tò đi theo sát một bên quyến luyến. Nhớ lại lúc còn giúp việc nơi nhà Quan Năm ở miền Bắc Pháp, chú săn sóc, cho ăn uống, chải lông, chiều chiều bách bộ dẫn đi dạo quanh đường phố Dunkerque con chó “bẹc giê” Đức của bà vợ. Con chó được huấn luyện đàng hoàng, cho thụ huấn ở trường chuyên nghiệp với những huấn luyện viên lão luyện đầy kinh nghiệm nên rất dễ dạy bảo và sai khiến. Nhờ ba mớ kinh nghiệm học lóm đó, nay chú áp dụng cho con chó cỏ của chú. Nó gốc Việt Nam rặc nòi nhưng khôn ngoan thông minh không kém. Nó biết nghe và hiểu rõ tiếng Tây trong khi lũ chúng tôi bù trơ bù trớt, không một chữ nhứt một làm vốn để lên mặt khoe khoan với xóm làng. Chú Năm bảo “át xi”, nó lật đật ngồi cạnh bên, chăm chú hướng thẳng về phía trước như trong tư thế đứng nghiêm chờ lệnh. Chú búng tróc tróc chỉ xuống đất nói khe khẽ: “cút sê, cút sê”, nó vội mọp xuống nằm yên bất động, đôi mắt tinh ranh lấm lét, trông nó ngoan hiền dễ thuơng làm sao. Nó lỡ làm chuyện bê bối, chú Năm không vừa ý, thét to dằn mặt nó: “pờ pa, pờ pa”, “ố là là, ố là là”. Con chó hoảng hồn, vừa đi vừa cúi xuống biết lỗi, đuôi nó cúp dài thòng xuống sàn đất. Chú khen nó đáo để: “bi en, bi en”... Chúng tôi thuộc hàng Uất Trì Cung, nghe chú nói tiếng Tây như vịt nghe sấm trong khi con chó cỏ của chú lại tỏ ra thông minh ngoại hạng. Chúng tôi phục con chó cỏ đã đành, còn phục người khéo dạy nó, tức chú Năm Nghê, một nhân vật quả đặc biệt của xóm tôi.

***

30/04/1975. Chú Năm Nghê quay về sinh sống ở xóm Rạch Rít sau thời gian khá lâu lánh nạn ở chợ quận do chiến tranh vùng ven đô sôi động từng lúc, đè nặng áp lực uy hiếp thủ đô. Chú trở lại ngôi vườn xưa, cất một mái tranh ọp ẹp hẹp té, vừa đủ tránh mưa che nắng. Con chó cỏ vẫn trung thành, quấn quít theo gót chân phiêu lưu lang bạt của chú. Nay có nơi có chốn ấm cúng, vào ra tự do thông thả, quẩn quanh hủ hỉ với chú. Nó vẫn tuân hành răm rắp lệnh của chú qua mấy tiếng Tây chú học lóm trật vuột lúc được biệt phái làm việc vặt nơi nhà ông bà Quan Năm. Chú kiểm điểm và quá xúc động nhận thấy bà con trong xóm không còn bao nhiêu người. Phần lớn đã thành người thiên cổ trong những hoàn cảnh bi ai trầm thống. Lai rai còn lại vài người lân cận sát cạnh hè. Mấy đứa trẻ chồng nhộng, ngu ngơ khờ khạo, ngày nào bị chú xô đuổi mỗi khi chú kể chuyện “nhứt dạ đế vương”, những cảnh ăn chơi cụp lạc, hưởng thụ ở Phú Lang Sa cho người lớn nghe, nay già trước tuổi vì quá dày dạng gió sương. Tất cả đều dốc lòng bắt tay xây dựng lại trên đổ vỡ, hoang phế. Chiều chiều, họ vẫn còn nhớ thói quen đến chòi lá của chú. Không phải để nghe chú kể tiếp chuyện bên Tây bên Tàu hay Phi Châu như thuở nào, mà để thở vắn than dài, để trút bớt phần nào tâm sự ngổn ngang hay bao nhiêu u ẩn uất ức trong lòng.

Ruộng nương mênh mông bát ngát giờ đây không còn là sở hữu của họ nữa, để trở thành tài sản chung của đảng và nhà nước. Ủy ban nhân dân xã quản lý hết đất đai ruộng vườn, không sót một tấc đất. Họ xét theo tiêu chuẩn nhân mạng trong mỗi hộ, mỗi gia đình để phân phối nghĩa vụ sản xuất đối với quốc gia theo phương hướng hợp tác hóa. Bước đầu là vậy. Sau này dần dà sẽ tiến tới làm ăn sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, tập thể hóa nông thôn như họ không ngớt lớn tiếng khoát lát rêu rao, lập đi lập lại nhàm tai. Chú Năm Nghê đã quá xa cái tuổi “thất thập cổ lai hi” mà ngày xưa thi bá Đỗ Phủ mơ ước. Chú không còn trong tuổi lao động, xem như ngồi chơi xơi nước, như Ông Táo bỏ xó gốc đa đầu làng. Chú không có quyền cày sâu cuốc bẩm để thực hiện giấc mơ “Trở về làng cũ học cày nuôi thân” theo sự thôi thúc réo gọi thầm kín của quê hương, lúc chú mãn hợp đồng lính thợ không chuyên ở miền Bắc Pháp. Ngôi nhà của chú lúc này vắng vẻ buồn tênh. Lệnh của Ủy ban nhân dân cấm tụ tập đông người ngoài trụ sở xã. Phần chú bị ghép vào thành phần phản động chống chế với lý lịch tèm nhèm do quá khứ làm tay sai cho thực dân đế quốc. Nhứt là trong ngôn ngữ hằng ngày, chú vẫn có thói quen không cải sửa được. Chú cứ tiếp tục xổ từng loạt, tràng giang đại hải tiếng Tây tiếng u, không ai hiểu chú nói gì. Các đồng chí ở Ủy ban hay chi bộ với niềm tự hào “tam đại bần cố”, chữ nghĩa mẹ đẻ không đầy lá me lá mít. Họ nghe chú phát ngôn như nước đổ lá môn, đâm ra nghi kỵ, âm thầm theo dõi từng bước đi của chú.

Bỗng nhiên, từ dạo đó, chú vốn đã cô độc nay thật sự trở thành cô đơn. Một tâm trạng oái oăm đau đớn, chú từng cực lực không hết lời lên án những năm trước đây. Chú chỉ còn cách mai mỉa, ưng khuây khỏa qua ngày làm bạn với con chó cỏ một mực trung thành. Con đường duy nhứt để chú tìm nguồn hạnh phúc và một chút niềm vui đã mất. Hằng ngày, chú chăm sóc vườn tược, trồng trọt hoa màu độ nhựt. Chú cải thiện bữa cơm với cá tôm câu được lẩn quẩn bên nhà. Chú sống ẩn dật, thầm lặng như các tiên ông ẩn sĩ thiền môn ngày xưa. Họp hè ở Ủy ban, kẻ réo gọi, người thúc hối, chú “xăn phú”. Chú có đi tham dự lần nào đâu. Chú thích ở nhà, nằm tréo ngoảy đọc chuyện đời xưa của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, mấy pho chuyện chương hồi của Tàu: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Phong Thần, Thủy Hử... do danh sĩ Nguyễn An Khương dịch thuật, Chung Vô Diệm, Tây Hớn, Mạnh Lệ Quân... của dịch giả nổi tiếng một thời ở Miền Nam, Nguyễn Chánh Sắt hoặc Phong Thần Diễn Nghĩa, Vạn Huê Lầu... của cụ Trần Phong Sắc mà chú còn giấu giữ được qua bao nhiêu phong ba bão táp của lịch sử. Dù nay các pho truyện này đã cũ mèm, lại mất trang mất chữ. Có quyển nói nghe xôm tụ lắm nhưng không còn bao nhiêu trang do quốc nạn giấy quyến khang hiếm khó tìm, chú lần lượt xé vấn thuốc rê hút hằng ngày. Lâu lâu, chú “mẹt, mẹt”, “xà lồ” rùm lên. Con cho cỏ ngớ ngẩn vội chạy lại liếm tay chú một cách trìu mến. Chú dịu lại, âu yếm lấy tay xoa nhẹ đầu nó như để quên đời, quên thế sự, quên tất cả. Chú tự vỗ về qua chút hơi men chắt mót, loại hàng tiêu dùng cấm kỵ ở những ngày đầu tiếp quản theo quan điểm đạo đức cách mạng trong khí thế đang lên.

Tôi gặp lại chú Năm Nghê hai ba năm sau ngày bộ đội cụ Hồ cưỡng chiếm thủ đô. Lúc bấy giờ có chiến dịch giải tỏa thành phố, giản dân, đưa dân đi vùng kinh tế mới. Nói “đưa” cho hợp với mỹ từ đầu môi chót lưỡi đường mật của cộng sản, chứ thực ra là bức bách, làm áp lực ép uổng nặng nề đuổi nhà cướp của. Còn vùng kinh tế mới chẳng qua là vùng đất khô cằn sỏi đá, hỗn mang hoang vu, nơi người dân lương thiện bị khống chế lưu đày mãn đời trọn kiếp. Gia đình tôi được Ủy ban phường thương yêu chiếu cố đặc biệt. Tên ủy viên phụ trách kinh tế mới của phường và tổ trưởng tổ liên phố thay phiên nhau “làm việc”, liên tiếp động viên ngày này qua ngày nọ. Sau cùng họ lên danh sách những người ưu tiên được hưởng biện pháp giúp đỡ của nhà nước cách mạng. Dồn dập, thúc bách lắm. Hộ khẩu sẽ bị thu hồi và chế độ phân phối nhu yếu phẩm đương nhiên sẽ bị cắt hẳn, nếu những đối tượng không tuyệt đối chấp hành chủ trương và đường lối cách mạng. Nhưng trớ trêu, oái oăm thay. Tôi chưa lên đường đi kinh tế mới, thì trái lại ông ủy viên phụ trách kinh tế mới bỗng nhiên đứt mạch máu não, ngã chết bất đắc kỳ tử. Tên «cách mạng ba mươi» này nổi tiếng hắc ám, trơ trẻn trở mặt với bà con. Vì vậy cả phường đồn rùm, ông ủy viên, cán bộ giờ chót vốn rất tích cực lấy điểm trong nhiệm vụ lùa dân giải tỏa phường khóm, đã “giã từ gác trọ” đi kinh tế mới rồi! Tiếng đồn thấu tai khiến Ủy ban phường ra lệnh trong những đêm họp tổ liên miên, cấm không cho phổ biến những lời mai mỉa nhạo báng, lập luận phản động đó. Chúng còn chụp mũ là do bọn CIA và tàn dư Mỹ Ngụy còn sót lại tuyên truyền chống phá cách mạng. Như vậy có nghĩa người nào vẫn tiếp tục phổ biến xem như là thành phần chống đối, bất hảo.

Tôi bàn với tiện nội hồi hương, thử trở về xóm cũ “học cày nuôi thân”. Thật ra trong thâm tâm là để có hộ khẩu đảm bảo cuộc sống hằng ngày, dù vất vưởng không ngày mai, chẳng ra hồn ra xác gì cả. Tôi được chú Năm Nghê dang tay đón rước nhiệt tình như thuở nào. Chỉ có khác là nay chú phong trần quá đỗi, còn tôi cũng lận đận gió sương không kém. Tuy vậy, cả hai chúng tôi vẫn hưởng những giờ phút thoải mái tuyệt vời, thực sự tin cẩn, thực sự thương yêu nhau. Bên ánh đèn con cóc yếu ớt, phựt phựt thiếu dầu, hằng đêm chú tiếp kể những chuyện bên Tây bên Đức đến khuya lơ để nhớ nhung một thời khoảng xa xưa và cũng để vỗ về giấc ngủ hiện tại. Chú có chõng tre, mỗi lần lăn lộn nghe như nó vặn mình răn rắc, đau đớn lắm. Tôi tòn ten như ngày xưa trên chiếc võng bắt ngang hai cây cột chòi bếp. Con chó cỏ của chú cứ đeo theo cọ sát vào võng tìm nơi nương tựa. Quả sút vật cũng sợ cảnh lẻ loi cô đơn. Đêm đêm cả hai chú cháu chui vào nóp bằng lác trùm phủ kín đáo tránh muỗi mòng đâm chích rồi ngủ say sưa bất biết lúc nào không hay. Dự tính của tôi thất bại đau thương. Không phải vì tôi sợ khó khăn lao nhọc, chân lấm tay bùn. Những năm lặn hụp nơi cái chéo quê hương ruộng rẫy, ít nhiều tôi cũng có nhúng tay vào việc đồng áng và cũng thật sự có đổ mồ hôi trên thửa mạ luống cày. Kỳ thực, Ủy ban xã vốn đa nghi còn hơn Tào Tháo. Bản tính cố hữu của họ không tin một ai cả, trừ đồng bọn đảng viên mà đôi khi chúng còn nghi ngờ. Họ nhìn tôi như một tên tội đồ, thành phần ngụy, kẻ phản động của chế độ cũ, đổi vùng tránh né mạn lưới trừng trị bũa vây của địa phương nơi tôi thường trú trước đây. Họ đâu ưng cấp phát ruộng đất để tôi có cơ hội cạp mà ăn. Còn việc hợp thức hóa hộ khẩu là chuyện mông lung xa vời. Cán bộ xã được uốn nắn nhồi nhét trong một khuôn mẫu tiền chế cố định, bất di bất dịch. Chúng không bao giờ từ chối lời yêu cầu chánh đáng của tôi cũng như của bà con khác một cách thẳng thừng dứt khoát. Chúng cố viện lý do này nọ để thả nổi, kéo dài cù cưa cù nhầy, tránh né lấy quyết định cụ thể chung thẩm. Mỗi lần đối mặt, chúng vòng vo Tam Quốc, áp dụng chính sách câu giờ, «cứt trâu để lâu hóa bùn » hầu nhận chìm xuồng luôn. Bất cứ việc gì cũng thế. Chúng làm cho người dân cứ bám đeo theo một chút ánh sáng hy vọng hão huyền, không bao giờ có, chẳng bao giờ là sự thật. Người dân đành phải bấm bụng, cắn răng chịu đựng.

Ông trời cứ chập chập gầm gừ gào thét. Hằng ngày mây đen mỗi lúc thêm vần vũ. Mùa mưa sắp đến nơi rồi. Ruộng nương không ngơ. Tôi thất vọng. Chú Năm Nghê thở dài não nề. Nhiều hôm chú bất mãn, phản ứng lớn tiếng. Tôi hết lời khuyên can, nhắc lại chuyện Hàn Tín lòn trôn giữa chợ, lúc thanh thiên bạch nhựt đông người mà mấy năm trước chú có kể cho chúng tôi nghe. Những bài học ẩn nhẫn, giả điên giả dại đó giúp mình qua những truông nguy hiểm. Dù vậy, chú vẫn bực dọc cau có:

- Tao đâu ham sống, nhứt là thời buổi này. Nói như vậy thật tình nghe trái tai quá! Ở đời ai mà không ham sống? Người giàu có đã đành, nhưng đứa khổ nghèo gian khó cũng vậy thôi. Trong những lúc vui, tao đã từng mơ ước sống đến trăm tuổi để xem đời chơi. Nhưng thú thật bây giờ tao thích đời tao được kết thúc sớm chừng nào tốt chừng nấy.

Chú chậm rãi:

- Ông bà viễn tổ mình nói đúng lắm: “Chết trẻ khỏe ma, chết già nhọc xác”. Sống lâu trong chế độ này thêm nhục nhã. Tao cầu nguyện ông Trời thương, ngủ một đêm đi luôn, khỏe ru bà rù, không phiền hà ai, ngay cả cái bản thân của mình nữa. Sống thoi thóp, cơm ngày hai buổi, chạy túi bụi, mệt cầm canh mà còn bữa đói bữa no. Chết đói cà dựt cà dựt như vầy thêm đau đớn, tội cho xác thân.

Chú được nước thao thao:

- Cái đám lãnh đạo lãnh địa, chỉ đường chỉ ngõ này, toàn là bọn dốt đặc cán mai, một lũ i tờ. Bây cứ coi chữ viết của tụi nó như cua bò, quọt quẹt chấm phết như ở thời phong kiến La Mã. Nhiều tay vua chúa, tướng tá chém giết không ngừng tay, oai phong lẫm liệt hò hét thét ra lửa, nhưng khi ký tên chỉ có hai sổ ngang và đứng làm dấu thánh giá. Làm sao bà con và chú cháu mình ngóc đầu dậy nổi? Họp hè thúc réo, tao đếch có đi. Tao “măn phú”. Tới đâu thì tới. Đường cùng rồi! Tụi nó có muốn làm gì thì làm. Sao cũng được. Đầu tao đã bạc trắng! “Trâu già chẳng nệ dao phay” mà!

Tội nghiệp chú Năm Nghê. Chú “xăn phú”, “mẹt, mẹt”, “ố là là, ố là là”... tối ngày. Chú nhậu đế dài dài, tìm niềm vui trong nội tâm, tìm an ủi trong trí nhớ. Nếp men còn đâu bày bán tự do cùng khắp như ngày xưa hầu nấu rượu tại gia. Rượu bị kiểm soát chặt chẽ. Nguồn lợi của nhà nước mới, thay thế hệ thống đại lý độc quyền cũ R.A. còn hơn Tây thực dân gấp bội. Chú đành gởi mua rượu quốc doanh nấu bằng đủ thứ thập cẩm xà bần theo đà phát huy sáng kiến làm giàu xã hội chủ nghĩa của những nhà khoa bảng “nhảy dù” cù lần lữa, con cưng của chế độ. Uống vào nóng rát phổi. Mỗi lần chú muốn quên đời, quên cuộc sống phũ phàng, nghiệt ngã hiện tại, chú đành “chữa cháy” với chút ít nước dừa tươi hoặc nước trời mưa chứa ở khạp da bò ngoài hiên nhà. Còn đâu những loại rượu thuốc, loại tam xà thập xà đại hội ngày xưa gọi mời nhan nhản đầu hẻm cuối phố. Có tiền cứ mua uống thả cửa. Dù sao, đối với chú cũng là một giải pháp tạm qua ngày, chờ giờ phút trở về nước Phật.

Riêng đối với tôi, những ngày về quê cư ngụ nơi nhà chú Năm Nghê, tôi cũng tìm được một chút bình ổn trong tâm hồn. Tôi xa lánh thị thành, đỡ nhức đầu vì cuộc sống xô bồ, tạm thời đỡ hồi họp lo âu đêm ngày. Tôi viện lý do về quê sản xuất nhưng giấy tờ cư trú còn trục trặc nên cứ phải xin gia hạng giấy phép di chuyển luôn. Khốn nỗi, thằng công an phường, mặt mày hắc ám, cứ dở cái giọng Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa “đỉnh cao trí tuệ”, “bách chiến bách thắng” để hống hách, làm eo làm xách người thua cuộc. Nhưng kỳ thực để kiếm chút cháo trong lúc giao thời tranh tối tranh sáng. Đám con cháu Bác Hồ nghèo xơ nghèo xác đang hồ hởi tập tành đổi đời qua những tiện nghi phồn vinh giả tạo của Miền Nam. Thỉnh thoảng tôi đáo về nhà vài ngày nửa tháng rồi lại xin vắng mặt, tiếp lo thủ tục hồi hương. Cứ tái diễn mãi cảnh bấp bênh không ngày mai ấy. Thực tình mà nói, đây là cách “thực tập chiến lược” để phường khóm và tổ dân phố quen dần với sự vắng mặt thường xuyên của tôi. May ra một ngày quang đãng tốt trời nào đó, tôi có vượt biên, công an khu vực và tổ phó an ninh không kịp thời khám phá. Một hôm, tôi đang đong đưa trên võng như mọi ngày, vừa mới thiu thiu thả hồn phiêu dạt nơi cõi mông lung mơ hồ, chập chờn thời vàng son hun hút, thằng Bảy Bèo, con chú Năm Điều ở xóm trên, vừa đi sanh hoạt thanh niên ở xã về ngang. Tôi giựt mình choàng nhỏm dậy. Vì khi nghe tiếng con chó cỏ sủa thúc lắm, rồi nó hực hực mấy tiếng nhè nhẹ như đã nhận diện được người quen. Bảy Bèo ghé vào đấu chuyện tào lao cho vui giây lát. Trong lúc ấy, chú Năm Nghê cũng trở vô nhà, bỏ nửa chừng việc dỡ vòng khoai mỡ đầu ngõ. Chú lấy giọng đàn chú đàn bác, dõng dạc gọi lớn:

- Thằng Bảy đó hả? Vô đây. Có chú Ba bây ở trổng. Tao đang rửa tay rửa chưn nè. Không lâu đâu.

Thằng Bảy Bèo chào hỏi tíu líu thân mật, làm như đã từng xa cách nhau lâu ngày mới gặp lại nhau. Nó tía lia còn hơn cái loa phóng thanh ong óng mỗi buổi sáng và chập tối ở các trụ sở quận huyện. Tay nó ôm kè kè bên mình mấy quyển sách mới tinh, bìa cáu cạnh, còn thơm phức mùi giấy mực. Nó vui miệng bảo:

- Tôi vừa sanh hoạt ở Ban Thông tin Văn hóa về đây. Nhớ ông Năm và chú Ba nên tạt vào thăm.

Rồi nó tắc lưỡi phiền hà ngay:

- Mình làm việc quần quật tối tăm mặt mày vẫn trỏm lơ, đói dài dài, âu lo thấp thỏm, cái chết đói chập chờn tới nơi ngay trước mặt. Vậy mà cán bộ trưởng ban khuyến khích phải lấy sách cách mạng về đọc. Nó cười ruồi:

- Họ nói phải biết trao dồi kiến thức kiến ngủ gì đó để được xứng đáng là con người mới xã hội chủ nghĩa. Dĩ nhiên là dưới sự lãnh đạo «thần thánh» của đảng. Họ làm như chữ nghĩa giúp mình no bụng hằng ngày vậy.

Nó gãy gãy đầu, đưa tay vuốt lại mớ tóc bùm xùm lâu nay chẳng được hớt, rồi khoan thai nói tiếp:

- Hồi xưa, lúc ba tôi còn sõi, không biết để an ủi về hoàn cảnh khó khăn của mình hay không hoặc thanh minh thanh nga bào chữa mà ổng hay hóm hỉnh nói, ở đời người ta lấy thúng đong lúa bán cho lái để có tiền nộp chủ điền hay mua sấm chút ít trong nhà chớ có thấy ai lấy thúng đong chữ nghĩa bao giờ đâu? Ổng cũng hay ví von, “văn hay chữ tốt” mà làm gì, khi ổng bắt tôi nghỉ học sớm, phụ giúp ổng làm ruộng. Ổng đoan quyết người trước có lý cho rằng “văn hay chữ tốt, không bằng thằng dốt có tiền”. Rồi ổng bảo “có tiền mua tiên cũng được”.

Bảy Bèo tỏ vẻ suy nghĩ hung lắm:

- Tuy ổng dốt thật đó, nhưng được một cái là ổng lại thêm mấy câu chí lý đáng đồng tiền bát gạo lắm: tiền ở đây không phải giấy con công hoặc giấy bộ lư bỗng dưng từ trên trời rớt xuống, mà tiền nằm trong hai bàn tay của mình. Đôi lúc ổng chê tôi còn trẻ chẳng hiểu gì, nhìn đời chỉ có nửa con mắt thôi. Còn nửa con kia khổ nỗi ổng chê tôi nhìn không quá hai bờ bao ngạn trong xóm mình. Nhưng thật tình mà nói, do hoàn cảnh nghèo túng của gia đình cũng khó giúp tôi học xa được, nên từ dạo ấy, tôi sống nhờ hai bàn tay cũng không đến đỗi nào.

Nó đâm nghĩ ngợi thêm, thoáng một nỗi buồn nằng nặng:

- Họ bây giờ đang sống tận mây xanh. Tôi mang sách về chắc sẽ vứt vào một xó nào đó. Thời giờ có đâu rổi rảnh trong khi vạt áo lai quần vẫn ướt mem suốt ngày. Không lấy đem về, người ta nói mình không hợp tác, thiếu thiện chí trao dồi cải tiến hay nặng hơn nữa là chống đối cách mạng. Học tập bỏ mẹ đời!

Nó bỗng cười ngất, giọng châm chọc:

- Mấy chú nghĩ xem, họ bảo đọc sách lúc đói lên đói xuống này cầm bằng chặt đứt hai bàn tay làm ra tiền của mình. Có đâu mua gạo, đừng nói đến mua tiên?

Thằng Bảy Bèo ngồi trên chõng tre nơi chú Năm Nghê nằm ngủ mỗi đêm. Hai chân nó thòng xuống đất, lắc lư, đánh tới đánh lui liên hồi. Chõng tre nghe cọt kẹt không dứt. Nó thái mái dở một quyển thơ, lấy tay thấm nước miếng lật lật nhanh lẹ mấy tờ liền. Hai con ngươi nó đảo tới đảo lui, chạy qua chạy lại nhịp nhàng như con thoi. Trình độ học vấn của nó cũng không đến đỗi nào nơi thôn làng đèo heo cách trở. Nó học hết cấp tiểu học ở quận lỵ Bến Lức nhưng không thi tuyển vào đệ thất, bỏ hẳn nghiệp “văn chương phú lục” từ dạo đó. Vì nó ưng làm bạn với cán cuốc chuôi cày. Có lúc nó được đề nghị làm giáo làng. Nhưng nó cương quyết từ chối. Nó quyết chí noi theo cái triết lý sống của ba nó: lấy đôi tay làm ra tiền của, tạo lập sự sản. Nó chê rậm rề bà chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã dốt đặc. Nó bảo bà ta nắm cây viết cứng đơ, sượng trân. Bả viết trật lất văn phạm. Nó trông tuồng chữ ngả nghiêng xiêu vẹo của bà ta, không ngay hàng thẳng lối chi cả, giống hệt như gà bới rác không bằng. Nó liệng gọn lỏn quyển thơ dày cui trên mặt bàn trà:

- Thơ gì đọc nghe chỏi tai quá trời. Hồi xưa ở trường tiểu học, tôi có đọc những bài thơ như “Qua Đèo Ngang Tức Cảnh” của bà Huyện Thanh Quan hay “Mùa Thu Ngồi Câu Cá” của cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, nghe êm tai, chan chứa tình cảm, vần điệu rung động khiến tâm hồn tôi lâng lâng man mác. Nói lén với ông Năm và chú Ba nghe cho vui rồi bỏ qua chớ “thơ con cóc” còn hơn một bực. Ấy vậy mà họ ca tụng tận mây xanh.

Nó bỗng nhìn dáo dác rồi xuống giọng cảnh giác:- Tôi thật tình nghĩ sao nói vậy. Không khéo có người léo hánh dòm hành nghe lén, đồ tới đồ lui thấu tai bà chủ tịch, tôi đi học tập “mút mùa lệ thủy”. Vì tôi vốn là lính ngụy, mới được trả quyền công dân mùa trước.

Nó rất hãnh diện, tự đắc biểu lộ ra mặt, sau bao nhiêu năm dài rời khỏi mái trường Bến Lức thân yêu, nó vẫn còn nhớ vanh vách khoa danh Tam Nguyên và cố thổ Yên Đỗ của cụ Nguyễn Khuyến. Nó hướng về ông Năm đang cầm cái tô sành nước mát giải khát:

- Ông Năm ơi! Ông nghĩ xem coi có cà chớn không? Mình thì nghèo, vất vả quanh năm vẫn đói rách. Ủy ban cứ rang rảng bảo khó khăn chỉ tạm thời. Nào là gia tài, nào là di sản, nào là hậu quả của Mỹ Ngụy để lại. Tiếp tục làm việc sẽ khấm khá hơn. Thôi thế nghe cũng tạm được. Nhưng mấy năm nay làm hoài chẳng thấy gì, càng thêm đói rách.

Bảy Bèo tỏ ra bực tức:

- Ông Năm và chú Ba thấy đó. Mình đọc thơ mong tìm một chút an ủi vỗ về, một chút thơ mộng làm vui. Mình mong bắt gặp một cái gì mình thiếu thốn hoặc những thứ mình ước mơ nhưng trong thực tế lại thiếu vắng trốn chạy mình. Như hồi xưa đi xem hát cải lương hay hát bội, bà con nghèo của mình có màng chi để ý đến tình tiết trạng huống tuồng tích. Chẳng qua họ chỉ cần nhìn xiêm y lộng lẫy, tranh cảnh thần tiên sắc màu, đào kép son phấn sặc sỡ, những thứ đó đủ cho họ quên cảnh rách bương rám nắng hằng ngày của họ.

Nó bất mãn:

- Đằng này, thơ gì cộc lốc, cứ xúi giục chém giết thù hận, cứ nhè đồng bào máu mũ ruột thịt của mình mà nguyền rủa sỉ vả nặng lời. Thơ gì cứ đòi diệt tận gốc bốc tận rễ. Sự việc này khiến tôi rùng mình hồi nhớ lại những cảnh chặt cổ sởn đầu, mổ bụng dồn trấu, thọc huyết cho mò tôm hay bắn tét gáy ở những năm khủng bố... Thơ gì mà nhạt nhẻo lỏng lẻo, sượng sùng thua xa câu hò đối đáp, câu hát huê tình của bà con xóm mình quá.

Nó quay về phía chú Năm Nghê:

- Đâu ông Năm thử bắt giọng hát vài câu nghe chơi cho đỡ buồn nghe ông Năm! Tôi cam đoan chắc chắn thế nào mấy câu du dương nhão nhè nhão nhẹt của ông Năm nghe sẽ đứt ruột, thấu tim thấu phổi. Lâu quá rồi, tôi ghiền nghe lại ông Năm ơi!

Chú Năm Nghê bèn dát đát:

- Mấy thứ đó bây giờ thuộc về văn hóa đồi trụy. Lỗi thời rồi. Tụi bây muốn, tao cũng chẳng sợ gì. Trâu già mà! Chết là hết. Sự nghiệp tao chỉ có bây nhiêu thôi: cái chòi nhỏ hếu này với cái giường tre ọp ẹp. Đủ chán.

Dù nói thế nhưng đôi mắt ông bỗng buồn buồn:- Chết phủi sạch nợ. Lúc đó, ai cũng như ai. Giàu có cách mấy cũng xuôi tay, quan quyền cỡ nào cũng chẳng nắm níu được gì. Cát bụi trở về với cát bụi thôi. Chú choàng qua nắm tay thằng Bảy Bèo âu yếm:- Nhưng tao thương tụi bây còn nhỏ, tương lai còn dài. Không khéo, người ta quy cho bây tội này tội nọ, khổ lây mà mang họa. Nhứt là mầy đó, Bảy Bèo, liệu hồn. Mầy còn cái thẹo gốc “lính ngụy”, không bao giờ lành lặn hẳn. Tao chẳng sợ, chẳng ngán ai. Tao chết, tụi nó có ghét không cho chôn, để thúi cũng vậy thôi. Nhưng liệu chúng có dám không?

Chú Năm Nghê lộ vẻ dàu dàu:

- Hồi xưa, Tây tà, Tây đen Tây trắng, tao vô vài ly ngà ngà, thằng nào làn chàn cà chớn, tao “xạt cà rây” bỏ ghét. Huống hồ gì đám đồ tể, đá cá lăn dưa, mặt mày đần độn bây giờ, chữ nghĩa - nói xin lỗi tụi bây - tao nheo một cái bỏ tụi nó lẹt đẹt phía sau cả dặm đường.

Chú vói lấy tập thơ thằng Bảy Bèo vừa để trên bàn lò dò dở ra xem. Quả sách vừa xuất bản ở thành phố mang cái tên nguyền rủa Hồ Chí Minh. Ngày tháng năm in còn mới ràng ràng nhờ phương tiện hào nhoáng của Mỹ Ngụy để lại. Cách mạng ở R đói nhăn răng, xanh xao vàng vọt làm gì có tiền để in. Chú cười mai mỉa:

- Chúng nó vào đây tiếp thu với cái đít không. Trên răng dưới... tụi bây muốn thêm cái gì cũng được. Hùn hạp, làm ăn chung tập thể, hợp doanh quốc doanh chỉ với hai bàn tay trắng, ngoài ba mớ nước bọt với cái mặt mo không biết liêm sỉ và tình thương là gì.

Chú Năm lật qua lật lại, đọc lướt nên chẳng mấy chốc đã được quá nửa. Bỗng chú lấy tay chận lại một trang, cười ruồi:

Đường ta rộng thênh thang tám thước
Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên...

- Cứ theo giới thiệu thì thi phẩm “Ta Đi Tới” này được sáng tác ngay sau kết thúc trận đánh Điện Biên Phủ, trong khí thế sục sôi chiến thắng với thành quả xương máu vĩ đại của cách mạng. Tao thì ít chữ lại thiển cận nhưng tao nghĩ nhà thơ hạng nhất của chế độ hồ hởi dự phóng con đường đi tới trước mặt, con đường thênh thang ở tương lai mà chỉ rộng có tám thước, không ổn chút nào hết. Chú ngừng một chút như để moi móc trong trí nhớ:

- Hồi lâu ở bên Tây, tận vùng phía Bắc nước Pháp, tức xa thủ đô ánh sáng Ba Lê vài trăm cây số, những con đường rộng rãi na ná như thế không hiếm gì, nhan nhản khắp nơi, ngay ở những thị trấn nhỏ. Đàng này, xây dựng tương lai chế độ với những con đường chỉ rộng có tám thước mà đã huênh hoang hãnh diện, đã thỏa mãn mừng húm, tao cho đó là đầu óc nông dân hạng bét. Loại đầu óc cục bộ thiển cận đó, tao nghĩ còn thua hẳn bà con khai rừng phá rẫy của mình ngày xưa quá cỡ thợ mộc. Rồi chú kết luận:

- Thật đúng y chan các ông bí thư, các bà chủ tịch bù trơ bù trớt, nhìn xa không quá mũi của xã mình. Đất nước Việt Nam để cho những hạng người như thế lãnh đạo, chỉ lối chỉ đường bạt mạng như vậy làm sao trở thành rồng? Tao dám nói không sợ lầm, tụi nó sẽ biến xứ sở mình sẽ trở thành tôm thành tép, thành lươn thành lịch, hoặc thành rắn ráo hay liu điu thôi.

Thằng Bảy Bèo để ý chú Năm Nghê hơi lớn tiếng. Nó sợ thiên hạ đi ngang qua nhà tò mò nghe trộm. Thời buổi bây giờ con người độc địa lắm, tráo trở như bánh phồng nướng lửa rơm. Nó lấp ló nhìn chừng bên ngoài xem có ai núp ở hàng bông bụp hay không? Chú Năm dịu giọng:

- Tao quên phức. Tao cứ tưởng mình đang là công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa hay ở bên Pháp tự do. Nào dè... Buồn quá! Tao chẳng sợ

dao phay đã đành. Nhưng tao cứ tội nghiệp cho tụi bây. Tụi bây hãy còn cái búa cái liềm lòng thòng đe dọa trước mặt. Cho dù tụi bây đều “sợ trước mặt” còn “sau lưng” tụi bây có thái độ nào tùy ý. Tao là người lớn, tao không xúi biểu tụi bây thốt ra những điều thô tục.

Tôi vã lã khen chú Năm Nghê có những nhận xét tinh tường và sắc bén. Chú dõng dạc không đồng ý.

Chú cực lực cãi lại như một phản xạ tự nhiên:

- Sắc bén, tinh tường cái quái gì? Nó đập ngay vào mắt, vào trí mình mà!

Chú lật tiếp mấy trang, xem bộ ưng ý hay sao rồi ngưng lại một đỗi. Chú nhíu mày ra tuồng chăm chú. Gian nhà im lặng. Giữa tôi và thằng Bảy Bèo chẳng có gì đáng nói. Bỗng chú lắc đầu, tắc lưỡi tỏ vẻ thất vọng:

- Ô là là, là là. Hết nước nói. Tao đọc đoạn này bây nghe rồi bây có ý kiến.

Chú quên câu thơ ở đoạn nào, lấy ngón tay rà từng hàng, nhướng chân mày bạc phau, mở rộng tròng mắt bực bội rồi tự ên một mình lẩm bẩm:

- Già lẩm cẩm, quên trước quên sau. Ông Trời để sống làm chi thêm chật đất, tốn cơm tốn gạo, chẳng làm gì ra trò trống. Để chỗ cho tụi trẻ tấn lên làm ăn.

Mắt chú bỗng sáng lên:

- Đây rồi. Đây rồi. Bây nghe đây:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười.


Ông ở đây là ông Xít Ta Lin, trùm đỏ uy quyền ở điện Cẩm Linh của Nga Sô đã về chầu hai ông Các Mác và Lê Nin mà nhà thơ không hết lời tâng bốc:

Yêu biết mấy lúc con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin

Hoặc:

Giết! Giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước tơ lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt...


Chú nói tiếp không ngưng:

- Thật tình tao không tưởng tượng được. Một người lạ hoắc lạ huơ ở tận vùng đất xa mút chỉ mà nhà thơ vĩ đại khóc nức nở, thương gấp mười lần cha mẹ ruột thịt mình, những người có công sanh thành, dưỡng dục, dạy dỗ, trông nom dìu dắt mình đến khôn lớn trưởng thành, tao nghĩ họ “nâng bi” quá lời. Chớ thật tình như vậy thì đáng nên tránh xa.

Như chưa bằng lòng, chú giải thích cho rõ thêm:

- “Công cha như núi Thái Sơn”... tụi bây đứa nào làm sao quên được. Cha mẹ như trời biển. Xem nhẹ cha mẹ mình là phường bất hiếu, hết xài. Bỏ giỏ rác không tiếc tay. Con người phải biết kính trọng, thương yêu cha mẹ mình trước rồi từ đó mới lan tỏa ra người ngoài. Bây mà gặp những hạng người như vậy nên quay lưng, đừng có gần gũi mang hại.

Chú Năm Nghê thẫn thờ trút hết bất mãn trong lòng:

- Thương yêu kiểu đó chỉ ở đầu môi chót lưỡi. Tình thương bốc đồng, nhứt thời. Nó đâu có thấm thía, chân thật. Nó sẽ đổi màu, phai nhạt bạch chản bây coi. Tao gọi loại tình thương đó là tình thương có ý đồ quyền lợi cá nhân, tình thương nhắm một mục đích riêng tư ích kỷ, nhỏ nhoi hẹp hòi. Mà hễ dính vào quyền lợi thì có gì vĩnh viễn đâu? Đụng chuyện là họ chuyển hướng trở cờ ngay.

Tôi thấy nơi gương mặt xương xương gầy ốm của chú Năm thoáng một nét buồn, khi đôi mắt chú mơ mơ màng màng hướng về phía chúng tôi như chú muốn tâm tình để gởi gấm một chuyện gì:

- Từ trước đến giờ tao có đọc thơ cách mạng cách miết bao giờ đâu. Nay bỗng dưng thằng Bảy mầy làm tao thêm buồn bực. Bây biết không? Giá nếu cách đây mấy mươi năm về trước, tao thương mấy ông Tây - hạng Tây chính cống con nai vàng, chớ không phải đám Tây thực dân râu xòm bụng bự ở xứ mình đâu - hơn cha ông viễn tổ bên nhà thì tao đã ở lại luôn bên Phú Lang Sa rồi. Tao đâu có nôn nóng trở về xứ mình làm chi như bây thấy đó. Hạng người như vậy là bọn mất gốc quên nguồn, bán nước hại dân dễ như chơi, còn hơn trở bàn tay.

Chú cười bí hiểm:

- Nói cho vui chớ đường đời khúc khuỷu quanh co lắm. Bây giờ họ ăn trên ngồi trước, lãnh tụ lãnh tội mà. Còn tao là tay sai thực dân đế quốc. Lý lịch tao khai từ đời cha mẹ, ông bà viễn tổ tao cho những đứa hậu sanh non chèo. Chúng biết khỉ khô gì. Cả cha mẹ chúng nó còn chưa đáng tuổi con tao. Dù sao, tao vẫn sung sướng vì tao vẫn là tao.

Câu chuyện còn kéo dài trong chòi lá. Bên ngoài chim vịt đập cánh kêu chiều. Thằng Bảy Bèo vội kiếu từ, hứa hẹn sẽ trở lại một ngày gần để nghe chú Năm Nghê nói chuyện về “thơ cách mạng”. Nó khom lưng cúi đầu xuống tránh cái phênh tre che cửa chánh rồi quay lại:

- Nhưng lần sau ông Năm nói nho nhỏ vừa đủ nghe thôi nhé. Tai vách mạch rừng, nguy hiểm, ớn xương sống quá.

***

Rạch Rít, ngày 6/6/199...

Cậu Mợ Ba thương mến. Tôi đã nhận được thơ và quà của cậu mợ. Phải mất mấy tháng trường, quà mới đến được. Nhưng không biết đủ thiếu ra sao vì cậu mợ không có kèm theo bảng liệt kê. Tôi nghĩ chắc thế nào chúng nó cũng xơi tái phần nào khi bày đặt bày điều kiểm tra này nọ. Làm như chúng nó thương yêu, lo lắng bảo vệ sức khỏe và an ninh của người dân vậy. Xóm mình rõ ràng nhiêu khê cách trở quá. Tôi xin cám ơn sự lưu tâm giúp đỡ của cậu mợ vào dịp này rất đúng lúc. Riêng số tiền cậu nhờ người quen mang về trao tận tay, giúp tôi củng cố thêm diện tích trồng trọt vốn hạn hẹp, thường hay thất mùa. Tôi ở quê thời buổi này là điều thua thiệt vô cùng. Lợi nhuận do trồng lúa hay chăn nuôi dù trong thời buổi có nới rộng đôi chút cũng chẳng được bao nhiêu. Mình làm lụng khổ cực vất vả lại thiếu ăn triền miên, đói rách mãn đời trọn kiếp. Người khác ngồi không hưởng trọn. Bọn con buôn, con Trời ở Đài Loan, Hương Cảng, Tân Gia Ba qua Việt Nam làm ăn bây giờ mạnh lắm. Chúng được che chở có hệ thống, tha hồ bắt nạt làm mưa làm gió. May là chúng còn chút nhân đạo cho đám dân nghèo sống cầm hơi để suốt đời làm tôi mọi. Hoan hô độc lập tự do. Hoan hô làm chủ tập thể đất nước. Nhưng nói là nói như vậy chớ còn sống ngày nào thì phải làm việc ngày nấy, dù tương lai mù mịt đen tối.

Như cậu mợ biết, tôi gốc “ngụy”. Tôi được anh bạn Mỹ chấp thuận cho tôi sang xứ cờ hoa nhờ có lúc tôi làm công trong một sở Mỹ ở Sài Gòn. Nhưng ác thay, họ chỉ chấp thuận cho tôi đi cùng với vợ tôi và đứa con gái út mà hồi cậu mợ chưa vượt biên, cậu mợ thường hay ẵm bồng khen nó ngoan ngoản dễ thương. Còn ba đứa lớn đã trưởng thành phải ở lại vì đã lập gia đình và có con cái. Tôi thấy không ổn. Một cảnh hai ba quê, khó lòng.Tôi lại nghĩ, qua Mỹ phải có công ăn việc làm, chẳng lẽ ngồi không ngửa tay xin người ta cứu trợ dài dài sao? Tủi thân tủi phận lắm. Thà mình nghèo ở quê nhà, đóng cửa có gì ăn nấy, qua bữa qua ngày.

Tôi cũng biết thân phận mình. Nay tuổi đã cao, tài lại hèn mà còn đi những chuyến tàu cuối mùa nhiều thua thiệt. Khó khăn thì nhiều, thuận lợi mong manh quá nên tôi suy nghĩ đắn đo, cân phân quyết định ở lại, mơ hồ hy vọng với ngày tháng lấy bàn tay làm ra của tiền như ba tôi thường nói ngày xưa. Ở nước ngoài, nói là cực nhưng chí tình mà nói, ở đâu sướng cậu mợ? Cực mà chịu làm là có tiền. Cũng có nhà cửa, xe cộ như ai, hằng năm tà tà dẫn vợ con đi nghỉ hè giải trí tăng cường sức khoẻ. Còn ở Việt Nam mình, ở quê khổ lắm, vất vả khổ cực quanh năm nhưng đói trơ xương, thiếu thốn đủ điều. Ở thành thị nhờ mánh mung, gạt gẫm, mình bóp cổ chẹn họng mình để làm giàu riêng. Không mánh mung, chèn ép chà đạp nhau thì phải có quyền thế hoặc a dua hào mé, nịnh bợ tâng bốc đám đảng viên lạm quyền và tham nhũng hết thuốc chữa mới có tiền nhanh. Nơi quê mình, bà con hiền lành mộc mạc như củ khoai cục đất, thương yêu nhau không hết, đâu có ai bôi mặt làm những việc thất nhân tâm như ở thị thành được bao giờ. Mình là con người có lương tâm và cốt cách mà!

Thời đại mở cửa, người Việt chỉ có làm ăn nhỏ theo kiểu cò con lặn lội ở đầm, ở bưng. Làm lớn thua lỗ lớn, đưa đến phá sản rồi treo vòng cổ đút đầu vào. Chế độ này muốn cho ai giàu thì cho, muốn không cho thì bóp mũi cho ngủm cù đeo tức khắc. Chỉ có mấy tay xì thẩu Ba Tàu ở nước ngoài như Tân Gia Ba, Hồng Kông, Đài Loan... bây giờ rần rần đổ vào làm ăn là mạnh nhứt. Lại uy quyền nhứt xứ. Họ nhờ móc ngoặc, cấu kết với giới chức quyền đảng viên các cấp, “mua tiên” còn được, huống hồ chi nhà cửa đất đai... Mà không khéo, vài năm tới đây họ mua luôn cả nước Việt Nam mình nữa! Đó là chuyện chung chung, chuyện thiên hạ ngoài đời mà mình lại là nạn nhân khốn đốn mới chết. Bây giờ xin trở lại chuyện bà con thân quyến trong xã nhà.

Tôi báo cậu mợ hay một tin buồn. Buồn lắm cậu mợ ơi! Tới nay tôi vẫn còn ngặt mình thương nhớ. Chú Năm Nghê đã mất hôm hai mươi ba tháng chạp vừa qua, đúng ngày đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng. Chú đi rất êm. Chẳng một ngày đau đớn ho hen. Cậu mợ chắc còn nhớ ông Hai Khỏe, có một thời làm từ đình xóm mình ngày trước. Nay ổng cũng trọng tuổi rồi, nhỏ hơn ông Năm chắc hơn một kỷ. Thấy vắng, không nghe tiếng ông Năm bật tiếng Tây bên kia liếp mía như mọi hôm, ông Hai bước tréo qua chòi. Ông khám phá ông Năm nằm bất tỉnh ở thềm nhà sau, kế cái võng cậu lắc lư mỗi đêm hồi cậu về quê lánh nạn. Chú đi êm ái chắc cũng mới đó thôi. Mình mẫy ông Năm còn ấm hỉm. Cái cần câu cắm với con cá trê vàng núc ních mắc câu còn hoi hóp. Ông Năm vẫn nắm chặt trong tay. Tri hô, bà con xúm lại phụ đưa lên chõng tre, ông Năm nhắm mắt đi luôn không một lời trăn trối vướng bận, gương mặt rất phấn chấn vui vẻ, như thanh thản hỉ xả. Buồn quá cậu mợ ơi!

Một đời người cũng đi Tây đi u lại kết thúc như thế đó, trong cảnh nghèo khó tẽ nhạt. Ổng không có một bộ ván ngựa để ghép chôn. Bộ ván ngựa mỏng tanh để tiếp bà con chòm xóm ngày xưa ổng đã bán từ khuya để đong gạo ngày gạo bữa. Tôi còn nhớ rõ mấy năm trước đây ổng hay nói:

“Chết là hết. Có đứa nào chôn tao cám ơn. Không chôn cứ để thúi”.

Nói vậy chớ tụi này đâu để tồi tệ như vậy. Thương ổng quá mà! Trại hòm lớn nhỏ trong tổng trong quận đều bị quốc doanh cả. Xứ mình cái gì bây giờ cũng quốc doanh hết trọi cậu mợ à. Đã chết mà họ còn kết cấu với nhau làm ăn trong cảnh đớn đau tang khó. Hòm làm bằng dênh dênh, loại hạng bét mỏng te, nhẹ như tờ giấy quyến cũng mắc thắc họng. Nghèo mạt từ đường như ông Năm làm sao mua nổi. Ông Ba Kỷ nặng lòng biếu bộ ngựa tuổi đời hơn cả thế kỷ nhưng xem còn được đến. Tụi này phụ nhau đóng cái hộp tàm tạm, trông không đến đỗi nào. Mấy thằng cháu trong xóm hì hục tận lực đào huyệt mả ở cái gò đầu xóm. Tôi căn dặn đào sâu một chút để ông Năm được ấm áp trong lòng đất quê hương.

Cậu mợ cũng biết, ông Năm thương quê hương mình lắm. Thiếu gì bạn bè ông lụy mấy bà đầm rồi bỏ thây bên Tây. Riêng ổng, ổng nhứt quyết trở về xóm cũ nhà xưa. Do vậy mà thương ổng thêm. Hôm an táng buồn thảm não. Lưa thưa vài bà con ngày xưa lân la qua lại, hiểu ổng nên thương mến tiễn đưa một đoạn đường cuối cùng. Làm gì có giá triệu rình ran của thời vàng son ngày xưa! Nhưng thằng Ba Nô ở cuối thôn, nhớ tình nhớ nghĩa, cho thằng con trai bịt khăn tang xem như cháu đích tôn. Thằng nhỏ lầm lũi thui thủi bưng cái ly hương vừa cấp bách làm bằng gáo dừa khô. Riêng Ba Nô, nó trịnh trọng phò khuôn ảnh, tấm ảnh duy nhứt còn sót lại hơn nửa thế kỷ dằn dặc, chụp cảnh ông Năm lúc ở Dunkerque hồi thế chiến vào một buổi sương mờ nhàn nhạt. Ông đứng chống nạnh trong bộ đồ nhà binh, đầu đội ca lô chệch một bên, đôi mắt đâm chiêu nhìn ra biển khơi tận bên kia bờ đại dương, tìm về quê hương diệu viễn. Thấy cảnh đó, mọi người đều sục sùi xúc động biết dường nào. Buồn quá! Không ai cầm được nước mắt! Tôi thẫn thờ mãi. Thôi cũng xong một kiếp người! Nói nữa cậu mợ buồn lây.

Thơ đã dài mấy trang giấy nhưng sao tôi vẫn muốn tâm sự thêm với cậu mợ. Xin chờ dịp khác vậy. Tôi rất mong gặp lại cậu mợ trong tương lai rất gần. Chẳng lẽ cậu cháu mình lại bất hạnh sao? Ấy vậy, tôi vẫn hy vọng và càng ngày hy vọng của tôi càng sáng tỏ thêm. Cuối thơ, chúc cậu mợ sức khỏe và mấy cháu học hành đỗ đạt.

Kính thơ

Bảy Bèo
(Thằng cháu nuôi của cậu mợ)


***

Tôi buông bức thơ ra, lòng buồn thương nhớ. Nhớ chú Năm Nghê, tôi nhớ nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm nào với chú cũng đáng nhớ, cũng rực sáng trong tâm trí tôi. Nhưng kỷ niệm nên thơ nhứt, ý nghĩa nhứt đối với tôi có lẽ là hôm thằng Bảy Bèo tạt ngang ghé nhà chú, để chú có dịp đọc và bình thơ Tố Hữu, “nhà thơ vĩ đại” trong thi đàn quốc doanh. Nay con trâu già đã lìa đồng cỏ năm xưa để lưu trong lòng người ở lại bao nhiêu hình ảnh tốt đẹp của một thời khó phai, mãi mãi ẩn hiện đậm đà không thôi. Tôi trực nhớ một đoạn tin thời sự nóng hổi vừa mới đọc cách đây vài hôm trên báo chí Việt ngữ hải ngoại. Tôi lật đật dở chồng báo, cố tìm đọc lại. Nhà thơ Tố Hữu vừa được giải thưởng Đông Nam Á Seawrite do Thái Lan tổ chức hằng năm, nhằm tưởng thưởng vinh danh những văn nhân thi sĩ xuất sắc khắp vùng Đông Nam Á châu. Trong trí tôi hiện rõ sáng trưng con người chú Năm Nghê, từ cử chỉ, thái độ đến lời lẽ đanh thép, trong ấm, không lúc nào lạc giọng của chú về Tố Hữu.

Tôi bỗng đổi buồn thành vui. Vui vì nghĩ rằng nếu chú Năm không bất hạnh sớm ra đi, chú sống thêm năm ba năm nữa để có dịp đọc bản tin

văn học quốc tế này thì chắc chắn chú sẽ đau đớn biết dường nào. Chú sẽ thất vọng cho tình đời biết mấy. Chỉ vì một chút quyền lợi thấp hèn, con người đã trắng trợn quay mặt chà đạp chữ nghĩa, bôi bẩn thi ca, hạ thấp nền văn học và xúc phạm trầm trọng con người Việt Nam muôn thuở. Cũng như chú, tôi nghe đau nhói trong tim mình!