4. Con quỷ gò Bướm quê tôi

Xóm tôi thuộc vùng đất mới khẩn hoang hơn thế kỷ trước. Ruộng bưng, ruộng rừng ngút mắt chen lẫn những vùng năn sậy, cỏ dại bạt ngàn. Lưa thưa đó đây vài cánh rừng chồi và ít rừng tràm, nghe đâu do người Tàu ở Sài Gòn Chợ Lớn bỏ vốn trồng để khai thác kinh doanh từ những năm thanh bình xa xưa. Mỗi thửa ruộng rộng lớn mênh mông, đa phần không bờ mẫu ngăn chia do nhân công khan hiếm. Loại bờ mẫu nầy phải đắp thật cao, tốn công tốn của, trong khi vốn liếng là tiền vay bạc hỏi nặng lời, gối đầu hằng năm không bao giờ đứt đuôi. Bờ ruộng thấp lè tè, qua mùa mưa như cầm tỉn mà đổ, không sao đủ sức ngăn chận nước vỡ lan tràn. Ruộng nương úng nước, mùa màn thất bát tệ hại. Rải rác trên cánh đồng xanh um mơn mởn ngày mùa hay vàng mơ lúc lúa chín, chập chùng những gò nổng, mô đất hoang vu, dứa gai rậm rạp. Ngày xưa, những nơi này là chỗ để nông dân tập trung thân cây khô, chà nhánh, rác rưởi, rễ cây vừa bứng gốc lúc vỡ hoang.

Về sau, nông dân làm cỏ ruộng, hằng ngày chất lên những tấm ván mạ láng o do trâu kéo chậm chạp lướt trên ruộng nước, đem đổ đống ngùn ngụn ở đây. Đến nay trở thành gò đất cao ráo, lùm buội hỗn man, dây leo tha hồ mơn trớn quấn quít nhau khít đeo. Gò ở đầu trên xóm gọi là Gò Trên, cuối xóm Gò Dưới, lưng chừng là Gò Giữa. Mấy cái gò này chỉ cách nhau trong tầm mắt, thấy lù đù xa xa đó, nhưng từ gò này muốn sang gò khác lội bộ thiếu điều đứt hơi, mệt thụt mạng. Mỗi gò đều có một lịch sử nghĩa tình chân quê sâu đậm, keo sơn gắn chặt đậm đà với cuộc sống từ nhiều thế hệ. Một cuộc sống thấm đẫm tình gia tộc cội nguồn, nghĩa họ hàng, lân lý chòm xóm. Duy có Gò Bướm cạnh dãy bưng Bà Mụ to lớn hơn hết. Và nó được nhiều người nhắc nhớ vì mang chở bao nhiêu mẫu chuyện buồn vui còn truyền tụng mãi đến nay. Chung quanh gò, một số nóc gia san sát thành từng cụm, cách khoảng không mấy xa, réo gọi nhau vừa đủ nghe mỗi khi hữu sự khẩn cấp. Theo thời gian, gò trở thành nghĩa địa của bà con nghèo, đa số làm thuê làm mướn ngày mùa. Trong khi đó, những gia đình may mắn thành công trở nên khá giả, mai táng thân nhân nơi đất vườn sở hữu của họ.

Không mấy chốc, những gò này đầy mồ mả ngổn ngang. Do số người có chút ít máu phiêu lưu lập nghiệp vào đây khẩn hoang tăng vượt hằng năm. Mả mồ có cái được chăm sóc, giẫy sạch ngày tư ngày Tết. Số khác trở thành mả lạn, không còn trông thấy nấm mồ. Họ thuộc lớp người tiên phong đốt rừng vỡ đất, nằm xuống nơi này quá lâu. Có thể năm bảy chục năm hay hơn nữa. Lúc sanh tiền, họ là những người vô danh vô phúc qua một định mệnh khắc khe bần hèn. Đến lúc chết, họ vẫn không thoát khỏi nỗi buồn cô đơn hiu quạnh, không người sớm viếng tối thăm, không một kẻ đoái hoài. Còn gì đau khổ cho bằng một kiếp người bất hạnh đã đi trọn cuộc sống thế gian trong hãnh diện tự hào! Về sau, con cháu làm ăn khấm khá hoặc vì chán nản cảnh vất vả lao nhọc nơi xứ phèn chua muỗi mòng, quanh năm quạnh hiu buồn tênh nên bỏ tìm nơi khác mưu sinh. Họ không buồn trở về làng cũ quê xưa trùng tu mồ mả cha ông dịp tiết Thanh Minh hằng năm. Dứa gai chơm chởm tha hồ mọc loạn xạ cào cào. Bìm bìm, dây leo, dây choại mặc tình đan quyện nhau, ôm ấp trửng dỡn, bò lên tuột xuống nhỏng nha nhỏng nhảnh ở những buội rậm, giang san kiên cố bất khả xâm phạm của chồn cáo, chuột bọ và nhứt là rái cá.

Thuở nhỏ, tôi vốn có tánh hiếu kỳ rất sớm. Tôi thường lót tót chạy theo mấy chú mấy bác lớn tuổi hoặc các bậc đàn anh, xem đào huyệt, mỗi khi trong xóm có tang khó. Do đó, gò nào trong xóm, dù hoang vu cách mấy, đều có đâu đó dấu chân của tôi. Cuốc xuổng phụp xuống liên hồi đành đạch đành đạch… chỉ độ năm ba tấc, đụng phải nắp hòm cùm cụp. Mặc dầu trước khi đào, họ đã cẩn thận lựa chọn những nơi trống trải, sạch sẽ khang trang. Mấy chú mấy bác thất vọng, cằn nhằn cau có vu vơ. Họ đã phí công đào mệt đừ còn mất thì giờ đắp lại, đào nơi khác. Đôi khi đụng phải nắp hòm lần nữa. Nhiều người đã phải đào tới đào lui nhiều lần mới toại nguyện. Mới hay nơi gò mả lạn này, những người từng làm nên một thời ở đây để lưu lại cho con cháu một vùng đất sinh tồn bao la bát ngát, nay đã yên thân yên phận như một chiến sĩ vô danh. Không tên không tuổi, không một nấm mồ, không người đoái tưởng.

Người chết mai táng ở Gò Bướm đã đành. Chó chết, mèo chết, ngay cả trâu bò chết cũng đem chôn chung ở đó. Hỗn độn, không phân biệt nơi đâu dành riêng cho chỗ nằm của con người và nơi nào của thú vật. Bọn chúng tôi hầu như đều có mặt đông đủ để chứng kiến, theo dõi cảnh vòng cổ thây mèo thây chó kéo lết ra gò. Bà con đào sơ sơ vài cuốc đất, vất xuống qua loa rồi hấp tấp lắp lại bằng phẳng. Về sau, mỗi lần đi ngang qua, chúng tôi hù nhau, gọi ma chó ma mèo… rồi tha hồ thêm thắt tán dóc với nhau bao nhiêu chuyện về ma chó ma mèo. Nhưng thật sự những loại ma cỏ này chỉ có trong trí tưởng tượng phong phú của chúng tôi mà thôi.

Con trâu Dõng của ông ngoại tôi kiệt sức, chết già sau khi giúp ông tôi liên tiếp mấy thập niên gầy dựng cơ nghiệp. Ông tôi rất thương yêu người bạn đường trung thành, tận tình tích cực ấy nên từ chối, dứt khoát không xiêu lòng nghe theo lời yêu cầu khẩn thiết của bà con lối xóm muốn xẻ thịt chia phần. Ông đem chôn chu đáo nơi cái chéo hướng Tây của gò Bướm. Cũng có huyệt mả đàng hoàng. Cũng có nhang khói tươm tất. Vì ông tôi có ý mong muốn vong hồn nó sẽ siêu thoát về Tây phương, thảnh thơi nơi miền cực

lạc. Hôm chôn, ông cũng có đốt mấy nén hương nguyện cầu, nếu một mai bất hạnh phải đầu thai kiếp khác, nó sẽ không trở thành trâu nữa, quanh năm vất vả sớm khuya. Đêm đêm, từng chập, ông tôi rảo qua gò, đánh một hai vòng canh chừng. Ông sợ những người ở xóm bên, nhứt là bợm nhậu sớm trưa chiều tối như hũ chìm, chèo ghe qua lén đào lên đem về xẻ thịt. Đôi ba đêm như vậy, ông tôi mới thở phào nhẹ nhỏm.

Cái thú ở thôn quê hẻo lánh thuở thanh bình là được tham dự cảnh đạp lúa trâu những đêm trăng sáng, ngay giữa những thửa ruộng vừa mới gặt trong ngày. Trăng tròn vằng vặc mắc lửng trên không trung, tỏa ánh sáng lung linh huyền diệu xuống cánh đồng vàng mơ, thơm phưn phức mùi rạ mới. Gió mát trong lành phơn phớt từng cơn nhẹ nhàng sảng khoái. Bốn bề thanh vắng tĩnh mịch. Người ta chỉ nghe tiếng thở khìn khịt từng chập của những đôi trâu đen ngòm mập lút và tiếng nhắc nhở thúc hối thân tình của bác nông dân già phía sau. Cảnh đạp lúa đêm rộn rịp vui nhộn lắm. Ai đã một lần hân hạnh được tham dự sẽ nhớ đời. Không sao quên được niềm hạnh phúc trong sáng ấy. Nhứt là khi nó đã mất hút vào dĩ vãng theo sự đào thãi của tiến trình sinh diệt. Ít ra cũng năm bảy bãi lúa lớn đại, xây khít đeo, núm níu nhau như để gìn giữ hơi ấm giữa đêm lạnh. Mỗi bãi có một hay hai đôi trâu đen xì quầng thảo vòng vòng vòng vòng… không ngừng nghỉ. Thêm những người phụ làm việc lặt vặt như sởi lúa, vô bao chỉ xanh, kẻ khuân vác chất ngay ngắn thẳng hàng trên cộ trâu để tải về lẫm trại, dứt điểm ngay trong đêm. Gặp lúc cuối năm rắp Tết, cảnh náo nhiệt còn tưng bừng hơn. Ai ai cũng quyết tâm gắng sức, ganh đua nhau hoàn tất sớm để kịp rước ông bà, hỉ hạ ba ngày xuân. Thỉnh thoảng có những phút ngắn ngủi nghỉ giải lao với trà nước nóng, bánh trái ngon ngọt. Họ ngồi chùm nhum, phì phà thuốc rê vấn tay, đấu chuyện tào lao mùa màng, mưa nắng... không thua gì ở những đêm trẩy hội, đình đám định kỳ trong xóm.

Nhiều lần tôi theo ông tôi trông coi đạp lúa trăng, thức khuya không nổi, đành ngủ gà ngủ gật chịu trận. Tôi chọn lựa dựa lưng vào mấy bó lúa khô vừa mới cắt lúc tang tảng sáng, chất ngùn ngụt như núi. Canh hai, canh ba, nửa tỉnh nửa mơ, tôi lẩm đẩm bám theo sát chân ông tôi trở về nhà. Một phần mệt mỏi nhưng cũng đã đến lúc ông tôi phải nghỉ ngơi do tuổi già sức yếu. Đường xa diệu vợi... Đêm khuya rờn rợn lạnh tanh. Tiếng gà gáy đua nhau báo sang canh nghe lảnh lót, tiếp nối ngân nga xa xa, nơi những xóm vắng còn ngái ngủ. Ông cháu tôi đi trên bờ mẫu ngoằn ngoèo, uốn éo lăng quằng lích quỵt mút chỉ cà tha. Thỉnh thoảng ông cháu tôi băng ngang mấy gò nổng, lùm buội sẫm đen.

Những gò này quá quen thuộc với ông tôi suốt cuộc đời bầm dập của ông trên chéo đất ông cha gầy dựng để lại. Đối với chúng tôi cũng chẳng xa lạ gì. Nhưng không biết sao trong lòng tôi lúc này lại nôn nao lo sợ, nơm nớp bâng quơ một cái gì không rõ ràng lắm. Ông tôi khơi chuyện này chuyện nọ không dứt, cốt ý để tôi đối đáp cho tỉnh táo. Và ông tôi cũng an tâm vì biết tôi hãy còn lẻo đẻo theo chân ông, không bị sụp lỗ trổ lún sình hay chúi đầu xuống bưng nước.

Trăng bắt đầu lặn. Ánh sáng yếu dần. Cánh đồng trở nên mờ mờ ảo ảo, vắng lạnh rờn rợn hơn trước. Ông cháu tôi còn băng qua Gò Bướm mới tới nhà. Trong đầu óc tôi lãng đãng bao nhiêu chuyện ma tưởng tượng. Ma người, ma chó, ma mèo… Đầy đủ các loại ma không biết từ đâu bỗng dưng đến tuần tự trong đầu óc non nớt của tôi. Hầu như loại ma này chúng tôi đã từng dặm mắm thêm muối kể cho nhau nghe vào những buổi nắng gắt, dưới bóng mát rặng trâm bầu hay đùng đình đủng đỉnh. Bờ mẫu quanh co, nhiều chỗ lồi lõm lại hẹp té. Cỏ may dầy đặc. Hai người tránh nhau không khéo va chạm, có người phải lọt tuốt xuống ruộng nước. Có đoạn sạt lở tầy quầy do đám chăn trâu mải mê vui chơi, thả trâu tự do trèo lên tuột xuống. Mấy lỗ trổ bị nước đục khoét lâu ngày lở loét to thêm. Hai bên gai gốc lấn chiếm lòng bờ không cách nào đi song song nhau được.

Tôi đi theo sau ông tôi, lòng thầm nghĩ có ông đi đàng trước, mình đi phía sau vững bụng vững dạ hơn. Nhưng chẳng được bao xa, từ từ ngoái nhìn sau lưng, tôi chỉ thấy một màu đen sẫm dầy đặc, nhất là những lúc trăng lu bị che khuất bởi mây đen. Tự nhiên lúc đó tôi nghe ớn lạnh xương sống. Tôi chột dạ, chen lấn ông tôi chạy ra phía trước. Hai bóng ông cháu cứ nhấp nha nhấp nháy, co giãn trước mặt không ngưng. Bóng đen huyền như bóng ma chập chờn nhảy múa trong các chuyện kể dân gian hay những truyện liêu trai ma quái Trung Hoa cổ thời. Lúc đến Gò Bướm, lòng hồi hộp như đánh lô tô, khi nhớ ma chó ma mèo, tôi sợ hãi đi chầm chậm. Rồi tôi khựng lại, thụt lùi chạm phải chân ông tôi.

- Làm gì vậy cháu? Cứ đi đi. Sắp tới nhà rồi. Có ông ở phía sau nè.

Một đốm lửa nhỏ nhảy tới nhảy lui trong đêm đã ngã màu sẫm đục. Thỉnh thoảng nó vọt lên cao, chói sáng lòa rồi tiếp tục nhảy tới nhảy lui như trước. Tôi chăm chú, mở rộng đôi mắt nhìn, mạnh dạng bước tới theo lời trấn an thúc hối của ông tôi. Tôi nhủ thầm:

- Rõ ràng đây không phải đôm đốm bay đêm. Mà chắc có lẽ là hồn phách người chết vừa được mở cửa mả. Họ nhớ mái ấm nhà xưa, đang lần mò tìm về, như đám chăn trâu vừa kể tôi nghe cách đây không lâu?

Ông tôi vẫn tiếp tục nói chuyện này nọ nhưng tôi lặng thinh chẳng còn bụng dạ nào yên ổn để nghĩ tới. Một đỗi sau, đóm lửa đến rất gần. Hai chân tôi lọng cọng, cứ cọ xát vào nhau, khiến tôi gần chúi nhủi tới trước. Cũng may, ông tôi nhận ra ngay người đi ngược chiều, đánh tiếng chào hỏi nhau thân mật, cũng là lúc điếu thuốc khách quen đang cầm trên tay vừa tắt. Tôi hú hồn, thở phào, lòng nhẹ hêu sung sướng hơn lúc nào hết.

***

Ông Sáu Kiếm có biệt tài bắt vong. Trong nhà, nơi mấy kệ vách phía sau bàn thờ, ông chất lủ khủ nào chai lọ, nào chình hũ được ông bịt miệng kín mít bằng những tấm vải đỏ, buột chặt qua mấy nuộc lạc dừa. Cứ nhìn quang cảnh đó trong lòng chắc chắn sẽ nhói lên một cảm giác linh thiêng huyền bí khó tả. Không biết ông hành nghề này từ bao năm rồi. Chỉ biết thiên hạ quen miệng gọi ông là ông Thầy Sáu Lỗ Bang. Đúng hay sai thế nào chẳng ai để ý đến làm chi. Bà con đồng loạt đã gọi như vậy từ thuở nào. Thôi thì cứ gọi theo thói quen, cũng chẳng chết một ai.

Trong xóm ai ai cũng kính trọng nể nang, biết tên biết tiếng ông. Ông khá trọng tuổi, tròn trèm cái tuổi «cổ lai hi» mà người xưa hằng mơ ước, nhưng trông ông vẫn còn mạnh khỏe, lanh lẹ quất thước. Bộ râu lão dài thậm thượt, đen huyền như màu tóc của ông. Do đó, những lúc cạn ly đầy, đầy ly cạn với thông gia, với bằng hữu, ông cao hứng bảo máu huyết ông tốt nên tóc râu đen mượt, sức khỏe mới dồi dào sung mãn, tràn đầy sinh lực như vậy. Đầu ông để búi tó, to chừng phân nửa nắm tay người lớn. Loại búi tó này hiện nay hiếm lắm dù ở miền quê hẻo lánh. Dân gian nôm na gọi là củ nừn. Giá như ông Sáu không có biệt tài bắt vong có tầm thước để được bà con trọng vọng nể vì thì chém chết, chạy trời không khỏi nắng, ông không sao tránh khỏi hỗn danh ông Sáu Củ Nừn từ khuya rồi. Mỗi khi ra khỏi nhà đi công chuyện hoặc cúng kiến do được thỉnh mời, ông vấn cái khăn đỏ loét, lòn gọn lỏn dưới búi tó rồi lanh tay ngoái hai đầu khăn trước trán. Một cử chỉ quá quen thuộc hằng ngày. Ông chỉ làm trong nháy mắt, rất điêu luyện.

Thân chủ của ông không phải là những người xa lạ. Đa số là những gia đình sinh sống lâu đời chung quanh Gò Bướm. Đám con cháu họ thường bị quỷ ma khuấy phá. Họ bảo chúng bị người khuất mặt khuất mày quở phạt quấy rầy lúc chạng vạng tối đỏ đèn, khi chúng còn trì hưởn, lạng quạng rong chơi ngoài gò nổng. Do vậy, chúng bệnh hoạn rề rề, ốm đau không dứt. Bà con tôi tin như thế qua nhiều thế hệ khắc cốt ghi tâm. Do tập quán xưa, thâm căn cố đế tận xương tủy rồi. Khó có thể loại trừ ngay được những dị đoan mê tín ấy. Các ông các bà có thói quen rầy la, không cho con cháu nấn ná ngoài gò lúc mặt trời sắp tan biến sau những mái tranh sẫm màu tận chân trời xa. Phần lớn là những người thuộc thế hệ trước, suốt cuộc đời chưa một lần rời khỏi lũy tre làng hay bến nước thôn ấp. Thầy thuốc bắc, thuốc nam đếm trên đầu ngón tay, lại ở nơi chợ làng, chợ quận, xa thôn xóm cả ngày đường ghe xuồng. Đi và về vừa xa xôi, vừa cực nhọc trần ai lai khổ. Thỉnh mời càng thêm bất tiện. Các thầy thuốc chê xa, phí mất thời giờ quý báu của họ.Thôi thì cứ cậy ông Sáu Lỗ Bang đến bắt vong, xua đuổi ma quỷ là xong chuyện. Thật giản đơn. Không phiền hà, không làm nhọc lòng một ai cả. Ông cũng chẳng đòi hỏi thù lao gì quá đáng. Hơn nữa, tình cảm của ông đối với bà con láng giềng lúc nào cũng đằm thắm lắm.

Ông làm đồ mã rất khéo tay. Nào nhà cửa, xe cộ, nào lâu đài, ghe thuyền màu sắc sặc sỡ trông đẹp mắt. Sau khi cúng kiến thịnh soạn, vái van đủ lễ, đồ mã được ông đem đốt cháy trước sân phừng phừng, lửa ngọn bốc cao nóng ran. Quang cảnh quến con nít rạn đất. Ông lẩm rẩm khấn nguyện, từng chập tưới lên vài chum rượu đế gọi mời tưởng nhớ những người khuất mày khuất mặt. Lửa lại phừng lên cao và tro giấy bay cuồn cuộn hướng thẳng lên tầng không. Xong, ông mang thức ăn và giấy tiền vàng bạc thả trôi sông trên những bè chuối hay những bập dừa kết chặt vào nhau. Bè sẽ lênh đênh theo giòng nước, bạ đâu tắp đấy. Loại thức ăn thả lênh đênh trên sông rạch này, người đi trên ghe xuồng gặp phải thường tránh xa, không hề dám đụng đến. Họ sợ chạm vong linh những người khuất mày khuất mặt, có thể phật lòng hãm hại họ. Theo tập quán lâu đời, chỉ có đám chăn trâu mới dám vớt lên để ăn mà không hề chi.

Ông Sáu hãnh diện thuật lại tỷ mỷ từng chi tiết với bà con, một lần ông bắt được con quỷ cái, chưa tới số, chết trôi ấm ức nên hung hãn, thường xuyên lồng lộn phá phách nhiều gia đình. Nó chỉ có một mắt. Ông bảo “Voi một ngà, đàn bà một mắt”. Đủ biết sự hung hãn của nó đến mức nào, khỏi cần ông dài dòng thêm. Tuy là nghề tay trái, nhưng ông rất bận rộn, được thỉnh mời luôn. Ông vừa cúng ở nhà này, lật bật mấy tuần sau thấy ông đến nhà khác. Quanh quẩn chung quanh Gò Bướm. Trống kèn, đập bồn đập bát inh ỏi.

Mấy hôm rày, thằng con út sinh sau đẻ muộn của ông Hương thân Xéo bịnh rề rề, nóng khô môi lở mép, mắt lem nhem lờ mờ. Nó bỏ ăn bỏ uống, khóc la suốt đêm, cằn nhằn cẳn nhẳn tối ngày. Dĩ nhiên, ông Sáu Kiếm được ông Hương thân khẩn khoản chầu trà rượu, trầu cau trịnh trọng mời thỉnh. Vào nhà chưa kịp ngồi, ông đảo mắt một vòng trước sau rồi ngửa mặt lên trời cau có bực dọc: - Chà chà! Tụi quỷ ma Gò Bướm này quả tình lật lộng, dỡn mặt tui lắm nghen! Vuốt mũi phải nể mặt chớ!

Đặt tách nước trà nóng hổi lên khay, ông đằng hắng hứa hẹn phen này ông sẽ cho lũ nó biết tay ông. Nó lật lộng hung bạo bao nhiêu thì ông cũng già dặn lão luyện bấy nhiêu. Ông cao tay ấn không vừa. Ông nhất định không nhân nhượng được nữa. Cúng vái xong, nhang đèn hãy còn cháy lung linh huyền diệu, hương khói xông lên quyện tròn lan tỏa để tan biến dần. Ông phủ mảnh khăn đỏ lên đầu, thòng chí mí vai, nhậu gần cả nhạo đế, loại đế ông Hương thân tự nấu lấy với nếp men nhà vừa xong, pha chế đúng chữ, thơm phức ngọt lịm. Ông bắt đầu đọc lẩm nhẩm dồn dập, lấp chữ nuốt lời, dù có lấp ló cạnh bên cũng chỉ nghe tiếng được tiếng không, đoạn rõ ràng, đoạn mất lửng. Tay ông cầm hình vong bằng vải, đầy đủ đầu, mình, mắt môi, tay chân. Nơi thân mình có gắn một lục lạc nhỏ. Hình vong nằm gọn lỏn trong tay ông, ở tầm mức ngang ngang màng tang. Vừa đọc ông vừa lắc lắc, lay nhẹ hình vong nhịp nhàng. Lục lạc khua leng keng, leng keng… không dứt. Ba cây nhang đang cháy được ông kẹp ở vành tai hướng ngược lên phía trước, nghi ngút khói.

Cả gia đình ông Hương thân Xéo đồng thanh giữ im lặng tuyệt đối. Họ chăm chú theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt của ông. Rượu vào ngà ngà. Ông Hương thân thỉnh thoảng chuốt thêm rượu vào nhạo, cẩn thận rót đầy ly, mỗi lần bọt trắng mịn màng, kết quyện vào nhau. Ông Sáu Kiếm gục gặc, thở dồn dập, ợ lên ợ xuống mấy cái liền, tay xiết mạnh hình vong. Có tiếng người lấp ló phía sau khe khẽ suỵt suỵt kín đáo. Ông Sáu cất lời, vẻ giận dữ:

- Nhà ngươi tên họ là gì? Phải khai trình cho rõ tông ty họ hàng ngay, kẻo ta nổi nóng mà mang họa.

- Ái da...! Ông nới tay một chút cho kẻ hèn này được nhờ. Tôi nghẹt thở sắp chết tới nơi rồi. Nhè cuống họng của tôi mà ông xiết mạnh quá. Không khéo bị thương tật, sau này làm sao tôi ăn uống đớp hít được?! Tôi ngự trị lâu nay ở Gò Bướm này, ai cũng biết. Họ gọi tôi là Con Quỷ Đầu Đỏ. Xin ông nhẹ tay với tôi.

- À ha! Thế ra nhà ngươi là con quỷ hung hãn, lật lộng, thường xuyên hoành hành quấy phá dân tình ở đây? Nhà ngươi muốn gì mà đang tâm hãm hại bà con lương thiện vậy? Có ai xa lạ gì đâu? Đều là ruột rà thân thuộc, cùng chung thôn xóm cả. Hãy khai rõ thêm, ta sẽ tùy nghi cứu xét xử lý. Nếu không, ta sẽ xiết họng cho nhà ngươi tắt thở luôn.

- Lạy ông. Xin ông rũ lòng thương. Tôi nghe đồn đãi ông hiền đức nhân từ, độ lượng khoan dung lắm. Ông nới tay thương người lầm lỡ, bất hạnh thọ nạn. Mấy chục năm ngự trị ở Gò Bướm này, tôi từng gây mưa gây gió. Đàn em tôi riu ríu cúi đầu phủ phục, không đứa nào dám hó hé dù là một tiếng thở dài thầm lặng, một tiếng than kín đáo. Ma mới ma cũ, già trẻ trai gái, tất cả đều răm rắp tuân lệnh tôi, không tên nào dám ọ ẹ rục rịch cãi lời. Mà cãi lời là chết với tôi. Đối với tôi chỉ có tuân phục, cúi đầu ngoan ngoản vâng dạ thôi. Nay thì...

- Quả nhà ngươi gan trời, mình đồng da sắt, dám lợi dụng cái gò hỗn mang hoang vu này để tung hoành gây giông gieo bão. Ta sẽ trừng trị nhà ngươi đích đáng. Ta sẽ bắt và oánh nhà ngươi cho bỏ thây luôn. Nhà ngươi đã tới số rồi, chạy đâu cho khỏi mệnh trời.

- Ông ơi! Tại bản tính tôi vốn hung bạo, trên đầu xem chẳng có ai. Chẳng Trời, chẳng Phật, chẳng Thánh, chẳng Thần, chẳng chi chi cả. Tất cả tôi xem như rơm như rác, cục phân không bằng. Tôi chỉ lo sung sướng bản thân cùng với đám em út khuyển mã được bao che. Kỳ dư, đối với tôi đều là thù nghịch hết, tôi phải đánh phá loại trừ. Tôi đã trình qua. Ông nương tay đôi chút cho tôi nhờ.

- Nhà ngươi quá quắt lắm. Cái Gò Bướm này đâu phải của riêng nhà ngươi mà nhà ngươi phóng tay cưỡng chiếm, tiếm đoạt rồi uy hiếp áp bức người hiền lương suốt cả đời cần cù khổ cực. Gò Bướm là tài sản của cải chung của bà con ở đây qua nhiều thế hệ góp công xây dựng nên. Không phân biệt một ai cả. Nhà ngươi chẳng hề đóng góp một xu lớn xu nhỏ nào. Chả đổ một giọt mồ hôi công sức vào sự nghiệp to lớn đó của tiền nhân. Nhà ngươi chỉ bỏ ra ba mớ nước bọt rồi dùng những lời đường mật mỹ miều đương nhiên cướp công cướp của của người dân lương thiện, chí thú làm ăn. Chẳng những nhà ngươi bức hại vong linh người chết bơ vơ cô thế còn cả gan phá phách hãm hại người sống nữa. Tội nhà ngươi quả đáng chết.

Nói xong, ông Sáu Kiếm lắc mạnh và xiết chặt hình vong. Trông ông có vẻ giận dữ chưa từng thấy. Lục lạc leng keng, leng keng liên hồi. Lúc mạnh lúc nhanh. Con quỷ thở hồng hộc…Giọng nó rung rung sợ hãi:

- Ông ơi! Xin ông mở rộng lượng hải hà. Ông vốn có truyền thống từ bi hỉ xả, đại lượng thứ tha, thương người lỡ lầm sa vào vực thẳm. Ông đã hé cho tôi thấy rõ ràng tội lỗi tầy trời bấy lâu nay của tôi. Tôi nguyện sẽ ăn năn sám hối, sửa đổi tánh tình, hoán cải cung cách đối xử trong tình huynh đệ anh em để cùng nhau sống hạnh phúc ở Gò Bướm, di sản chung của xóm. Tôi xin hứa, xin hứa...

- Nhà ngươi đã bị ta bắt hồn bao nhiêu lần rồi? Có nhớ không? Lần nào nhà ngươi cũng hứa hẹn sửa đổi, phân biệt chánh tà, đi theo đường ngay lẽ phải. Nhưng không bao lâu lại dở chứng, tật nào hoàn tật nấy, lật lộng nuốt lời trắng trợn. Nằm trong tay ta, nhà ngươi tỏ ra yếu hèn còn thua con trùn con dế, nhỏ nhẹ, dạ dạ vâng vâng, hứa tiều hứa quảng cho qua truông. Buông ra, cốt chồn hoàn cáo, còn hung hãn hơn, mưu mô quỷ quyệt hơn, gian trá ác đức hơn.

Ông Sáu Kiếm quát lớn:

- Nhà ngươi có nghe bà con ở đây nhất loạt ta thán oán hờn về những hành động đen tối bất chánh của nhà ngươi không? Nhà ngươi phải biết, con người dù sống dù chết, dù Tiên Phật quỷ ma, đều phải có chút liêm sỉ và tình thương tối thiểu. Đàng này, nhà ngươi chỉ chực chờ cơ hội hãm hại gây chết chốc khổ đau, gieo tang tóc chia lìa thôi. Ta không thể nào tin lời nhà ngươi nữa. Để ta hỏi qua gia chủ và bà con có mặt hôm nay xem phản ứng của họ ra sao? Tất cả vốn uất hận và bất mãn lắm.

- Ông ơi ông! Xin ông giúp giùm vài lời. Tôi nguyền mãi mãi tạc dạ ghi ơn. Tôi thành thật mà. Tôi sẽ giữ lời.

Ông Sáu Kiếm nóc tiếp một ly rượu đế, tỏ vẻ thấm mệt. Ông Hương thân Xéo bước tréo qua ván ngựa, lấy quạt lông gà tây máng ở vách buồng phất nhè nhẹ sau lưng ông:

- Thôi ta cũng chẳng hẹp hòi gì. Ta vốn chủ trương chuộng tình thương và không dị biệt. Ta vốn ước ao mọi người ở Gò Bướm này chung sống hạnh phúc và cảm thông với nhau, luôn cả nhà ngươi nữa. Tin lời nhà ngươi, ta thử tin thêm lần nữa xem sao. Nhưng ta buộc nhà ngươi phải mạnh dạng và thành khẩn tỏ thiện chí ngay, phải biểu lộ thiện chí đó bằng hành động cụ thể. Nói thì ai nói sao cũng được. Cứ làm đi. Ta sẽ công minh đánh giá việc làm của nhà ngươi. Nhà ngươi chắc thừa biết, ta vốn tinh thông thần phép, dư thừa thần lực. Trước sau, sớm muộn gì ta cũng khuất phục được nhà ngươi, thu gom về một mối. Dù cho có phải mất một thời gian dài đi nữa. Ta báo cho nhà ngươi biết trước để mà liệu hồn liệu thân.

Con Quỷ Đầu Đỏ thở dồn dập, lặng im thin thít. Ông Sáu quát to:

- Sao nhà ngươi lặng im không nói? Phản đối thụ động à?

- Tôi đuối sức quá rồi ông ơi! Tôi đang đói, đang khát. Tứ chi tôi bủn rủn. Hầu như tinh thần tôi đang kiệt quệ trầm trọng và niềm tin tôi sa sút đến nguy hiểm.

- Ta sẽ cung cấp thức ăn nước uống cho nhà ngươi để cầm hơi. Điều kiện tiên quyết của ta là thiện chí của nhà ngươi phải được biểu lộ lập tức và dứt khoát, không dùng dằng mà cả, không quanh co tránh né. Nhà ngươi phải để yên thằng con của gia chủ. Phải đảm bảo nó được tự do chạy nhảy vui chơi bất kỳ nơi nào ở gò Bướm, không ngoại trừ giờ giấc. Nhà ngươi phải tôn trọng các gia đình ở đây để mọi người thanh thản an tâm làm ăn, không phập phồng lo sợ, không bị ám ảnh bởi những ý đồ và hành động đen tối của nhà ngươi nữa. Ta sẽ đề nghị gia chủ và bà con trong xóm cất ngay một miễu nhỏ ven gò, cạnh dãy đùng đình đủng đỉnh ngất nghểu cuối xóm xa xa kia để nhà ngươi có nơi sám hối, có nơi tu tâm dưỡng tánh, trở về đường ngay lẽ phải, sớm đi theo chánh đạo và chánh nghĩa.

- Ông ơi! Tôi đội ơn ông biết dường nào! Có điều tôi còn băn khoăn ái ngại quá! Bấy lâu nay tôi là kẻ vô tâm vô thần. Trời Phật, Thánh Thần, Cha Thầy, Sư Vãi... tôi đều nhạo báng rẻ khinh, chưởi rủa, chà đạp xem như cỏ rác không bằng. Nay ông bảo tôi tu tâm sám hối. Các đấng linh thiêng có chấp nhận cho tôi không? Hơn nữa, tu có dễ không ông?

- Nhà ngươi quả đa nghi. Cái tính đa nghi này có lẽ đã ăn sâu vào xương tủy của nhà ngươi từ bao nhiêu năm rồi. Các đấng linh thiêng là những người siêu phàm, dĩ nhiên sẽ sẵn sàng mở rộng vòng tay thứ tha hỉ xã thôi. Mọi việc đều dễ. Nhưng mọi việc cũng đều khó. Dễ trong khó. Khó trong dễ... Nhà ngươi phải quên đi từng bước cái ngã xấu xa của mình để tan biến trong cái ngã chung của bà con chòm xóm. Nếu thật lòng, mọi người sẽ dang tay giúp nhà ngươi hoán cải. Nhà ngươi nên nhớ đây là một dịp cuối cùng trong đời của nhà ngươi đó. Ta sẽ giải thoát nhà ngươi lần sau cùng.

***

Mâm cỗ ê hề dọn trên bàn giữa, đối diện với bàn thờ chánh. Lư hương, chân đèn sáng choang óng ánh. Hoa quả sắc màu trưng đủ loại. Khói hương hãy còn nghi ngút, nhẹ nhàng quyện đều uốn éo hướng lên trần nhà, len lỏi theo mấy cành hoa huệ tốt tươi thơm ngát. Ông Thân Xéo thỉnh ông Sáu Kiếm vào ngồi trước tiên nơi đầu bàn, chỗ danh dự của hang trưởng thượng chức sắc. Giờ đây ông bệ vệ như vị khách quý. Mấy bà con trọng tuổi khác lần lượt ngồi giáp bàn dài hai bên chái nhà. Chân bàn chạm trổ hình chim công oai vệ đậu trên đầu sư tử. Mặt bàn bằng đá cẩm thạch mát lạnh.

Câu chuyện bắt vong khi nảy được tiếp tục theo hơi men nồng rượu cay. Tiên chủ hậu khách theo đúng thông lệ, tập tục xưa nơi thôn quê, người trên kẻ dưới phân minh rõ ràng. Chén anh chén em không ngớt miệng. Người lắc lư chếnh choáng. Kẻ mặt đỏ phừng phừng. Nhưng chẳng ai chịu kém ai nửa bước. Nhạo rượu được gia chủ tới lui châm thêm không biết bao nhiêu lần với lời mời mọc chí tình chí nghĩa. Đầu bàn tấm tắc khen rượu dịu ngọt giữ bọt. Cuối bàn không hết lời tâng bốc pha chế khéo tay, đúng chữ.

Ông Sáu Kiếm vuốt râu, vấn lại khăn trên đầu rồi thao thao về thành tích vừa qua, đã bắt được Con Quỷ Đầu Đỏ lợi hại. Ông quả quyết không dễ gì điều khiển được nó. Phải già tay ấn lắm. Ông đã trầy vi khổ ải, xử dụng hết thần phép chưởng lực của mình vì nó lão luyện mánh mung, đa mưu túc trí, già dặn kinh nghiệm. Giọng sành sõi, ông nói tiếp:

- Tôi không dám khoe khoang với bà con. Hồi thọ giáo với thầy tôi, người căn dặn, nhắc tới nhắc lui phải luôn luôn khiêm tốn. Mình hay nhưng trong thế gian còn có người tài giỏi hơn mình. Chí tình, tôi muốn nói với chú Hương thân và bà con ở đây biết trong mấy chục năm liên tiếp hành nghề, được mời thỉnh nhiều nơi, bắt đủ hạng vong, lớn có nhỏ có, đàn ông có đàn bà có, trai gái đủ cả, nhưng chưa lần nào tôi vất vả như hồi sáng này. Tôi đã lập đủ thế thần, dùng đủ mưu mẹo mới quật được nó. Ông tủm tỉm cười:

- Nó đa nghi còn hơn Tào Tháo. Đôi mắt láo liên. Di chuyển thận trọng. Lừa nó vào bẫy, nắm hầu nắm họng nó vuột lên vuột xuống trầy vi tróc vảy, trần ai lai khổ. Thôi cũng yên rồi. Tôi mừng. Cũng nhờ phước đức gia đình chú Hương thân đây.

Có người hoài nghi thắc mắc đặt câu hỏi liệu nó có ngóc đầu dậy, trở quẻ bội ước trắng trợn vô liêm sỉ như những lần trước không? Ông Sáu Kiếm đi nốt ly đế nghe tiếng tróc ngọt lịm, khà một hơi dài rồi nói:

- Tôi đã lo xa, ếm con dao phay sâu lút cán nơi khoảng đất trống giữa gò, chỗ chú Hương thân chọn để cất cái miễu tới đây. Chỗ đó là cái yết hầu của nó. Tôi lại chêm thêm một lá bùa tuy không độc lắm nhưng coi như tôi đã bẻ giò bẻ cẳng, nhổ bỏ một phần nanh vuốt của nó rồi. Hẳn nhiên, đám đàn em của nó thấm tháp nhằm nhò gì. Toàn là lũ ma đầu tham lam bần tiện, bản thân chết nhát, a dua xua nịnh, toa rập ăn bẩn. Đàn anh chúng nó bó tay thúc thủ, chúng nó sẽ rã đám tan hàng ngay.

Ông nhíu mày ra tuồng suy nghĩ đắn đo rồi phân giải dài dòng thêm:

- Nhưng thật tình mà nói, bà con mình cũng phải tỏ ra hiểu biết, thức thời và tích cực một chút. Mình mà thụ động buông xuôi thì ai vào đây giúp mình. Mình phải làm chủ vận mệnh của mình, của gia đình và thôn xóm mình. Mình phải đoàn kết nhứt trí lo việc chung. Nhà cửa không nên để u u tăm tăm, đêm ngày âm ỉ đen tối, đám quỷ ma mất dạy lợi dụng để lén lút quanh quẩn bên mình. Bớt việc ngày ngày cúng kiếng, xá xá vái lạy, lo lót nuôi dưỡng thường xuyên chúng nó. Dĩ nhiên, chúng nó phây phởn, nào ưng chịu buông tha dễ dàng mình đâu. Nhiều nhà để mấy gốc mướp hương leo bám lên mái, lá mướp trùm phủ tối tăm, bảo sao chúng nó không nương vào thừa cơ hội làm điều mờ ám. Mấy cây rơm sát hè cám dỗ đàn gà tối ngày bươi móc tìm trùn dế, lúa sót, qua mùa mưa xông mùi khó chịu. Nên dời ra nơi xa một chút. Đừng để buồng phòng nhà cửa tối thui kín mít.

Ông nghiêm nghị:

- Quỷ ma vốn có ý đồ đen tối, hành động đen tối, thích nơi đen tối, lợi dụng chỗ tối đen. Chúng nó rất sợ nơi sáng sủa, thanh thiên bạch nhựt để dễ làm những điều mờ ám.

Mọi người đều lắng tai nghe. Im lặng tuyệt đối. Được nước, ông lên lớp tiếp:

- Cái gò Bướm này cũng nên tẩy sạch lùm buội, đốn hết dứa gai. Nên chặt bỏ mấy cây cổ thụ, da dẻ sần sùi tróc lở, nổi u nổi cục, cành lá bệnh hoạn đèo đẹt. Bà con mình nghĩ xem có đúng không? Dưới gốc mấy cây cổ thụ đó, đâu có một cây con nào mọc ra hồn. Chúng bị che, thiếu nắng. Nếu có mọc nổi đi nữa cũng xanh xao vàng vọt, mảnh khảnh yếu ớt, thiếu hẳn sức sống, chĩa thẳng suông đuột với lá cành hiếm hoi lưa thưa. Sau này mả mồ cũng nên sắp xếp ngay hàng thẳng lối, có ranh giới đường đi rõ ràng khang trang. Được vậy, tôi tin quỷ ma sẽ không còn nơi nương tựa, sẽ bó tay phủ phục. Và Gò Bướm này nhứt định sẽ được yên ổn lâu dài.

Ngừng một chút, ông nhấn mạnh, gằn từng tiếng:

- Tôi tin chắc ở quy luật bất di bất dịch của Trời Đất, hễ mình vượng, quỷ ma nó yếu. Hễ mình mạnh, lũ nó xuống nước nhỏ quy lụy mình ngay.

Tiệc sắp tàn... Ông Sáu Kiếm bảo ẵm thằng nhỏ ra để ông làm mấy dấu trên trán nó, nựng yêu cái cằm nhọn hoắc của nó mấy lượt rồi quay qua nói với ông Hương thân Xéo:

- Chú Hương thân tiếp tục cho cháu uống thêm mấy liều thuốc do ông Tam Thiện Đường ở chợ Gò Đen cho toa hiện còn lại. Tiếp tục cho uống đến hết. Tốt lắm. Vài ngày cháu sẽ lợi nghỉnh, ăn chơi cho mà coi.

Ông Sáu Kiếm chít khăn đỏ lòn phía sau búi tó như thói quen, sửa lại quần áo, dép nón chỉnh tề. Đoạn, ông giã từ ông Hương thân và bà con quen biết nơi bàn tiệc. Có người gật gù, bịn rịn đưa tiễn ông Sáu tận sân phơi lúa trước nhà, chân mặt bắt đầu đá nhẹ chân trái. Riêng ông Thân Xéo cũng không hơn gì. Thân mình ông ngã qua ngã lại chệnh choạng. Tôi đứng ven sân cùng lũ nhỏ trang lứa, nhìn theo ông Sáu băng qua Gò Bướm biến dạng nhanh chóng theo bờ bưng xa xa. Tôi thấy lòng mình bỗng dưng nhẹ nhỏm lạ kỳ, an tâm vững dạ hơn lúc nào hết. Hai ngón tay cái nằm gọn lỏn trong lòng hai bàn tay, tôi nắm chặt lại, lòng dặn lòng từ nay không còn sợ ma chó ma mèo nữa. Bỗng dưng trong lúc đó, tôi lại tin dứt khoát ở ngày tàn đương nhiên của Con Quỷ Đầu Đỏ từng phá hại xóm làng tôi. Và tôi cũng tin tưởng tuyệt đối ở tương lai an cư lạc nghiệp của bà con chung quanh Gò Bướm. Trong niềm tự tin đó, tai tôi còn nghe văng vẳng lời đoan chắc như đinh đóng vào cột của ông Sáu Kiếm:

- Mình vượng, quỷ ma nó yếu. Mình mạnh, chúng nó xuống nước nhỏ quỳ lụy phục tùng mình ngay.