Một vài nhận định về mối quan hệ giữa Lòng bản và Bài bản trong âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam

Chữ lòng bản vốn có xuất xứ từ âm nhạc Tài tử và Cải lương Nam bộ. Ông cha ta dùng chữ lòng bản để chỉ lõi giai điệu của mỗi bài bản cổ truyền có khung nhịp cố định. Theo quan niệm của PGS Hoàng Đạm, lòng bản chính là bản xướng âm đơn giản và cố định về một bài bản, được đặt ra giúp người học nắm vững cấu trúc, âm điệu, phong cách và khung nhịp để từ đó, người hát/người đàn có thể thay đổi, biến hóa theo thẩm mỹ của mình nhưng không được vượt quá khuôn khổ, phong cách quy định.

Hoặc theo PGS Bùi Huyền Nga, các hình thức diễn xướng âm nhạc dân gian được ghi lại trong trí nhớ của con người dưới dạng mô hình chứ không được ghi thành văn bản, nốt nhạc như âm nhạc mới ngày nay và mô hình đó chính là lòng bản. Mô hình này luôn được biến hóa theo khả năng, trình độ sáng tạo và tâm lý của từng người biểu diễn dẫn đến những dị bản khác nhau nhưng phải dựa trên quy định của truyền thống là độ cao, độ dài, nghệ thuật phổ thơ, từ phụ v.v…

Bài bản được hiểu là những bài ca, điệu đàn theo nghĩa chung. Chữ bài bản cũng có thể được gọi ngắn gọn là bản hay bài, như trong âm nhạc Đờn ca Tài từ có 20 bài bản tổ hay còn gọi là 20 bài tổ gồm 6 bài Bắc, 4 bài Oán, 3 bài Nam, 7 bài Lễ. Ngoài ra, một tài tử lành nghề cũng cần rành rẽ “thất thập nhị huyền công” – 72 bài bản cổ nhạc Nam bộ (còn có thể gọi là 72 bài cổ nhạc).

Sự khác biệt giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp trong nền âm nhạc phương Tây được thể hiện rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc dân gian lại có mối quan hệ đan xen lẫn nhau, khó có thể phân định một cách rõ ràng. Ở nước ta, âm nhạc chuyên nghiệp được hình thành thông qua âm nhạc cung đình nhưng chỉ có 3 sắc tộc trong số 54 sắc tộc Việt Nam là người Việt, Chăm, Khơ meNam bộ mới có âm nhạc chuyên nghiệp vì có thể chế nhà nước phong kiến. Do đó, âm nhạc dân gian vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần các tộc người ở Việt Nam. Cũng vì lẽ đó, phạm vi, giới hạn của bài này sẽ đi vào xem xét mối liên hệ, tương quan giữa sự sáng tạo các bài bản trên cơ sở lòng bản của cá thể đối trong các thể loại âm nhạc dân gian với xã hội và cộng đồng.

Một trong những yếu tố quan trọng của âm nhạc dân gian là tính truyền miệng. Do được lưu giữ trong trí nhớ của con người nên âm nhạc dân gian được truyền từ người này sang người kia, bằng phương pháp trực tiếp theo kiểu bà dạy cháu, mẹ dạy con, người này hát/đàn thì người kia nghe rồi hát/chơi lại. Để có thể lưu truyền được các bài bản từ thế hệ này qua thế hệ kia một cách thống nhất trong cộng đồng, nhân dân ta đã xây dựng bài bản theo hình thức tóm lược mà ngày nay các nhà dân tộc nhạc học đã quen gọi là lòng bản.

Trong quá trình truyền ngón, truyền miệng đó, mỗi cá thể trong cộng đồng lại thay đổi, biến hóa làn điệu, bài bản theo tâm tư, tình cảm, thẩm mỹ âm nhạc và trình độ âm nhạc của mình nhưng vẫn trên cơ sở bảo lưu lòng bản của bài bản đó. Từ đây, dẫn đến việc trên một lòng bản, có nhiều người trình diễn sẽ có nhiều bản nhạc khác nhau mà các nhà nghiên cứu gọi là dị bản trong âm nhạc dân gian và đây là một trong những nét đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam… Song nội dung và chức năng xã hội đó được biểu hiện không giống nhau trong từng thể loại âm nhạc dân gian riêng biệt, và chúng ta có thể chia ra làm hai thể loại: trực tiếp và gián tiếp.

Thể loại trực tiếp bao gồm các tác phẩm được sáng tác và trình diễn cùng một lúc với một công việc cụ thể như sau: hát phục vụ lao động, sản xuất, hát ru con... Ở thể loại này, âm điệu và nhịp điệu thể hiện tâm tư, tình cảm nảy sinh trực tiếp trong các hoạt động cụ thể của con người. Chẳng hạn như hát ru của các tộc người trong dân tộc Việt Nam đều có đặc điểm chung là ru trẻ nhỏ, chủ yếu là dưới ba tuổi, vì trẻ nhỏ chưa hiểu lời nên phần lớn các bài hát ru đều có lời rất dễ hiểu. Điển hình như trong bài hát ru phổ biến nhất ở miền Bắc, sự ngủ đã được nhân cách hóa thành “cái ngủ”, được coi là nghĩa vụ và quyền lợi của đứa trẻ: “Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về/ Bắt được lũ cá rô trê/ Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn”. Về làn điệu thì dàn trải, thường có nét nhạc cố định (nét nhạc này biểu thị cho tiếng ru hoặc nhịp điệu đung đưa của chiếc võng, chiếc nôi hay cánh tay người mẹ). Thành phần nhạc âm ít, thậm chí có cả tính chất hát nói trong lời ru. Ngoài ra, trong lời ru còn mang cả dấu vết không gian - thời gian (ở tộc người Kinh, bà ru cháu thường vào buổi trưa...). Thể loại trực tiếp còn được thể hiện rõ rệt nhất trong các bài hò, người ta dùng tiếng hát với những nhịp điệu cố định, rõ ràng qua những tiếng dô huầy, dô ta...khỏe khoắn làm dự lệnh và động lệnh để hợp sức lao động nhằm đạt kết quả cao.

Thể loại gián tiếp thường xuất hiện trong các buổi tế lễ, hội hè và có cả trong đồng dao. Các công việc, các ước muốn, khát vọng của người nông dân được phản ánh một cách khái quát, cách điệu hóa với trí tưởng tượng phong phú như: Trong lễ cầu mưa của một số tộc người, người ta đem trống của làng ra bờ sông đánh giả làm tiếng sấm. Hay một số con trai cầm mẹt, con gái cầm lạt kéo nhau đến chỗ có nước dầm cho ướt, rồi con trai đánh mẹt giả tiếng sấm, con gái cầm lạt khua giả tiếng gió... Họ làm như vậy với một niềm tin rằng sẽ có mưa, và theo văn hóa tâm linh thì đó là họ muốn điều khiển thiên nhiên làm theo họ. Tất cả những hoạt động đó được thực hiện theo một nhịp điệu âm nhạc chi phối cùng một lúc với nhịp điệu của bài hát cầu mưa.

Âm nhạc dân gian chỉ hiện ra một cách đích thực khi mà người lao động trình diễn nó với sự thúc đẩy của khát khao sáng tạo nghệ thuật, nó chỉ được nảy sinh trong quá trình lao động, sinh hoạt tinh thần của người lao động, và cũng do đó mà tất cả mọi người có mặt đều vừa là người thưởng thức, vừa là người tham gia trình diễn. Các hoạt động âm nhạc đều được cấu tạo theo cơ chế mô hình – nghĩa là bao gồm những yếu tố chính có tính chất “bộ xương”, hoặc những quy định chung. Còn chi tiết thì dành cho cá nhân thêm thắt vào trong khi thực hiện hay diễn tấu. Vì vậy, khái niệm “lòng bản” trong âm nhạc cổ truyền dân tộc có thể hiểu như là cốt lõi, là “bộ xương” của những bài bản cổ truyền. Ông cha ta đã nghĩ ra lòng bản như là cách nhìn cấu trúc, là cơ cấu bền vững. Cấu trúc mô hình lưu giữ âm nhạc bằng bài bản, lòng bản, bằng mô hình, mang đặc trưng của cộng đồng.

Như trên đã nói, lòng bản là mô hình cố định và người hát/người đàn dựa vào để nắm vững cấu trúc và phong cách bài bản để khi trình diễn có thể sáng tạo, biến hóa thành các dị bản theo sở trường, khả năng của mình mà không đi chệch nguyên tắc, phong cách của bài bản cũng như yếu tố vùng miền.

Một bài bản cải lương sau đây sẽ cho ta thấy một trong những phương thức biến hóa lòng bản và qua đó thể hiện mối quan hệ, cơ chế giữa lòng bản và bài bản: 


Ví dụ a ở trên cho ta thấy phần nào nguyên tắc biến hóa lòng bản của người trình diễn. Người hát có thể thay đổi, thêm thắt chữ, biến hóa giai điệu cho phù hợp với nội dung và số lượng ca từ theo sở trường của mình nhưng vẫn phải dựa trên mô hình lòng bản của bài bản, cụ thể trong trích đoạn này là: xê - phan – liu.

Cũng là biến hóa lòng bản của một bài bản cải lương nhưng ở ví dụ b, người hát lại bớt chữ so với lòng bản nhưng dựa trên nguyên tắc bảo lưu các chữ nhạc chính của lòng bản như: u – liu – công.

Bên cạnh đó, nghệ thuật tức hứng bài bản âm nhạc dân gian cũng là một trong những yếu tố có sự liên quan chặt chẽ trong mối quan hệ giữa cá thể với cộng đồng và nó xuất phát từ tính tại chỗ của âm nhạc dân gian. Có nghĩa là việc biểu diễn, sáng tác, truyền bá và hưởng thụ âm nhạc cùng xảy ra một lúc do một người hoặc tập thể người cùng tham gia thực hiện và luôn phụ thuộc vào nhu cầu thuởng thức, huởng thụ và giao lưu của các cá nhân trong cộng đồng. Trong quá trình đàn hát, họ ngẫu nhiên tham gia vào sự sáng tạo âm nhạc và tùy thuộc vào tâm lý, đối tượng cùng tham gia, không gian trình diễn cụ thể v.v…mà có thể ứng tác, tức hứng ngay tại chỗ trên cơ sở lòng bản của bài bản đã quy định.

Sự sáng tạo của cá nhân trong cộng đồng như vừa nêu trên thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Nhờ có nó mà các bài bản âm nhạc dân gian mới có động lực để tồn tại và phát triển mạnh mẽ với các thể loại, hệ thống bài bản phong phú từ đời này qua đời khác, giúp con người trong cộng đồng vẫn thể hiện, khẳng định được “cái tôi” trong sáng tạo mà vẫn không vượt ra khỏi những quy định của cộng đồng. Ngược lại, cộng đồng luôn tôn trọng sự sáng tạo cá nhân, giúp cho các cá nhân trong cộng đồng gắn kết với nhau, bổ sung điểm mạnh cho nhau, khiến cho hệ thống bài bản âm nhạc dân gian của cộng đồng 54 sắc tộc Việt Nam trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn.

Có thể nói, tính ngẫu hứng, biến hóa lòng bản tạo thành các dị bản khác nhau, “đánh dấu” sự sáng tạo cá nhân, tập thể và còn mang đậm chất vùng miền là một phong cách sáng tạo rất “mở”, tạo nên sự khác biệt, độc đáo giữa âm nhạc Việt Nam so với phong cách “đóng” của các nền âm nhạc khác trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Đạm, Hòa tấu biến hóa lòng bản âm nhạc cổ truyền người Việt, Viện Âm nhạc, Hà Nội, năm 2003.

2. Bùi Huyền Nga, Âm nhạc cổ truyền người Việt (phần 1), Tài liệu tham khảo môn Âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, Hà Nội, năm 2005.