Hát bội hay hát bộ?

TTO - Trước là hát bội, sau biến thể ra hát cải-lương, và nẩy mầm rất mạnh. Các ký-giả buổi ấy, như Lê-Hoằng-Mưu chẳng hạn, để cho thấy có canh tân cải cách, bèn chối bỏ danh-từ “hát bội”, vừa viết trên báo vừa hô hào xin thay vào đó và dùng hai chữ “hát bộ” thế cho “hát bội”, như vậy có vẻ mới hơn và tưởng đâu là đúng nghĩa hơn.
____

Cái tệ-đoan mỗi mỗi đều thay đổi và dùng chữ không nhằm lối nhằm chỗ cho đến nay vẫn chưa tẩy sạch, và dẫu danh-từ “hát bội” là đúng, thỉnh thoảng vẫn còn thấy hai chữ “hát bộ” xuất hiện dưới nhiều ngòi bút đứng đắn. Ở đây tôi xin miễn bàn, vì hát nào lại không ra bộ? Và câu thơ của Phan-Văn-Trị vịnh hát-bội:

“Hèn chi chúng nói “bội” là “bạc” (1) đủ chứng minh và tránh cho tôi khỏi nói nhiều.

Sở dĩ tôi nhấn mạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần về buổi trình diễn “hát bội tân tiến có tánh cách nịnh Chánh-phủ Thực-dân năm 1918 (16 novembre)” là vì tôi thấy đây là cái “móc” rõ rệt và vững chãi cho “về rác cầm ca” dựa bám nơi đó mà nở lớn lần ra, lần hồi trở nên nghành hát cải-lương thiệt thọ. Nay nhơn xem bộ sách khảo cứu Pháp-văn của ông Trần-Văn-Khê “La musique vietnamienne traditionnelle,- Les Presses Universitaires de France, 1962”, tôi tra nội trang 90 về nguồn gốc cải-lương, tôi xin tóm tắt đại khái, trong trang, tác giả viết “cô Ba Định ca bài Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm thi rớt” tại nhà thầy Phó Mười-Hai ở Vũng-Liêm vào năm 1918” và tài-liệu nầy tác-giả trích lục báo Pháp “La Dépêche dIndochine” số 2739 ngày 21-9-1937 bài của ông Nguyễn-Văn-Hanh viết. Theo ông Hanh, lần thứ nhứt diễn tuồng hát cải-lương tại nhà thầy Phó Mười-Hai (Vũng-Liêm) là ngày 15-11-1918, kế đó đi diễn nơi Sa-Đéc và Vũng-Liêm.

Ông Nguyễn-Văn-Hanh gần đây đã từ trần. Tôi không biết ông dựa theo tài-liệu nào mà viết rằng tuồng “Pháp-Việt nhứt gia” do thầy Phó Mười-Hai viết, và ông nói diễn lần đầu tại Vũng-Liêm đêm 15-11-1918. Căn cứ theo tập “Việt-Trung tiểu lục” tôi còn giữ được và bài thơ đăng tr. 20 tập Hồi-ký nầy (thơ Đặng-Thúc-Liêng) thì tuồng “Pháp-Việt nhứt gia” diễn lần thứ nhứt tại Rạp Hát Tây đêm 16-11-1918. Còn tài-liệu về việc cô Ba Định ca bài Tứ-Đại-Oán tại nhà Thầy Phó Mười-Hai đêm 15-11-1918 và khai sanh cho hát cải-lương từ đây...- việc ấy tôi không chối cãi, và vốn ở ngoài sự hiểu biết của tôi vì năm 1918 tôi còn học trường tỉnh ở Sốc-Trăng như đã nói nơi đoạn trước. Duy tôi xin mạn phép trích lục đoạn sau đây do một ông bạn lão thành, cụ Trần-Văn-Khải viết.

“I. Lịch-sử cải-lương. Trước kia ở rải rác trong các tỉnh Nam-phần có những ban tài-tử đờn ca trong các cuộc lễ tại tư-gia như tân hôn, thăng quan, giỗ quải, v.v... Nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng.

“Qua lối năm 1910, ở Mỹ-Tho có ban tài-tử của Nguyễn-Tống-Triều, người Cái-Thia (1) tục gọi Tư Triều (đờn kìm), chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca). Phần nhiều tài-tử nầy được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt-Nam tại cuộc triển-lãm ở Pháp. Khi về, họ cho biết rằng Ban tổ-chức có cho họ đờn ca trên sân-khấu được công chúng đến nghe đông đảo.

“Cái ý-kiến đờn ca trên sân-khấu đã phát sinh từ đó. Thầy Hộ, chủ rạp hát bóng Casino, ở sau chợ Mỹ-Tho, muốn cho rạp hát mình được đông khách, bèn mời ban tài-tử Tư Triều đến trình diễn mỗi tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu, trước khi hát bóng. Lối đờn ca trên sân khấu được công chúng hoan-nghinh nhiệt-liệt.

“Lúc bấy giờ, lối năm 1912, chúng tôi tòng học tại tỉnh-lỵ Mỹ-Tho, có đến xem. Cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ. Cái màn bạc dùng làm tấm phong (fond), kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván để một cái bàn chưn cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm đám và khán giả có cảm giác đứng trước một cái phòng khách hạng trung lưu. Các tài-tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc-phục xem nghiêm-trang. Cô Ba Đắc ca rất hay và biết đủ các bài cổ-điển. Nhất là cô ca bản Tứ-Đại oán “Bùi-Kiệm Nguyệt-Nga” rất duyên-dáng.

Bản Tứ-Đại lớp đầu:

“Kiệm từ khi thi rớt trở về,
“Bùi ông mắng nhiếc nhún trề:
“Cũng tại mầy ham bề vui chơi,
“Kiệm thưa: Tài bất thắng thời.
“Con dễ nào không lo bề công danh,
“Tuổi con còn xuân xanh.
“Cái ơn mẹ cha, con chưa đáp đền, đó cha ôi!


“Đây là một bài ca đối-thoại giữa Bùi-Ông, Bùi-Kiệm và Nguyệt-Nga. Nó khơi nguồn cho các soạn-giả đặt những bài ca có đối đáp cho điệu Cải-lương sau nầy.

“Trong thời kỳ ấy, Mỹ-Tho là đầu mối xe lửa đi Sài-Gòn. Các du khách ở miền Tây Nam-phần như Vĩnh-Long, Sa-Đéc, Cần-Thơ, Bạc-Liêu, Rạch-Giá, v.v... muốn đi Sài-Gòn, đều phải ghé trạm Mỹ-Tho nghỉ một đêm rồi sáng đáp xe lửa.

“Trong số du khách có ông Phó Mười-Hai ở Vĩnh-Long là người hâm mộ cầm ca. Khi ghé Mỹ ông nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ Đại với một giọng gần như có đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Sau về nhà ông nảy ra ý kiến cho người ca đứng trên ván có ra bộ. Điệu ca ra bộ phát sinh từ đó, lối năm 1915-1916.

“Qua năm 1917, ông André Thận ở Sa-Đéc lập gánh hát xiệc, có thêm ít màn ca có ra bộ. Kép có Bảy Thông, Tám Cang, đào có cô Hai Cúc.

“Kế năm 1918, ông Năm Tú ở Mỹ-Tho chuộc ban ca-kịch của ông Thận và sắm thêm tranh cảnh, y phục, có ông Trương-Duy-Toản soạn tuồng. Điệu hát cải-lương chánh thức thành hình từ đó. Mỗi tuần gánh ông Năm Tú hát tại Mỹ-Tho ba đêm rồi lên rạp Eden Chợ-Lớn ba đêm. Trong ít lâu gánh Đồng-bào-Nam của cô Tư Sự và gánh Nam-đồng-Ban của ông Hai Cu ở Mỹ-Tho ra đời. Trong đó có nhiều đào kép trứ danh xuất hiện như cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng-Há, cô Tư Sạng, kép Hai Giỏi và Năm Châu, v.v...

“Từ đó điệu cải-lương càng phát triển mạnh và nhiều ban được thành lập:

Văn-Hí-Ban ở Chợ-Lớn, Tân-Phước-Nam ở Sốc-Trăng và Sĩ-đồng-Ban ở Long-Xuyên v.v... Lần lần điệu cải-lương đem trình diễn ở Trung-Phần và Bắc-Phần và được đồng bào các nơi ái mộ.

(Trích Nghệ-thuật sân-khấu Việt-Nam: Hát-bội, Cải-lương, Thoại-kịch của ông Trần-Văn-Khải, bản ronéo của Thanh-Trung thư xã Sài-Gòn, không đề năm in, trương 19 và 20.)

Bài của ông Trần-Văn-Khải rành rẽ, đầy đủ, không ai chối cãi được. Nhưng đây là thiên hồi-ký nên xin cho tôi tiếp tục. Tôi có ý sưu tầm bài Tứ-Đại-Oán “Bùi Kiệm thi rớt”. Thuở còn đi học, đứa nào cũng thuộc năm ba câu, nay gặp hỏi lại, ai cũng xưng thuộc, nhưng khi ca thử thì quên đầu quên đuôi. Người trong điệu, hoặc bịa hoặc chế những chỗ quên, nên không toàn bích. Tiện đây tôi xin phép một lớp đầu, một lớp xang dài I, một lớp xang dài II, và chừa trống đủ chỗ lớp xang vắn và lớp hồi thủ, anh em nào còn nhớ xin bổ túc và gởi cho tôi xin một bản với.

Bài ca BÙI-KIỆM THI RỚT, điệu Tứ-Đại-Oán

Lớp đầu.
KIỆM từ khi thi rớt trở về,
BÙI-ÔNG mắng nhiếc nhún trề
Trách KIỆM rằng ham bề ăn chơi
(bản khác: Trách sao chàng ham bề vui chơi).
KIỆM thưa: Tài bất thắng thời
Con dám nào không lo bề công-danh
Tuổi con còn xuân xanh
Ơn mẹ cha chưa đền.
BÙI-ÔNG nghe
Tiếng nỉ non vuốt ve khuyên KIỆM,
Thôi con ở nhà, đặng khuya sớm với cha.

Lớp xang dài I.

Nửa đêm vừa lúc canh ba
Nghe trên lầu kia ai than thở
KIỆM muốn tường trong duyên cớ
Bước lên bèn thấy
Một trang má đào,... xụ mày.
Tóc bỏ rối chẳng cài,
KIỆM khen nhan sắc ai tày (... ai hoài)?
KIỆM giả màu cất tiếng ho
NGUYỆT-NGA đương bàn luận so đo
Nghe tiếng ho, giả vui đứng dậy
Chấp tay chào thầy (cất tiếng chào thầy)
Chẳng hay đến chi đây?


Lớp xang dài II.

KIỆM phân lỡ bước thang mây
Về ở nhà nghe cha nói lại
Rằng sẵn lòng có nuôi một gái
Sắc khuynh thành lại thêm biết phải
Lòng đây sở mộ
Hôm nay mới tường.
(trương chừa trống để chép lớp xang vắn và lớp hồi thủ. Lớp xang vắn. Lớp hồi thủ. )


Ngày nay việc cũ trên 50 năm cố nhớ lại, riêng về tỉnh Sốc-Trăng là tỉnh lúa gạo nhiều và có nhiều tay khí khái, chính năm 1918 có thầy Cai-tổng Hậu ở Kế-Sách, một mình xuất 40.000 đồng bạc quyên quốc-trái kỳ thứ tư (1918) giựt giải nhứt, làm cho tỉnh Sốc-Trăng có tên đứng đầu sổ các tỉnh Nam-kỳ mua quốc-trái năm ấy. Tôi lại nhớ các năm 1915 (kỳ nhứt), 1916 (kỳ nhì) và 1917 (kỳ ba) để tổ chức và khuyến khích lạc quyên, tại chợ Sốc-Trăng vẫn bày các đêm đặc biệt hát bội hát tại nhà lồng, duy năm 1918 (kỳ tư) mới có mấy ông mấy thầy Sài-Gòn xuống hát tuồng Pháp-Việt nhứt gia, Gia-Long tẩu quốc. Năm trước, tôi nhớ rõ, có gánh hát bội Cô Ba Ngoạn ở Chợ-Lớn xuống hát tại chợ Sốc-Trăng, và năm ấy ông Phó Tham biện Nguyễn-Phú-Quí có đòi một gánh hát khác, có cô Sáu Sển làm đào chánh, đến hát chung phụ lực và hai cô đào, cô Sáu Sển làm mụ và cô Năm Nhỏ làm vợ kép khó Trần-Nhựt-Chánh, đối đáp nhau trên sân khấu thi diễn tài nghệ: đào vườn (Sáu Sển) làm mẹ chồng nhiếc cay nhiếc đắng nàng dâu là Cô Năm Nhỏ, cô Năm tài non hơn hát không lại, chỉ còn nước khóc thật tình, “mẹ ôi! mẹ! mẹ ôi!” Khán giả đều mủi lòng, tôi cũng cầm lòng không đậu và trách thầm người trùng tên với tôi sao quá ác. Đâu ngờ manh nha mê hát cũng từ đây!

Ông Hai Khị (Bạc-Liêu). Nếu phải kể công đầu, đáng làm hậu-tổ cải-lương nữa thì sao lại không kể ông Hai Khị ở Bạc-Liêu? Nghe đâu ông sống lối năm 1915, đến vài chục năm sau, ông bạn Thuần-Phong từng biết mặt. Ông Hai Khị đau cổ xạ, ngón tay co rút và ngo-ngoe rất khó. Thế mà ông có tài riêng, không ai bắt chước được. Ai muốn thử tài cứ đến nhà, ban đầu ông giở mùng cho xem, chỉ thấy trống, kèn, chụp chõa trơ trơ ở trong ấy, thế rồi khách ra ngồi salon, ông Khị chun vô mùng, một “mình ên”, rồi bỗng nghe trọn bộ cổ nhạc khua động có tiết tấu nhịp nhàng y như có cả bốn năm người hòa-tấu: trống xổ, kèn thổi, đờn kéo ò-e, chụp chõa lùng-tùng-xòa, các việc đều do một mình ông Nhạc Khị (Nhạc-sanh Khị) điều khiển. Không ai biết ông làm cách nào mà được như vậy, có người làm tàng nói rằng ông Khị đánh trống bằng ngón chơn kẹp lại, nhưng còn tay nào đờn, miệng nào thổi kèn, rồi phèng la, chụp chõa không phải tự nhiên nó khua một lượt được? Quả là diệu thuật, và dốt biết ngồi nghe lại ít ai cười hơn.

Trở lại Trần-Văn-Nhiều ở Rạch-Gầm (Mỹ-Tho). Tánh tôi không chịu nói cái gì nói một lần và ưa trở đi trở lại. Có người trách như vậy là lẩm cẩm, nhưng trách thì tôi chịu, duy tôi thấy nói làm vậy mà nhiều người nhớ, nên tật lớn tôi vẫn không chừa. Tôi đã được đến viếng tại chỗ, mộ ông Bảy Triều, trên mộ chí đề rõ ràng “Trần-Văn-Chiều, sanh năm 1897, mất ngày 10-7-1931”, tuổi vừa 34. Sao ông Trời sớm cướp thiên tài? Con ông là Trần-Văn-Khê, nếu không có chiến tranh, ắt ở bên nầy, mai một danh tài. Nay ông ở Pháp, đỗ tiến-sĩ văn-chương với luận án khảo về âm nhạc cổ điển Việt-Nam (la musique vietnamienne traditionnelle, les Presses Universitaires de France) và từng lưu diễn và làm thơm danh Việt-Nam ở khắp trời Âu. Chỗ xứng đáng của ông là quản thủ trường Quốc-gia Âm-nhạc Sài-Gòn. Ông có người em là Trần-Văn-Trạch lại chịu chôn vùi tài hay trong xứ và nếu chịu xuất dương ca hát, tôi dám chắc, cũng như ai, ít nữa khỏi nghèo.

Trần-Ngọc-Viện. Tôi xin góp chút tài liệu về gia đình nhà tài-tử vắn số Bảy Triều. Bà Trần-Ngọc-Viện là chị, nay mộ chôn ở giữa hai mộ vợ chồng em trai Bảy Triều tại làng Vĩnh-Kim. Bà tạ thế ngày 25-8-1944, thọ 60 tuổi. Bà từng lập gánh Nữ-Đồng-Ban ở Mỹ-Tho. Bà biết ca và sử dụng cây thập lục tươi mướt. Bà từng làm cách mạng, không sợ vào khám, và đã có nếm cơm tù nhiều lần. Đứng về giới mỹ-thuật và văn-hóa, bà có công đào tạo một mớ đào cải-lương và người lỗi lạc để tiếng nhắc đời không ai khác hơn là cô Năm Phỉ.

Nguyễn-Tri-Khương. Cậu của Khê và Trạch, người nầy cách nay trên bốn mươi năm vẫn đãi tôi và kể tôi như em út, ấy là ông xã-trưởng cựu, Năm Khương, Nguyễn-Tri-Khương, từ trần ngày 6-10-1962, thọ 78 tuổi. Các tài-liệu về chữ đề trên mộ chí, tôi đã đọc và chép buổi đi Rạch-Gầm ngày 4-4-1965. Ông Khương đờn cây cò tuyệt diệu và thổi tiêu rất hay. Lúc sanh tiền, ông có đặt bài ca “Tẩy-chay chi-noa”, tôi có chép bên phần tập II, nhưng tập nầy chưa ắt in ra sách. Ông cũng thường xung phong vào những buổi hòa tấu nghĩa hiệp. Tại Rạch-Gầm tôi còn biết và từng nghe cô Năm Chung là đào hát bội xuất sắc đồng thời với ông Diệp-Văn-Cương và vua Thành-Thái. Cùng với bà Tư Bổn, cô Năm Chung là hai cô đào tiền bối ngành hát bội, cũng như cô Năm Nhỏ gánh bà Ba Ngoạn, cho đến nay chưa có ai thay thế và sánh tài bằng.

Năm Chung, Tư Bổn, Sáu Sển, Năm Nhỏ, Ba Quyên là những đào hát bội sanh ra có một lớp đó rồi khi tàn, không ai thay thế. Để chứng minh lớp sau muốn nối đuôi lớp trước, tôi xin cử vài tỷ dụ: như cô Kim-Cúc gánh Năm Châu là để nhớ cô Cúc, vợ Bảy Thông gánh thầy Thận; và tệ-nội, Năm Sa-Đéc, tộc danh Kim-Chung, là để nhắc cô Năm Chung xứ Rạch-Gầm.

Phan-Hiển-Đạo, Tôn-Thọ-Tường. Nhắc lại, Tư Triều, cô Ba Trần-Ngọc-Viện, ông Nguyễn-Tri-Khương đều có công lớn trong bước đầu ngành cải-lương xứ Mỹ-Tho. Nói chi đáng, Rạch-Gầm giỏi về nghiệp cầm ca, cũng dễ hiểu, vì xét ra đây là quê hương nhau rún ông Phan-Hiển-Đạo. Trong bộ “Điếu cổ hạ kim thi tập” của Nguyễn-Liên-Phong (nhà in de lUnion Sài-Gòn xuất bản năm 1915), tr. 39-40 có viết: “Ông Phan-Hiển-Đạo, người tỉnh Mỹ-Tho, thi đậu tấn-sĩ, hình trạng thanh lịch, tánh nết thiệp liệp thông minh, lúc ngài ra Huế học cử-nghiệp, thì có học đặng điệu đờn Huế cũng nhiều, đến khi thi đậu rồi, vua ban cờ, biển, áo mão cho về vinh qui, đặng ít lâu, quyền ngôi Đốc-học-chánh tại tỉnh Mỹ, tác thành môn đệ đông người, lúc nhà nước lại thâu thủ Nam-kỳ, ngài với ông Tôn-Thọ-Tường toan bề ra giúp việc nước với Langsa, hai ông cùng nhau trò chuyện lấy làm tương đắc, rồi thì ngài riêng nghĩ phận mình làm sao không biết, ngài trở về làng Vĩnh-Kim-Đông tục danh là Chợ-Giữa, ngài bèn tự tử, còn một mình ông Tường giúp việc nhà nước làm tới đốc-phủ-sứ (1). Lớp sau ông Phan-Thanh-Giản, duy ngài với ông Tường là văn học phẩm hạnh có tiếng, thân hào trong sáu tỉnh có đặt bốn câu hát rằng:

“Lớp sau Thanh-Giản tiếng đồn,
“Là Phan-Hiển-Đạo với Tôn-Thọ-Tường.
“Ông thời nho nhã văn chương,
“Ông thời thi phú tót đường diệu công.
“Ông về thác tại Kim-Đông,
“Ông ra giúp nước bụng đồng tương tri,
“Một còn một mất trọn nghì,
“Ngàn thu gương tạc Nam-kỳ danh nho.

Thi rằng:

Nối dấu văn-tinh rạng vẻ son
Rủi ro thời thế tiếng không tròn;
Cõi bờ chủ mới lăm vun quén
Cờ biển ơn xưa nghĩ héo don
Tri kỷ mấy lời ghi bụng nhớ
Dạ đài một giấc nín hơi ngon.
Khúc đờn Lưu-thủy trôi dòng bích,
Mà giọng kìm tranh điệu Huế còn.
(tr. 39-40 Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập, Nguyễn-Liên-Phong)


Nay tôi cũng không ngờ nhơn nói chuyện đờn địch xứ Vĩnh Kim lại kéo ra chuyện ông Tôn-Thọ-Tường và ông Phan-Hiển-Đạo. Ý tôi muốn nhấn mạnh rằng người Chợ-Giữa, Rạch-Gầm học đờn có căn bản, có gốc gác, vì hai ông Tường và Đạo có ra học nghiệp tại Huế và có thọ nghiệp đờn ngoài ấy. Chuyện theo Tây bỏ ra ngoài, phải nhìn nhận hai người có công đem nghệ-thuật đờn vào truyền bá trong Nam. Nhứt là cậu Ba Tường, ai ai thuở ấy cũng biết tiếng, ăn chơi hút xách, đờn địch, bạc bài, tứ đổ tường ông nếm đủ, vì bình sanh là người bất đắc chí, tuy đầu Tây mà giúp bạn, cứu nguy nhiều người, và trọn đời chịu nghèo không tham của hối, chưa chắc người khác được như ông. Còn tài đờn và làm thi-phú thì khỏi nói.

Lúc nhỏ tôi được nghe khẩu truyền câu dân-diêu nầy:

“Nước Nam có bốn mỹ-miều: NGẠN cờ, THIÊU vẽ, TAM tiêu, DÙNG đờn.”

Theo sách khảo cứu Trần-Văn-Khê dẫn trên, tr.107, Dùng và Tam đều là thầy đờn nhạc-sĩ hữu danh thời trước của đất Huế.

Lộc, Lễ, Sang, Nghĩa. Trong tập “Ca dao giảng luận” của ông bạn Thuần-Phong, (Á-Châu xuất bản, tr. 77) có câu:

“Đồng-Nai có bốn rồng vàng: Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.”

Trong bốn người, Th.P ghi Nghĩa là Bùi-Hữu-Nghĩa, đã soạn tuồng “Kim-Thạch kỳ-duyên” (1). Theo ông bạn, câu ấy xưa và lên đến ông Bùi-Hữu-Nghĩa lận sao? Cho tôi hỏi: “Lộc, Lễ là hai ông nào? Đến như Sang, có phải chăng đây là Phụng-Hoàng-San, tác-giả tập “Bản đờn tranh” xuất bản xưa nhứt, từ năm 1909 (nhà in Phát-Toán, Sài-Gòn) và họa may duy có tôi còn giữ được một bổn tại nhà. Theo lý Sang đây phải viết không “G”, nhưng đất Nam-kỳ vào đời ấy cho đến nay cũng vậy, San và Sang viết lộn xộn lắm, xin hiểu cho.

Và cho phép tôi bàn rộng ra một chút: nếu nhìn nhận Phụng-Hoàng-San đàn giỏi, thì câu nầy nên hiểu mới có gần đây, lối năm 1915 thôi và lối năm đó tôi biết có ông Nghĩa khác, rất giỏi về thi phú, nguyên là giáo-thọ dạy chữ Nho trường trung-học Mỹ-Tho, có để lại một vế đối, chưa ai đối được:

“Hạng-Võ khóc Ngu Cơ, ngơ cu Hạng-Võ!” Tên thiệt của ông là Trịnh-Hoài-Nghĩa, dòng dõi Trịnh-Hoài-Đức. Ông có dịch bộ truyện tàu “Quần-Anh-Kiệt” ra quốc-ngữ bổn, nhứt in năm 1907 (cũng chỉ nhà tôi còn một bộ!) Như vậy trong câu thơ ta biết được hai ông, còn hai ông Lộc, Lễ nữa chưa biết, thì câu trả lời cũng chưa dứt khoát.

Trở lại tìm hiểu hậu-tổ cải-lương là ai, xin cho tôi nhấn mạnh và ghi công cho ông André Lê-Văn-Thận, và ông Mạnh-Tự Trương-Duy-Toản.

Ông trước là bầu gánh, ông sau là thầy tuồng bất hủ. Lê-Văn-Thận là một công-tử quê ở Sa-Đéc, ăn chơi khét tiếng, dám xài hơn thầy Phó Mười-Hai, thêm được tuổi trẻ hơn và thuộc nhóm tân tiến có học nhiều năm nơi trường trung-học Chasseloup Sài-Gòn. Ra trường, André Thận có đi làm “cò tàu” coi sóc một chiếc tàu thủy của hãng Tây chạy đường từ Hậu-Giang lên Mỹ-Tho gọi Messageries Fluviales. Sau đó thôi làm và quanh năm lêu lổng chơi bời, thường cùng các thầy đờn và các danh-ca đi từ nhà các đại-điền-chủ quen từ tỉnh nầy qua chợ nọ, tổ chức ca ngâm đàn địch. Sau đó kinh nghiệm và dạn lần bèn lập gánh và đưa lên diễn trên sân-khấu Sài-Gòn, rạp Modern, đường dEspagne (sau tôi sẽ nói rõ hơn).

Đỗ-Văn-Y. Công đặt tuồng có ẩn ý, viết câu ca khí khái, ăn nói ngang tàng điệu bài Hành-Vân “Từ Hải” nơi đoạn trước, lại là công của ông Mạnh-Tự Trương-Duy-Toản, một nhà cách mạng từng với ông Đỗ-Văn-Y (còn sanh tiền) theo phò Hoàng-thân Cường-Để, lưu-lạc qua tới Đức-quốc, dốc lòng xin viện trợ tính việc chống Pháp, nhưng việc bất thành... Đến đây tôi không vội kết luận và xin nhượng công trình tìm người khai sanh cho điệu cải-lương cho học giả có tài liệu đầy đủ hơn.

Nay tôi xin tóm tắt những gì tôi biết:

a) ở Rạch-Gầm (Sầm-Giang, Mỹ-Tho, cũng gọi Vĩnh-Kim, Chợ Giữa), nghề đờn đã biết từ ông Phan-Hiển-Đạo, Tôn-Thọ-Tường du học đất Huế và du nhập nghề đờn vào Nam;

b) ở Bạc-Liêu, có ông nhạc-sanh Hai Khị, thiện nghệ nhiều cây đờn và ông là người Minh-Hương, từng thọ giáo đờn Tiều (Triều-Châu) tươi mướt đẹp như cô gái “đầu gà đít vịt”. Nhờ pha điệu Tiều nên chế ra điệu Vọng-cổ Bạc-Liêu sau nầy.

c) ở Vĩnh-Long, trước có ba ông: Tống-Hữu-Định, Kinh-lịch Quờn, và Phạm-Đăng-Đàng, trau giồi nghiệp cầm ca không cho mất gốc;

d) ở Sài-Gòn, cố nhiên nhiều người biết đờn, nhưng chỉ đờn salon hay đờn nhà hàng cho khách uống khai-vị, trong số có Nguyễn-Liên-Phong và con là Nguyễn-Tùng-Bá, gọi Tư Bá, là người đi dạy đờn khắp lục-tỉnh nhiều người quen biết;

e) ở Sa-Đéc, thầy André Lê-Văn-Thận lập gánh xiệc pha cải-lương, có ông Mạnh-Tự Trương-Duy-Toản là thầy tuồng, đặt nhiều bài ca ái quốc.

f) cách vài năm sau, gánh thầy Thận rã (rã năm nào tôi không biết) duy nhớ

Thầy Năm Tú, Châu-Văn-Tú (Mỹ-Tho). Ngày 19-3-1922 tôi còn được xem ở Sài-Gòn rạp Modern, đường dEspagne, thầy Thận đem gánh hát lên diễn tại đây, hiệu đề “Cirque Jeune Annam”. Khi gánh thầy Thận rã, thì ở Mỹ-Tho có thầy Châu-Văn-Tú gọi Thầy Năm Tú, vớt xác gánh nầy, rủ hết các tài-tử và chuộc luôn tuồng tập của thầy Thận rồi lập gánh của mình. Thầy Năm Tú đem gánh hát lên diễn tại Sài-Gòn ngày đầu, kỳ 1922, là 12-11-1922 chiếu theo tờ chương trình buổi hát tôi còn cất giữ trong hồ sơ (tài-liệu số 203 trong phần phụ-lục, tập II). Gánh thầy Năm Tú vào năm 1922 có lên diễn tại Sài-Gòn và cũng diễn trong Chợ-Lớn, tôi có đi dự xem, và lúc ấy tôi rõ kép đào gánh thầy Năm Tú là do gánh André Lê-Văn-Thận sang qua, khi rã gánh. Như vậy, theo tôi, ngày ra đời của cải-lương, nên tra tầm khoảng giữa năm 1918-1919 chí đến năm 1922 là chót. Theo ý riêng tôi, có lẽ trước năm 1920, vì năm ấy (1920) bọn anh em học ở trường Mỹ-Tho đổi lên trường Chasseloup-Laubat đều có trong tập bài ca những bài bất hủ của Trương-Duy-Toản đặt: Bùi-Kiệm thi rớt, lão quán ca “bánh tôm khô chiên, dầu-cha-quảy chiên” v.v... Nhưng nay hỏi lại anh em đều ú ớ phân vân bất nhứt. Vậy cần tra cứu nơi xuất xứ, hỏi lại những người còn sống sót ở Sa-Đéc, ở Mỹ-Tho cho chắc. Tôi không muốn nói nhiều vì không muốn lên mặt “học giả”. Và cũng vì thế tôi đã lựa nhan sách nầy là tập “hồi ký của một người mê hát” vậy thôi. Nay tôi nhớ gì thì viết nấy, không cần trật tự cũng không cần gò bó luyện câu văn, đây là tôi nói sao thì viết vậy kiểu mạn đàm buổi trà dư tửu hậu. Về gánh thầy Thận, khi diễn ở Sa-Đéc hay ở Vĩnh-Long (?) tôi còn nhỏ và còn học trường tỉnh ở Sốc-Trăng chưa được đi xem. Duy khi tôi lên học ở Sài-Gòn vào giữa năm 1919, và nhớ khoảng năm 1920-1921 gì đó, tôi có hân hạnh được xem gánh xiệc André Thận diễn tại rạp Modern-Théâtre ở đường dEspagne cũ (nay là đường Lê-Thánh-Tôn), rạp nầy sau dỡ ra cất phố lầu, xóm cù-là Mac-Phsu, nay là chỗ nhà báo “Chánh Đạo” và nhà xuất bản “Gió Việt” (thuật theo lời ông Thuần-Phong). Thầy André Thận như đã nói là con nhà giàu xứ Sa-Đéc, biết ăn chơi xài phá như phần đông các cậu công-tử “lục tỉnh”, còn kinh doanh làm ăn lớn có sổ sách thì zéro. Thầy học ở Chasseloup Sài-Gòn, nhơn lúc ấy thấy gánh xiệc Huê-Kỳ Harmstrong-circus (có xuống Sốc-Trăng và tôi có đi xem diễn với Ba tôi), thấy bọn xiệc Huê-Kỳ hốt bạc, thì thầy nảy ý bắt chước, về Sa-Đéc quê nhà tụ hội anh em bày ra lập gánh hát xiệc.

Hào-Tòng-Thông-Cang, cô Cúc, cô Thoàn, cô Mão, cô Marguerit Tấn,- v.v...- Trong gánh đại khái có thầy Hào chuyên luyện bắp thịt và biểu diễn võ (nhảy dây, nhào lộn trên đu), thầy Tòng (Lương-Văn-Tòng) làm trò ảo-thuật và thầy Thông, thầy Cang, lúc ấy đều là công-chức kẻ làm bên trường tiền sở địa-hạt, kẻ là em ông kỹ-sư (Lương-Văn-Mỹ), đều bỏ sở để lang bạt kỳ hồ, đi đây đi đó, ở phòng ngủ sang, ăn cơm nhà hàng Tây (bungalow) và hành nghề mới lạ, đi dây, đánh đu, nhảy vòng lửa, ca hát đờn địch, khỏe ru sướng quá!! Tôi không dám chắc việc xảy ra năm nào, duy tôi nhớ có từng tận mắt xem gánh thầy Thận diễn tại rạp Modern.

Cô Hai Mão. Nhơn dịp lễ được nghỉ học, tôi ra trường, mướn phòng tại khách-sạn của ông Trần-Quang-Nghiêm năm xưa lối 1919-1920 ở đường dEspagne, một dãy với rạp Modern.

Lần đầu tiên tôi đụng độ gặp một tiên-nữ trần-gian. Trưa hôm ấy, tôi đi ăn cơm tiệm rồi về phòng nằm nghỉ. Bỗng có ai đẩy mạnh cánh cửa phòng, cửa lại không khóa. Thấy tôi luýnh quýnh vì ăn mặc quá sơ sài, một giọng cười trong-trẻo chấm dứt bóng hiện của tiên-nga: cô Hai Mão, đào đánh đu và đi dây gánh thầy Thận, nhơn chạy kiếm con chồn đèn nuôi sút dây, cô qua phòng tôi... Đêm lại tôi đi xem hát thấy lại người tiên buổi ban trưa, nhưng nay bận đồ thun hường sát da, cô đang nhào lộn trên đu, khiến hồn vía tôi bay theo bóng cô và hình dáng cô, mãi mấy tháng sau, khi vô trường vẫn chưa nhập xác, đêm nào như đêm nấy tôi chiêm bao và khỏi cần lật sách cũng thấy hiện hình một mỹ-nữ nhan như ngọc. Chính đêm nầy, tôi được xem thầy Tòng hát thuật, trong bụng tôi nói có thua gì lão Léopold, và cô Mão nhào đu thì khỏi nói! Đến lớp giễu Bùi-Kiệm thi rớt, (tôi đã chép bài Tứ-Đại, tưởng cũng nên chép ra đây luôn bài Bình-bán vắn, để làm tài-liệu; bài ấy như vầy:

Tức tối thay, con thi rớt tức thay
Phải thi tài thi trí con nói chi
Nào hay đâu cứ lo thi tiền:
Ai nhiều tiền hơn thì tên đứng cao!
Con không thèm lo nên mới rớt ngay,
Tấn-sĩ-xu con thà không đậu!
Mua danh vọng, con màng chi trọng
Xin cha mựa hờn cũng đừng giận chi con!
Công danh ví không công bằng,
Thà con cam vác cái cày cho xong,
Tiếc bấy lâu hương hỏa đăng công,
Tưởng chiếm nổi khoa đầu khóa ni,
Tài con có thua mặt nào?
Rủi xuống thi khóa thi lo tiền,
Con thấy vậy đem dạ thầm ghét
Không thèm lo một xu nữa cha!
Rán khoa sau, thà muộn danh,
Chớ đem tiền đem tiền mãi danh
Thà con cam chẳng chịu đó cha.
Năm nay ví thi không đậu,
Chờ hội sau hầu đoạt thủ-khoa.
(bài số 137 trong tập mê hát số II).


Bài ca nầy, sĩ-tử và sinh-viên trường Sài-Gòn lớp 1922-1923 không ai là không thuộc. Thậm chí tụi quartier européen, tụi Tây lai cũng bập bẹ học ca. Có một ông hoàng-tử Cao-Miên cũng lơ lớ ca bài Bình-bán vắn Bùi-Kiệm thi rớt. Không biết đặt năm nào và ai đặt, nhưng hấp dẫn ghê, đến nay ca lại còn giựt gân như bốn năm chục năm về trước: văn mới và vui, thêm rất bình dân và rặt giọng miền Nam.

Trở lại đêm hát, sau lớp xiệc, lại bày một lớp tuồng “ca ra bộ”: dọn một bộ ván tư, bốn tấm, có chưng kiểng xanh bốn góc, ba thầy đờn khăn đen áo dài, ngồi kẻ đờn tranh kẻ đờn kìm, kẻ khác thổi tiêu, để cho một cô đào hay một anh kép, đứng hay ngồi “ca ra bộ”, khi nhắc tay lên khi hạ tay xuống.

Đêm tôi xem diễn tuồng “Túy-Kiều gặp Từ-Hải” (xem bài Hành-Vân “Mật yêng hùng...” đã chép) chưa phải là dịp đầu tiên tôi được dự khán điệu hát mới có “ca ra bộ” nầy. Lúc tôi còn học tại trường tỉnh Sốc-Trăng, tôi đã có dự xem đủ bốn kỳ hát quyên tiền giúp quốc-trái chống giặc Đức, những năm 1915, 1916, 1917 và 1918. Ba năm đầu tôi nhớ tỉnh nhà cậy gánh hát bội Cô Ba Ngoạn trên Sài-Gòn xuống diễn, có cô Năm Nhỏ xuất sắc trong nhiều vai tuồng đặc biệt vừa thiện nghệ làm Trương-Phi oai võ, vừa làm đào Lưu-Kim-Đính mỹ miều, duy năm 1918 mới có gánh hát của mấy ông mấy thầy diễn tuồng “Gia-Long tẩu quốc”. Nay tôi rõ lại có ba giai đoạn đánh dấu buổi phôi thai của cải-lương:

1) từ 1915, bắt đầu chế và đặt bài ca mới, thay những bài đã có từ năm 1909 (tập bài ca in chữ quốc ngữ xưa hơn hết là tập “Bản đờn tranh và bài ca – Chủ bút PHỤNG-HOÀNG-SANG, édité par ĐINH-THÁI-SƠN dit PHÁT-TOÁN, vente et réparation de bicyclettes et vente de livres en quốc-ngữ, in lần thứ tư, SAIGON, Phát-Toán, Libraire-Imprimeur, 55-57 rue dOrmay. Ngoài bìa đề ngày xuất bản là Janvier 1910, nhưng trang trong lại đề décembre 1909. Trong tập có nhiều bản đờn và bài ca. Nếu tập “50 năm mê hát” bán chạy, tôi sẽ in tập nhì gồm các bài ca những năm xưa nay không đâu còn tàng trữ; từ 1909 đến 1916.

2) cũng lối năm ấy, có lẽ là đến năm 1917, ra đời gánh thầy Phó Mười-Hai ở Vĩnh-Long và gánh André Thận ở Sa-Đéc. Lúc ấy có phong trào bắt chước theo Tây, cho rằng như vậy mới sang, con cái đặt tên có tên Thánh đứng đầu “André, Philippe”. Tại Sa-Đéc có hội lương hữu lựa tên là “Sadec-Ami” và đọc lơ lớ theo giọng Tây là Sa-đơ-ka-mi. Thậm chí điệu “ca ra bộ” lại bỏ mất dấu và đọc nghe như “carabeau”.

Vừa rồi, tôi gặp một thầy cũ gốc gác ở Sa-Đéc có đọc cho tôi nghe câu liễn do ông kinh-lịch Hối tặng cho gánh hát thầy Thận khi làm lễ khai trương, trong câu có đủ các tên những kép chánh Tòng, Thông, Hào, nhưng không nhớ soạn năm nào:

Câu ấy như vầy:

“LƯƠNG cao TÒNG mậu khai hý-viện,
“THÔNG đạt anh HÀO thế sự vô”.


Câu nầy của ông Nguyễn-Văn-Cứng, giáo-sư dạy vẽ trường Chasseloup-Laubat đọc cho chép nhơn đi lãnh lương hưu trí.

3) đến năm 1918 có gánh của Đốc-phủ Bảy và Đặng-Thúc-Liêng làm bầu. Gánh nầy do mấy ông mấy thầy đóng tuồng và để tỏ rằng không phải chánh thức hát bội, nên lựa danh-từ “hát bộ” để gọi, khiến về sau dẫu điệu hát nầy đã chết nhưng danh từ “hát bộ” còn tồn tại rất lâu và khiến nhiều người đã lầm lộn và dùng thay cho danh từ hát bội chính cống.

Các điệu ca ra bộ, hát bộ và cải-lương sau nầy đều chịu ảnh-hưởng các buổi hát những kỳ bãi trường do các trường trung-học Taberd, Mỹ-Tho, trường tỉnh Sốc-Trăng dưới thời ông đốc Tây Franois Gros dạy và tập hát theo kiểu hát Tây-phương, sau người mình áp dụng qua điệu hát mới, trước khi đặt tên là hát cải-lương. (Ông Franois Gros bị bịnh bại hai chưn, nhưng dạy rất giỏi. Tôi còn nhớ một năm bãi trường lối 1913-1914, ông dạy hát bằng tiếng Pháp, có một cậu học trò lớp nhứt hát y hệt Tây, rất được hoan nghinh, và cậu ấy là Trần-Quang-Cảnh, không ai khác hơn là cha của kép Hữu Phước ngày nay đó). Chúng ta không nên vong bản và quên ơn các nhà tiền bối, phần đông là các giáo-sư trường Pháp, đã có sáng kiến dìu dắt và dạy cho ta biết một nghệ-thuật hát ca khác với điệu hát bội thời ấy. Tỉnh Sốc-Trăng tuy bé nhỏ nhưng đào tạo rất nhiều đào kép cải-lương danh tiếng. Vì việc xảy ra lâu quá tôi không nhớ rõ lắm, nhưng nhớ mại mại vào những kỳ bãi trường năm 1920-1921-1922, (tôi lên học từ tháng 9 năm 1919), từ trường Sài-Gòn trở về xứ, mỗi kỳ tôi đều có xem tập tuồng hát cải-lương trong xóm nhà lá phía sau trại lính Mã-tà. Đây là bước sơ khởi của gánh ông thầy thuốc Trần-Văn-Minh, lương y sở tại. Ông Minh học thuốc ở Hà-Nội về. Ông gốc gác ở Mỹ-Tho, cho nên tôi định nhơn một dịp nào đó ông về xứ thăm quê hương, ông gặp cơ hội xem diễn cải-lương. Bận về Sốc-Trăng, sẵn tiền sẵn thế lực lại sẵn thấy nghề mới dễ hốt bạc, ông bèn lập gánh. Gánh nầy lấy hiệu là gì tôi không nhớ, nhưng thấy trong tập “Nghệ-thuật sân-khấu Việt-Nam” của ông Trần-Văn-Khải trang 20, thấy viết Sốc-Trăng có gánh Tân-Phước-Nam, tôi định ắt là gánh nầy.

Cô Ba Nhàn, Hai Nhỏ, Ba Thẹo, Bảy Cừ, kép Tư Út (Phạm-Thế-Đẩu). Gánh thầy thuốc Minh diễn được đôi ba năm, làm không lại các gánh khác nên dẹp, trong gánh tôi còn nhớ các cô đào, nhớ cả đến tên: Nhỏ, Thẹo, Cừ, nhưng trội nhứt là cô Ba Nhàn, sau đi gánh Trần-Đắc và thác sớm vì bịnh ho lao. Bên phe kép có anh Được, học trò lớp nhứt trường tỉnh, anh giễu tỉnh khô và duyên dáng, tưởng có tương lai nhiều, ngờ đâu số không được thọ. Một kép chưa phát và còn mai một là Tư Út Phạm-Thế-Đẩu, về sau là kép nhứt của gánh Phụng-Hảo. Tư Út có người anh là giáo-viên dạy ở Bang-Long (Giếng-Nước) quận Long-Phú (Sốc-Trăng). Nhờ anh nuôi dưỡng và cho ăn học, nhưng Út có nghiệp Tổ nên thôi học sớm để nhảy qua nghề ca-xướng. Cho đến nay tưởng kép Thành-Được chưa hơn tài và người ca hay nhứt vẫn xưng Út Trà-Ôn để nhắc danh một thiên tài sớm khuất, một ngôi sao rực rỡ nay đã tắt và chưa có thay thế.

Về thầy tuồng của gánh thầy thuốc Minh, có đến ba người: người lãnh vai đạo-diễn là thầy Tư Quốc, làm y-tá trên dưỡng đường tỉnh lỵ; ngoài ra có ông giáo Quyển và ông giáo Trần-Tấn-Chức trông nom đặt để các vở tuồng, cả hai cùng dạy trường tỉnh Sốc-Trăng, ông Quyển dạy lớp tư, ông Chức dạy lớp nhì, cả hai đều học vấn uyên thâm. Ông Chức, thầy của tôi, là một người học rộng, giỏi cả Pháp-văn và Việt-ngữ. Tỷ dụ khi ông soạn tuồng Châu-Mãi-Thần ly thê, khi ông đặt tờ để vợ, ông viết nhiều câu ngộ nghĩnh. Tôi nhớ bản Văn-Thiên-Tường, câu nhứt vô là “Châu-Mãi-Thần ký tờ thơ vu...” và trong một bản Hành-Vân khác, ông lại viết: “Hạ ly tờ, v.v...” Rõ ràng là ông đã lột ý và chuyển từ văn của Pháp câu “Je soussigné, etc...”, ngộ chưa? Cố nhiên những bài ca của ông Chức và ông Quyển đặt, đượm nhuần văn-chương, tiếc thay tôi khi ấy đã đi học xa nên không giữ được bài nào để làm kỷ niệm. Anh em đồng học với tôi, như ai có, xin làm ơn cho tôi xin một bản với.

Cô Kiều, Bảy Cảnh. Cũng trong gánh thầy thuốc Minh ở Sốc-Trăng có cô Kiều ca khá nhứt. Đây là thân mẫu của kép Hữu-Phước của gánh Thanh-Minh Thanh-Nga. Trong gánh về giàn đờn có trưởng-tòa Cảnh (Trần-Quang-Cảnh) là cố thân sinh kép tài danh Hữu-Phước. Cậu Bảy thiện nghệ cây vĩ-cầm, đờn bản Vọng-cổ điệu cũ không chỗ chê và cùng với thầy Bảy Thông dạy trường Bố-Thảo (Thuận-Hòa, Sốc-Trăng) chuyên môn cây mandoline, là hai người đầu tiên phổ nhạc Việt qua đờn Tây chợ Sốc-Trăng thuở ấy.

Trong khi ở Sốc-Trăng có ông thầy thuốc Minh lập gánh thì đồng thời có nhiều gánh khác được lập ra, như tại châu-thành Mỹ-Tho, có:

Toàn-nữ-ban Trần-Ngọc-Viện, trong gánh đào tạo được một ngôi sao rạng rỡ là cô Năm Phỉ.

Gánh Ông Hai Cu. Tương đương với gánh Cô Ba Viện, có ông chủ lò thợ bạc là ông Hai Cu lập trước gánh Đồng-Bào-Nam, để rồi sau cho rã và lập lại gánh “Tái-Đồng-Ban”, vì việc nầy xảy ra ở Mỹ-Tho, nên tôi không biết rành lắm. Trong gánh có kép Giỏi là phát mau, đầy hứa hẹn rủi lại mất sớm. Trong tập “Những mảnh tình Nghệ-sĩ” của Sĩ-Tiến, Chân-Lý, Hà-Nội xuất bản, 1952, trương 135 có đoạn viết cảm động, tôi xin chép y nguyên văn:

Nói đến đây, Tư Út vào mở rương lấy ra một tấm hình cho tôi (Sĩ-Tiến) coi, rồi nói: - “Đây là hình anh Hai-Giỏi, một kép hát độc nhứt vô nhị của sân khấu cải-lương Nam-kỳ. Người đã chiếm được trái tim cô Năm Phỉ lần đầu tiên và dìu dắt ngôi sao rực rỡ nầy trở nên một cô đào có tiếng tăm lừng lẫy.

Ở trong tôi một hôm diễn “Tham phú phụ bần” anh Hai Giỏi vì đau nặng không thể ra trình bày tài nghệ được; khán giả la ó, bắt chủ gánh phải khiêng cái thân hình khẳng kheo, với bộ mặt nhăn nhó của anh ra sân khấu cho xem rồi mới chịu ngồi cho đến tan, nếu không họ sẽ đòi tiền lại.

Anh đã làm tròn sứ mạng một kịch sĩ tiền phong, cho tôi noi theo tấm gương xán lạn.

Khi anh nhắm mắt xuôi tay trút hơi thở cuối cùng, sân-khấu miền Nam mất một kịch-sĩ hy sinh tận lực với nghề. Cả bạn đồng nghiệp bùi ngùi cảm động. Nhứt là Cô Năm Phỉ là người đau đớn vô cùng, vì trên đường đời, không những hai người dở dang sát cánh nhau ngắm hoa thơm cỏ lạ, mà còn thiếu một đôi tri-kỷ có tâm hồn yêu nghệ thuật hơn tình ái. Cô kêu trời giậm đất lăn sả vào chiếc quan-tài đã phủ che một kiếp tài hoa bạc số mà tương lai còn hứa hẹn nhiều với Hý-trường.

Than khóc chán rồi, ý giả muốn ghi lại một kỷ-niệm chua xót những ngày chung sống với người kịch-sĩ đại tài, cô vỗ trên mặt quan tài rút tơ lòng ca hết bài “Văn-thiên-tường Bá-Lý-Hề” mà lúc sống anh Hai Giỏi đã tập luyện cho Cô.

Nói xong vói cây đờn kìm, Tư Út vừa đờn vừa ca Văn-Thiên-Tường lớp I cho tôi nghe như sau:

Vì tình kia, cái thân sanh sao đắng cay?
Thương thay! đương khi gian truân, bâng khuâng trong lúc chia tay, yểm lụy nhỏ cùng chàng,
Vì tình nhà hàn vi, nên mới sanh ly;
Đưa nhau bắt tay dặn dò, đến lúc đắc lộ người có nghĩ tới chút tình Tào-Khang?
Tay dưng chén nầy hôm nay, khuyên lương nhân, vững lòng ruổi dung vào đến nước Tần,
Cách núi ải, bước như vực thẩm rán dò,
Lo trong khi, qua đèo ải ngang gành đá chập chồng,
Qua đến chốn, sớm thư nhạn tả mấy hàng, cho hản, cái điều ấm lạnh dường nào,
Thiệt thảm thiết thương kẻ nhà ngồi trông
Thiệt rất bận tấm lòng,
Xa xôi luống thảm cho chồng, lướt bụi hồng dày thân...”

Ca dứt, Tư Út nói: - Cô ca xong bài tôi vừa ca, mới cho phép đưa quan-tài người yêu ra để chiếc xe tang lên đường vĩnh biệt.”
(Sĩ-Tiến. Những mảnh tình nghệ sĩ, tr 135-137).


Nay trở lại kể tiếp các kép hữu danh trước có ở trong gánh ông Hai Cu, còn quí anh Nguyễn-Thành-Châu, Tám Mẹo (nay ở Mỹ-Tho) và Ba Du. Anh Du nầy, chính tôi có nghe anh hát. Người ta đồn lúc ở Mỹ-Tho, đêm nào không có Du, khán giả đòi trả giấy, lấy tiền lại vì cách ca đặc biệt của anh: anh ca lẹ như lặt rau, chạy đua với đờn, nhưng khi tiếng đờn dứt là câu ca của anh ăn đờn phong phóc. Nhứt là vai Mạnh-Lương ăn nhạn, anh làm coi rôm lắm (sau Năm Châu có thủ vai nầy nhưng không bằng). Nay Du đã ra Bắc, nói nhiều về anh không tiện... Tôi xin nhường cho các vị cố cựu xứ Mỹ-Tho bổ túc đoạn nầy, mà tôi cho là quan trọng nhứt, vì sẽ đánh dấu buổi phôi thai của ngành cải-lương mà nhau rún xuất phát vẫn từ đây, cũng như các tay rường cột, Năm Châu, Cô Năm Phỉ, Cô Bảy Phùng-Há đều có ở đây. Một điều cho đến nay tôi vẫn còn tiếc là tuy tôi được học trường lớn Chasseloup-Laubat ở Sài-Gòn, nhưng tôi còn tham, ao ước muốn được học Việt-ngữ với các thầy dạy quốc-văn ở trường trung-học Mỹ-Tho độ đó, quí ông Nguyễn-Khắc-Huề, Nguyễn-Duy-Tâm, v.v... Thầy dạy tôi ở Sài-Gòn là ông Nguyễn-Văn-Mai, tuy dạy tất tình, thương tôi như con đẻ, nhưng lòng tôi cứ mong muốn được học với ông Yên-sa Diệp-Văn-Cương, khi ấy thôi làm quan ở Huế, lui về làm giáo-sư. Ông có bằng tú-tài đôi Pháp, lại lảu thông Hán-tự, ông dạy trường trung-học Chasseloup-Laubat đến khóa 1919-1920 thì về hưu không dạy nữa, thiệt là đáng tiếc. Mấy lần bãi trường tôi đi ngang Mỹ-Tho để đón tàu thủy về Sốc-Trăng vì thời gian eo hẹp và tiền tài khiếm khuyết, tôi không được trú lại đây để học hỏi về nguồn gốc cải-lương, sau nầy khôn lớn thì đã quá muộn.

Năm 1919 lên học trường Sài-Gòn, một vì không có người bảo lãnh ở đô-thành (correspondant), hai là nhờ Ba tôi cưng con cho tiền bỏ túi khá rời rộng nên mỗi chúa nhựt hay ngày nghỉ lễ tôi đều xin ra, mướn phòng tạm ngụ để nếm “thú ăn cơm nhà máy uống nước phong-tên” Sài-Gòn.

Trần Ích. Tôi có một bạn học cũ, trước cùng học tỉnh Sốc-Trăng và có gia thế hơn tôi nhiều nhưng sau sa sút, cha mẹ mất, anh Trần-Ích bồ côi, bèn bỏ học và nhảy qua tập hát. Trần-Ích có tặng cho tôi nhiều bộ truyện Tàu đến nay tôi còn giữ làm của quí, và nhớ ơn xưa, lối 1919, mỗi lần ra trường tôi đều kiếm anh để liên lạc, tô hủ tiếu, tách cà-phê, rất là tương đắc. Dè đâu anh suýt lây tánh lang-bạt và suýt chút nữa tôi đã nhảy trường không biết để trở nên kép hát hay khiêng rương và dọn đề-co!

Gánh hát Tân-Thinh. Anh Chín Ích theo gánh Tân-Thinh, trước khi gánh nầy khá và tậu sự-nghiệp ở chợ Sa-Đéc thì đóng đô ở chợ Cầu-Ông-Lãnh tôi nhớ mại mại như là mướn phố tập tuồng ở đường Kitchner (nay là đường Nguyễn-Thái-Học), việc này tôi không dám chắc (1) vì anh Ích với tôi thường hẹn gặp nhau khi tại quán nước khi tại trường Bá-Nghệ Đỗ-Hữu-Vị (nay đường Huỳnh-Thúc-Kháng) vì có anh bạn chung, Tăng-Thiên-Lăng, học ở đây, hoặc ở trường dạy thêu đường Mac-Mahon (Công-Lý) mà bạn chúng tôi, anh Chơn, học với ông Georges Bois, về công nghệ và mỹ-thuật.

Tư Long, Năm Phồi, Hai Thiên. Tôi nhớ ba anh kép Long, Phồi, Thiên nầy đều là bạn đồng gánh với anh Chín Ích. Anh Chín cặp với một cô đào hát sau nầy nổi danh tài sắc một thời và khi có danh tiếng rồi thì bỏ rơi anh Chín của tôi vì Chín Ích lục lục thường tài, tập hoài mà không phát, chỉ đóng vai phụ làm đầu đảng lục lâm chịu cho vợ làm nữ soái chém đầu, chém mãi chị Chín chán, sau đó bắt bén theo công-tử bột đi ăn nem trên Thủ-Đức và bỏ anh Chín tôi không chút ân tình.

Cô Hai Đàng. Cô Hai Đàng, có bộ tóc hoe hoe, các bạn gọi “tóc đỏ”, đóng tuồng Tàu rất ăn đèn, có cái giọng khàn khàn, khao khao giọng thổ, (nhiều người mê cô vì giọng đó). Bù lại cô có nét mặt lai lai, mũi cao mắt sáng, và cái mốt Le Mur (Cát-Tường), áo quần một màu, khi hột gà lợt, khi cà-phê-sữa, thêm lai ống quần có thêu ren đài các, đã làm cho cô tăng vẻ đẹp không ít. Sau cô lấy chồng giàu có ở Sốc-Trăng, rồi thôi người đó trở lại sân-khấu một thời gian rồi lu mờ chết năm nào tôi không nhớ.

Văn-Hí-Ban, Võ-Hí-Ban. Đồng thời với gánh Tân-Thinh trong Chợ-Lớn có gánh Thầy Mười Vui, làm việc Sở Cảnh-sát, trước lập ra gánh Văn-Hí-Ban, sau tách ra gánh thứ đặt tên là Võ-Hí-Ban chuyên về tuồng Tàu.

Gánh-Phước-Cương. Về sau gánh Cô Ba Ngoạn là gánh hát bội, giao lại cho con trai là ông Nguyễn-Ngọc-Cương (mất cuối năm 1945) cũng gọi Cậu Tư Cương làm chủ. Cậu Tư bèn lập thêm một gánh cải-lương đặt tên là gánh Phước-Cương. Một mình hai vợ: bên hát bội là chồng Cô Năm Nhỏ, một thiên tài bạc mạng truân chuyên, bên cải-lương là chồng Cô Năm Phỉ, đa tình. Gánh Phước-Cương lúc ấy sở trường diễn tuồng Tàu, đặc biệt nhứt là tuồng “Xử án Bàng-Quí-Phi”, trước kia do gánh Văn-Hí-Ban sáng tác.

Bảy Nhiêu, Cô Năm Phỉ, Cô Ba Lựu. Trong tuồng Cô Năm Phỉ thủ vai Bàng Quí-Phi nỉ non màu mè tình tứ bao nhiêu thì Cô Ba Lựu xuất sắc trong vai bà Địch Thiên-Kim bấy nhiêu, thêm kép Bảy Nhiêu đương thời xuân trẻ, thủ vai Tống Chơn-Tôn muồi mẫn, làm vua mà như vầy đàn bà không ai ghét. Bộ ba nầy quả có máu nghệ-sĩ, cho đến nay hát lại tuồng ấy chưa ai bì kịp.

Tôi quên, viết đã nửa tập mà chưa xưng tên! Tôi khi còn nhỏ, là con chủ lò thợ bạc, đã được mấy chú thợ Ba tôi nuôi trong nhà, như chú Hai Yên, dạy tôi rỉ rả mấy câu Tứ-Đại-Oán “Gia, Hớn-gia xã-tắc đổi dời, Khiến nên Đỗng-Trác hưng thời...”, sau đó anh Tỷ, anh Hui, anh Siêu dạy tôi quẹt lọ đờn độc-huyền và thổi ống tiêu. Nhưng trời khiến tôi học không nên thân cây nào, đờn thì ngón chai ngắt, ống tiêu thì chỉ thuộc mấy câu đầu bản Bình-bán vắn “Liu tồn liu xáng u, muốn chơi mèo mà sợ đau c...u”. Sau lên học Chasseloup tôi vẫn mang theo cây tiêu và cứ tối tối, cơm nước xong từ trong nhà ăn ra, hễ nghe thổi câu “liu tồn liu” hướng nào thì biết liền có tôi ở đó. Sau đó tôi đổi qua học nhạc Tây, mỗi chiều thứ năm thay y phục tiêm tất, trình giấy phép ra cửa, ôm cây vĩ-cầm (sau bị Thổ cướp ở Thạnh-Mỹ-An, Sốc-Trăng( leo lên lầu khách sạn Hôtel de France, đường Catinat, học trọn bốn năm với giáo-sư nhạc kiêm thầy gác lớp Sersot, khi ra trường chuyên môn kéo vĩ-cầm với câu “bò kéo xe, xe kéo bò”! Đến chừng tôi thôi học đi làm việc cũng còn đờn, (nhờ vậy mà tôi quen với ông Nguyễn-Tri-Khương, anh Ba Hậu và anh Tư Thành...), nhưng khi đi tá túc ăn cơm tháng nơi tiệm thợ bạc lớn ở đường Bonard (Lê-Lợi) bà chủ nhà là bác Năm Hy nhạo tôi “Bộ mày có số ăn mày hay sao mà tập nói thơ Vân-Tiên, nói vè Bùi-Kiệm, thổi ống tiêu như thằng mù, đờn độc huyền như thằng đui? Muốn ở nhà tao lâu dài, tốt hơn hãy bán những thứ đồ đó đi, S. à?” Tôi vâng lời Bác Năm tôi và từ ấy tôi thôi học đờn, cũng rất may cho thính giác cô bác anh em ở chung nhà chung xóm. Tuy vậy tôi còn giữ mãi một tánh quen từ nhỏ là tôi ưa thích và cố tìm để sưu tập những gì tôi mua được, dính líu với hát bội và bài ca. Tôi để riêng các tài-liệu về hát bội một khi khác sẽ lấy ra nghiên cứu, nay tôi xin kể ra đây những sách hiếm có tôi đã thâu lượm về bài ca từ trước. Nhờ những tập nhỏ nầy mà tôi được biết theo năm theo thứ tự, những bài ca cổ đã được thông-hành và lưu dụng trong giới tài-tử miền Nam, cứ thứ kê khai trong tập “hồi ký II” có lẽ tôi sẽ in sau nếu biết có người cần dùng và mua, chớ nay in bất tử e đổ nợ mà khốn.

Sau đây là những bản đờn và bài ca từ năm 1909 đến năm 1915, ở Sài-Gòn và lục-tỉnh, những ai đọc được chữ quốc-ngữ vẫn mua về và thường đờn và ca trong nhà những bản nầy. Tôi sao y nhan sách để làm tài liệu:

Bản đờn tranh và bài ca
Chủ bút: Phụng-Hoàng-Sang
Edité par Đinh-Thái-Sơn, dit Phát-Toán
Vente et réparation de bicycletteset vente de livres en quốc-ngữ In lần thứ tư
Sài-Gòn Phát-Toán, libraire-imprimeur 55-57 rue dOrmay Janvier 1910 (tr. nhì lại viết Décembre 1909)


Qua năm 1915 rộ lên in ra một loạt đến bốn tập bài ca, mà theo tôi, tác giả những bài ấy không biên danh tánh để lại, ngoại trừ vài bài nhờ ký thác nên độ ra tên được, như bài có câu “Tôi nay danh-sĩ Đăng-Đàng” đã có nơi đoạn trước (tr. 26) hoặc bài Tứ-Đại “Lục-Vân-Tiên” có câu:

Tây-Minh xem truyện đã tàng, Thanh Phong đặt phổ rõ ràng (tác giả là Thanh-Phong); hoặc bài Tứ-Đại khác: Nay ta người huyện Tân-Hòa, Huấn-Trai tự đặt tánh Hoàng (tác giả là Hoàng Huấn-Trai) v.v... kỳ dư tuy đề tập “Tứ tài tử”, hay là “Thập hay Lục tài-tử” v.v... là để phân biệt cuốn này cuốn nọ, chớ các tên họ đề ngoài bìa thay soạn giả đều không đúng sự thật và có khi bịa đặt cũng chưa biết chừng, tỷ như ông Đặng-Tiền-Nhiều, ông Đặng-Đắc-Lợi, ông Đặng-Nhiều-Hơn, v.v. và v.v. chung qui, theo tôi, đó là trích-lục-gia hoặc xuất-bản-gia không đề tên thiệt. Trong phần phụ lục, “Hồi-Ký tập II”, tôi cẩn thận cho chép lại đủ các bài ca tôi có, vì đây là những tài liệu có giá trị đánh dấu một thời-đại, các nhà sưu tầm, viết tuồng có thể căn cứ vào đó mà xét biết được đường tiến triển, nét bước lần hồi nhưng rất vững chãi của ý-tưởng và cách thức của người lớp trước đặt để bài ca từ những năm xưa, mà bản in chữ quốc ngữ xưa nhứt, theo tôi là bản in lần thứ tư năm 1909-1910 của Phụng-Hoàng-San, trước đó tôi tìm chưa thấy bản nào.

Dưới đây tôi xin ghi lại theo các tập đã in, những bài ca cũ đã có. Tôi chỉ biên chép những tựa, những câu đầu mỗi bài cho biết. Khi nào các độc-giả cho tôi biết có đủ số người yêu cầu, tôi sẽ in đủ làm tập “Hồi-ký II”.