Đạo diễn Lê Phong Lan: “Với lịch sử không thể đơn giản một chiều”


Nam Kỳ Lục Tỉnh:
Trong bài phỏng vấn dưới đây, đạo diễn Lê Phong Lan đã khẳng định “Tất cả các nhân chứng mà tôi gặp, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đều khẳng định không có vụ thảm sát nào.” Tuy nhiên, trong tập 8 của bộ phim “Mậu Thân 1968” ở phút 16:07 thì Lê Khả Phiêu đã thừa nhận là có giết “bọn ác ôn”:


Lê Khả Phiêu thừa nhận có thảm sát tại Huế trong Tết Mậu Thân 1968.



Đạo diễn Lê Phong Lan tác nghiệp

“Trên mạng có quá nhiều thông tin sai lệch về sự kiện lịch sử này, tới nỗi không còn biết đâu là sự thật, vì vậy tôi càng quyết tâm làm phim”- Đạo diễn Lê Phong Lan chia sẻ về bộ phim Mậu Thân 1968.

Dồn nhiều công sức, tâm huyết cho bộ phim tài liệu dài 12 tập Mậu Thân 1968, Đạo diễn Phong Lan chia sẻ trong suốt 10 năm, chị đã đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ, gặp và phỏng vấn rất nhiều nhân chứng cả phía ta, phía Mỹ và phía Việt Nam Cộng hòa…

Là người đã tiếp cận được những nguồn tư liệu quý từ nhiều phía liên quan tới sự kiện Mậu Thân 1968, chị có thể cho biết vì sao sự kiện này lại được coi là “nhạy cảm” trong hơn 40 năm qua?

ĐD Lê Phong Lan: Trong suốt một thời gian dài, thông tin nhiễu loạn đã khiến sự kiện Mậu Thân năm 1968 trở thành một câu chuyện lịch sử nhạy cảm. Thắng lợi và tổn thất. Thành công hay thất bại. Những cuộc thảm sát đẫm máu, những ngôi mộ tập thể tại thành Huế… Theo tôi, chúng ta tránh nhắc nhiều đến Mậu Thân bởi sự tổn thất của quân và dân ta ở sự kiện này là rất lớn. Khi trả lời phỏng vấn của tôi, nhiều chỉ huy các đơn vị chiến đấu, các sư đoàn dạn dày chiến trường ngày ấy còn bật khóc vì thương những người lính của mình đã hi sinh. Một chiến thắng chưa trọn vẹn. Đó là lí do duy nhất.

Về phía Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, sau khi tái chiếm được Huế đã dựng nên câu chuyện về những vụ thảm sát của Quân Giải phóng tại Huế. Tuy nhiên khi các nhà báo độc lập quốc tế, có rất nhiều ở Huế và cả miền Nam khi đó, yêu cầu được tiếp cận trực tiếp những hố chôn người tập thể như cáo buộc thì đều bị từ chối. Hình ảnh và thông tin đăng tải về sự kiện thảm sát này đều từ một nguồn là các cơ quan tâm lí chiến của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn. Nhiều nhà báo uy tín như Gareth Porter, Noam Chomsky... đã công bố những nghiên cứu khoa học phản bác sự vu cáo này. Rất tiếc, hầu như chưa có công bố nào của các tác giả trong nước.

Tất cả các nhân chứng mà tôi gặp, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đều khẳng định không có vụ thảm sát nào. Người dân Huế ghi nhận tính kỉ luật cao và sự lễ phép với nhân dân của Quân Giải phóng miền Nam trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Huế. Một trong những tư liệu phục vụ cho chiến dịch chiến tranh tâm lí này là cuốn tiểu thuyết Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca - Trần Thị Thu Vân. Trong cuốn sách đó, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được mô tả là dẫn đầu một cánh quân đi thảm sát các nhân viên chế độ Việt Nam Cộng hòa và người dân Huế. Trên thực tế, ông Tường vẫn ở trên chiến khu, không có mặt ở Huế lúc đó. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng chịu sự vu khống tương tự.

Khi quyết tâm làm rõ những vấn đề nhạy cảm liên quan tới sự kiện Mậu Thân năm 1968, chị muốn gửi gắm điều gì tới khán giả?

ĐD Lê Phong Lan: Mậu Thân 1968 được bắt đầu từ việc đi tìm câu trả lời tại sao Mỹ - một cường quốc với tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật lớn gấp 800 lần Việt Nam lại can dự vào công việc nội bộ của một quốc gia nhỏ bé lạc hậu ở cách xa nửa vòng Trái đất. Tiếp đến là hành trình lật lại hồ sơ tư liệu về một kế hoạch tuyệt mật đã không được thực hiện từ thời chiến lược chiến tranh đặc biệt, đồng thời lí giải vì sao thời cơ chiến lược lại rơi đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968.

Sau 45 năm, dù đã có một độ lùi thỏa đáng để nhìn nhận lại sự kiện lịch sử bi hùng mà cũng không ít đau thương này, nhưng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác tư liệu hình ảnh. Tôi đã tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin từ phía đối phương nhưng tư liệu của quân đội ta trong chiến tranh không có nhiều. Những dẫn chứng lịch sử cho thấy “cuộc thảm sát đẫm máu” chỉ là đòn tâm lí chiến mà phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa dựng lên để khỏa lấp thất bại đã để quân Giải phóng chiếm đóng Huế trong 26 ngày đêm. Và trong nỗ lực tái chiếm Huế, họ đã dùng bom đạn tối đa để san bằng Huế. Thực tế Huế đã bị bom Mỹ phá hủy 80%, bom đạn Mỹ đã giết hại nhiều quân giải phóng, dân thường và cả chính quân Mỹ cùng lính Việt Nam Cộng hòa. Điều quan trọng nhất tôi muốn khẳng định qua bộ phim là nếu không có Mậu Thân 1968, phía Mỹ sẽ không bao giờ rút lui và chịu ngồi vào bàn đàm phán Paris.

Với 12 tập phim tài liệu Mậu Thân 1968chị có sợ sẽ có người cho rằng chị cố tình làm sai lệch lịch sử?

ĐD Lê Phong Lan: Cuộc gặp gỡ với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn 10 năm trước đã thôi thúc tôi đi tìm và giải mã những điều về sự kiện Mậu Thân 1968 mà lịch sử còn chưa đề cập đến. Tôi đã mất gần 10 năm cho quá trình thu thập chứng cứ, gặp gỡ các nhân chứng của Việt Nam và các cựu binh Mỹ, phỏng vấn các sử gia, học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tôi đã gặp gỡ những người lính và những người chỉ huy ở cả hai chiến tuyến. Mỗi người đều có cái nhìn khác nhau về cuộc chiến.

Để có cái nhìn toàn diện và công tâm, tôi đã nhiều lần trở lại Mỹ để đối chứng thông tin. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nói chuyện với nhau thật thẳng thắn về tất cả những chuyện xảy ra từ 45 năm trước. 12 tập Mậu Thân 1968 giúp khán giả giải mã được một phần nào đó lịch sử còn gây nhiều tranh cãi. Với lịch sử, tôi không cho phép mình đơn giản hoặc một chiều. Tôi làm bộ phim một cách công bằng, khách quan trước hết vì danh dự nghề nghiệp, thứ hai là vì sự hi sinh của dân tộc Việt Nam trên hành trình đi tìm độc lập tự do, hòa bình và thống nhất.

Nhiều người tò mò muốn biết, liệu chị có nhận được nguồn tài trợ nào để trang trải chi phí cho hành trình làm phim tốn như vậy?

ĐD Lê Phong Lan: Khó có thể nói những vất vả mà tôi đã trải qua khi làm phim Mậu Thân 1968. Trước khi Ðài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền phát sóng, tôi vẫn bỏ tiền túi để làm tư liệu và thực hiện bộ phim. Tôi nhận được sự ủng hộ của hai cộng sự đắc lực: em trai tôi - phóng viên hiện đang công tác Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng và chồng tôi - Tiến sĩ Kĩ thuật Nguyễn Khánh Lân. Em trai tôi đã “lén” nghỉ ở cơ quan để “tháp tùng” chị đi quay tại Mỹ và cả ở Việt Nam. Chồng tôi, với góc nhìn và cách tiếp cận của một nhà khoa học đã giúp tôi tìm kiếm, kiểm chứng thông tin từ nhiều phía để tìm ra sự thật… Nói thực, nếu có nhiều kinh phí hơn tôi muốn làm hẳn 50 tập phim về sự kiện Mậu Thân 1968. Có như vậy mới có thể nói ra hết những gì tôi biết và khai thác hết được nguồn tài liệu tôi đã có trong tay.

Là đạo diễn của những bộ phim tài liệu lịch sử như: Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, Đi giữa kẻ thù, Con đường bí ẩn, Hiệp định Paris 1973 và mới đây là Mậu Thân 1968. Chị sẽ tiếp tục đuổi đề tài lịch sử trong các bộ phim sắp tới chứ?

ĐD Lê Phong Lan: Tôi tin rằng nếu chúng ta có nhận thức tốt về lịch sử thì những bài học từ lịch sử sẽ là nền tảng giúp dân tộc ta vững bước và đi đến thành công trong tương lai. Hiện tôi đang ấp ủ một vài dự án làm phim tài liệu về các đề tài văn hóa hay cuộc sống hiện tại và cả một kịch bản phim truyện. Làm phim về đề tài lịch sử không phải là lựa chọn ban đầu của tôi, nhưng tôi bị hút về mảng đề tài này và có lẽ không thể dừng bước được. Rất thú vị khi ta chuyên tâm làm một việc gì đó.

Cảm ơn chị và chúc chị có thêm nhiều bộ phim hay trong thời gian tới!