Vụ ám sát dân biểu Trần Văn Văn ngày 7-12-1966

7-12-66.—Dân-biểu Trần Văn Văn bị hai thanh niên cưỡi Honda bắn tử-thương, hồi 9 giờ sáng nay trước nhà đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Một hung-thủ bị bắt.

(Trích dẫn: Đoàn Thêm, 1966: việc từng ngày, tr. 220)[1].

Việc ông Trần Văn Văn, Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến, bị ám sát vào ngày 7-12-1966, là một biến cố chính trị quan trọng, gây tranh cải khá nhiều, tại thời điểm này. Chánh phủ Nguyễn Cao Kỳ tố cáo đây là một hành đông khủng bố của Việt Cộng và xử tử hình tên hung thủ bị bắt tại trận. Giới báo chí, và ngay cả gia đình của Dân Biểu Trần Văn Văn, thì nghĩ rằng ông Văn đã bị chính quyền thanh toán vì ông Văn luôn luôn chống đối chính quyền. Bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, với nhiều nguồn tài liệu khác nhau, người viết bài này cố gắng tìm hiểu đâu là sự thật trong vụ này.

Sơ Lược Tiểu Sử Dân Biểu Trần Văn Văn

Hình chân dung ông Trần Văn Văn. (Nguồn: Internet)
Ông Trần Văn Văn, sinh ngày 2-1-1908 tại làng Tân Lộc Đông (gọi là cù lao Cát) quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, con của cụ Trần Võ Duy, tri huyện và bà Lý Thị Hóa, trong một gia đình 5 con.” [2]

Ông theo học bậc Trung học ở Sài Gòn tại Lycée Chasseloup-Laubat. (Trường này về sau đổi tên là Jean-Jacques Rousseau, đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, sau khi Chánh phủ Pháp trao trả trường lại cho Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo Dục đã cho đổi tên trường thành Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn). Năm 1926, vì tham gia vụ bãi khóa nhân dịp đám tang cụ Phan Châu Trinh, ông bị đuổi học. Gia đình gửi ông sang Pháp học tiếp cho xong Trung Học. Sau đó ông theo học và tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Thương Mại (Hautes Études Commerciales – HEC).

Ông khởi sự tham gia hoạt động chính trị vào tháng 5-1945 khi ông nhận giữ chức vụ Đổng Lý Văn Phòng cho cụ Hồ Tá Khanh, Bộ Trưởng Kinh Tế trong Chính phủ Việt Nam đầu tiên của cụ Trần Trọng Kim[3]. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, và Pháp trở lại Việt Nam, ông có tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian rồi trở về Sài Gòn. Ngày 1-7-1949, ông tham gia Chính phủ Bảo Đại với chức vụ Tổng Trưởng Quốc Gia Kinh Tế và Kế Hoạch[4]. Một thời gian sau, nhận thấy người Pháp không thật lòng muốn trao trả độc lập lại cho Việt Nam, ông cùng với ông Phan Khắc Sửu, Tổng Trưởng Canh Nông, Xã Hội và Lao Động, cùng từ chức. Trong thời gian này, ông cùng với một nhóm thân hữu, gồm có các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Hồ Văn Nhựt, Huỳnh Kim Hữu, Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Ngọc An và Ngô Ngọc Đối, thường xuyên gặp nhau và thảo luận về tình hình chính trị trong nước. Khi về nước chấp chánh vào tháng 7-1954, ông Ngô Đình Diệm có mời ông và nhóm thân hữu của ông tham gia chính phủ. Phần lớn các bạn ông đều nhận lời, chỉ có ông từ chối. Một thời gian sau đó các bạn ông đều từ chức vì thấy rõ là chính phủ Ngô Đình Diệm càng ngày càng đi sâu vào con đường độc tài, làm mất lòng dân, rất có hại cho việc phát triển đất nước và chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Ông cùng các bạn soạn một bản điều trần và sáng ngày 26-4-1960, ông cùng với một người trong nhóm là ông Phan Khắc Sửu đích thân mang bản điều trần này đến Đinh Độc Lập, nhờ binh sĩ phòng vệ mang vào trình lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau đó, hai ông đến Khách sạn Caravelle và cùng các vị trong nhóm họp báo để công bố bản điều trần này. Do đó, về sau, báo chí thường gọi chung nhóm này là Nhóm Caravelle, và bản điều trần được gọi là bản Tuyên ngôn Caravelle. Lời lẽ trong bản điều trần, tuy đưa ra những phê bình, chỉ trích rất rõ ràng và dứt khoát, nhưng tuyệt đối ôn hòa và lễ độ với Tổng Thống Diệm. Những đề nghị sửa đổi trong bản điều trần rất nhẹ nhàng, không có gì là quá đáng nhưng vẫn bị Chính quyền nhà Ngô gạt bỏ hoàn toàn. Tệ hại hơn, nhơn cơ hội có cuộc đảo chánh thất bại của lực lượng Nhảy Dù ngày 11-11-1960, và mặc dù biết rõ nhóm Caravelle hoàn toàn không có can dự vào, Chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam họ một thời gian. Tháng 7-1963, Nhóm Caravelle bị đưa ra xử trước Tòa Án Quân Sự đặc biệt và được tha bổng[5].

Sau khi cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 thành công, lật đổ được chế độ Ngô Đình Diệm, ông Trần Văn Văn được Trung Tướng Dương Văn Minh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, chọn làm một thành viên của Hội Đồng Nhân Sĩ có nhiệm vụ soạn thảo một hiến pháp mới cho Việt Nam Cộng Hòa[6]. Công việc của Hội Đồng Nhân Sĩ đang diễn ra tốt đẹp thì xảy ra cuộc đảo chánh của Trung Tướng Nguyễn Khánh. Sau hơn nửa năm cầm quyền trong xáo trộn và hỗn loạn, Tướng Khánh phải thành lập Ban Lãnh Đạo Lâm Thời Quốc Gia và Quân Lực (BLĐLTQGQL) với Trung Tướng Dương Văn Minh làm Chủ Tịch. Ngày 8-9-1964, BLĐLTQGQL thành lập Thượng Hội Đồng Quốc (THĐQG) gồm 16 hội viên với “nhiệm vụ triệu tập Quốc dân Đại hội, soạn thảo Hiến chương, thực hiện các cơ cấu quốc gia, và làm cố vấn cho Chính phủ cùng Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời QGQL.” [7]. Ông Trần Văn Văn là một trong 16 hội viên của THĐQG này. Tại phiên họp đầu tiên của THĐQG, ông Văn được bầu vào chức vụ Tổng Thư Ký của Hội Đồng. THĐQG đã có một đóng góp rất đáng kể trong một hoàn cảnh rất khó khăn về chính trị của đất nước: soạn thảo xong Bản Hiến Chương Lâm Thời được công bố vào ngày 20-10-1964[8]. Dựa trên căn bản của Bản Hiến Chương Lâm Thời này, Chính phủ dân sự đầu tiên với Thủ Tướng là ông Trần Văn Hương đã đươc thành lập vào ngày 4-11-1964. Nhưng Phật Giáo đã xách động thanh niên sinh viên chống đối, cùng lúc đó nhóm tướng trẻ[9] do Tướng Khánh tạo ra vẫn tiếp tục gây khó khăn cho Chính phủ Trần Văn Hương. Vì không được THĐQG chấp nhận yêu cầu của họ cho các tướng già về hưu, nhóm tướng trẻ đã giải tán THĐQG và bắt giam một số Hội viên, trong đó có Ông Trần Văn Văn[10]. Chính phủ Trần Văn Hương sau đó cũng bị giải nhiệm và thay thế bằng Chính Phủ Phan Huy Quát. Với sự bế tắc của cuộc khủng hoảng nội các của Chính phủ Phan Huy Quát vào tháng 5-1965, chính quyền trở về tay phe quân nhân với sự ra đời của Nội Các Chiến Tranh của Chính phủ Nguyển Cao Kỳ vào ngày 19-6-1965.

Sau cuộc Biến Động Miền Trung vào mùa Hè năm 1966, Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ phải chấp nhận tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến (QHLH). Ông Trần Văn Văn ra tranh cử tại Sài Gòn và đắc cử. Khi QHLH bắt đầu hoạt động, ông Văn và các dân biểu gốc Miền Nam đã thành lập một Khối trong quốc hội gọi là Khối Phục Hưng Miền Nam, theo tên của Phong Trào Phục Hưng Miền Nam do các chính trị gia, nhân sĩ Miền Nam thành lập sau vụ khủng hoảng nội các của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đưa đến việc từ chức của 6 vị Ủy Viên (tức là Tổng Trưởng) gốc Miền Nam để phản đối hành động lộng quyền của Tướng Nguyễn Ngọc Loan, cánh tay mặt của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ[11]. Trong thời gian QHLH thảo luận để thông qua Chương IV, Hành Pháp, Khối Phục Hưng Miền Nam đã đề nghị tuổi tối thiểu để ứng cử tổng thống là 40 tuổi, nhằm loại bỏ khả năng ứng cử của Tướng Kỳ (lúc đó Tướng Kỳ mới có 37 tuổi) nhưng không thành công. Với kinh nghiệm cá nhân đối với phe quân nhân (qua vụ nhóm tướng trẻ giải tán THĐQG và bắt giam một số Hội viên trong đó có ông, như đã trình bày bên trên), ông Trần Văn Văn là một dân biểu luôn luôn có những phát biểu tại QHLH rất tiêu cực đối với chính phủ Nguyễn Cao Kỳ. Ông Văn cũng từng nhiều lần phát biểu chống đối việc cầm quyền của phe quân nhân và biểu lộ ý muốn sẽ ra tranh cử Tổng Thống sau khi hiến pháp đang soạn thảo được ban hành[12]. Giới báo chí cả Việt và Mỹ cũng như dân chúng Miền Nam đều tin rằng ông Trần Văn Văn là một cái gai cần phải nhổ trong con mắt của phe Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan.

Diễn Tiến Vụ Ám Sát Dân Biểu Trần Văn Văn

Sáng ngày 7-12-1966, ông Văn rời nhà ở số 8 đường Phan Thanh Giản để đi làm việc tại Quốc Hội trên chiếc xe hơi Mỹ hiệu DeSoto. Khi xe hơi của ông đến gần ngã ba hai đường Phan Đình Phùng và Phan Kế Bính thì có hai thanh niên đi xe Honda cập vào sát xe và bắn 3 phát đạn súng lục gây tử thương cho ông Văn. Hai hung thủ tẩu thoát nhưng bị các nhân viên công lực đuổi bắt, họ bị ngả xe, một tên chạy thoát và một tên bị bắt sống. Tên hung thủ bị bắt khai tên là Võ Văn En, 20 tuổi.

Hình chân dung hung thủ Võ Văn En. (Nguồn: Internet)
Vào lúc 6 giờ chiều ngày 7-12-1966, Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (TNCSQG) đưa Võ Văn En ra trình diện trong buổi họp báo dưới sự chủ tọa của chính Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Võ Văn En được giới thiệu như là tên Việt Cộng thủ phạm đã nổ súng bắn tử thương Dân Biểu Trần Văn Văn, và đã bị nhân viên công lực bắt tại trận sau một cuộc rượt đuổi trong các khu phố thuộc Quận Nhứt. Sau đây là lời tường thuật của các nhân chứng trong vụ ám sát ông Văn.

Lời thuật của người tài xế lái xe cho ông Văn[13].

“Trước hết, tài xế lái xe cho ông Trần Văn Văn là ông Trần Văn Xuân cho biết: như thường lệ, sáng ngày 7-12-1966, ông ta lái xe đưa ông Văn từ nhà ở số 8 đường Phan thanh Giản ra Quốc hội. Khi chạy tới góc đường Phan kế Bính – Phan đình Phùng thì có một chiếc Honda có hai người ngồi trên chạy ngược chiều và sát lại bên xe ông. Rồi liền đó ông nghe tiếng súng nổ. Sợ quá, ông cúi rạp xuống gầm xe, khi nghe thấy có thêm hai tiếng súng nổ nữa, ông liền tông cửa xe chạy ra ngoài và tri hô ầm lên. Lúc đó ông Văn bị thương nằm thoi thóp ở băng sau. Bắn xong, hai tên sát nhân phóng xe chạy, trong lúc hoảng hốt ông Xuân Vẫn còn nhìn thấy một người cưỡi xe Honda cầm súng đuổi theo 2 tên sát nhân. Ông Xuân liền vội lái xe chở chủ tới nhà một bác sĩ tư gần đó cứu cấp nhưng ông này đi vắng nên ông Xuân đành lái xe đến Ty Cảnh sát Quận Nhất trình sự việc và sau đó chở ông Văn vào bệnh viện Grall. Theo lời ông Xuân thì chính tên En đã cầm súng bắn ông Văn vì ông nhận ra dáng người nhỏ bé với bộ mặt rỗ và con mắt chột của y.”


Một cuộc đuổi bắt gay go[14].

“Nhân viên an ninh quận Nhất Lê quang Thành, người đã chứng kiến vụ hạ sát ông Trần văn Văn và cũng là người đầu tiên đuổi bắt tên Võ văn En cho biết hồi 9g5 khi ông ta đi xe Honda tới góc đường Phan Kế Bính – Phan Đình Phùng (lúc bấy giờ đường đương kẹt xe) thì thấy 1 người lạ mặt đương cầm súng bắn vào cửa trái một chiếc xe hơi. Bắn xong, hung thủ ngồi lên phía sau một chiếc Honda 50 rồi phóng vào đường Phan kế Bính. Ông Thành tức tốc phóng xe (Honda 50) đuổi theo hung thủ qua đường Đinh tiên Hoàng rồi quẹo về đường Nguyễn thành Ý. Giữa lúc đó có hai người Mỹ ngồi trên xe hơi thấy vậy cũng đuổi theo. Và tại đường Nguyễn Thành Ý, tên VC ngồi sau xe Honda đã bắn về phía ông Thành một phát, tức thì ông Thành cũng bắn trả liền. Sau đó, hai tên hung thủ phóng xe ngược chiều chạy ra đường Mạc đĩnh Chi. Tới đường Phùng Khắc Khoan ông Thành bắn thêm một phát nữa và la lên: “VC ! VC ! Bắt lấy nó.” Một nhân viên an ninh có phận sự canh gác tại khu vực này (vì tại đây gần tư dinh ông Đại sứ Mỹ) dơ khẩu Carbine định bắn. Hai tên hung thủ thấy thế sợ quá liền quẹo vội xe và đâm phải lề đường bị té. Chúng liền bỏ xe, vứt súng chạy thục mạng. Tên Võ Văn En bị té dài vừa ngóc đầu lên chạy thì cảnh sát đuổi tới bắt được. Còn theo ba Cảnh sát viên Trần văn Xuân, Dương Trường Khiết và Đỗ văn Út cho biết lúc bấy giờ các ông đương ngồi trên chiếc xe Díp có phận sự trực tại góc đường Tự Đức – Mạc đĩnh Chi thấy ông Thành chạy qua la liền lái xe díp rượt theo 2 hung thủ tới trước Hội Việt Mỹ và nhờ có một cảnh sát viên gác tại đây là ông Nguyễn văn Thôi chặn lại. Hai tên khủng bố thấy thế sợ quá phóng xe vứt súng chạy thoát thân. Ông Khiết còn cho biết chính tên En đã bắn trã lại cảnh sát rồi vứt súng đi. Khẩu súng của hung thủ do Cảnh sát viên Thôi bắt được còn tên En thì do ông Thành bắt.”

Cuộc họp báo này của Tướng Loan thật ra không đạt được mục tiêu mong muốn vì đã tạo ra thêm một số nghi vấn. Thứ nhứt, khi nhìn thấy hình dáng của Võ Văn En là một người nhỏ con, ốm yếu, gần như mù, giới báo chí khó có thể tin rằng En chính là hung thủ đã bắn 3 phát đạn chính xác như thế. Thứ nhì, các lời tường thuật của các nhân viên công lực trong vụ đuổi bắt các hung thủ không hoàn toàn ăn khớp nhau.


Bản đồ khu Tự Đức – Phùng Khắc Khoan.


Thứ ba, nhìn vào bản đồ bên trên của khu Tự Đức – Phùng Khắc Khoan, mọi người đều có thể thấy rõ là trong khu vực đó hoàn toàn không có một ngõ hẻm nào để có thể giúp cho tên hung thủ thứ nhì có thể chạy thoát. Trong lúc đó, theo các lời tường thuật trên thì, một cách tình cờ, đã có sự hiện hiện diện của một số nhân viên công lực khá nhiều (tất cả là 6 người: Thành, Xuân, Khiết, Út, Thôi và một người nữa không được nêu tên, là người chịu trách nhiệm an ninh khu vực tư dinh của ông Đại sứ Mỹ). Vậy tên hung thủ thứ nhì làm cách nào mà có thể tẩu thoát được? Ngoài ra, ngay trước khi bắt đầu cuộc họp báo, “Chuẩn tướng Loan đã xác định mục đích cuộc họp báo này là để đánh tan những dư luận có thể gây ra những vụ viểu lầm đáng tiếc cho cơ quan mà ông đương phụ trách.”[15] Lời tuyên bố này của Tướng Loan đã khẳng định là, trong khoảng thời gian chưa đầy 12 tiếng đồng hồ, từ sau 9 giờ sáng cho đến trước 6 giờ chiều của ngày Thứ Tư, 7-12-1966, đã có dư luận cho thấy dân chúng hay báo chí đã có nghi ngờ không tốt đối với TNCSQG dưới quyền Tướng Loan về vụ ám sát ông Văn rồi.

Thừ tư, mặc dù tại cuộc họp báo, chuyên viên giảo nghiệm của TNCSQG xác nhận khẩu súng Walther 7,65 tịch thu được lúc bắt tên En đúng là khầu súng đã bắn Ông Văn, và lúc giảo nghiệm thì trên tay của En vẫn còn dính thuốc súng, tên En, tuy nhận mình là Việt Cộng từ mật khu ở Củ Chi vào Sài Gòn, vẫn không nhận là mình đã bắn ông Văn, và trả lời báo chí là hắn chỉ lái xe Honda thôi, người bắn ông Văn là hung thủ đã chạy thoát.

Tất cả những nghi vấn chung quanh vụ ám sát này đã khiến cho Quốc Hội Lập Hiến, rất có thể là do đòi hỏi của Khối Phục Hưng Miền Nam, đi đến quyết định cử ra một Ủy Ban Điều Tra Vụ Ám Sát Dân Biểu Trần Văn Văn do chính Dân Biểu Lý Quí Chung (một thành viên của Khối Phục Hưng Miền Nam) làm Chủ Tịch. Ông Chung yêu cầu TNCSQG tổ chức cho ông một “buổi gặp riêng với “thủ phạm” Võ Văn En mà không có sự chứng kiến của bất cứ người thứ ba nào[16]. Tại cuộc gặp riêng này, ông chung khuyên tên En nếu không phải là thủ phạm bắn ông Văn thì phải cương quyết giữ lập trường đó nếu không có thể sẽ bị thủ tiêu. Ông Chung không ngờ là toàn bộ cuộc nói chuyện giữa ông và tên En đã bị thu băng. Sáng hôm sau, khi vào họp tại Quốc Hội, ông Chung thấy trên bàn của mỗi Dân Biểu đều có một tập tài liệu ghi lại nguyên văn cuộc nói chuyện giữa ông và tên En và tố cáo ông đã xúi giục tên En phản cung và yêu cầu Quốc Hội phải có thái độ với ông. Ông Phan Khắc Sửu, Chủ Tịch Quốc Hội, đã ra lệnh thu hồi tất cả các tài liệu đó với lý do vi phạm Nội qui của Quốc Hội vì không có chữ ký của Chủ Tịch Quốc Hội đồng ý cho phép phổ biến. Mặc dù có sự can thiệp đó của ông Phan Khắc Sửu, Ủy ban điều tra của Quốc Hội phải tự động giải tán để tránh sự bế tắc mà chắc chắn Ủy ban sẽ gặp phải. Sự việc này càng làm cho sự nghi ngờ của các thành phần chống đối nhóm Kỳ-Loan càng tăng thêm.

Cũng trong thời gian này, phe Cộng sản, qua đài phát thanh Hà Nội, chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm trong vụ ám sát ông Văn. “Ba ngày liên tiếp 7, 8 và 9.12. 1966, Đài Hànội tố cáo « Dù khác chính kiến, dù không đồng quan điểm chính trị với ông Trần Văn Văn, chúng ta không bao giờ can dự vào việc ám sát ông Văn, đây là hành động dơ bẩn của bọn tướng lãnh khát máu ở Sàigon.» [17].

Đối với gia đình ông Văn, đặc biệt là qua suy nghĩ và phát biểu của Bà Văn tại tang lễ của Ông Văn, thì hoàn toàn không tin vào những gì TNCSQG đã báo cáo tại buổi họp báo. Họ nghĩ rằng tên En chỉ là một con dê tế thấn, một con chốt thí mà thôi. Đây là nguyên văn lời của Bà Văn ghi lại lúc Bà nói chuyện với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu khi ông Thiệu, nhân danh Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia mà ông là Chủ Tịch, đến phúng điếu trong lễ tang của Ông Văn: “… Sau cùng tôi xin Trung Tướng cho điều tra ai là kẽ chủ mưu giết chồng tôi, nay tôi vì thân cô thế yếu không trả thù cho chồng được, nhưng tôi tin rằng cái gì cũng có nhơn quả, ai giết chồng tôi thì kẽ khác sẽ giết họ. Rồi ông Thiệu trở lại salon ngồi và trước khi ra về ông chào và nói với bà Văn rằng: tôi cũng nghĩ như bà, cái gì cũng có nhơn quả.”[18]

Đám Tang Dân Biểu Trần Văn Văn

Trong suốt thời gian khoảng 20 năm của chế độ cộng hòa ở Miền Nam, chưa có đám tang nào to lớn, trọng thể, với sự tham gia của một số rất đông nhân sĩ, chính khách của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) như đám tang của Dân Biểu Trần Văn Văn vào sáng ngày Chủ Nhật 11-12-1966. Bài tường thuật đám tang của Việt Tấn Xã đã được nhựt báo Chính Luận đăng lại như sau:[19]
”Khởi hành đúng 8 giờ 30 phút từ tang gia số 8 đường Phan Thanh Giản, doàn xe tang được di chuyển theo lộ trình Phan thanh Giản – Phan kế Bính – Phan đình Phùng – Mạc đĩnh Chi để vào nghĩa trang Đô Thành… Trên ba trăm chiếc xích lô đạp chở vòng hoa phúng điếu của thân bằng quyến thuộc, các nhân vật trong và ngoài chính quyền, các đoàn thể tôn giáo, nam nữ sinh viên, Hội Liên Trường đã khiến cho đám tang vô cùng trọng thể…”

Số người tham dự đám táng lên đến hàng ngàn trong đó có mặt gần như đông đủ tất cả những khuôn mặt nhân sĩ, chính khách quan trọng hàng đầu của VNCH: ông Phan Khắc Sửu, Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến cùng toàn thể 116 Dân Biểu của Quốc Hội; Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu, Tổng Thư Ký Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, đại diện cho Trung Tướng Chủ Tịch Nguyễn Văn Thiệu; Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, đại diện cho Thiếu Tướng Chủ Tịch Nguyễn Cao Kỳ; cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn, đại diện cho Hội Liên Trường; các vị trong Nhóm Caravelle như cựu Thủ Tướng Trần Văn Hương, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ, Luật Sư Trần Văn Tuyên, Linh Mục Hồ Văn Vui, vv.


Các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương và Trần Văn Đôn tại đàm tang tại đám tang đọc điếu văn tại tám tang.


Phiên Tòa Xử Hung Thủ Võ Văn En

Sáng ngày Thứ Hai 9-1-1967, Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Biệt Khu Thủ Đô và Vùng 3 Chiến Thuật đã nhóm họp để xét xử vụ tên Võ Văn En bị buộc tội ám sát cố Dân Biểu Trần Văn Văn. Đại Tá Trần Văn Quyền là Chánh Thẩm, Đại Úy Nguyễn Văn Thính là Ủy Viên Chính Phủ, và nữ Luật Sư Nguyễn Phước Đại được luật sư đoàn chỉ định biện hộ cho bị cáo Võ Văn Em.


Bị cáo Võ Văn En và các nhân chứng trước tòa (Nguồn: Nhật báo Chính Luận, số 837, ngày 11-1-1967, tr. 1)


Mở đầu phiên tòa, Luật sư Đại đề nghị cho mời 3 vị dân biểu của Ủy Ban Điều Tra Vụ Ám Sát Dân Biểu Trần Văn Văn của Quốc Hội đến trình bày với tư cách nhân chứng nhưng đề nghị này bị ông Chánh Thẩm bác bỏ vì các vị dân biểu này không có tên trong danh sách nhân chứng đã trình cho tòa trước đó. Kế tiếp ông Chánh Thẩm ra lệnh cho viên lục sự đọc Bản Cáo Trạng. Qua Bản Cáo Trạng được đọc trước phiên tòa, chúng ta được biết thêm khá nhiều chi tiết về hành trạng của cá nhân hung thủ Võ Văn En như sau:[20]

“Bị can Võ Văn En tự Võ Văn Tám bí danh Võ Ngọc Thu tục gọi Một, khai: Tháng 4-1964 y bị Việt cộng cưỡng bách thi hành nghĩa vụ quân sự. Sau khi dự khóa huấn luyện về quân sự và chính trị, y được bổ xung cho Trung đội Du kích huyện Củ Chi Hậu Nghĩa. Vì mắt kém, y không thể dự các trận Du kích ban đêm nên Tám Lùng cho y ở mật khu để sản xuất. Hoạt động sản xuất cho đến tháng 1-1966, y đào ngũ để trở về giúp đở gia đình. Tháng 5-1966 y về ấp Mũi Lớn làm ruộng thì bị Trung Đội Dũng Cảm VC bắt dẫn vào vùng Bò Cạp (Củ chi – Hậu Nghĩa). Tại đây y theo học một khóa chính trị. Cuối tháng 8-1966 y được chuyển sang Trung Đội 2 thuộc Đại Đội 1 Biệt Lập Trung Đoàn Giải Phóng Thủ Đô. Theo lệnh của tên Tám Lùn, y xâm nhập vào đô thành xin làm công cho Hảng Xi “Minh Thu.” Trong thời gian làm việc, y thường viện cớ đau yếu để về Mật khu báo cáo công tác. Ngày 15.11.66 y theo học “Khóa huấn luyện đặc biệt” của Trung Đoàn Giải Phóng Thủ Đô tổ chức. Y học các môn sau: Nhiệm vụ Cán bộ công tác Thành; Vũ thuật;Cách bắn súng Colt 11,45. Ngày 25-11-66 tên Tám Lùng giao cho y 1 khẩu súng lục loại 7 ly 65 với 1 băng đạn 6 viên. Y có nhiệm vụ phải đưa khẩu súng cho tên Đực tại Ngã tư Bảy Hiền – Gia Định. Đưa súng cho tên Đực xong, y yêu cầu tên Đực dạy y lái xe Honda mầu đỏ trắng. Ngày 6-12-66, tên Đực chở y bằng xe Honda từ nhà y đến cầu Phan Thanh Giản và chỉ vào một căn nhà trệt nằm bên trái đường và nói rằng:“Tao sắp ám sát một người ở trong nhà này.” Lúc trở về, tên Đực lại chỉ cho y biết căn nhà trên một lần nữa. Ngày 7-12-66, khoảng 7 giờ, tên Đực đưa cho y 1 khẩu súng lục trong một hẽm vắng ở đường Pétrus Ký. Tên Đực cho y biết đi ám sát 1 người ở trong căn nhà trệt ở đường Phan Thanh Giản. Tên Đực chở y bằng xe Honda đi dọc theo đường Phan Thanh Giản, đến Đakao, quẹo tay phải sang đường Phan kế Bính rồi ngừng lại tại ngã 3 đường này và Phan đình Phùng. Tại đây, tên Đực phân công như sau: tên Đực đậu xe Honda tại góc đường Phan đình Phùng – Phan kế Bính; y đứng sát lề trái cách góc đường Phn đình Phùng độ 4 thước, võ trang khầu súng lục nòng 7 ly 65 và 6 viên đạn; tên Đực có nhiệm vụ lái xe Honda chận đầu xe du lịch số 836; y có công tác bắn người đàn ông ngồi phía sau xe. Hành động xong, tên Đực sẽ chở y theo đường Phan kế bính để đến Ngã Bảy (Cholon) rồi chia tay. Phân công xong, y và tên Đực chờ từ 8g đến 9g. Bỗng chiếc xe du lich số 836 chạy đến, tên Đực lái xe Honda chặn đầu xe hơi, y liền rút súng trong người ra xông đến ngang kiến gió sau phía trái xe tay phải cầm súng dơ lên ngắm bắn 3 viên đạn xuyên qua kiến gió phía trái xe vào người đàn ông mặc áo vàng đậm ngồi phía sau xe. Bắn xong y chạy đến ngồi phía sau xe do tên Đực lái để tẩu thoát. Tên Đực chở y chạy ngược chiều đường Phan Kế Bính, rẽ bên trái đường Tự Đức rồi quẹo sang bên phải đường Đinh tiên Hoàng. Tại đây, y nghe tiếng súng nổ phía sau. Thấy một thanh niên cưởi xe Honda đuổi theo nên y ngoãnh mặt lại bắn một phát nhưng không trúng. Lúc xe tới hẽm ra đường Tự Đức y bắn một phát chỉ thiên và ở đường Tự Đức y bắn một phát súng nữa nhưng đạn lép không nổ. Sau đó, bọn y tới ngã tư đường Tự Đức – Phùng khắc Khoan thì thấy một Cảnh sát viên thổi nhiều tiếng còi nên tên Đực vội vàng quẹo trái sang đường Phùng khắc Khoan. Vì chạy xe quá lẹ, bọn y bị trượt té. Lúc bấy giờ, y liệng khẩu súng lục vào lề đường để phi tang vì súng đã hết đạn không xử dụng được nữa. Y chạy độ 100 thước cách nơi bị té để tìm nơi ẩn trốn thì bị nhân viên cảnh sát chặn bắt. Y nhìn nhận khẩu súng lục và chiếc Honda đều là phương tiện mà bọn y đùng để ám sát ông Trần Văn Văn.”

Bản Cáo Trạng đã ghi rõ ràng mọi việc như thế, nhưng ở trước tòa, lúc bị hỏi, Võ Văn En, mặc dù nhận mình là một đặc công Việt cộng và có tham dự vào việc ám sát ông Văn, đã không nhận là chính hắn đã bắn ông Văn mà chỉ lái xe Honda thôi, tên Đực mới chính là người đã bắn ông Văn. Lời phản cung này hoàn toàn giống như câu En đã trả lời báo chí trong cuộc họp báo chiều ngày 7-12-1966: “Có phải chính anh là người cầm súng bắn ông Văn không?” “Người khác bắn tôi lái xe.[21] Chính vì lời phản cung này của En, nữ luật sư Nguyễn Phước Đại, biện hộ cho En, đã hỏi lại nhân chứng Trần Văn Xuân, tài xế của ông Văn về việc này. “Trả lời câu hỏi khác [của luật sư Đại] là tại sao lúc ở quận Nhứt (sau khi xảy ra vụ ám sát) nhân chứng [tức Trần Văn Xuân, tài xế của ông Văn] nói là thấy người mặt rỗ chột mắt lái xe sao giờ lại khai khác? Nhân chứng đáp “tại lúc đó tôi quá hoảng hốt sợ hải không nhớ ra nên mới nói thế!””[22]

Dựa trên lời khai trước sau như một của Võ Văn En đối chiếu với lời khai trước sau không như một của nhân chứng Trần Văn Xuân, Luật sư Đại đã xin tòa xét lại tội danh của En và xử bị can như một đồng lỏa chớ không phải chánh phạm.

Phiên tòa kết thúc vào buổi chiều sau hai ngày xét xử như sau:[23]

“Khi nữ luật sư dứt lời, lúc bấy giờ là 17g45, Tòa cho y nói lời cuối cùng nhưng y không nói gì cả. Đại tá Chánh thẩm hỏi:“Bị cáo có muốn nói lời sau cùng gì không?” En đáp: “Không” rồi đứng im. Tử Hình Võ văn En. 17 giờ 50 tòa vào nghị án và sau một giờ nghị án, vào lúc 18 giờ 50, Tòa ra tuyên án xác nhận Võ v En có phạm tội như trong bản cáo trạng đã nêu, và tuyên phạt tử hình cùng tịch thu tài sản. Khi nghe bản án, Võ văn En đứng ngẩn người ra như một kẻ mất hồn. Còn vợ y vẫn không có một phản ứng gì. Thái độ của Thị vẫn thản nhiên lạnh lùng như trong lúc Tòa đương xét xử.”


Võ Văn En tái xuất hiện 49 săm sau

Sau phiên tòa, bà quả phụ Trần Văn Văn đã gời thơ cho Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, đang đãm nhiệm vai trò Quốc Trưởng, xin ân xá cho tên Võ Văn En. Tướng Thiệu đã ân giảm thành án tù chung thân và Võ Văn En bị đưa ra nhà tù Côn Đảo để thi hành án. Thời gian trôi qua, Hiến Pháp 1967 được ban hành, Tướng Nguyễn Văn Thiệu trở thành Tổng Thống đầu tiên của Đệ Nhị Cộng Hòa, Tướng Nguyễn Cao Kỳ mất hết quyền hành, tiếp đến vụ Mậu Thân xảy ra, Tướng Ngyễn Ngọc Loan bị thương nặng trong đợt 2 Mậu Thân, sau đó cũng phải chịu cảnh ngồi chơi xơi nước. Vụ ám sát Dân Biểu Trần Văn Văn cũng chìm dần vào quên lãng.

Ngày 30-4-1975, tù nhân Võ Văn En, với bản án chung thân tại nhà tù Côn Đảo, lúc bấy giờ mới khoảng 28 tuổi, cũng như toàn bộ các tù nhân Cộng sản khác, đã trở thành những người tự do. Chúng ta hoàn toàn không được biết gì hết về đời sống cũng như hoạt động của Võ Văn En trong hơn 40 năm qua, cho đến ngày 18-8-2015 khi En xuất hiện trong Chương trình Người Giữ Lửa của Đài Truyền Hình VTV1 tại Hà Nội dưới sự điều khiển của người điều khiển chương trình (MC) Công Tố, như trong tấm ảnh bên dưới đây:[24]

Trong phần mở đầu, MC Công Tố cho biết như sau: “… Ban An Ninh Trung Ương Cục Miền Nam có rất nhiều bộ phận có những nhiệm vụ khác nhau… Trinh Sát 400B5 ở bên ngoài phải thực hiện một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng là ám sát những tướng lĩnh cao cấp, chính khách quan trọng và những tên ác ôn để làm suy yếu hàng ngũ của địch.”

Kế tiếp là một vài hình ảnh báo chí Sài Gòn loan tin về vụ ám sát Dân Biểu Trần Văn Văn vào ngày 7-12-1966. Sau đó Chương trình này cho phát hình và lời tường thuật của tên đặc công đã bắn ba phát súng gây tử thương cho ông Văn và sau đó đã chạy thoát. Tên đặc công này có tên là Trần Hoàng Sinh (bí danh Sáu Sinh), như trong hình bên dưới đây:


Đây là lời tường thuật của tên đặc công Sáu Sinh: “Tôi bắn viên đạn đầu tiên lép, xe của Trần Văn Văn chạy qua. Tôi chạy theo xuống đường, tôi giật viên đạn lép ra. Lên đạn thứ hai, tôi bắn 3 phát. Trúng vào ngực nó. Tôi lên xe anh Tám Em chạy thì mười mấy chiếc Honda bảo vệ cho Trần Văn Văn chạy theo. Chúng nó bắn tôi với anh Tám Em. Nó chạy theo đâm thắng vào xe tôi với anh Tám Em. Chúng tôi té xuống. Tôi chạy được còn anh Tám em bị giặc bắt.”

Trong phần kế tiếp của buổi phát hình này, Võ Văn En tường thuật như sau: “Ở tù thì phải nói là vô đó thì phải chịu … phải lựa những lời như thế nào mình khai báo để cho kẻ địch không thể phát hiện được cơ sở mình … thì mình cứ khai báo là có người thuê tôi chạy mà bắn thì tôi không bắn … còn diễn tả cái người thuê mình thì cho nó đẩy đủ một chút, cao ráo, râu ria này kia, mặc đồ lính … cây súng trên tay tôi, cuối cùng thì nó cũng ghép được tôi là tôi bắn.”

Tiếp theo lời tường thuật của Võ Văn En, là một đoạn trình bày về hệ thống tổ chức an ninh tình báo của Trung Ương Cục Miền Nam trong đó tập trung nói về Mạng An Ninh T4 của vùng Sài Gòn – Gia Định.

Sau đó là phần chính của buổi phát hình với cuộc phỏng vấn Võ Văn En của người điều khiển chương trình, MC Công Tố. Võ Văn En đã phát biểu như sau: “Tôi tham gia cách mạng năm 1961. Đến năm 1965, Khu Sài Gòn – Gia Định thành lập Lực Lượng Trinh Sát Điều Tra Nội Đô. Tôi là một người được tuyển chọn vào lực lượng này. Mãi đến năm 1966 mới nhận được chỉ thị của Ban An Ninh của phường Gia Định tiêu diệt tên Trần Văn Văn. Chúng tôi lên phương án ngày 7-12-1966 tiêu diệt tên Văn tại ngã ba đường Phan Đình Phùng – Phan Kế Bính Sài Gòn. Bằng 3 phát súng kết liểu cuộc đời tên Trần Văn Văn. Sau khi tiêu diệt tên Văn, chúng tôi rút lui, địch rượt theo, và bắn làm bể bánh xe và tôi bị thương. Tôi nằm lại để chỉa súng về phía địch cho đồng chí Sáu Sinh chạy thoát. Phải nói là khi làm nhiệm vụ, mình làm cái nhiệm vụ trinh sát tiêu diệt giặc, chúng tôi xuống thành phố hơn 1 năm mới đánh trận đầu tiên, mà trận đó cũng là trận mở màn của Lực Lượng Trinh Sát Vũ Trang tiêu diệt những tên ác ôn của thành phố. Khi bị bắt, trước khi đi chiến đấu thì cũng biết rằng có thể bị bắt, cho nên cũng lường trước được cái sự tra tấn dả man của kẻ thù nhưng vẫn giữ một cái lập trường là không biết. Lúc đó tôi khai với giặc là tôi không phải là Việt cộng mà người ta thuê tôi làm việc này. Khai như vậy là để nó khai thác không ra cái đầu mối của mình, thì nó đánh nhiều, mình vẫn quyết tâm chịu đựng, và một mực là không khai, cho nên sau thời gian điều tra khai thác hơn 1 tuần thì không ra được mang mối, nhằm bảo vệ cái cơ sở của mình, cái lực lượng của mình, cho nên khi bắt là đơn vị vẫn hoạt động bình thường, không mất kiên định lúc nào hết.”

Thay Lời Kết

Ngày nay, với những tiết lộ mới từ phía nhà nước Cộng sản Việt Nam, chúng ta có thể nói một cách dứt khoát là vụ ám sát Dân Biểu Trần Văn Văn vào sáng ngày 7-12-1966 là do những người Cộng sản chủ mưu và thực hiện. Bỏ ra ngoài những lời huênh hoang thường thấy trong ngôn từ của những người Cộng sản, những lời tường thuật của 2 đặc công Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh) và Võ Văn En (Tám Em) trong buổi phát hình của Chương Trình Người Giữ Lửa của Đài Truyền Hình Hà Nội vào ngày 18-8-2015 đã trực tiếp khẳng định vụ ám sát là một chiến công của Lực Lượng Trinh Sát theo chỉ thị của Khu Sài Gòn – Gia Định, trực thuộc Ban An Ninh của Trung Ương Cục Miền Nam. Tuy nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về vụ ám sát này vẫn còn một vài lổ hổng. Thứ nhứt, trong chương trình truyền hình nói trên, tên Sáu Sinh đã không nói cho biết hắn đã chạy thoát như thế nào trong lúc bị một lực lượng nhân viên công lực khá lớn truy đuổi như vậy, nhứt là trong một khu vực hoàn toàn không có một ngỏ hẽm nào hết, đặc biệt là nhà cửa trong khu phố Tự Đức – Phùng Khắc Khoan – Phan Đình Phùng, vào thời điểm đó, phần lớn là biệt thự kính cổng cao tường, hoàn toàn không phải như Khu Bàn Cờ với nhà cửa đông đúc, nhiều hẽm ngang hẽm dọc, có thể tạo dễ dàng cho việc tẩu thoát. Một điểm nữa cũng đáng thắc mắc là tại sao chương trình truyển hình này hoàn toàn im lặng, không đề cập gì đến quá trình hoạt động của 2 tên đặc công này trong 40 năm vừa qua (từ 1975 đến 2015), nhứt là điểm họ có được phong danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang hay không. Một điểm nữa cũng cần được quan tâm là Đài Truyền Hình Hà Nội đã xóa bỏ trong bộ phận lưu trữ (archive) buổi phát hình của Chương Trình Người Giữ Lửa ngày 18-8-2015 khiến cho chúng ta không còn có thể truy cập buổi phát hình này được nữa. Tại sao họ làm như vậy thì chưa có câu trả lời.

Bài viết này, tuy chưa trả lời được đầy đủ tất cả các câu hỏi, cũng đã giúp chúng ta thấy là phe Cộng sản là thủ phạm vụ ám sát này. Tuy nhiên, phải nhận rằng TNCSQG của Tướng Nguyễn Ngọc Loan cũng có phần trách nhiệm trong việc tạo ra thêm nghi ngờ trong quấn chúng, giới báo chí và gia đình ông Văn. Thứ nhứt, TNCSQG đã dùng thủ đoạn không tốt để ép Quốc Hội Lập Hiến phải tự giải tán Ủy Ban Điều Tra Vụ Ám Sát Dân Biểu Trần Văn Văn. Thứ hai là chắc chắn TNCSQG đã ép cung để Võ Văn En phải nhận là đã bắn ông Văn như trong Bản Cáo Trạng được trình bày trước Tòa án với kết quả là sự phản cung của Em trước tòa án. Chúng ta cũng đã có những bằng chứng làm cho chúng ta có thể nghĩ rằng TNCSQG đã ép cung luôn cả một số nhân chứng. Đa số những nhân chứng trong vụ ám sát, trước khi ra trước tòa án, là nhân viên cành sát (các ông Lê Quang Thành, Trần Văn Xuân, Dương Trường Khiết, Đỗ Văn Út, và Nguyễn Văn Thôi), chỉ trừ ông tài xế Trần Văn Xuân là dân sự. Các nhân viên cành sát đó rất có thể phải khai theo lệnh của cấp trên của họ là những người đã nhận được lệnh từ TNCSQG. Hơn nữa, trừ ông Thành ra, họ không phải là những người trực tiếp nhìn thấy vụ ám sát. Tài xế Trần Văn Xuân thì khác, ông ta là nhân chứng tại hiện trường, trực tiếp, ít nhứt, đã nhìn thấy tận mặt tên đặc công đã lái chiếc xe Honda chận đầu xe hơi ông đang lái, và vì thế, tại ty Cành Sát Quận Nhứt, ngay sau vụ ám sát, ông đã khai là tên lái xe là một người mặt rỗ và chột mắt (tức Võ Văn En); chỉ từ buổi họp báo vào chiều ngày 7-12-1966, ông mới khai tên En là người bắn ông Văn. Rõ ràng là ông đã bị ép cung. Ngoài ra chúng ta cũng được biết thêm là tài xế Xuân cũng đã từng là một nhân viên Cảnh sát nhưng đã ra khỏi ngành Cảnh sát vì đã phạm tội cưỡng đoạt và ở tù 6 tháng về tội này: “Trả lời những câu hỏi trước tòa, nhân chứng Xuân [tài xế Trần Văn Xuân] cho biết trước đây đã làm Cảnh sát, [ngay sau đó, bài báo bị kiểm duyệt bôi bỏ mất độ 5-6 chữ] mới vào làm tài xế lái xe cho ông Văn từ ngày 1-11-1966, do bà bác sĩ Nguyễn Lưu Viên giới thiệu … Trả lời 1 câu hỏi của nữ luật sư Đại, nhân chứng [tài xế Trần Văn Xuân] cho biết trước đã ra tòa và bị kết án tù 6 tháng về tôi cưỡng đoạt.”[25]. Như vậy, rõ ràng tài xế Trần Văn Xuân là một nhân chứng thuộc loại khá dễ bị hăm dọa hoặc lôi kéo phải khai theo sự chỉ đạo của TNCSQG. Lúc đó, vỉ chỉ bắt được Võ Văn En và lượm được khẩu súng, TNCSQG bắt buộc phải làm mọi cách để quy án En là người đã bắn ông Văn. Không trách được gia đình ông Văn, giới báo chí và dư luận quần chúng, tại thời điểm đó, đã nghi ngờ phe nhóm Kỳ-Loan đã nhúng tay vào vụ ám sát ông Văn. Ngày hôm nay, lịch sử đã phơi bày và chúng ta đã có thể khẳng định là họ đã bị nghi ngờ và mang tiếng oan.

_______________________________

Ghi Chú:

[1] Đoàn Thêm. 1966: việc từng ngày; tựa của Lãng-Nhân. Sài Gòn: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1968; Los Alamitos, Calif.:Nhà xuất bản Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 220. Bài viết sẽ cho thấy là tác giả Đoàn Thêm đã sai lầm khi ghi địa điểm ám sát là trước nhà ông Văn ở đường Phan Thanh Giản. Địa điểm nơi xảy ra vụ ám sát là ngã ba đường Phan Đình Phùng – Phan Kế Bính.

[2] Trần Văn Văn, 1908-1966, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.tranvanba.org/new_website/tranvanvan/frame-tranvanvan2.html

[3] Trần Trọng Kim. Một cơn gió bụi. Sài Gòn: Vĩnh Sơn, 1969, tr. 181-182. Sách điện tử (ebook) có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://tusachtiengviet.com/images/file/73RYtsUW1ggQAAoD/mot-con-gio-bui.pdf

[4] Đoàn Thêm. Hai mươi năm qua: việc từng ngày, 1945-1964;tưa của Lãng-Nhân. Los Alamitos, Calif.: Xuân Thu, [1989], tr. 56.

[5] Đoàn Thêm. Hai mươi năm qua, sđd, tr. 355.

[6] “NGHỊ-ĐỊNH số 47-NĐ/CT ngày 19 tháng chạp năm 1963 bổ-nhiệm hội-viên Hội-đồng nhân-sĩ,” CÔNG-BÁO VIỆT-NAM CỘNG-HÒA, Năm thứ chin, Số 8-Ba (Bộ mới), Ngày Thứ Bảy 21 Tháng Chạp Năm 1963, tr. 264-265. Người ký tên là Trung-tướng DƯƠNG VĂN MINH. Tổng số Hội-viên là 60 vị, gồm 2 nữ và 58 nam; trong số 18 vị đã ký tên trong Tuyên ngôn Caravelle thì có tất cà 12 vị, trong đó có ông Trần Văn Văn, đã được bổ nhiệm vào Hội đồng này.

[7] Đoàm Thêm. Hai mươi năm qua, sđd, tr. 405.

[8] Lâm Vĩnh Thế. Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn. Hamilton, Ontario: Hoài Việt, 2010, tr. 88. Có thể đọc toàn văn của Bản Hiến Chương Lâm thời này tại các tr. 293-310.

[9] Lâm Vĩnh Thế. Nhóm tướng trẻ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào giai đoạn 1964-1965, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.namkyluctinh.org/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/nhom-tuong-tre-trong-quan-luc-viet-nam-cong-hoa-vao-giai-doan-1964-1965

[10] Lâm Vĩnh Thế. Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 93.

[11] Lâm Vĩnh Thế. Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 162-166.

[12] “Ky’s top rival slain in Saigon”, bài báo đăng trên trang nhứt của nhựt báo Hoa Kỳ The Pittsburg Press, vol. 83, no. 165 (Wednesday, December 7, 1966); trong đó có đoạn như sau: “Van, a strong anti-Communist, was a member of South Vietnam’s constituent assembly and a leading political opponent of Prime Minister Nguyen Cao Ky. He was against military rule of the nation, and was regarded as top contender for the presidency when control is to be turned over to a civilian government next year.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: Ông Văn, một người chống Cộng mãnh liệt, là một dân biểu của quốc hội lập hiến của Nam Việt Nam, và là đối thủ chính trị đứng đầu của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ông chống lại việc cầm quyền của phe quân nhân, và được xem như là một ứng viên hàng đầu cho chức vụ tổng thống khi chính quyền được trao lại cho một chính phủ dân sự vào năm tới.). Bài báo này có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/28319159893/in/album-72157672468700355/lightbox/

[13] “Lời thuật của người tài xế lái xe cho ông Văn,” Chính Luận, Năm thứ 3, số 809, Thứ Sáu, 9-12-1966 (Ngày 28 Tháng 10 Bính Ngọ), tr. 1.

[14] “Một cuộc đuổi bắt gay go,” Chính Luận, số báo vừa kể trên, tr. 1, và 8.

[15] “Thủ phạm trình diện.” Chính Luận, số báo vừa kể trên, tr. 1.

[16] Lý Quí Chung. Hồi ký không tên. T/P Hồ Chí Minh:Nhà xuất bản Trẻ, 2004, tr. 93. Vụ điều tra này được tác giả trình bày trong các trang 93-95. Tác giả có một điểm sai quan trọng trong đoạn này khi ông ghi cấp bậc của ông Nguyễn Ngọc Loan là Trung Tá. Ông Loan, tại thời điểm đàu tháng 12-1966 này, đã là một tướng lãnh; ông thăng cấp Chuẩn Tướng vào ngày 1-11-1966.

[17] Lâm Lễ Trinh. “Mở lại hồ sơ 3 vụ án: Trần Văn Văn, Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Bá,” tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=586&Itemid=1

[18] Trích hồi ký viết tay của cụ bà Trần Văn Văn, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.tranvanba.org/new_website/documenttvv/dam_tang_cu_tranvanvan.pdf

[19] “Sáng Chủ Nhật 11-12-66 đám tang cố Dân Biểu Trần-V-Văn đã được cử hành rất trọng thể,” Chính Luận, năm thứ ba, số 812, ngày Thứ Ba 13-12-1966 (Ngày 2 Tháng 11 Bính Ngọ), tr. 1.

[20] “Bản Cáo Trạng do Ủy Viên Chính phủ tại Tòa án Quân Sự Mặt Trận Biệt Khu Thủ Đô và Vùng 3 Chiến Thuật lập ra,” Chính Luận, Năm thứ tư, Số 838, Thứ Năm, 12-1-1967 (Ngày 2 tháng 12 Bính Ngọ), tr. 4.

[21] “Một tên sát nhân cuồng tín,” Chính Luận, số 809 đã dẫn bên trên, tr. 8

[22] “Trước Tòa quân sự mặt trận Biệt khu thủ đô và Vùng 3 chiến thuật, đặc công Võ-Văn-En chối loanh quanh nhưng nhận có dự vào vụ cố sát ông Văn,” Chính Luận, Năm thứ tư, Số 837, Thứ Tư, 11-1-67, tr. 3.

[23] “Sau 2 ngày liên tiếp xét xử, Tòa Quân Sự Mặt Trận Biệt Khu Thủ Đô và Vùng 3 chiến thuật tuyên án tử hình đặc công Võ-Văn-En,” Chính Luận, số 838 đã dẫn bên trên, tr. 3.

[24] Người giữ lửa, chương truyền hình của Đài Truyền Hình VTV1, phát hình ngày 18-8-2015. Hiện video này không còn truy cập được nữa từ Trang Web của Đài VTV1. Rất may, một phiên bản của buổi phát hình này, dài 12 phút 17 giây, vẫn còn truy cập được trong YouTube ở địa chỉ Internet sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=cqjrAY0ZBVw

[25] “Phiên xử buổi chiều,” Chính Luận, số 837 đã dẫn bên trên, tr. 3.