Tục Cắm khem
Bộ tranh dân gian Oger có một tấm vẽ hai người đàn bà. Một người bụng chửa, nằm ngửa, bị người kia đứng trên bụng.
Tranh không có tên. Chẳng hiểu muốn nói gì. Đành để đó, chờ ngày tìm ra lời giải.
Mới đây đọc sách thấy cái cảnh người đứng trên bụng người của phong tục sinh đẻ ngày xưa.
Xin được đem tranh, đem sách ra bàn thêm.
Trước khi đẻ
Lúc sản phụ chuyển bụng sắp đẻ, người chồng cắm một cái cọc tre trước cửa nhà. Đầu cọc được chẻ tách đôi đủ để kẹp một cục than to. Hàng xóm xung quanh thấy dấu hiệu này thì biết là trong nhà có người đẻ, phải tránh xa[1].
Đẻ khó, đốt thanh củi. |
Phong tục sinh đẻ của ta phong phú lắm. Muốn cho vợ đẻ, người chồng phải làm cái này, nếu vợ vẫn chưa đẻ thì phải làm cái kia. Làm cho đến lúc "mẹ tròn con vuông" mới thôi.
Nhưng, đôi khi sinh đẻ gặp khó khăn. Phải dùng phương thuật bí hiểm hơn:
- Lấy lược chải tóc cho sản phụ, sản phụ sẽ đẻ dễ dàng[2].
Cái lược chải đầu có tác dụng gì?
Lược (tiếng Việt) đồng âm với Lược (chữ Hán, bộ Thủ) nghĩa là khêu ra, quều lấy (Thiều Chửu), lôi ra, kéo ra (arracher, Génibrel).
Cái lược của mê tín dị đoan có thể lôi, kéo đứa bé ra khỏi bụng mẹ.
Tranh Oger trình bày một mẹo khác:
- Đàn bà khó đẻ chồng lấy củi đốt giở (dở) treo xà nhà.
Ý nghĩa của phương thuật này được gói ghém trong ba chữ củi đốt dở.
Củi dùng để đốt lửa hay đun bếp, chữ Hán là Sài (bộ Mộc).
Sài còn có nghĩa khác là lấp, là giữ (Thiều Chửu), là Obstruer (làm tắc, làm nghẽn) (Génibrel).
Người đàn bà khó đẻ vì đứa bé bị giữ lại trong bụng mẹ, bị một vật gì che lấp mất lối ra. Muốn giúp người đàn bà đẻ thì chỉ việc trừ bỏ cái vật cản kia đi. Nghĩa là phải đốt thanh củi, thiêu cháy cái... sài.
Mê tín dị đoan khuyên người chồng treo một thanh củi đốt dở lên xà nhà (trong nhà) để giúp vợ đẻ, giúp đứa bé mau lọt lòng mẹ.
Phương thuật Đốt thanh củi vô thưởng vô phạt. Không đe doạ tính mạng người mẹ.
Không như trường hợp phải nhờ... thầy cúng, phù thủy ra tay.
Trong lúc thầy phù thuỷ ra oai trừ tà thì bà mụ leo lên bụng sản phụ, dùng cả hai chân vừa đạp vừa ấn cho lòi đứa bé ra.
Thời sống bên Miên, có lần Henri Jammes được mời đi xem một cô gái Việt 16 tuổi, sắp đẻ.
Tới nơi, ông thấy cô gái đang chuyển bụng, nằm vật vã dưới đất. Quằn quại, rên la suốt cả giờ rồi. Một đám mấy bà người Việt, người Miên vây quanh, thi nhau đạp, nhấn lên bụng cô. Họ đang giúp cô đẻ![3].
Cảnh này đã được tấm tranh Oger (không có tên) ghi lại. Tranh vẽ cảnh bà mụ đứng trên bụng sản phụ. Tay vịn xà ngang, chân vừa đạp vừa ấn. Một cách giúp người đẻ quái gở, rất nguy hiểm
Sau khi đẻ
- Ngay sau khi đứa bé lọt lòng, người mẹ được đặt nằm xấp để bà đỡ dùng chân xoa nắn lưng. Sau đó, người ta xông hơi, lấy nước lau bụng cho bà mẹ[4].
- Sau khi đứa bé lọt lòng, bà đỡ xoa bóp cho người mẹ bằng cách lấy một cái chày lăn trên bụng. Vừa lăn vừa ấn mạnh Sau chày thì dùng đến chân. Cuối cùng là leo lên đứng trên bụng, tay vịn vào xà nhà hay một thanh ngang dùng cả hai chân và sức nặng của thân hình để xoa nắn bụng cho bà mẹ[2].
Dumoutier nói rằng đứng trên bụng, tay vịn xà ngang, dùng chân xoa nắn (giống tranh Oger) được áp dụng sau khi đứa bé lọt lòng. Jammes được thấy tận mắt cảnh đạp lên bụng sản phụ trước khi đứa bé lọt lòng. Tranh Oger vẽ sản phụ bụng còn tròn to, nghĩa là chưa đẻ. Ai đúng ai sai?
Đẻ xong rồi, tục ta lại có... thanh củi đã tắt lửa khác.
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) chép:
Tục ở đây khi nhà có người sinh đẻ thì dùng một đoạn củi đã tắt rồi, chẻ đầu cây cán gỗ kẹp ngang dựng ngay trước cửa, nếu sinh con trai thì trở đầu củi đã tắt lửa vào trong nhà, con gái thì trở đầu củi ra ngoài để làm hiệu ngăn cấm (tục gọi là cấm khem)[5].
Nhất Thanh cho biết thêm vài chi tiết:
- Người Đồng Nai khi sinh con lấy một que củi cháy dở cặp vào đầu một cái cọc đem cắm ngoài cổng, sinh con trai thì cắm đầu củi cháy trở vào trong nhà, sinh con gái thì quay đầu trở ra; người ta còn buộc kèm thêm cây ráy. Toàn thể dấu hiệu ấy gọi là cái khem, riêng thanh củi cháy dở gọi là cái vỏ lửa; bởi vậy có câu ngạn ngữ: Con gái trở vỏ lửa ra.
Người xứ Bắc không có tục trưng dấu hiệu ở trước cửa ngõ để cho người ngoài biết trong nhà có sinh con trai hay con gái[6].
- Khi có người đẻ thì người ta treo trước nhà một vật gì, thường là một cái lá môn buộc với một cục than và 7 hay 9 đồng tiền tuỳ theo con trai hay con gái[7],[8].
- Dấu hiệu trước hết nhận biết khi có người sinh đẻ đang ở cữ, chủ nhà thường dùng một ngọn dứa dại (lá có gai) cắm nơi đầu ngõ, ngược gốc lên trên (...).
Khi cắm ngọn dứa, nếu quay lát cắt vào nhà thì có ý thông tin rằng đứa trẻ là con trai, đồng thời với ngọn dứa dại có thêm một giỏ lửa - tức cây củi đã chụm cháy dở chừng - đầu giỏ lửa quay vào nhà. Nếu sinh con gái thì sắp xếp ngược lại[9].
Trịnh Hoài Đức gọi cái dấu hiệu cắm trước cửa nhà là cái khem.
Cái khem được Tự vị Huỳnh Tịnh Của định nghĩa là “Cây cắm ra cho biết trong nhà có việc kiêng cữ: ấy là một cây dài nhỏ, chẻ ra một đầu, giắt một đoạn củi vắn đã có chụm rồi, cắm ra trước nhà cho biết là nhà có người nằm bếp, đẻ con trai thì trở đầu cháy vào nhà, đẻ con gái thì trở đầu cháy lộn ra”.
Cắm khem: Cắm cây làm dấu kiêng cữ ấy.
Cấm khem: Buộc phải kiêng cữ.
Tên Khem là biến âm của chữ Hán Khu (bộ Mã), nghĩa là Xua đuổi đi.
Khu tà là “tục mê tín làm lễ làm phép để đuổi ma tà đi” (Đào Duy Anh).
Trịnh Hoài Đức không dùng chữ Khu vì Khu (tiếng Việt) có nghĩa là trôn, đít. Để tránh tiếng thô tục, Khu được nói trại thành Khem.
***
Sách Xứ Bắc Kì của Edouard Petit có đoạn:
- Khi đứa bé lọt lòng, người ta đặt trước cửa nhà một cục than, đốt một đầu, kẹp giữa hai thanh củi. Nếu là con trai thì trở đầu cháy vào nhà, con gái thì trở đầu ra ngoài[10].
Gustave Dumoutier biên khảo về Người Bắc Kì, cũng nói:
(Nhà có người đẻ con) cấm tất cả người lạ không được vào thăm, sợ rằng sẽ truyền bệnh cho đứa bé. Để làm dấu, người ta treo trên cửa một thanh củi cháy dở[2].
Xứ Bắc cũng có tục cắm khem. Ngoài ra, dân gian còn nhiều thứ phải kiêng khem.
Nhất Thanh khẳng định người xứ Bắc không có tục trưng dấu hiệu ở trước cửa ngõ để cho người ngoài biết trong nhà có sinh con trai hay con gái, là sai.
____________________________________________________
[1]- Henri-Ludovic Jammes, Souvenirs du pays d’Annam, Challamel, 1900, tr. 156.
[2]- Gustave Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, IDEO, 1908, tr. 30.
[3]- Henri-Ludovic Jammes, sđd, tr. 162.
[4]- Antony Landes, Excursions et Reconnaissances, 6, 1880, tr. 449.
[5]- Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Huỳnh Văn Tới hiệu đính, giới thiệu, 2004, tr. 70.
[6]- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, Đại Nam, tr. 24.
[7]- Edouard Diguet, Les Annamites, Challamel, 1906, tr. 128.
[8]- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Bốn Phương, 1961, tr. 182.
[9]- Võ Văn Hoè, Tập tục xứ Quảng theo một vòng đời, Đà Nẵng, 2006, tr. 26.
[10]- Edouard Petit, Le Tong-Kin, H. Lecène et H. Oudin, Éditeurs, 1888, tr.217.
Đẻ xong rồi, tục ta lại có... thanh củi đã tắt lửa khác.
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) chép:
Tục ở đây khi nhà có người sinh đẻ thì dùng một đoạn củi đã tắt rồi, chẻ đầu cây cán gỗ kẹp ngang dựng ngay trước cửa, nếu sinh con trai thì trở đầu củi đã tắt lửa vào trong nhà, con gái thì trở đầu củi ra ngoài để làm hiệu ngăn cấm (tục gọi là cấm khem)[5].
Nhất Thanh cho biết thêm vài chi tiết:
- Người Đồng Nai khi sinh con lấy một que củi cháy dở cặp vào đầu một cái cọc đem cắm ngoài cổng, sinh con trai thì cắm đầu củi cháy trở vào trong nhà, sinh con gái thì quay đầu trở ra; người ta còn buộc kèm thêm cây ráy. Toàn thể dấu hiệu ấy gọi là cái khem, riêng thanh củi cháy dở gọi là cái vỏ lửa; bởi vậy có câu ngạn ngữ: Con gái trở vỏ lửa ra.
Người xứ Bắc không có tục trưng dấu hiệu ở trước cửa ngõ để cho người ngoài biết trong nhà có sinh con trai hay con gái[6].
- Khi có người đẻ thì người ta treo trước nhà một vật gì, thường là một cái lá môn buộc với một cục than và 7 hay 9 đồng tiền tuỳ theo con trai hay con gái[7],[8].
- Dấu hiệu trước hết nhận biết khi có người sinh đẻ đang ở cữ, chủ nhà thường dùng một ngọn dứa dại (lá có gai) cắm nơi đầu ngõ, ngược gốc lên trên (...).
Khi cắm ngọn dứa, nếu quay lát cắt vào nhà thì có ý thông tin rằng đứa trẻ là con trai, đồng thời với ngọn dứa dại có thêm một giỏ lửa - tức cây củi đã chụm cháy dở chừng - đầu giỏ lửa quay vào nhà. Nếu sinh con gái thì sắp xếp ngược lại[9].
Trịnh Hoài Đức gọi cái dấu hiệu cắm trước cửa nhà là cái khem.
Cái khem được Tự vị Huỳnh Tịnh Của định nghĩa là “Cây cắm ra cho biết trong nhà có việc kiêng cữ: ấy là một cây dài nhỏ, chẻ ra một đầu, giắt một đoạn củi vắn đã có chụm rồi, cắm ra trước nhà cho biết là nhà có người nằm bếp, đẻ con trai thì trở đầu cháy vào nhà, đẻ con gái thì trở đầu cháy lộn ra”.
Cắm khem: Cắm cây làm dấu kiêng cữ ấy.
Cấm khem: Buộc phải kiêng cữ.
Tên Khem là biến âm của chữ Hán Khu (bộ Mã), nghĩa là Xua đuổi đi.
Khu tà là “tục mê tín làm lễ làm phép để đuổi ma tà đi” (Đào Duy Anh).
Trịnh Hoài Đức không dùng chữ Khu vì Khu (tiếng Việt) có nghĩa là trôn, đít. Để tránh tiếng thô tục, Khu được nói trại thành Khem.
Sách Xứ Bắc Kì của Edouard Petit có đoạn:
- Khi đứa bé lọt lòng, người ta đặt trước cửa nhà một cục than, đốt một đầu, kẹp giữa hai thanh củi. Nếu là con trai thì trở đầu cháy vào nhà, con gái thì trở đầu ra ngoài[10].
Gustave Dumoutier biên khảo về Người Bắc Kì, cũng nói:
(Nhà có người đẻ con) cấm tất cả người lạ không được vào thăm, sợ rằng sẽ truyền bệnh cho đứa bé. Để làm dấu, người ta treo trên cửa một thanh củi cháy dở[2].
Xứ Bắc cũng có tục cắm khem. Ngoài ra, dân gian còn nhiều thứ phải kiêng khem.
Nhất Thanh khẳng định người xứ Bắc không có tục trưng dấu hiệu ở trước cửa ngõ để cho người ngoài biết trong nhà có sinh con trai hay con gái, là sai.
____________________________________________________
[1]- Henri-Ludovic Jammes, Souvenirs du pays d’Annam, Challamel, 1900, tr. 156.
[2]- Gustave Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, IDEO, 1908, tr. 30.
[3]- Henri-Ludovic Jammes, sđd, tr. 162.
[4]- Antony Landes, Excursions et Reconnaissances, 6, 1880, tr. 449.
[5]- Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, Huỳnh Văn Tới hiệu đính, giới thiệu, 2004, tr. 70.
[6]- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, Đại Nam, tr. 24.
[7]- Edouard Diguet, Les Annamites, Challamel, 1906, tr. 128.
[8]- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Bốn Phương, 1961, tr. 182.
[9]- Võ Văn Hoè, Tập tục xứ Quảng theo một vòng đời, Đà Nẵng, 2006, tr. 26.
[10]- Edouard Petit, Le Tong-Kin, H. Lecène et H. Oudin, Éditeurs, 1888, tr.217.