Dư âm bài viết về nhóm La Lutte tại miền Nam trước tháng Tám 1945

Sau khi viết bài «70 năm tội ác Công Sản Việt Nam, Nhóm La Lutte bị sát hại tại Miền Nam». Tôi nhận được nhiều hồi âm, trong đó quan trọng nhất phải kể đến các góp ý của tác giả cuốn «Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức». Đọc các lời góp ý này, tôi mới thấy là Lịch Sử thường bị bóp méo, nhất là khi Lịch Sử đó được viết bởi những người không có lương tâm của một nhà viết Sử chân chánh, bịa đặt để đạt được một mục đích nào đó, như cuốn Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những sai lầm dưới đây trong bài viết của tôi, căn cứ theo những tài liệu tìm được trên mạng, và được tác giả cuốn «Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức» nêu ra:

1. Về việc nhóm «Đệ Tứ» trốn quân Pháp tại Dĩ An

Theo Trần Ngươn Phiêu («Những nhân chứng cuối cùng») và Ngô Văn («Việt Nam 1920-1945») thì nhóm «Đệ Tứ» không kéo về Dĩ An mà là Xuân Trường. Trong cuốn «Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam» có đầy rẫy những loại chứng cớ bịa đặt để chứng minh việc khủng bố và bắt bớ nhóm các chiến sỹ «Đệ Tứ» trong đó có Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Sổ, Phan Văn Hoa (em của Hùm), Trần Văn Sĩ. Tài liệu đó đã nói các đảng viên này «lúc đó đang ẩn trốn trong vùng Dĩ An». Những người «viết Sử» Đảng hàng chục năm sau vẫn còn cố ý mạ lỵ những anh hùng đã chết.

Sự thật trái lại cho biết là khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, nhóm «Đệ Tứ» đã thành lập các toán võ trang chống thực dân. Khi bộ phận của Trần Văn Giàu kéo ra khỏi Sài Gòn đi về phía Bình Chánh, Tân An… thì một nhóm «Đệ Tứ» đã về tập trung và lập bản doanh ở vùng Suối Xuân Trường (Thủ Đức). Theo khảo sát dựa trên Ngô Văn, David Marr, Camarade P. và Phan Kiều Dương (con của Phan Văn Hùm) thì Trần Văn Thạch và Phan Văn Hùm bị thủ tiêu tại 2 địa điểm khác nhau: Trần Văn Thạch tại Bến Súc, Thủ Đầu Một, Phan Văn Hùm ở Lòng Son.

2. Về các nhóm «Đệ Tam», «Đệ Tứ» tại Miền Nam trong giai đoạn này

Tại Miền Nam, Đảng Cộng Sản Đông Dương chủ yếu hoạt động bí mật, đã có tổ chức khá chặt chẽ ở Miền Nam từ khi Đảng này được thành lập vào tháng 10 năm 1930. Ban Chấp Hành Trung Ương đầu tiên đặt trụ sở ở Hải Phòng, sau đó dời về Sài Gòn (Hội Nghị Trung Ương Đảng họp tại đây ngày 12-3-1931).

Đến tháng 11-1931, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương thoả thuận với Hồ Hữu Tường và Đào Hưng Long (người đã tách ra khỏi ĐCSĐD sau vụ Yên Bái) mới thành lập nhóm «Tả Đối Lập» xu hướng Trốtkit (Ngô Văn, «Việt Nam 1920-194», tr 426, 436). Nhóm này cũng hoạt động bí mật.

Tại Miền Nam, từ thập niên 30 đến 1945, có 3 nhóm «Đệ Tứ» có tầm cỡ. Quan trọng nhất là nhóm La Lutte (Tạ Thu Thâu đứng đầu), hoạt động công khai, kế đó là Nhóm Tháng Mười (còn gọi là nhóm Bônsevich-Lêlinnit) do Hồ Hữu Tường sáng lập. Ông cho phát hành các tờ Tháng Mười, Thầy Thợ, Tia Sáng và Le Militant (Xin xem «Báo Chí xu hướng Đệ Tứ» trong bản chú thích tên người và Tổ Chức, sách «Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức» tr 419). Đến tháng 8-1944, nhóm Liên Minh Cộng Sản Quốc Tế mà tiền thân là nhóm Tháng Mười được Lư Sanh Hạnh và Ngô Văn Xuyết, bút hiệu Ngô Văn, bí mật thành lập («Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức», tr 99).

Trên đây là những điều tôi nhận được từ tác giả cuốn «Trần Văn Thạch, cây bút chống bạo quyền áp bức».

3. Cộng Sản Đệ Tam và Đệ Tứ khác nhau ở chỗ nào?

Một lá thư khác hỏi tôi là Cộng Sản Đệ Tam và Đệ Tứ khác nhau ở chỗ nào, khi họ cùng theo chủ nghĩa Mác-Lê. Câu hỏi này quả khó để trả lời, vì bản thân người viết không phải là một học giả. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng để trình bầy quan điểm của tôi, chắc chắn là sai bét, xin các nhà Chính Trị học giúp cho những chỗ sai lầm hoặc thiếu sót.

Đệ Tứ là để chỉ những người theo lý thuyết Trotsky đề ra. Trotsky phủ nhận mình là một lý thuyết gia. Ông chỉ nhận là mình tiếp tục phát triển thuyết Mác Xít. Ông đã đào sâu thuyết «Cách Mạng thường trực hay «la révolution permanente» mà Mác đã đề ra từ 1848. Thuyết này đến năm 1902 được Parvus, một nhà Xã Hội-Dân Chủ người Đức dùng để bác bỏ lý thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa riêng cho một nước hay «Socialisme dans un seul pays» do Staline đề xướng – Xin để ý các chữ dans un seul pays, nghĩa là trong một nước mà thôi – Trotsky chủ trương phải quốc tế hóa phong trào Xã Hội Chủ Nghĩa, Cộng Sản Chủ Nghĩa, và cuộc Cách Mạng này cần phải được tiến hành một cách thường trực. Điều đó có nghĩa là khi giai cấp Thợ Thuyền đã chiếm được Chính Quyền, cuộc Cách Mạng không dừng ở đấy. Cuộc đấu tranh giai cấp phải được tiếp tục trong xã hội một nước rồi từ đó lan ra hết nước này đến nước khác. Nếu Cách Mạng trong một nước dừng lại sau khi nắm được chính quyền, thì sẽ đưa đến nguy cơ một giai cấp được hưởng ưu đãi và tạo ra một chế độ quan liêu lợi dụng quyền lực nắm được. Đến lúc đó Communisme và terrorisme đi đôi với nhau, và Chủ Nghĩa Cộng Sản sẽ tạo ra một giai cấp mới: nouvelle bourgoisie (nay ta gọi là Tư Bản Đỏ), nghĩa là Cách Mạng nửa vời, chẳng giải quyết được gì, chỉ là bình mới mà rượu vẫn cũ.

Ở một khía cạnh nào đó, phải nhận là Trotsky có một cái nhìn về tương lai khá chính xác. Vì những lẽ đó mà Staline phải tiêu diệt Trotsky.