Nhà cách mạng Trần Văn Thạch
Trần Văn Thạch sinh ngày 15-10-1905 tại Thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn. Học sinh giỏi trường Chasseloup-Laubat, ông thi đậu bằng Tú tài Pháp hạng ưu năm 1925. Cuối năm, ông kết hôn với Nguyễn Thị Ba, truởng nữ trong một gia đình điền chủ ở Mỏ Cày, Bến Tre. Đầu năm 1926, ông cùng với vợ, anh và em vợ sang Pháp. Tới Toulouse tháng 5-1926, ông ghi tên học khoa Triết Đại học Toulouse. Mùa thu 1927, ông lên Paris tiếp tục học; tháng 11-1929 tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Văn chương, Đại học Sorbonne (Paris). Về nước đầu năm 1930, không tham gia chính quyền Pháp, ông sinh sống bằng nghề dạy Pháp văn các trường tư thục ở Sài Gòn (Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh). Ông sống giản dị, thân tình chia sẻ với bạn, quan tâm đến giai cấp bình dân. Vợ mất năm 1935, năm đứa con nhỏ bơ vơ, hai năm sau ông tục huyền với Nguyễn Kim Ngọc. Ông bà sinh được một người con gái đặt tên Mỹ Châu. Một năm sau khi tới Pháp, ông cho ra tờ Journal des Étudiants annamites (“Báo Sinh viên An Nam”) trên đó ông kêu gọi sinh viên đoàn kết chống áp bức, bất công của chế độ thuộc địa và thể chế quân chủ quan lại tham nhũng, bằng cách tham gia hoạt động chính trị, tranh đấu hòa bình, tránh bạo lực. Để ngăn chận hoạt động chống chính sách thuộc địa của ông, quyền Toàn quyền Đông Dương Monguillot đề nghị với chính phủ Pháp trục xuất ông về nước năm 1928, nhưng nhờ Hội Bảo vệ Nhân quyền và Dân quyền Pháp can thiệp, ông được ở lại Pháp tiếp tục việc học. Trong bài “Một giấc mơ độc đáo” đăng trên báo JEA (ngày 15-12-1927) ở tuổi 22, ông mơ ước một nước Việt Nam độc lập không lệ thuộc Nga hay Tàu, với một chính thể đa đảng – hai khối tư sản và vô sản hợp tác với nhau – và một chính sách an sinh xã hội dựa theo mô hình các nước Âu châu tân tiến. Năm 1934 theo lời kêu gọi của Nguyễn An Ninh, ông cùng với một nhóm trí thức Tây học khuynh hướng chính trị khác nhau thành lập nhóm La Lutte (Tranh Đấu). Cộng sản Đệ Tam có Nguyễn Văn Tạo, về sau có thêm Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Nguyễn; xu hướng trốtkít (còn được gọi là Đệ Tứ) có Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Chánh; Quốc gia tả khuynh có Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch. Cần chú ý là các đảng Cộng sản trên thế giới lúc đó nằm trong hệ thống Đệ Tam Quốc tế Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo, hoạt động theo lệnh đảng. Đệ tứ Quốc tế chỉ là một phong trào chính trị, cấp tiến, thiên tả và theo tư tưởng Trotski, không thuộc đảng phái nào. (Trần Gia Phụng, “Giới thiệu sách Trần Văn Thạch, 2014). Nhóm trí thức trẻ nói trên đồng thuận không chỉ trích lẫn nhau về vấn đề lập trường. Mọi khác biệt được bỏ qua để tạo một chiến tuyến chung: chống chế độ thực dân quan lại hà hiếp dân nghèo; chống bóc lột, tham nhũng; đòi quyền dân chủ cơ bản (quyền bầu cử, hội họp, lập công đoàn; tự do ngôn luận, báo chí, v.v.); củng cố phong trào công nhân; khơi dậy ý thức chính trị nơi quần chúng. Vũ khí chính của họ là tờ báo Pháp ngữ La Lutte (1933-1939) mà Trần Văn Thạch được xem như là chủ bút. Nhóm Tranh Đấu cũng chủ trương tham chánh bằng cách ứng cử vào Hội đồng Thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn và Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Các ông Thâu, Thạch, Tạo nhiều lần đắc cử Hội đồng Thành phố. Với chức vụ nghị viên “Lao động” HĐTP (liên tục từ 1935 đến 1939) và nhà báo (ông thường có mặt ở báo quán La Lutte để tiếp xúc với người dân) ông có cơ hội chứng kiến, theo dõi những bất công xã hội, can thiệp giúp đỡ dân nghèo và lên tiếng trên nghị trường và báo chí. Năm 1937, sau khi những người Cộng sản Đệ Tam ly khai nhóm Tranh Đấu, theo lệnh Quốc tế Cộng sản, nhóm trốtkít công khai chỉ trích mạnh mẽ chính sách và chiến lược của Staline, Liên Xô, QTCS, và đảng Cộng sản Pháp. Uy tín những người trốtkít trong nhóm Tranh Đấu càng ngày càng tăng cao. Trong cuộc bầu cử HĐQH Nam Kỳ tháng Tư năm 1939, “Sổ Tranh Đấu” của các ông Thâu, Hùm, Thạch đại thắng “Sổ Dân chúng” xu hướng Cộng sản Đệ Tam của các ông Ninh, Tạo, Mai, và luôn cả “Sổ Lập hiến” của nhóm tư sản. Đệ nhị Thế chiến đã bộc phát ở Âu châu. Để phòng bị chiến tranh thực dân thi hành chính sách đàn áp các phong trào quần chúng ở Đông Dương, bắt tống giam cả trăm nhân sĩ thuộc mọi khuynh hướng chính trị. Trần Văn Thạch bị bắt ngày 1-10-1939 giam Khám lớn Sài Gòn, ra tòa ngày 18-6-1940, lãnh án 4 năm tù 10 năm biệt xứ, đày ra Côn Đảo ngày 10-12-1940. Ở tuổi 23, đơn chiếc, túng thiếu, người vợ trẻ của ông phải đưa các con ông về Phú Lâm và Mõ Cày nhờ bác, cậu mợ chăm sóc. Đứa con đầu lòng Mỹ Châu 2 tuổi, về Vĩnh Long ở với bà ngoại để bà có thể buôn bán tảo tần, nuôi mẹ nuôi con. Mãn tù ngày 1-10-1943, bị quản chế ở Cần Thơ, ông trở về nghề giáo, nuôi gia đình, dạy Pháp văn ở trường Bassac. Sau khi Nhựt đảo chánh (ngày 9-3-1944), ông và các bạn trở về Sài Gòn tái lập nhóm Tranh Đấu khoảng tháng 5-1945, có ảnh hưởng mạnh với các chánh đảng, giáo phái xu hướng quốc gia. Ngày 15-8-1945, Nhựt đầu hàng Đồng Minh. Ngày 25-8-1945, Việt Minh lên nắm chánh quyền ở Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Trần Văn Giàu. Ngày 23-9, Pháp tái chiếm Sài Gòn với sự yểm trợ của phái bộ Anh do tướng Gracey chỉ huy, tới Sài Gòn với trách nhiệm giải giới quân Nhựt. Trần Văn Giàu ra lịnh di tản Sài Gòn, kháng chiến chống Pháp. Khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, công nhân nhóm Tranh Đấu đã tổ chức các toán võ trang. Họ bị tổn thất nặng nề trong trận giao chiến với Pháp ở khu vực Thị Nghè. Chẳng những không cho tiếp tế vũ khí và đạn dược, Trần Văn Giàu còn cho rải truyền đơn ra lịnh tước vũ khí toàn bộ lực lượng kháng chiến của nhóm Tranh Đấu. Ban lãnh đạo nhóm (lúc đó chỉ còn các ông Thạch, Hùm, Chánh, Lợi, Số; Tạ Thu Thâu, lãnh tụ nhóm Tranh Đấu đã bị Việt Minh giết ở Quảng Ngãi) và khoảng 30 công nhân chiến đấu còn sống sót tụ họp ở Xuân Trường gần Thủ Đức, lấy một ngôi đình làm doanh trại, chuẩn bị chống Pháp, nhưng họ bị Việt Minh bao vây. Các ông Hùm, Chánh, Lợi, Số lãnh nhiệm vụ đi công tác đều mất tích. Trần Văn Thạch là người cuối cùng còn ở lại bản doanh với các anh “lính” trẻ, súng ống ít oi. Sáng sớm ngày 11-10-1945, công an Việt Minh đến áp đảo doanh trại bắt ông dẫn đi biệt tích. Một tối cuối năm 1946, có người khách lạ tìm đến tận nhà để trao lại cho vợ ông một quyển sổ nhỏ cầm tay, cặp mắt kiếng và chiếc đồng hồ quả quít của ông và cho biết ông đã bị Việt Minh giết. Trong quyển sổ nhỏ ông viết vội vàng vài lời nhắn nhủ vợ con. Di bút đề ngày 22-10-45. (Do đó gia đình chọn ngày này làm ngày giỗ.) Ông không bao giờ được bồng đứa con gái út trong tay: Mỹ Chung, em của Mỹ Châu, ra đời ngày 26-12-1945 giữa cơn loạn lạc. Tai họa dồn dập đến với gia đình ông. Năm 1949, người con trai thứ hai, 16 tuổi, học sinh xuất sắc trường Chasseloup-Laubat, chết vì một viên đạn Việt Minh trên cù lao An Thành (Vĩnh Long). Vài tháng trước đó, vợ ông bị mật thám bắt tra khảo, bà bị mất trí đến cuối đời (Bà mất ngày 12-2-2014). Trên giường bịnh, bà hỏi con gái: Sao ba Thạch chưa về thăm má? Một sáng sớm bà nói nhỏ với con: Ba Thạch dặn Má Ngọc chờ rồi về rước đi… Gần 70 năm, trong cái thế giới riêng tư, huyền ảo, người vợ trẻ vẫn ngồi đợi chồng về. Ông chết trẻ ở tuổi 40 nhưng để lại cho hậu thế một di sản tinh thần quý giá – các bài báo khích lệ lòng yêu nước thương dân, ý chí đấu tranh gỡ ách đô hộ ngoại bang, chống cường quyền áp bức của thực dân và quan lại bản xứ. Ông cũng để lại một tấm gương trong sáng: một cuộc đời thanh bạch, không màng lợi danh, hy sinh bản thân và hạnh phúc gia đình để đấu tranh cho một xã hội công bằng, cho quyền tự do dân chủ. Trần Mỹ Châu |
|