NSND Viễn Châu
Năm NSƯT Diệu Hiền 16 tuổi, gương mặt đằm thắm, dáng đi mạnh mẽ, khẳng khái, nhiều kép trẻ si mê lắm nhưng cô lại yêu tôi. Khổ nỗi, tôi đâu hay biết chuyện này nên cứ phớt lờ cô nàng.
Đời soạn giả chắc có nhiều cuộc tình? Cuộc giao lưu với khán giả nào, tôi cũng nhận được câu hỏi này. Thậm chí, có người còn cho rằng tôi chính là anh bán chiếu đa tình, sợ thiên hạ cười nên gán đại cho một thanh niên Cà Mau nào đó. Có người còn lên án tôi gián tiếp nói người phụ nữ ở Ngã Bảy - Phụng Hiệp vô tình… Thực tế, không phải như những điều người ta suy diễn.
“Chú có vợ rồi, cháu ơi”…
Thật ra, cá tính nghệ sĩ (NS) phải hội đủ “bộ tam sên”: Lãng mạn - liều lĩnh - chai sạn. Lãng mạn để dễ cảm, dễ yêu, dễ say đắm nhưng không chiếm đoạt thô bạo. Liều lĩnh để giãi bày tâm tư bằng cách mà người đời không dám làm.
NSƯT Diệu Hiền trên tờ lịch xuân năm 1962 (ảnh do NSUT Diệu Hiền cung cấp).
NSƯT Diệu Hiền năm 16 tuổi (ảnh do NSƯT Diệu Hiền cung cấp).
Còn chai sạn để khi tình trường vùi dập có thể chống chọi với cô độc sau này. Thế mới có nhân vật Lĩnh Nam phóng khoáng, mạnh mẽ nhưng đau đáu nỗi niềm mà NSND Năm Châu đã viết để Sân khấu về khuya làm thổn thức hàng triệu con tim khán giả hoặc Nam Bình lụy tình, khi bắt gặp vợ mình - Thu Hồ - hò hẹn với nhân tình đã quyết định quay về gánh hát xưa trút tơ gầy nghiệp trong Men rượu hương tình.
NSƯT Diệu Hiền vốn là một cô đào nổi tiếng, được NSND Út Trà Ôn cưng khi đào tạo ở gánh Thống Nhất để hát cặp với anh. Năm Diệu Hiền 16 tuổi, gương mặt đằm thắm, dáng đi mạnh mẽ, khẳng khái, nhiều kép trẻ si mê lắm nhưng cô lại yêu tôi. Khổ nỗi, tôi đâu hay biết chuyện này nên cứ phớt lờ cô nàng. Mời vào hãng dĩa thu, tôi lại viết vai con nít (Nghi Xuân, tuồng Phạm Công - Cúc Hoa) để cô ca. Sau này, Diệu Hiền kể lúc đó cô giận tôi lắm vì đã làm trái tim cô đau khổ.
NSND Viễn Châu chúc mừng NSƯT Diệu Hiền trong live show Diệu Hiền - Một đời gạo chợ nước sông. Ảnh: Thanh Hiệp.
Thật ra, tôi biết Diệu Hiền si mê bài ca cổ mà tôi viết rồi yêu luôn con người tôi. Đâu dè, sự vô tình đó khiến cô không thèm nói chuyện với tôi, dù ở hãng dĩa ngày nào cũng gặp mặt. Cho đến một ngày, lấy hết can đảm, Diệu Hiền nói rõ tình cảm của mình. Tôi cầm tay cô, ôn tồn: “Chú có vợ rồi, cháu ơi”…
Cách đây không lâu, trong một lần đi chung ô tô xuống Trà Vinh chấm thi (tôi và NSƯT Diệu Hiền được mời làm giám khảo tuyển chọn các giọng ca cải lương trẻ), cô nhắc lại: “Thầy Bảy, hồi đó tôi yêu ông mà sao ông vô tình quá vậy? Ông cầm tay người ta, người ta tưởng ông sẽ nói những lời đê mê, nào dè…”. Tôi cười: “Cô không chịu nổi tôi đâu!”. Diệu Hiền trố mắt ngơ ngác.
NSND soạn giả Viễn Châu và NSƯT Diệu Hiền tại rạp Hưng Đạo năm 2003 (ảnh Thanh Hiệp).
Thật ra, “không chịu nổi” chính là khó gần cá tính lăn lóc phong trần của một nhạc sĩ thích sống đời “gạo chợ nước sông” như tôi. Mái ấm gia đình thường là sự ràng buộc những kẻ thích phiêu lưu, mà phụ nữ có chồng là soạn giả hay nhạc sĩ nếu không hiểu, sớm muộn gì cũng tốc ngói, sụp nhà. Còn chuyện cưới đào hát làm vợ, nếu không cảm thông và có sự chia sẻ, kết quả cũng giẫm vào con đường bi kịch của Lĩnh Nam và Giáng Hương mà NSND Năm Châu đã viết.
Tính đến ngày 31-7 tới là đã 52 năm vợ chồng tôi chung sống bên nhau. Trong đời này, nếu không có bà xã, tôi khó mà đủ sức để sáng tác hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản cải lương… |
Với NS, sân khấu là thánh đường. Ở đó, nếu biết vun khéo, nhường nhịn, nhẫn nại, vợ chồng sẽ xây dựng hạnh phúc bền lâu, còn khi cái tôi lớn hơn trái tim thì đường ai nấy đi. Do vậy, chẳng có gì khó hiểu khi báo chí lá cải thời đó mỗi ngày đều đăng tin NS bỏ nhau.
“Vua Tao Đàn” còn nể
Tôi phục tài nghệ của Diệu Hiền khi cô thể hiện 2 bài ca cổ Tần Quỳnh khóc bạn và Trụ Vương thiêu mình. Thật ra, 2 bài này tôi viết cho kép ca. Thanh Hải và anh Mười Út Trà Ôn là 2 NS thể hiện xuất sắc tâm can bài này. Song một ngày, tôi nghe điện thoại của Diệu Hiền: “Thưa thầy, con xin được ca 2 bài đó”. Tôi hỏi: “Cô có kham nổi không?”. Diệu Hiền quả quyết: “Con sẽ ráng vì con thích”.
Quả nhiên, sự mạnh mẽ của Diệu Hiền đã làm tôi kinh ngạc khi nghe những trường độ, cao độ mà cô sắp xếp để nhả chữ, lấy hơi và đưa khí tiết dũng mãnh vào từng câu hò, câu xề của bài vọng cổ. Chính NS Thanh Hải - “Vua Tao Đàn” - còn nể, còn đồng nghiệp khắp nơi ai cũng phục Diệu Hiền khi nghe cô ca 2 bài ruột của Thanh Hải, Út Trà Ôn.
NSƯT Diệu Hiền trong vai Triệu Thị Trinh (vở Nhụy Kiều tướng quân) (ảnh Thanh Hiệp).
Sau này, một lần gặp nhau, Diệu Hiền khoanh tay: “Thưa thầy, đến tuổi đã về chiều, làn hơi không còn trong trẻo nhưng con đã nhờ 2 bài của thầy cho mà nuôi sống cả nhà”. Đúng vậy, ở đâu, hát đình, hát đám, hát quán…, người ta cũng đều yêu cầu Diệu Hiền ca 2 bản ấy.
Một hôm, tự dưng NSƯT Diệu Hiền tìm đến nhà tôi khoe xấp bài ca cổ mà cô viết: “Thầy đọc giùm, có sai gì thì con sửa”. Tôi xúc động quá, các bài ca về mẹ được viết bằng tấm lòng nhân hậu của một đứa con cứ nghĩ mình vì ham nghề mà bất hiếu. Bài Vu lan tìm mẹ, Diệu Hiền viết súc tích, giọng văn chân chất. Tôi động viên cô tiếp tục viết, tới nay đã hơn 20 bài rồi, nghe đâu sẽ được quay video để phát hành. Diệu Hiền nửa đùa nửa thật: “Hồi đó, tôi yêu ông không đặng, giờ tập sáng tác, cướp nghề của ông cho bõ ghét”!
Tên vai diễn thành nghệ danh
Diệu Hiền thành hôn với NS Út Hậu nhưng hôn nhân tan vỡ do nhiều hệ lụy, mà cái chính như tôi đã nói, do không dằn được bản ngã của mình.
Vốn xuất thân là chú tiểu trong chùa, mê hát mà “xuống núi”, Út Hậu ca hay, chất giọng trầm buồn, có hồn. Diệu Hiền thì chạy loạn do nhà cháy dưới quê, lên Sài Gòn đi bán chanh, bán ớt.
Cô mê bài ca cổ mà không biết đọc, đành chịu khó mỗi tối đứng bên ngoài lớp vỡ lòng trong khu xóm nghèo, nhặt nhánh cây làm bút, lấy nền cát làm vở.
Bên trong thầy dạy chữ nào, bên ngoài cô bé Lâm Minh Hiền viết theo chữ đó. Thấy thương, thầy nhận cô vào học.
Khi biết chữ, Lâm Minh Hiền xin mẹ theo đoàn hát, phụ ẵm em cho một chị vũ công. Nhạc sĩ Hoàng Nô phát hiện cô có chất giọng đã hết lòng dạy ca theo nhịp.
Rồi ý chí phấn đấu đã cho cô vào một vai nhỏ đầu đời: Ni cô Diệu Hiền. Tên vai diễn trở thành nghệ danh của cô từ đó.
Kỳ tới: Nửa thế kỷ ân tình.