NSND Viễn Châu
“Đệ nhất thập lục huyền cầm Bảy Bá đã khai sáng trường phái vọng cổ hài qua việc phát hiện nghệ sĩ Văn Hường” - một nhật báo ở Sài Gòn thời đó nhận xét.
Năm 1959, khi đi nghe ca tài tử ở quán Lệ Liễu tại Giải trí trường Thị Nghè - Sài Gòn, tôi phát hiện lối ca của anh kép trẻ Văn Hường (tên thật là Nguyễn Văn Hường, SN 1934, quê Thủ Đức). Tôi xem nơi đây là nợ duyên từ buổi đầu tri ngộ với Văn Hường. Quán Lệ Liễu hồi đó được xem là điểm hẹn, nghệ sĩ (NS) lưu diễn xa về Sài Gòn thường ghé đến đây.
Từ năm 1957, Văn Hường đã hát tại quán này cùng với các NS: Lệ Liễu, Thanh Hoa, Huệ Nhi, Bạch Huệ… và hai danh cầm Năm Cơ, Văn Vỹ. Trong giới tân nhạc, Tùng Lâm, Xuân Phát, Kim Vui, Phi Thoàn, Thanh Hùng, Tòng Sơn… cũng thường tới lui quán Lệ Liễu ca hát.
Cuộc soán ngôi ngoạn mục
Lúc này, dù có chất giọng mùi nhưng Văn Hường cố bắt chước Hề Minh ca bài Chồng già vợ trẻ do tôi viết vẫn chưa đạt tới mức chấp nhận. Tuy nhiên, tôi nhận thấy sự tếu táo trong cách ca, cộng thêm làn hơi lạ của anh. Tôi rỉ tai chủ hãng dĩa Hồng Hoa: “Mời NS này về hãng mình đi, tôi sẽ có cách làm cho anh ấy nổi tiếng”.
Đám cưới NS Văn Hường năm 1964 (người áo mang kính đen là nhạc sĩ Văn Vĩ) (ảnh Huỳnh Công Minh).
Nhờ theo ban nhạc cổ Năm Cơ - Văn Vỹ, thường nhận đờn hát chầu, đám cưới, đám giỗ… và thường trực ở quán Lệ Liễu nên Văn Hường có được cơ duyên rèn nhịp, giũa hơi. Tôi đã viết bản Đêm tân hôn cho Văn Hường và dĩa hát này thành công như mong muốn. Tiếp đó, hãng dĩa ký công tra (hợp đồng), Văn Hường soán ngôi Hề Minh một cách bất ngờ khi tôi tiếp tục bung các dĩa: Pháp sư giải nghệ, Tôi đi làm rể, Ông địa núi Tà Lơn, Ông Trượng và Tiên Bửu (ca với Phượng Liên), Nồi nào úp vung nấy (ca với cô Ba Thanh Loan và Túy Phượng)...
Xét về lối ca, Văn Hường mới hơn, kỹ thuật sắp nhịp hay, độc đáo không kém gì “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn nhưng biết cách biến hóa. Hề Minh có cái hay nhưng lối ca đã xưa, hành văn sắp nhịp quá hiền và cứng nhắc. Tuy nhiên, để có cuộc soán ngôi thì tự thân Văn Hường khó mà làm được. Khi tôi chọn cách viết đúng dấu, đúng chữ, chọn đề tài đúng với sự quan tâm của số đông quần chúng, Văn Hường đã gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Nghệ sĩ Văn Hường khi trai trẻ và lúc về già. Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu.
Từ bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919 đến những chặng đường thăng trầm của sân khấu cải lương, bài ca vọng cổ đã dung nạp đủ tính chất hỉ, nộ, ái, ố. Tôi tự hỏi: “Tại sao bài ca vọng cổ có thể làm người ta khóc mà không khiến họ cười?”.
NSND soạn giả Viễn Châu và NS Văn Hường (ảnh do SG Viễn Châu cung cấp).
Quá trình nghiên cứu đã giúp tôi định vị bài vọng cổ hài khi thành một tác phẩm phải trải qua ba công đoạn: Sáng tác mang yếu tố hài, giọng ca thể hiện chất hài và nhạc cổ đệm phải biết nhấn nhá chữ đờn hài. Ráp 3 công đoạn này lại sẽ có một trường phái. Thời đó, nhật báo Tiếng Dội nhận xét: “Đệ nhất thập lục huyền cầm Bảy Bá đã khai sáng trường phái vọng cổ hài qua việc phát hiện NS Văn Hường”.
Quyền biến với Tư Ếch
Không dừng lại ở việc khai thác Văn Hường, không để anh chai lì trong sáng tạo, tôi đặt ra chủ đề Tư Ếch để NS này quyền biến với bài vọng cổ hài đang trên đà thành công. Thế là các dĩa: Tư Ếch đi Sài Gòn, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch đi coi cải lương, Tư Ếch đi hội chợ (ca với NSND Ba Vân)… ra đời.
Tôi dựa theo hơi thở cuộc sống, lấy chuyện lục đục trong gia đình mà viết bài vọng cổ hài. Tôi mượn tính châm biếm khơi gợi ý nghĩa giáo dục. Lời ca và câu chuyện mang tính khuyên nhủ được viết theo tiêu chí: Cười nhưng có trách nhiệm chứ không phải đả phá, châm chọc, phỉ báng. Có lẽ vì thế mà trường phái của tôi được số đông ủng hộ.
Sau này NS Hoài Linh đã thọ giáo soạn giả NSND Viễn Châu để học ca vọng cổ hài và ông đã từng sáng tác bài ca cổ 4 câu “Hoài Linh du xuân ba miền” để tặng Hoài Linh (ảnh Thanh Hiệp).
Trong bài vọng cổ hài đầu tiên Đêm tân hôn, câu chuyện viết về một đôi vợ chồng mới cưới, sự hoan hỉ đó được tôi tải bằng ca từ trữ tình, vui nhộn để miêu tả tâm trạng tràn ngập hạnh phúc của chú rể, mà NS Văn Hường lại có tài thể hiện ca từ theo trí tưởng tượng. Tôi bảo nhỏ Văn Hường “diễn trong ca”, chỉ vậy thôi mà anh đã làm đúng ý. Vì thế, Đêm tân hôn là phát pháo đầu tiên của trường phái này.
Từ vọng cổ hài đến kịch bản hài, có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả, điển hình là tác phẩm Ngao sò ốc hến của soạn giả NSND Nguyễn Thành Châu.
Trong ảnh là các NSƯT: Nam Hùng, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu (ảnh Thanh Hiệp).
Tôi viết thêm nhiều bản, tính sơ Văn Hường đã ca hơn 200 bài vọng cổ hài: Tôi không sợ vợ, Vợ tôi nói tiếng Tây, Năm con vợ, Vợ tôi mê tân nhạc, Vợ tui tui sợ, Vợ tui đẹp ác… Tuy nhiên, không lý chỉ lên án các bà? Gặp tôi vào mỗi sáng đi uống cà phê hoặc hớt tóc, trong khi nhiều ông cảm ơn thì các bà lại mắng vốn: “Không lẽ chỉ có phụ nữ là nhiều khuyết điểm sao?”. Vậy là tôi liền xuống bút viết: Tôi mê tài xỉu, Tôi mê số đuôi, Lá sớ táo quân, Ánh sáng đô thành, Tai nạn Honda…
Vọng cổ hài phát triển đã có nhiều nghệ sĩ học theo lối ca của NS Văn Hường, nổi tiếng sau này có NS Hề Sa (ảnh Thanh Hiệp).
Tôi nhớ 4 câu thơ trong bài Vợ tui tui sợ: Lỗ đầu ngẫm chẳng có sao/ Băng keo dán lại lấy dầu xức dzô/ Máu ra một lát nó khô/ Nhược bằng cãi lại ô hô sập nhà với lối ca ngâm rất duyên của Văn Hường khiến khán giả thích thú.
NS hài Bảo Chung và Kiều Mai Lý trong vở Tình mẫu tử của soạn giả Viễn Châu (ảnh Thanh Hiệp).
Mỗi khi hàng xóm có chuyện hay vợ chồng gây gổ thì nhiều người lại đem 4 câu thơ này ra để khuyên nhủ hãy nhường nhịn. Âu cũng là niềm hạnh phúc cho người viết vọng cổ hài.
Nặng nghiệp làm bầu
Tên tuổi NS Văn Hường vươn cao trên thị trường dĩa nhạc và được nhiều đại bang sân khấu mời về hát với cát sê cao ngất ngưởng. Anh trở nên nổi tiếng, cưới vợ, sắm nhà lầu, xe hơi. Vài năm sau, Văn Hường và Thanh Hải hùn vốn thối công tra (đền lại số tiền đã ký hợp đồng với đoàn, thường là gấp 2-3 lần) để lập gánh hát mang tên 2 người.
Văn Hường nặng nghiệp làm bầu cho đến năm 1975, anh về hai đoàn tập thể Thống Nhất (Tây Ninh) và Sống Chung (Phước Chung), tới năm 1987 mới nghỉ hẳn. Hôm hay tin tôi được tặng danh hiệu NSND, Văn Hường điện thoại réo: “Anh Bảy, đãi đi! Không đãi, Tư Ếch tôi rủ bạn bè tới nổi trận lôi đình là anh mệt”!
Kỳ tới: Lệ Thủy - đào chánh ngoại lệ.
Khi tôi ghé thăm gánh hát Trâm Vàng, một cô bé nhỏ xíu bước ra lễ phép chào. Anh Mười bầu gánh khoe: “Anh Bảy ơi, con nhỏ ca hay lắm, giọng lạ”. Tôi liền kêu Lệ Thủy ca thử. Lỗ tai và đôi mắt chuyên “khai quang điểm nhãn” đào kép hát của tôi đã mách bảo đây là một ngôi sao sáng ở tương lai...